iPhone cho người giàu, Android cho người nghèo?

    Trần Anh,  

    (GenK.vn) - Chúng ta đã từng biết về cuộc chiến không khoan nhượng giữa Android và iOS, nhưng liệu chúng ta có biết hết những góc khuất đằng sau nó? Về thị trường, về nhận thức của người dân, về sự phân hóa trong một số bộ phận người dùng,...? Bài viết này sẽ giúp bạn phần nào hiểu rõ hơn về vấn đề hiện đang rất nhức nhối này.

    Bản đồ dưới đây thể hiện vị trí của 280 triệu người đang sử dụng Twitter đã chỉ ra một thực trạng đáng buồn ở Mỹ: người dùng ở khu Manhattan thường đăng status bằng iPhone và những dòng cảm xúc của người dân Newark, New Jersey thường bắt nguồn từ những chiếc điện thoại Android.

    Người dùng ở khu Manhattan có xu hướng sử dụng iPhone trong khi người dân ở Newark thích sử dụng thiết bị Android

    Người dùng ở khu Manhattan có xu hướng sử dụng iPhone trong khi người dân ở Newark thích sử dụng thiết bị Android

    Theo dữ liệu điều tra dân số của Mỹ, thu nhập bình quân của người dân Manhattan rơi vào khoảng 67.000 USD/năm trong khi người dân Newark kiếm được 17.000 USD. Do đó, có thể nói rằng, Manhattan là nơi tập trung những người thuộc tầng lớp thượng lưu trong khi người dân có thu nhập ít hơn thường sống tại Newyark và có vẻ như, người giàu thường sử dụng iPhone trong khi những người thu nhập khiêm tốn hơn lại sử dụng điện thoại hệ điều hành Android.

    Bản đồ trên là một sản phẩm của Mapbox, dịch vụ bản đồ theo dõi vị trí của điện thoại tích hợp các hệ điều hành khác nhau thông qua mã ZIP (mã bưu cục địa phương). Thậm chí khi bạn là một cư dân của cộng đồng Manhattan, sự phân hóa iPhone/ Android vẫn diễn ra giống như việc so sánh người giàu với người nghèo. Như bạn có thể thấy ở bức ảnh tiếp sau đây, có một đường kẻ phân chia ranh giới giữa 2 khu vực: Khu phía Đông và Khu phía Tây cùng với vạch ngăn cách giữa khu phố Tàu và khu Hạ Đông.

    Có một sự phân hóa giữa các khu vực sống trong nội bộ người dân Mỹ

    Có một sự phân hóa giữa các khu vực sống trong nội bộ người dân Mỹ

    Ngoài ra, bạn cũng có thể thấy rõ xu thế áp đảo của những người sử dụng iPhone nằm trong trung tâm thành phố trong khi ở khu vực phía nam, lượng người sử dụng điện thoại mang nhãn hiệu Apple ít hơn. Bản đồ trên cũng trở thành minh chứng rõ ràng nhất cho cuộc tranh luận giữa các hãng phát triển phần mềm cũng như lãnh đạo các công ty di động về sự phân hóa kinh tế - xã hội giữa người dùng hai nền tảng di động lớn nhất thế giới: iOS và Android.

    Tại sao các lập trình viên lại không coi trọng Android?

    Phát biểu trên trang Twitter cá nhân của mình, Cennydd Bowles – giám đốc công ty thiết kế phần mềm có trụ sở tại Anh, đã trích dẫn tiêu đề một bài viết trên tờ Medium: “Tại sao các lập trình viên lại không coi trọng Android?”. Ông đặt ra câu hỏi tại sao các nhà phát triển ứng dụng không thích làm việc trên nền tảng Android: “Có vẻ như Android sẽ chiếm tỉ trọng lớn hơn trong lượng người dùng so với các HĐH khác”.

    Có vẻ như Android sẽ chiếm tỉ trọng lớn hơn trong lượng người dùng so với các HĐH khác

    "Có vẻ như Android sẽ chiếm tỉ trọng lớn hơn trong lượng người dùng so với các HĐH khác"

    Mặc dù, Android hiện nay chiếm khoảng 80% thị phần trên thế giới, nhưng “tại sao các lập trình viên lại không dành nhiều sự quan tâm tới HĐH sẽ trở thành nền tảng chủ đạo trong thập kỉ tới?” Để trả lời cho câu hỏi này, Bowles cho biết hiện nay, 450 triệu người dùng WhatsApp sử dụng thiết bị tích hợp Android. Nó giúp mọi người tiết kiệm chi phí thông qua trao đổi dữ liệu nhờ vào Wi-Fi miễn phí. Với lượng người dùng như vậy, tại sao các nhà phát triển phần mềm nói chung lại khó có thể chấp nhận Android như một chiếc lược phát triển tương lai gần? Cụ thể, ông nhận định:

    Câu trả lời của họ thường xoay quanh vấn đề người dùng Android không trả tiền cho ứng dụng, do đó, chúng [Android] không có dữ liệu phát triển, chúng cũng không thể kiếm tiền một cách dễ dàng và các lập trình viên hiện nay vẫn thường hướng tới người dùng iPhone trong khi họ lại không thực sự hiểu người dùng Android.

    Sự phân hóa kinh tế - xã hội trong các tầng lớp xã hội, iPhone được “trọng dụng” hơn Android

    Hàng quý, công ty nghiên cứu thị trường di động Monetate thường công bố dữ liệu giao dịch trực tuyến cũng như thời lượng sử dụng trên các thiết bị di động dành cho hoạt động thương mại điện tử. Nhìn chung, người dùng các thiết bị của Apple thường chiếm tỷ trọng lớn hơn về lưu lượng sử dụng và dưới đây là dữ liệu cụ thể của quý IV năm 2013:

    Tỷ lệ người dùng ghé thăm các trang thương mại điện tử bằng máy tính bảng:

    • - iPad: 87%
    • - Android: 11%

    Giá trị trung bình các đơn hàng:

    • - iPad: 155 USD
    • - Android: 110 USD

    Tỷ lệ người dùng ghé thăm trang thương mại điện tử bằng điện thoại:

    • - iPhone: 60%
    • - Android: 39%

    Giá trị trung bình các đơn hàng:

    • - iPhone: 126 USD
    • - Android: 136 USD
    Ngoài chức năng nghe - gọi, điện thoại còn thường xuyên được sử dụng để trao đổi hàng hóa trực tuyến

    Ngoài chức năng nghe - gọi, điện thoại còn thường xuyên được sử dụng để trao đổi hàng hóa trực tuyến

    Như chúng ta đều thấy, Android chỉ chiếm ưu thế nhiều hơn so với iOS ở giá trị đơn hàng. Tuy nhiên, nếu bạn nhìn vào tỷ lệ ghé thăm trang web và số tiền dành cho hoạt động giao dịch trên iPad (155 USD trên 87% người dùng), thì có thể thấy rõ hầu hết người dùng Apple mua bán trực tuyến trên iPad và chỉ sử dụng điện thoại cho các đơn hàng “mua lẻ”.

    Người dùng Android chỉ có giá trị bằng 1/4 người dùng iOS

    Tuy nhiên, hoạt động “mua lẻ” lại trở thành xu thế chính của người sử dụng Android. Kết luận này càng được củng cố mạnh mẽ thông qua hoạt động ghi nhận lượng người shopping trực tuyến bằng các thiết bị di động vào ngày nghỉ lễ của IBM. Từ những ngày Black Friday cho tới kì nghỉ Giáng sinh, người dùng iOS thường có giá trị đơn hàng trung bình lên tới 93,94 USD, nhiều gấp đôi so với những người dùng Android (rơi vào khoảng 48,1 USD).

    Trả lời trên tờ Business Insider, ông Simon Khalaf, CEO của Flurry – một trong những nền tảng quảng cáo di động lớn của thế giới cho biết: “Chúng tôi đã qua sát và công bố báo cáo kết luận rằng, người dùng Android chỉ có giá trị bằng ¼ người dùng iOS. Tuy nhiên, nó dựa trên lượng sản phẩm ảo bán ra (chủ yếu là trong các trò chơi). Trong khi đó, dữ liệu của IBM chỉ ra kết quả tương tự khi tỉ lệ sản phẩm ‘thực’ bán ra cũng tương đương sản phẩm ảo.”

    Sự phân hóa về mặt kinh tế giữa Apple và Android còn được thể hiện rõ trong giá trị sản phẩm khi mức giá của iPhone thường dao động trong khoảng 600 - 700 USD và các dòng sản phẩm mới nhất của hãng hiếm khi bị mất giá so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.

    Xu hướng giá iPhone qua từng thời kỳ

    Xu hướng giá iPhone qua từng thời kỳ

    Sự gia tăng của dòng sản phẩm Android siêu rẻ

    Mặc dù, hệ điều hành Android cũng thường xuyên góp mặt trong phân khúc cao cấp của các hãng nổi tiếng như Samsung hay Sony, nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận độ phủ sóng của “robo xanh” trong những dòng sản phẩm trung cấp và giá rẻ. Tại Hội nghị di động thế giới vừa qua ở Barcelona, tâm điểm của diễn đàn di động mang tầm quốc tế lần này chính là mẫu smartphone tích hợp HĐH Android của Trung Quốc có giá 35 USD.

    Tại Anh, mặc dù dòng sản phẩm Moto G của Google mới xuất hiện ít lâu nhưng nó đã chiếm 6% thị phần di động tại đây bởi đây là sản phẩm tích hợp HĐH Android gốc, có chất lượng tốt nhưng giá thành lại rẻ, phù hợp với những người có thu nhập trung bình khá. Theo đó, tờ Guardian đưa tin:

    Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel cho biết Moto G phổ biến với những người trong độ tuổi 16 tới 24 thuộc nhóm “thu nhập trung bình”. Trong đó, 83% người mua là nam giới và 40% trong số họ có thu nhập hằng năm dưới 20.000 bảng.

    Chuyện gì đang diễn ra ở Trung Quốc?

    Gần đây, Apple đang bắt đầu chú ý nhiều hơn tới tiềm năng của thị trường Trung Quốc với hi vọng sẽ bán được nhiều điện thoại hơn ở đây. Hãng dự đoán người tiêu dùng Trung Quốc có thể sẽ thay đổi sở thích của họ, đặc biệt trong bối cảnh Android gần như chiếm phần lớn thị phần châu Á.

    Bảng phân bố lợi nhuận nền tảng di động theo quốc gia trên thế giới

    Bảng phân bố lợi nhuận nền tảng di động theo quốc gia trên thế giới

    Chúng ta cũng cần phải lưu ý rằng, tại châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng, Android có thể chiếm ưu thế trong thiết bị di động nhưng không có nghĩa các ứng dụng bán ra đều thuộc cửa hàng trực tuyến Google Play. Thay vào đó, người Trung Quốc lại có cửa hàng ứng dụng của riêng mình – Wandoujia. Về cơ bản, trong khi Apple vẫn đang bất phân “chủ quyền” với Android ở thị trường thương mại điện tử phương Tây thì châu Á đã gần như trở thành “sân nhà” của Android.

    Có những dấu hiệu của sự đổi thay

    Trong khi quy mô người dùng Android vẫn đang tăng trưởng từng ngày, giới kinh doanh bắt đầu chú ý nhiều hơn tới HĐH này và người dùng dần dành nhiều thiện cảm với “robo xanh” hơn Táo khuyết. Biểu đồ dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu hơn phần nào về lợi nhuận thu được từ ứng dụng Android của các nhà phát triển ứng dụng so với iPhone, mặc dù tốc độ tăng trưởng khá cao nhưng Google vẫn còn nhiều điều cần làm phía trước nếu muốn bắt kịp Apple.

    Xu thế kiếm lời từ các hệ điều hành di động trên thế giới

    Xu thế kiếm lời từ các hệ điều hành di động trên thế giới

    Trên trang Twitter cá nhân, Bowles hi vọng cộng đồng phát triển phần mềm sẽ thức tỉnh và ngừng phân biệt các nền tảng di động:

    Tôi hi vọng, công nghệ sẽ thay đổi tư duy thế giới và xóa bỏ các định kiến lỗi thời. Chúng ta đừng nghĩ những thứ có tiềm năng lợi nhuận mới đáng quan tâm. Một lập trình viên nên có sự đồng cảm, thấu hiểu và có cái nhìn bao quát đối với mọi nền tảng thiết bị. Không nên chỉ vì một số ít người dùng mà bỏ qua nhu cầu cấp thiết của họ trong trải nghiệm sản phẩm.

    Tham khảo: Businessinsider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ