"Hậu trường" Apple: Những câu chuyện chưa bao giờ kể (Phần 1)

    Minh Lết, Minh Lết  

    Trái ngược với hình ảnh thân thiện Apple trưng ra với khách hàng, công chúng, nội bộ Apple lại hoạt động dưới kỷ luật thép và những chế tài khắc nghiệt. Hãy cùng xem cách Steve Jobs điều hành Apple.

    Có lẽ trên thế giới chúng ta đang sống, không có 1 công ty nào có phong cách kinh doanh cũng như nguyên tắc hoạt động kỳ lạ như Apple. Là công ty thành công nhất (và lớn nhất) hành tinh, nhưng những gì mà người "ngoại đạo" biết về nội tình của Apple ít đến thảm hại. Dường như tất cả những nhân viên làm việc cho Apple đều ký 1 thỏa hiệp im lặng. Không nói những việc không phải phận sự của mình, không nghe những chuyện không liên quan đến mình, và không thấy những điều không được thấy.

    Bài báo gây chấn động dư luận vì phơi bày nhiều bí mật nội bộ của Apple trong khi công ty này đang có doanh thu tăng đều như vắt chanh.

    Ngoài những báo cáo tài chính hàng quí và những gì Apple thông báo chính thức với báo giới, những thông tin mà người ngoài được nghe về nội tình của Apple đều chỉ ở dạng "tin đồn". Thậm chí báo chí nhiều khi cũng phải tốn sức 9 trâu 2 bò mới "cậy" được những thông tin nhỏ giọt từ miệng của 1 nhân viên cũ của Apple, chưa nói tới những người còn đang tại nhiệm. Khi nhìn vào các thành viên chủ chốt của Apple, chúng ta hầu như chỉ biết được thân thế của họ trước khi gia nhập công ty này, còn sau khi gia nhập Apple, hồ sơ của những người đó với công chúng gần như "phủ bụi".

    Apple, công ty thành công nhất và cũng bí mật nhất hành tinh với đủ loại cấm lệnh ở mọi phương diện.

    Và trong tháng 5 vừa rồi, 1 bài báo của tác giả Adam Lashinsky trên tờ báo chuyên về tài chính Fortune đã thả một quả bom vào trong giới mộ đạo khi quyết định công bố những thông tin "mật" về nội bộ của Apple. Hầu như đây là lần đầu tiên những câu chuyện hậu trường của Apple bị phơi bày trên mặt báo, cho chúng ta được cái nhìn thú vị về 1 Apple rất khác, 1 Apple phía sau những iPod, iPhone, iPad, Macbook... 

    Bài báo ngắn ngủi càng gây sốt hơn khi không được công bố miễn phí mà chỉ xuất hiện trong ấn bản in của Fortune và bán dưới dạng ebook trên Amazon Kindle Store. Dù có cái giá không hề thấp: 2.99$ (ở các thị trường ngoài US, trong đó có Việt Nam), bài báo đã vượt mặt tất cả các cuốn sách in khác để trở thành Best Seller trong suốt 2 tuần qua. 

    Vậy thì Lashinky đã tiết lộ những gì để khiến giới mộ đạo phát cuồng như vậy?  Chúng tôi xin tổng hợp lại vắn tắt những gì mà tác giả đã hé lộ về Apple dưới dạng những mẩu chuyện nho nhỏ. Và xin đảm bảo với bạn đọc rằng, những gì bạn sẽ đọc sau đây là những điều chưa từng được tiết lộ trước đó.

    Chuyện thứ 1: Steve Jobs không khoan nhượng cho sai lầm.


    Trong những năm gần đây, các sản phẩm của Apple có thể nói là "bất khả chiến bại". Khi mới ra đời chúng có thể bị cười nhạo, bị chê bôi, bị chế giễu. Nhưng tất cả đều thành công vang dội. Thử nhìn vào Macbook Air bị giới chuyên môn chỉ trích vì giá thành cao ngất ngưởng với dung lượng thấp đến thảm hại và tốc độ xử lý rùa bò. 

    Thế nhưng thực tế thì sao? Đến tận bây giờ vẫn chẳng có laptop "siêu di động" nào lật đổ được ngôi vị của MBA. iPad cũng vậy, bị chế giễu là "chiếc iPod Touch phóng to" nhưng sự thực là vị trí thống trị của iPad. Con số 20 triệu iPad bán ra ở thời điểm hiện tại sau 1 năm ra mắt đã là minh chứng hùng hồn cho sự thành công của nó.

    Nói thế không có nghĩa là sản phẩm nào của Apple cũng thành công vang dội như vậy. Apple cũng có những sản phầm tồi. Và khi 1 sản phẩm của Apple được công bố khi chất lượng không được đảm bảo, "bão tố" lập tức giáng lên đầu bộ phận phát triển sản phẩm đó.

    Một ví dụ điển hình của trường hợp này là vào mùa hè năm 2008, Apple cho ra đời phiên bản iPhone 3G cùng với dịch vụ Mobile Me. Mobile Me thực ra là dịch vụ nâng cấp của email @mac.com trước đó với việc bổ sung thêm các tính năng đồng bộ dữ liệu của iPhone với Mobile Me. Hiểu 1 cách đại khái, Mobile Me cung cấp dịch vụ đồng hóa sao lưu danh bạ, tin nhắn, ảnh chụp... từ các máy Mac và iDevices lên 1 ổ cứng trên mạng. Thời gian đó tôi cũng nhờ 1 anh bạn ở Mỹ mua hợp đồng dịch vụ này 1 năm để dùng thử (với giá 99$/năm, khá cắt cổ nếu so với các dịch vụ cùng loại). 

    Mobile Me bị chỉ trích vì giá đắt và hoạt động quá chậm chạp, hay gặp lỗi.

    Và tôi cảm thấy rất thất vọng, Mobile Me tỏ ra vô cùng chậm chạp, nhất là khi sử dụng các tính năng như iDisk, đồng hóa ảnh, danh bạ. Thậm chí cả tính năng email trước đó hoạt động rất tốt trên dịch vụ @mac.com giờ đây cũng trở nên chậm chạp khi chuyển sang @me.com. Và không phải riêng mình tôi gặp những vấn đề kiểu này mà còn rất nhiều người sử dụng khác cũng gặp những khó khăn tương tự. Mobile Me thực sự là 1 sản phẩm khiếm khuyết của Apple ngay trong ngày ra mắt.

    Nhưng đến giờ thì có vẻ như những khó chịu mà người sử dụng như tôi gặp phải chẳng thấp thám gì so với những rắc rối mà nhóm phát triển Mobile Me gặp phải với Steve Jobs. Một buổi chiều xấu trời sau khi Mobile Me "lên sóng" vài ngày, cả nhóm phát triển của Mobile Me bị "điệu" đến trước mặt Steve Jobs. Trước tiên, Steve ngồi xuống đan tay vào nhau, đặt trên mặt bàn và hỏi các thành viên trong nhóm: "Ai ở đây có thể cho tôi biết Mobile Me cần có những chức năng gì?"

    Tất nhiên các thành viên phát triển Mobile Me cũng không phải loại dốt nát cuối cùng cũng đưa được câu trả lời vừa ý Steve Jobs về chức năng của sản phẩm mà họ phát triển. Nhận được câu trả lời thích đáng, Steve bình thản nói tiếp: "Vậy thì thế quái nào mà nó (Mobile Me) lại không làm tốt những tính năng đó?". Trong nửa tiếng tiếp theo, Steve dành thời gian xỉ vả nhóm phát triển về việc họ không hoàn thành nhiệm vụ của mình. "Các anh đã bôi nhọ thanh danh của Apple, và các anh nên căm ghét chính mình vì đã làm thất vọng lẫn nhau". 

    Nhưng sự trừng phạt của Jobs dành cho sai lầm của nhân viên thuộc cấp không dừng lại ở đó.

    Chuyện thứ 2: Steve Jobs và những lời mỉa mai.


    Có lẽ chúng ta đều nghĩ rằng Steve Jobs có vẻ như "miễn nhiễm" với tất cả các loại mỉa mai từ phía báo giới cũng như dư luận. Và cũng có rất nhiều cơ sở để chúng ta tin tưởng như vậy. Lấy 1 vài ví dụ như sự kiện iPhone 4 bị lỗi ăng ten, khi cả giới công nghệ như sôi lên vì sự "cẩu thả" này của Apple, thì Steve Jobs vẫn "bình chân như vại". Scandal theo dõi người sử dụng của iOS 4 ? Chuyện nhỏ. 

    Thế nhưng qua những gì mà tác giả Lanshiky tiết lộ, có lẽ cách ứng xử với chỉ trích của Steve Jobs lại không được bình thản như người ta vẫn tưởng. Cũng trong buổi "tổng xỉ vả" các thành viên của nhóm Mobile Me vừa nói ở trên, Steve Jobs ngậm ngùi kết luận: "Mossberg, bạn của chúng ta, đã không còn viết những điều tốt đẹp về Apple nữa". Mossberg mà Steve đề cập ở đây là Walt Mossberg, phụ trách mảng công nghệ của tờ báo tiếng tăm Wall Street Journal, người đã thẳng tay viết ra một bài báo phê bình gay gắt những khuyết điểm của Mobile Me. 

    Và ngay tại đương trường, Steve sa thải luôn hầu hết thành viên của nhóm phát triển Mobile Me. Những người còn "sống sót" sau cuộc thanh trừng này cuối cùng cũng "kéo" được Mobile Me đi theo đúng sự kỳ vọng của Steve Jobs. (Đó là nghe nói vậy vì từ sau khi hết hạn tài khoản vào năm ngoái tôi không gia hạn hợp đồng nữa).

    Bài học từ câu chuyện này? Nếu bạn làm việc cho Steve Jobs, thì hãy cố gắng đừng để báo chí chỉ trích phần việc của mình, nếu không bạn sẽ phải tìm chỗ làm mới.

    Câu chuyện thứ 3: Triết lý của Steve Jobs.


    Giả thiết là nếu bạn làm việc cho Apple và chuẩn bị bước vào vị trí Phó Chủ Tịch (Vice President) trở lên, thì bạn hãy sẵn sàng tinh thần để nghe bài thuyết trình mà Steve Jobs sẽ nói với bạn. Steve Jobs luôn có 1 bài "giảng đạo" dành cho những ai chuẩn bị lãnh trọng nhiệm ở Apple.

    Đó là giả thiết, còn nếu như bạn không phải là nhân viên Apple và có lẽ cũng chẳng bao giờ bước chân vào cái ghế phó chủ tịch mà vẫn muốn được nghe bài "diễn văn giữa 2 người" của Steve thì đừng lo, vì hình như những bài diễn văn kiểu này của ông chỉ có duy nhất... 1 nội dung. Và Adam Lanshinky rất may là đã tìm được "dị bản" của 1 trong những bài nói chuyện đó.

    Đại khái nội dung của nó như sau (dưới lời của Jobs): "Có 1 hôm thùng rác trong văn phòng tôi không được dọn dẹp, tôi hỏi người quét dọn vì sao không đổ rác. "Vì khóa cửa đã đổi mà tôi thì không có chìa", người quét dọn trả lời. Tôi đồng ý. Đó là 1 lý do bào chữa hợp lý, và hoàn toàn chấp nhận được vì nói cho cùng anh ta chỉ là 1 người kiếm sống bằng nghề quét dọn. Người quét rác được quyền giải thích vì sao và tại ai mà anh ta không hoàn thành công việc hoặc công việc do anh ta quản lý xảy ra lỗi lầm. Tóm lại, một người quét rác được phép bào chữa về sai lầm của mình, còn những người lãnh đạo thì không. Ở đâu đó giữa vị trí của 1 anh quét rác và 1 CEO có lằn ranh ngăn cách giữa việc được bào chữa về sai lầm của mình hay không. Và anh sẽ vượt qua lằn ranh đó khi anh ngồi vào cái ghế phó chủ tịch".

    1 người quét dọn được phép bào chữa cho sai lần của mình, còn người lãnh đạo thì không.

    Bài diễn văn ngắn gọn của Jobs chắc chắn là đã gây ấn tượng mạnh mẽ với những ai ngồi vào ghế Phó Chủ Tịch của Apple. Bằng chứng là từ đó tới nay, bất chấp sự khắc nghiệt của Jobs, chưa 1 phó chủ tịch nào gây ra sai lầm đủ lớn để bị sa thải. Tất cả đều hiểu rằng, chỉ cần phạm 1 sai lầm và anh sẽ không còn đường quay lại. Apple không tha thứ cho cả những sai lầm nhỏ nhặt nhất.

    Lashinky tác giả bài báo đặt tên bài diễn văn của Steve Jobs là "Sự khác biệt giữa người quét rác và Phó Chủ Tịch". Còn tôi cho rằng bài học lớn nhất mà chúng ta có thể rút ra được từ câu chuyện này: "Nguyên tắc số 1 để trở thành người lãnh đạo: Lỗi lầm luôn thuộc về phần anh."

    Còn tiếp - Tham khảo: Fortune và tổng hợp
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ