Dù một vài hãng khác cũng đang phát triển các smartphone blockchain, nhưng Sirin Labs lại cho rằng chiếc điện thoại của họ là số 1. Sirin Labs chính là công ty từng tung ra chiếc điện thoại bảo mật Solarin với giá lên đến 14.000 USD!
Lần này, Sirin Labs sẽ tái xuất với Finney, một thiết bị dành riêng cho cộng đồng blockchain. Finney được đặt tên dựa trên nhà tiên phong trong phong trào tiền mã hóa Bitcoin Hal Finney, và được miêu tả là "thiết bị di động đỉnh cao" của "thời đại blockchain". Thiết bị này có vẻ ngoài khá giống chiếc điện thoại trước đó của Sirin là Solarin, nhưng bên cạnh cấu hình phần cứng khá mạnh, những gì Sirin tích hợp bên trong Finney mới là thứ khiến chiếc smartphone này nổi bật giữa đám đông.
Như đã nói ở trên, Finney khá giống Solarin, đặc biệt là cụm camera hình giọt nước. Nhưng ngay phía trên cụm camera này, tức 1/5 phía trên của nắp lưng máy lại có thể trượt lên giống như các điện thoại Nokia nắp trượt cổ điển.
Khi trượt phần nắp này lên, bạn sẽ thấy một màn hình thứ hai gọi là "Safe Screen" (màn hình an toàn), được dùng vào mục đích thực hiện các giao dịch tiền mã hóa. Công ty cho biết Safe Screen chạy một firmware riêng biệt, cho phép người dùng kiểm tra nơi tiền của họ sẽ được chuyển đi trước khi quyết định chi trả. Phần trượt này còn kích hoạt một ví lạnh lưu trữ tiền mã hóa được thiết kế để lưu trữ khá nhiều loại tiền mã hóa khác nhau.
Finney chạy một phiên bản Android được tách nhánh giống Solarin, được Sirin Labs hứa hẹn là bảo mật hơn đáng kể so với Android gốc. Rõ ràng đây là điều cần có trên một chiếc điện thoại dành riêng cho việc truy xuất đến một cửa hàng ứng dụng blockchain và kiêm vai trò một chiếc ví lạnh. Về cấu hình phần cứng, Finney sẽ là một chiếc flagship chính hiệu, với chip Snapdragon 845 và 6GB RAM.
Một tính năng lớn đáng chú ý khác là Token Conversion Service (TCS) - một giải pháp nhằm đối phó với bản chất phi tập trung của tiền mã hóa. Bởi mỗi ngày có rất nhiều đồng tiền mã hóa mới được tung ra thị trường, rất khó để tìm ra nơi lưu trữ tiền của bạn. TCS sẽ hoạt động như một bên trung gian tự động chuyển đổi đồng SRN (đồng tiền mã hóa của Sirin Labs) thành các token cần thiết để thực hiện một giao dịch cụ thể.
Amit Krelman, trưởng bộ phận R&D của Sirin, giải thích ý tưởng này bằng cách so sánh với Uber. Thay vì đứng dưới mưa, mua token để thuê một chiếc xe, TCS sẽ đảm nhiệm mọi thứ cho bạn một cách tự động. Tuy nhiên ông không nói rõ hệ thống này sẽ xử lý thời gian giao dịch khá lâu và phí giao dịch như thế nào, khi mà đây là một vấn đề đang tồn tại khiến cộng đồng Bitcoin đau đầu tìm cách giải quyết.
Tất nhiên, bạn sẽ nghĩ việc mang theo tất cả tiền mã hóa của bạn trong một chiếc điện thoại có lẽ là một ý tưởng không mấy thông minh bởi nguy cơ bị đánh cắp là khá cao. Thế nhưng CMO (Giám đốc Marketing) của Sirin là Nimrod May tin rằng đó chỉ là một hiểu lầm của nhiều người về cách chúng ta sử dụng tiền mã hóa trong thế giới thực. Theo May, người dùng đơn giản là nạp vào Finney một lượng tiền mà họ cần dùng trong ngày, và để toàn bộ số còn lại ở một nơi an toàn tại nhà mình. Nghe có vẻ khá phức tạp so với việc mang theo một chiếc thẻ tín dụng, nhưng bù lại người dùng sẽ được hưởng lợi từ tính năng bảo vệ khỏi lừa đảo.
Trong khi Solarin được sản xuất bởi Flextronics tại một nhà máy ở Thụy Sỹ, thì Finney lại được sản xuất bởi Foxconn nhằm giảm giá thành. Việc chuyển sang hợp tác với một hãng sản xuất đại trà là yếu tố quan trọng nhằm giảm giá máy xuống mức 1.000 USD, và rõ ràng nhu cầu dành cho chiếc máy này là có, khi mà Sirin đã thu về gần 158 triệu USD trong một đợt crowdsale hồi cuối năm ngoái.
Nhu cầu này có thể sẽ tăng lên khi mà Sirin mới đây vừa ký kết hợp đồng quảng cáo với...Lionel Messi. Siêu sao bóng đá này sẽ đóng vai trò đại sứ hình ảnh cho Finney, như anh đã làm với các công ty như Adidas, Gatorade, Pepsi, Ooredoo, Huawei, Hawkers, Tata Motors và Mastercard. Khi Finney được chính thức bán ra vào tháng 11, có lẽ chúng ta sẽ được chứng kiến Leo biểu diễn vài mánh đá bóng thú vị nhằm quảng bá cho chiếc điện thoại này.
Tham khảo: Engadget
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"