(GenK.vn) - Những kinh nghiệm nhỏ nhưng hữu ích giúp bạn chụp được những bức ảnh phong cảnh đẹp hơn từ điện thoại của mình.
Có một xu hướng không ai có thể phủ nhận được: Camera trên điện thoại đang ngày càng trở nên tốt hơn, quan trọng hơn và được đầu tư nhiều hơn. Nếu như cách đây 10 năm tính năng chụp ảnh trên smartphone hầu như chỉ đóng vai trò thứ yếu và chủ yếu là để lưu giữ lại những khoảnh khắc bất chợt thì giờ đây có đôi khi sự tiện lợi của camera trên điện thoại đem lại lợi ích vượt qua cả những chiếc DSLR cồng kềnh, nặng nề. Vì nói cho cùng, chiếc máy ảnh tốt nhất là chiếc máy ảnh bạn luôn có bên người.
Mặc dù vẫn còn rất nhiều hạn chế, nhưng nếu biết cách tận dụng triệt để, bạn vẫn có thể tạo ra những bức ảnh không đến nỗi nào từ chiếc smartphone của mình.
Tận dụng tốt tính năng sẵn có của chiếc smartphone và bạn hoàn toàn có thể để DSLR ở nhà khi đi du lịch nếu chỉ chụp ảnh phọng cảnh. (Ảnh: Minh Lết - Note 3)
Một trong những yếu điểm lớn nhất của camera phone là độ dày DOF tương đối lớn, khả năng xoá nền yếu, khả năng chống rung, chụp thiếu sáng yếu do cảm biến nhỏ cũng như các tính năng điều chỉnh Manual rất hạn chế (trừ 1 số máy thuộc dòng Lumia cao cấp hoặc chiếc One M8 chạy Android mới ra). Những yếu điểm ấy khiến camera trên điện thoại nhìn chung chụp khó đẹp trong các tình huống chân dung, nội cảnh hoặc ảnh nghệ thuật.
Nhưng đồng thời góc trông rộng, DOF dày lại khiến camera trên điện thoại đặc biệt toả sáng ở mảng ảnh phong cảnh. Bài viết dưới đây sẽ giúp những bạn đọc đang chập chững bước vào công cuộc chụp ảnh phong cảnh trên điện thoại có được những kiến thức cơ bản để làm chủ chiếc camera phone của mình. Hi vọng trong 2 phần với thời lượng đọc khoảng 30 phút bạn đọc sẽ nắm được những nguyên tắc giúp ảnh chụp được bắt mắt hơn. Trong bài viết tôi có sử dụng những thuật ngữ cơ bản về nhiếp ảnh như dynamic range, HDR, đo sáng v...v.... mà không giải thích lại. Bạn đọc có thể google để hiểu thêm về các kiến thức này.
1. Phần mềm
1 trong những yếu tố quyết định chất lượng của 1 bức ảnh chụp từ smartphone là phần mềm. Do có quá nhiều hạn chế về kích thước cảm biến, cơ chế điều khiển cũng như hệ thống quang học, ảnh chụp từ camera trên smartphone đòi hỏi rất nhiều sự hỗ trợ từ phần mềm của máy để đạt chất lượng "chấp nhận được".
Trước hết là chế độ HDR, do có dải chênh sáng (dynamic range) rất hẹp so với máy ảnh chuyên nghiệp, camera phone cần tới sự hỗ trợ của chế độ HDR để bù đắp cho khuyết điểm này. HDR sẽ giúp bạn xử lý các tình huống ngược sáng, chênh sáng, giúp ảnh chụp ra giảm hiện tượng "cháy" vùng sáng hoặc "om" vùng tối. Mặc dù hiệu quả của chế độ HDR trên điện thoại rất hạn chế nhưng "méo mó có hơn không".
Chế độ HDR có thể đem lại sự khác biệt lớn trong các tình huống thiếu sáng. Chú ý phần nền trời bị cháy trong bức ảnh bên trái lại nổi thêm nhiều chi tiết trong bức ảnh bên phải, phần cây ở rìa đường cũng nổi lên chứ không còn bị "om". (Ảnh: Google)
Lời khuyên đầu tiên của tôi là hãy sử dụng HDR bất kỳ khi nào có thể. Hiện tại hầu hết điện thoại đều tích hợp tính năng này sẵn trong app chụp ảnh mặc định của máy dù tên gọi của chế độ chụp này có thể khác nhau đôi chút. Ở iPhone là HDR, các máy Android thường là HDR, BackLight hoặc Rich Tone, bạn cứ yên tâm là dù tên là gì thì công dụng của chúng đều giống như nhau.
Khi đo sáng ảnh phong cảnh hãy chú ý ưu tiên đo sáng cho vùng tối và để vùng sáng cho chế độ HDR. Nguyên nhân là nếu như bạn đo sáng vào vùng sáng trước thì các chi tiết rơi vào vùng tối sẽ bị "om", phơi sáng không đủ và khi dùng phần mềm tăng sáng cho vùng tối sẽ gây hiện tượng nhiễu, làm mất độ trong trẻo của bức ảnh.
Bên cạnh các phần mềm chụp ảnh thì phần mềm ghép, xử lý hậu kỳ cũng đóng 1 vai trò quan trọng khi chụp ảnh phong cảnh. Trước tiên là phần mềm ghép.
1 bức ảnh phong cảnh muốn đẹp thì phải đảm bảo điều kiện đầu tiên là độ hoành tráng, bạn phải đưa được người xem vào đứng trong không gian nơi bạn chụp bức ảnh đó. Cách dễ nhất để làm điều ấy là tạo ra 1 bức ảnh có góc nhìn rộng, thu được nhiều chi tiết vào trong khung hình. Để có được 1 bức hình với góc nhìn rộng thì cách duy nhất là sử dụng phần mềm ghép nhiều bức ảnh vào với nhau.
Chế độ Panorama trên iPhone chỉ cho phép ghép 1 hàng ảnh theo chiều ngang
Có 2 lựa chọn khi bạn quyết định chụp 1 tấm panorama góc rộng bằng cách ghép nhiều bức ảnh nhỏ với nhau trên điện thoại: ghép ngay trong lúc chụp bằng các chế độ PhotoSphere hay Panorama trong trình duyệt hoặc ghép sau khi chụp bằng phần mềm của bên thứ 3. Ghép trong khi chụp cho tốc độ ghép nhanh tuy nhiên ghép hình thường hay gặp lỗi "mất đầu mất tai" hoặc bị gãy hình trong khi ghép sau khi chụp đòi hỏi thời gian ghép rất lâu nhưng cho kết quả chính xác hơn nhiều.
Trong khi đó PhotoSphere của Google có khả năng ghép nhiều hàng ảnh cùng trên 1 tấm, linh hoạt hơn.
Cách thứ 1 hiện tại hầu như tất cả các hãng sản xuất đều hỗ trợ tính năng Panorama và 1 số ít máy chạy Android hỗ trợ PhotoSphere. Nếu như bạn sử dụng Android thì 1 trong những app hỗ trợ PhotoSphere cũng như Panorama tốt nhất đó là Google Camera, cho kết quả vừa nhanh, chính xác và bức ảnh sau ghép đều màu, đều sáng, không bị "áo vá". (Tải tại đây). Nếu bạn dùng iPhone và Windows Phone thì sự lựa chọn tốt nhất là trình chụp ảnh mặc định.
Còn nếu bạn muốn thử cách thứ 2 thì 1 gợi ý của tôi là apps PanoStitch trên Android. Phiên bản miễn phí giới hạn phân giải của ảnh xuất ra nhưng vẫn cho kết quả rất tốt. Trên iOS cũng có AutoStitch với tính năng tương đương dù tôi chưa có điều kiện dùng thử. Cách dùng các ứng dụng này rất đơn giản, bạn chỉ cần chọn các bức ảnh thành phần rồi để phần mềm tự ghép, thời gian ghép với những bức ảnh lớn có thể lên tới trên 5 phút nhưng kết quả cho ra rất khả quan, ảnh ít gãy, các mảng màu chuyển đổi tự nhiên. Vì là ghép các ảnh thành phần sau khi chụp nên bạn có thể chụp các ảnh thành phần ở chế độ HDR khi gặp các tình huống ngược sáng rồi ghép bằng phần mềm để mở rộng thêm dynamic range của ảnh, đem lại cho bức ảnh nhiều chi tiết hơn.
1 bức ảnh ghép từ 12 bức ảnh con chụp ở chế độ HDR bằng PanoStitch. Chú ý các phần có độ chênh sáng lớn như chỗ mặt trời và cái cây, bãi cỏ đều hiện lên khá chi tiết mà không bị om, cháy nhờ vào sự hỗ trợ của HDR. (Ảnh: Minh Lết - Note 3)
2. Bố cục
Nhiều người khi sử dụng chế độ Panorama trên smartphone thường bị sa đà vào việc mắm môi mắm lợi kéo thật lực để cho ra những bức ảnh... dài ngoẵng. Sự thực là 1 tấm panorama quá dài sẽ không thể hiện thị đầy đủ trên màn hình cũng như khi rửa ảnh, thay vào đó người xem sẽ chỉ thấy 1 dải hình ảnh dài ngoằng, bé tí, cuộn mãi vẫn chưa thấy chủ thể cần xem hoặc chủ thể cần xem bị lẫn vào quá nhiều thứ linh tinh.
1 bức ảnh dài ngoẵng như thế này thật vô duyên hết sức dù cảnh sắc rất đẹp nhưng người xem không biết nên nhìn vào đâu? (Ảnh: sưu tầm từ Epicycle)
Vì vậy 1 bức ảnh phong cảnh đẹp cũng giống như 1 bài văn, có mở, thân, kết tất cả gói gọn trong 1 bố cục vừa phải, không quá dài dòng. Tỉ lệ lý tưởng cho 1 tấm Panorama là 16:9, tỉ lệ này hiển thị tốt trên hầu hết màn hình cũng như rất vừa vặn khi in ra, khi chụp 1 bức ảnh panorama bạn nên chụp thừa thãi 2 bên và trên dưới 1 chút để khi crop có thể co kéo sao cho phần cảnh cần chụp nằm đúng trọng tâm của bức ảnh.
Người dùng Android nên tận dụng tính năng PhotoSphere, cho phép ghép 2,3 dòng ảnh lên 1 bức thay vì chỉ có 1 đường kéo ngang tuyến tính như chế độ Panorama trên các smartphone khác, chồng 2,3 dòng ảnh lên 1 bức ảnh cho phép người chụp linh hoạt hơn trong việc crop, bố cục khung ảnh cũng như giúp bức ảnh có góc nhìn rộng hơn về cả 2 chiều thay vì chỉ đi theo 1 chiều ngang như Panorama. Phần mềm PanoStitch cũng cho phép ghép nhiều dòng ảnh lên 1 bức toàn cảnh rất tốt.
1 bức toàn cảnh đẹp nên có bố cục cân đối, làm bật được trọng tâm của bức ảnh. (Ảnh: Minh Lết, Galaxy Note 2)
Tỉ lệ 1:3 cũng nên được tuân thủ chặt chẽ trong ảnh phong cảnh, đường chân trời nên đặt ở 1/3 chiều cao bức ảnh để tạo cảm giác hài hoà, cân đối.
Nhiều người quan niệm ảnh phong cảnh không cần chủ thể nhưng theo tôi điều này hoàn toàn sai lầm. Bạn nên chọn lấy 1 thứ gì đó trong khung hình để làm điểm nhấn, thu hút sự chú ý của người xem. Đó có thể là 1 mảng mây đẹp, 1 cái cây đang vươn mình dưới ánh hoàng hôn hay 1 ngọn núi độc lập sừng sững.
3. Kỹ thuật
Dù là dùng chế độ chụp tự động ghép hình (panorama, PhotoSphere) hay chụp tay từng tấm rồi đưa vào phần mềm để ghép lại thì bạn cũng cần nhớ những điều sau đây để bức ảnh ghép được liền lạc, không gãy, không lỗi:
a. Chủ thể đặt ở xa vị trí chụp: Một trong những nguyên nhân chính gây nên sự cố gãy ảnh khi chụp bằng chế độ panorama hay photosphere là người chụp đứng quá gần nơi định chụp. Đảm bảo khoảng cách ít nhất 10m từ nơi định chụp đến nơi mình đứng sẽ giúp bức ảnh panorama của bạn không bị gãy.
Đứng quá gần đối tượng cần chụp là 1 lý do khiến bức ảnh ghép bị gãy.
b. Không di chuyển máy, lấy camera làm tâm quay: Một trong những bí quyết quan trọng nhất khi chụp ảnh để ghép lại với nhau là bạn không được di chuyển vị trí của camera. Tôi từng thấy nhiều người chụp cầm máy quay vòng vòng và dĩ nhiên kết quả bao giờ cũng là những bức ảnh gãy tùm lum. Hãy giữ nguyên vị trí mà bạn đứng, giữ nguyên vị trí của máy, chỉ xoay máy xung quanh 1 tâm quay là camera của máy, chụp hết 1 hàng ảnh rồi chụp tới hàng ảnh ở trên thay vì chụp lung tung. Nếu bạn chụp nhiều ảnh nhỏ để cho vào phần mềm ghép thì hãy nhớ rằng các ảnh phải được chồng lấn ít nhất 25%, chủ thể chụp càng gần thì vùng chồng lấn càng cần nhiều hơn.
Chỉ xoay máy theo 2 trục lấy camera làm tâm, không di chuyển máy, không xoay người khi chụp.
c. Khi chụp vào lúc trời nhá nhem chú ý các vùng tối sẽ mất nhiều thời gian phơi sáng hơn, khi đưa máy tới các vùng đó hãy chậm rãi, từ tốn nếu không bạn sẽ nhận lại kết quả là những bức ảnh có vùng bị mờ do rung.
d. Tránh xa những nơi có vật thể chạy ngang khung hình ở gần người chụp: Lan can, vỉa hè, con đường, bờ hồ... tất cả đều có thể nằm vắt vẻo, cong queo trong bức ảnh panorama của bạn nếu bạn không chú ý tránh xa chúng. Nếu không thể tránh được những vật thể này hãy cố gắng đưa chúng vào giữa khung hình để tạo hiệu ứng đối xứng giúp bức ảnh hài hoà hơn.
Đứng quá gần các vật thể như lan can, vỉa hè không chỉ khiến chúng lọt vào khung hình với vẻ cong queo mà còn bị gãy khi ghép nhìn rất khó chịu. Ảnh: Sưu tầm
e. Ưu tiên các mảng tương phản màu sắc. Nếu bạn muốn có 1 bức ảnh phong cảnh đẹp bạn sẽ cần những mảng màu sắc rực rỡ đối lập nhau. Có thể là tương phản giữa 1 bãi cỏ xanh mướt với bầu trời xanh ngắt, 1 áng mây trắng bông với nền trời thiên thanh hoặc 1 con đường rực đất đỏ với nền trời không 1 gợn mây.... Cố gắng chọn những khung cảnh ưa nhìn với màu sắc đối lập nhau sẽ tạo hiệu ứng thị giác tốt hơn cho bức ảnh.
1 bức ảnh phong cảnh đẹp cần sự tương phản màu sắc. Sự đối lập giữa đất đá bạc trắng và nền trời xanh biếc khiến bức ảnh dễ bắt mắt. (Ảnh: Minh Lết - Note 3)
f. Tránh xa thiếu sáng, chạng vạng. Với yếu điểm về khả năng bắt sáng yếu do cảm biến nhỏ cũng như khó cầm vững máy, dễ rung tay so với DSLR, các camera phone thường rất yếu trong các tình huống thiếu sáng. Ảnh ngoại cảnh cũng không ngoại lệ. Nếu bạn muốn chọn ảnh bình minh, hoàng hôn bằng chiếc smartphone của mình thì đừng phí công bấm máy trước khi trời sáng vì kết quả bạn thu được sẽ chỉ rất khiêm tốn mà thôi.
Những tình huống chạng vạng như thế này nằm ngoài năng lực của camera trên smartphone. (Ảnh: Minh Lết - 5D MkII)
g. Nếu có phím cứng, hãy sử dụng phím cứng. Nhiều camera phone hỗ trợ phím cứng chuyên biệt cho chụp ảnh, hãy dùng chúng để tay máy được vững, hạn chế rung nhoè. Các máy như iPhone và nhiều dòng Android không có phím cứng nhưng có thể thiết lập phím tăng giảm âm lượng làm nút chụp. Hãy tìm cách kích hoạt tính năng này, chúng sẽ rất hữu dụng trong nhiều trường hợp.
h. Tránh những vật thể chuyển động: Nếu bạn đứng chụp panorama hay PhotoSphere trên đường thì 1 xác suất rất lớn là bạn sẽ bị dính người hay xe cộ qua lại và chẳng dễ chịu gì khi ngay trên bức ảnh của bạn lù lù 1 cái đuôi ô tô cụt 1 mẩu. Kinh nghiệm là hãy để ý nhìn ngắm từ trước để phát hiện các xe đang tới gần, dừng chụp khi nó lọt vào khung hình và chỉ tiếp tục khi xe/người đó đã ra khỏi vùng cần chụp.
Những bức ảnh mất đầu mất đuôi kiểu này là 1 cơn ác mộng với người chụp. Kiên nhẫn 1 chút thì chuyện này sẽ không xảy ra. (Ảnh: Minh Lết).
i. Chọn phân giải tối đa có thể được. Trừ iPhone, các phần mềm chụp panorama hoặc apps camera kèm máy, apps ghép ảnh đều cho phép chọn phân giải của bức ảnh bạn sẽ nhận được. Nếu có thể hãy chọn phân giải cực đại. Phân giải lớn sẽ giúp bạn thoải mái hơn trong việc biên tập, hậu kỳ cũng như khi chia sẻ, thậm chí là in ra để lưu trữ. Ngay cả khi chụp ảnh đơn, chọn độ phân giải cao nhất giúp bạn tận dụng hết góc nhìn của camera, cho ra bức ảnh có góc nhìn rộng và ưa nhìn hơn. Nhiều smartphone đời mới thường để tỉ lệ khung hình của ảnh chụp ra là 16:9 thực ra chưa phải hết phân giải của máy. Chọn tỉ lệ khung 4:3 với phân giải cực đại sẽ giúp ảnh chụp ra có góc nhìn rộng hơn, không bị cắt xén.
Các ứng dụng ghép, chụp ảnh đều cho phép chọn độ phân giải của ảnh thành phẩm. Hãy chọn mức phân giải cao nhất có thể.
(còn tiếp)
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"