Điện thoại bàn: Tưởng như đồ cổ nhưng smartphone vẫn chưa thể thay thế suốt hàng thập kỷ

    Tuấn Nguyễn,  

    Trong thời đại mà smartphone và công nghệ không dây thống trị giao tiếp cá nhân, thế giới kinh doanh vẫn gắn bó chặt chẽ với điện thoại bàn.

    Vì nhiều lý do, những chiếc điện thoại sử dụng dây đồng truyền thống vẫn giữ vai trò quan trọng trong môi trường thương mại – từ khách sạn, bệnh viện cho đến các tổ chức tài chính và văn phòng doanh nghiệp.

    Tuy nhiên, điện thoại bàn dành cho doanh nghiệp ngày nay đã thay đổi đáng kể: nhiều tổ chức đã chuyển từ hệ thống dây đồng truyền thống sang các giải pháp kỹ thuật số sử dụng giao thức Internet (IP) để truyền cuộc gọi. Sự chuyển đổi này được thúc đẩy bởi yếu tố tiết kiệm chi phí, tiện lợi và yêu cầu tuân thủ quy định, giúp các công ty như Cisco Systems và AT&T tiếp tục giữ vững vị thế trên thị trường thiết bị liên lạc. Theo Synergy Research Group, thị trường toàn cầu cho điện thoại IP đạt giá trị khoảng 1,3 tỷ USD vào năm 2024.

    Điện thoại bàn: Tưởng như đồ cổ nhưng smartphone vẫn chưa thể thay thế suốt hàng thập kỷ- Ảnh 1.

    Điện thoại bàn vẫn là công cụ chưa thể thay thế bằng smartphone.

    "Đây là mảng kinh doanh rất quan trọng," Zee Hussain, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách giải pháp doanh nghiệp toàn cầu tại AT&T chia sẻ với Wall Street Journal. Ông cho biết những chiếc điện thoại bàn là thiết bị không thể thiếu tại các quầy lễ tân bệnh viện hay quầy thu ngân nhà hàng. Trong ngành tài chính, điện thoại bàn còn hỗ trợ doanh nghiệp ghi, lưu trữ và theo dõi cuộc gọi để tuân thủ các quy định pháp lý.

    Cisco – một trong những nhà cung cấp hệ thống điện thoại doanh nghiệp lớn – tuy có sụt giảm doanh số trong nhóm nhân viên văn phòng, nhưng nhu cầu vẫn ổn định ở những khu vực như quầy lễ tân hay ngành dịch vụ lưu trú. "Người tiêu dùng phổ thông thì không còn dùng điện thoại bàn nhiều," Snorre Kjesbu, Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Tổng Giám đốc mảng công nghệ cộng tác và trải nghiệm nhân viên tại Cisco, cho biết. "Nhưng trong kinh doanh, nó vẫn thực sự là một nhu cầu lớn."

    Khách sạn: minh chứng rõ nhất cho vai trò bền vững của điện thoại bàn

    Các khách sạn chính là minh chứng rõ ràng nhất cho tính thiết yếu của điện thoại bàn. Steve Bearden, Phó Chủ tịch mảng thoại tại Allbridge – công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho ngành lưu trú – cho biết một khách sạn 250 phòng thường có hơn 300 chiếc điện thoại bàn, với ít nhất một chiếc trong mỗi phòng khách, và nhiều chiếc đặt ở các khu vực khác trong khách sạn.

    Tại một số bang của Mỹ, luật yêu cầu khách sạn phải trang bị điện thoại trong tất cả các phòng. Ngay cả khi không bắt buộc, nỗi lo trách nhiệm pháp lý cũng khiến nhiều khách sạn vẫn duy trì điện thoại bàn trong phòng, đề phòng trường hợp khách có sóng điện thoại yếu cần gọi cấp cứu.

    "Ở mảng khách sạn, tôi chắc chắn điện thoại bàn chưa thể biến mất trong tương lai gần," Cole Baker, Phó Chủ tịch phụ trách dịch vụ quản lý khách sạn tại Oldham Goodwin cho biết. Ông nói rằng việc loại bỏ điện thoại trong phòng sẽ làm giảm trải nghiệm của khách, vì nhiều người vẫn dùng để gọi lễ tân hoặc đặt dịch vụ phòng. Ngay cả tại văn phòng công ty của Oldham Goodwin, các nhân viên vẫn có điện thoại bàn nếu muốn sử dụng.

    Điện thoại bàn: Tưởng như đồ cổ nhưng smartphone vẫn chưa thể thay thế suốt hàng thập kỷ- Ảnh 2.

    Khách sạn: minh chứng rõ nhất cho vai trò bền vững của điện thoại bàn.

    Một số ngành khác cũng đang cân nhắc tương lai của điện thoại bàn. Tại hãng bảo hiểm New York Life, Giám đốc công nghệ Kevin Glynn cho biết hiện mỗi bàn làm việc đều có một chiếc điện thoại, dù công ty đang dần chuyển sang các hệ thống gọi điện bằng phần mềm. Glynn thừa nhận việc chuyển đổi sẽ không dễ dàng với một số nhân viên – ông từng trải qua tình huống có người kiên quyết không muốn bỏ điện thoại truyền thống do ổn định hơn.

    Tại hãng luật McDermott Will & Emery, điện thoại vẫn là vật quen thuộc trên hầu hết bàn làm việc – điều mà đồng Giám đốc mảng công nghệ và dịch vụ thuê ngoài, ông Shawn Helms, cho rằng phần lớn là do thói quen.

    Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp, việc tách bạch giữa cuộc gọi công việc và cá nhân, cùng yêu cầu ghi âm và theo dõi giao tiếp vì mục đích tuân thủ, là lý do then chốt để họ tiếp tục duy trì hệ thống điện thoại bàn, theo lời ông Hussain từ AT&T. Cả AT&T và Cisco đều tiếp tục đầu tư vào mảng điện thoại doanh nghiệp; riêng Cisco đã tích hợp công nghệ khử tiếng ồn nền bằng AI để phục vụ tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của người dùng trong môi trường làm việc hiện đại.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ