iPhone 5 nhái tràn ngập thị trường

    PV,  

    Ngoài sản phẩm do các công ty mua linh kiện về lắp giống hệt iPhone 5, trên các trang rao vặt, diễn đàn, rất nhiều những lời quảng cáo điện thoại nhái iPhone 5 hàng "no name" (không tên tuổi) với giá bán chỉ từ 600 nghìn đến 6 triệu đồng.

    Hầu như các cửa hàng bán iPhone 5 nhái đều ý thức được rằng đây là sản phẩm không được phép kinh doanh, do đó, các địa chỉ bán hàng đều có điểm chung là nằm trong ngõ sâu, không có tủ trưng bày sản phẩm (thậm chí, trong phòng chỉ có vài chiếc bàn, ghế và máy tính), có camera giám sát từ xa. Các địa chỉ này chỉ hoạt động sôi nổi trên mạng với trang web riêng được chăm chút kỹ lưỡng. Thông tin được quảng cáo trên nhiều trang rao vặt, diễn đàn hay những kênh phát tán "công cộng" như Youtube.com và các mạng xã hội...
     
    iPhone 5 nhái tràn ngập thị trường 1
    iPhone 5 nhái có rất nhiều loại, giá bán tùy mỗi nơi, người mua rất khó so sánh.

    iPhone 5 hàng nhái có rất nhiều mẫu, từ điện thoại cơ bản một sim, 2 sim đến chạy hệ điều hành Android một sim, 2 sim... với nhiều mức giá khác nhau (xê dịch từ vài trăm nghìn đến 6 triệu đồng). Vì là hàng trôi nổi nên các sản phẩm này hoàn toàn không có thông số chung để đánh giá về chất lượng. Giá bán cũng tùy mỗi nơi, người mua rất khó so sánh. Hầu hết các sản phẩm này đều do cửa hàng tự nhận bảo hành, thời gian từ 3 tháng đến một năm.

    Một trang web có địa điểm giao dịch trên đường Hồ Tùng Mậu (Hà Nội) đăng 4 mẫu iPhone 5 nhái với giá 1,1 - 1,7 - 3,7 và 4,1 triệu đồng. Tuy nhiên, khi đến xem hàng, nhân viên chỉ cho xem mẫu 1,1 và 4,1 triệu đồng. Các mẫu còn lại không có và lấy lý do hết hàng.

    Máy giá 1,1 triệu đồng bản chất là điện thoại cơ bản (chỉ có tính năng nghe gọi) chạy trên nền tảng Java nhưng kiểu dáng và màn hình chỉ giống sản phẩm của Apple 50%. Nếu so về chi tiết, sản phẩm nhái nặng, to và dày hơn so với iPhone 5 xịn. Tuy nhiên, hàng nhái cũng có khe cắm sim nằm ngang thân máy, giắc kết nối 8 chân.

    Sản phẩm 4,1 triệu đồng, về mẫu mã, copy 99%, thậm chí, chất liệu vỏ nhìn đẹp như hàng nguyên bản. Máy sử dụng hệ điều hành Android nhưng toàn bộ giao diện đều giống iOS 6. Thực tế sử dụng thấy cảm ứng chưa mượt, camera chụp hình không đạt 8 megapixel như thông số ghi trên máy, duyệt web chậm. Ngoài ra, còn một số khác biệt do bản chất thiết bị chạy trên nền tảng Android. Đơn cử, nút “Home” bản chất là quay về giao diện chính của hệ điều hành, nhưng thực tế chức năng của nó như nút “Back” của Android; trình duyệt web ưu tiên, thậm chí tự tìm đến các trang web tiếng Trung Quốc, rất khó chịu. Dù vậy, nếu so với sản phẩm 1,1 triệu đồng, với mức giá 4,1 triệu đồng và hình dáng giống iPhone 5, người mua có thể bị thuyết phục.

    Tuy nhiên, chất lượng iPhone 5 nhái ở mỗi cửa hàng một khác. Tại một cửa hàng trên phố Hào Nam (Hà Nội), iPhone 5 nhái ở đây có giá chưa tới 4 triệu đồng nhưng chất lượng hơn hẳn cửa hàng ở phố Hồ Tùng Mậu cả về độ nét màn hình, chất lượng cảm ứng, tốc độ duyệt web… Theo giới thiệu của nhân viên, đây là sản phẩm nhái cao cấp nhất hiện có trên thị trường. Máy sử dụng chip Cortex A9 tốc độ 1 GHz, RAM 512 MB, camera 8 megapixel. Nếu người nào chưa cầm iPhone 5 hoặc chưa dùng qua hệ điều hành iOS thì không thể phân biệt được đây là hàng nhái hay hàng "xịn". Điểm nhận biết duy nhất là iPhone 5 nguyên bản sử dụng nanosim, còn tất cả các loại hàng nhái đều dùng microsim.
     
    iPhone 5 nhái tràn ngập thị trường 2
    Thi thoảng, sản phẩm nhái để lại những câu lệnh bằng tiếng Trung Quốc.

    Lợi nhuận của các cửa hàng trên mỗi sản phẩm nhái không hề thấp. Ví dụ, một điện thoại Android hình thức nhái iPhone 5 có cấu hình như đề cập ở trên được rao bán 142 USD (gần 3 triệu đồng) trên trang web thương mại điện tử Trung Quốc alibaba.com, hàng 2 sim 125 USD… Sau khi nhập về nước, sản phẩm đội giá thành 4 đến 6 triệu đồng.

    Lượng khách tới mua iPhone 5 nhái không hề ít và thành phần cũng đa dạng: sinh viên mua để sử dụng; phụ huynh mua cho con; thanh niên mua cho bạn gái... Họ đều ý thức được rằng đây chỉ là hàng nhái sản phẩm xịn của hãng Apple. Dù vậy, cũng không loại trừ nguy cơ có người bị lừa bởi các sản phẩm này. Kịch bản được báo chí phản ánh gần đây: Một người lao động thuê hay bán hàng dạo vờ tắt hộ chiếc iPhone mới nhặt được. Rồi trong câu chuyện có người nhà đang ốm, người nhặt được điện thoại muốn bán rẻ để lấy tiền cho người thân chữa bệnh... Nếu ham đồ rẻ hay dễ mủi lòng, người mua rất dễ bị mắc bẫy.

    Theo Số hóa
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ