Điện thoại thương hiệu Việt tiếp tục gặp khó

    PV,  

    Từng có thời điểm chiếm lĩnh tới 40% thị phần thị trường di động, thế nhưng, sự suy thoái của nền kinh tế cùng chính những vấn đề về chất lượng sản phẩm đã khiến các dòng điện thoại thương hiệu Việt gặp khó khăn. Nhiều thương hiệu Việt đã phải thu hẹp quy mô hoặc rút lui khỏi thị trường.

    Thua trên sân nhà

    Năm 2009 và 2010 đã từng được coi là thời "hoàng kim” của những tên tuổi "made in Việt Nam”. Những thương hiệu như Q-mobile, Mobiistar, FPT, Hi-Mobile... đã từng gây được sự chú ý của đông đảo người dùng bởi đảm bảo đầy đủ tính năng nhưng mức giá lại rất cạnh tranh so với các dòng sản phẩm khác. Tuy nhiên, trước cuộc đổ bộ của những thương hiệu tên tuổi như Nokia, Samsung, LG... các sản phẩm Việt dần bị lấn sân.

    dien-thoai-thuong-hieu-viet-tiep-tuc-gap-kho

    Trong năm 2012, nền kinh tế khó khăn cùng với sự cạnh tranh mạnh mẽ đến từ nhiều phía càng khiến các hãng sản xuất di động trong nước gần như khủng hoảng đầu ra. Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường IDC Việt Nam, lượng điện thoại di động tại thị trường Việt trong quý II đã giảm tới 18% so với quý I. Phân khúc điện thoại cơ bản sụt giảm 20,3%. Phân khúc điện thoại thông minh (smartphone) – vốn được cho là sẽ chiếm lĩnh thị trường từ nay đến cuối năm cũng sụt giảm gần 4%.

    Thêm vào đó, đa phần người tiêu dùng cũng đều cho rằng, trên thực tế, các nhà sản xuất trong nước mới chỉ đưa ra được ý tưởng thiết kế, còn đa phần linh phụ kiện vẫn được sản xuất tại Trung Quốc. Chính điều này phần nào làm người tiêu dùng, nhất là người dùng ở các đô thị lớn, không đặt nhiều niềm tin vào chất lượng sản phẩm Việt. Chính vì thế, những tên tuổi trong làng di động Việt giờ đây hầu như không còn thu hút được sự chú ý của người dùng. Nhiều thương hiệu đã bắt đầu rút lui khỏi thị trường, đơn cử như, đầu tháng 8 vừa qua, sau hơn 1 năm hoạt động, tập đoàn HiPT đã chính thức từ bỏ thương hiệu điện thoại Hi-Mobile. Tập đoàn CMC cũng đang bắt đầu thu hẹp dần thương hiệu BlueFone.

    Khó giành lại thị trường

    Không chịu lùi bước trước khó khăn, các nhà sản xuất điện thoại thương hiệu Việt vẫn tiếp tục đặt kỳ vọng vào thị trường, tích cực nghiên cứu, sáng tạo và cho ra đời những dòng sản phẩm mới. Đầu tiên phải kể đến là những nỗ lực của công ty TNHH Viễn Thông An Bình ABTel – với thương hiệu Q-mobile từng chiếm tới 20% thị phần trên thị trường. Sau một thời kỳ im hơi lặng tiếng, cuối tháng 9 vừa qua, An Bình ABTel đã chính thức tung ra thị trường 3 sản phẩm mới thuộc dòng điện thoại thông minh Q-Smart, tích hợp đầy đủ các kết nối wifi, 3G, định vị toàn cầu GPS, 2 sim 2 sóng với mức giá từ 1,9 – 3,8 triệu đồng. Ba sản phẩm này đều thuộc nhóm smartphone tầm trung hướng tới đối tượng người dùng có thu nhập trung bình – khá hoặc những người đang sử dụng điện thoại phổ thông có nhu cầu chuyển sang dùng smartphone.

    dien-thoai-thuong-hieu-viet-tiep-tuc-gap-kho

    Đánh giá về định hướng này, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận của các doanh nghiệp trong nước. Việc chuyển đổi sản xuất theo xu hướng thị trường, tập trung vào dòng điện thoại thông minh hướng tới mọi tầng lớp người dùng, đồng thời vẫn duy trì dòng điện thoại phổ thông là hướng đi phù hợp nhất trong thời điểm này. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra ở đây là, khó có chuyện các "đại gia” tên tuổi như Nokia, Samsung, LG, HTC... chịu nằm yên, họ cũng luôn tung ra các dòng sản phẩm mới với cấu hình và giá cả ngày một rẻ để cạnh tranh. 

    Theo Đại Đoàn Kết
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ