Thời gian qua, dòng điện thoại giá rẻ Asha của Nokia chủ yếu tập trung vào các trải nghiệm với màn hình cảm ứng. Do đó, việc hãng điện thoại Phần Lan bất ngờ trình làng mẫu điện thoại
Asha 210 với bàn phím QWERTY vật lý đã làm không ít người ngạc nhiên. Quan trọng hơn,
Asha 210 sẽ tập trung mạnh vào việc khai thác các trải nghiệm mạng xã hội và đến với nhiều tùy chọn màu sắc rất trẻ trung. Thêm vào đó, mức giá của
Asha 210 cũng rất hợp lý là 1,5 triệu đồng cho cả phiên bản 1 SIM hoặc phiên bản 2 SIM. Rõ ràng, Nokia vẫn cho thấy sự “bá đạo” của mình trong phân khúc điện thoại giá rẻ.
Giống như các feature phone 105 và 301 đã trình làng tại MWC 2013, ngôn ngữ thiết kế của điện thoại Asha 210 bị ảnh hưởng một phần từ dòng smartphone Lumia của Nokia. Trước hết đó là sự đa dạng về màu sắc. Asha 210 có 5 tùy chọn màu để bạn có thể mặc sức lựa chọn là xanh nước biển, đỏ tươi, vàng, trắng và đen. Phần mặt sau của máy với cách bố trí camera và dải loa ngoài đặc biệt mang đậm “chất” Lumia.
Asha 210 được trang bị màn hình 2,4 inch độ phân giải 240x320 pixel hỗ trợ 65.000 màu. Máy chạy hệ điều hành Series 40.
Giới thiệu điện thoại Asha 210.
Mặc dù không hỗ trợ đèn flash LED nhưng camera 2 MP của Asha 210 được bo bên trong một dải màu xám đặt theo chiều dọc. Ngay phía dưới camera là logo Nokia. Bên cạnh đó, dải loa ngoài của máy khá dài, được đặt nằm ngang ở phần phía dưới. Phần vỏ của Asha 210 được làm bằng nhựa để giảm giá thành nhưng về mặt cảm quan, chúng ta vẫn thấy nó khá giống chất liệu polycarbonate mà Nokia hay sử dụng trên các smartphone cao cấp. Có thể nói rằng, Asha 210 là điện thoại giá rẻ nhưng thiết kế không hề rẻ tiền chút nào.
Asha 210 dày khoảng 11,8 mm nhưng kích thước máy không lớn như các smartphone hiện nay. Bên cạnh đó, trọng lượng của chiếc điện thoại này chỉ là 100 g. Bạn hoàn toàn có thể cầm Asha 210 thoải mái bằng một tay. Khi thao tác nhắn tin bằng 2 tay với bàn phím QWERTY, cảm giác cầm cũng rất chắc chắn, 4 góc máy được bo tròn nên tỳ vào lòng bàn tay không bị cấn.
Khe cắm SIM thứ 2 được đặt ở cạnh trái của máy.
Đỉnh máy được bố trí cổng kết nối USB 2.0, jack nguồn và jack tai nghe.
Nokia Asha 210 được trang bị bàn phím QWERTY vật lý khá toàn diện bao gồm cả cụm phím điều hướng 5 chiều và đặc biệt thêm 2 nút tính năng phụ. Đó là phím truy cập nhanh ứng dụng WhatsApp và phím chụp hình. Điều này cho thấy Asha 210 sẽ được tích hợp chặt chẽ với WhatsApp, giúp người dùng có thể sử dụng dịch vụ nhắn tin, gọi điện thoại miễn phí này mọi lúc mọi nơi. Bên cạnh đó, dù chỉ sở hữu camera sau 2 MP nhưng khả năng chụp hình của máy vẫn được Nokia nhấn mạnh khi trang bị hẳn một nút chụp riêng. Nokia úp mở rằng có thể điện thoại Asha 210 phát hành cho thị trường Mỹ và EU có thể được tích hợp thêm cả nút Facebook để truy cập nhanh ứng dụng mạng xã hội đang rất “hot” này. Ngoài WhatsApp, Nokia cũng tích hợp sẵn các ứng dụng mạng xã hội phổ biến cho Asha 210 như Facebook, Bing, YouTube và Twitter.
Thêm vào đó Asha 210 còn được tích hợp tính năng Slam để chia sẻ các nội dung lên mạng xã hội, trình duyệt Xpress Browser với công nghệ điện toán đám mây giúp nén dữ liệu tới 90% để tiết kiệm chi phí Internet. Bàn phím QWERTY của Asha 210 được thiết kế theo dạng xốp, hơi nhô lên một chút để tăng cảm giác khi nhập liệu. Việc gõ phím tỏ ra khá nhạy, có độ phản hồi. Nokia bố trí chiều rộng của mỗi phím bấm không quá hẹp nên bạn sẽ hiếm khi bị gõ nhầm các ký tự. Bàn phím này cũng bố trí sẵn một số phím tắt để bật/tắt Bluetooth, Wi-Fi hay nhạc chuông.
Điểm đáng tiếc nhất là Asha 210 không được hỗ trợ kết nối mạng 3G, thay vào đó, máy chỉ có thể sử dụng mạng 2G hoặc Wi-Fi 802.11 b, g. Cấu hình phần cứng của Asha 210 không có gì nổi trội, máy chỉ sở hữu 32 MB RAM và vi xử lý lõi đơn tốc độ dưới 1 GHz. Do đó, hiệu suất của máy khá yếu, bạn không thể đòi hỏi gì hơn ở một chiếc điện thoại giá rẻ như vậy. Khi nhấn phím cứng để truy cập WhatsApp bạn sẽ mất khoảng 1 giây thời gian chờ và 2 giây khi mở các ứng dụng khác. Do không phải loại màn hình cảm ứng nên bạn phải điều hướng bằng cụm phím cứng, việc này sẽ làm chậm thao tác khi bạn muốn truy cập vào một ứng dụng nào đó.
Trong khi đó, theo Nokia cho biết, thời lượng pin sẽ là một ưu điểm của Asha 210. Máy sở hữu nguồn pin dung lượng 1.200 mAh có thể đàm thoại liên tục trong 12 giờ, thời gian chờ lên tới 40 ngày.
Video trên tay điện thoại Asha 210.
Tựu chung lại, thiết kế và mức giá của Nokia Asha 210 chắc chắn sẽ làm hài lòng các tín đồ yêu thích phong cách bàn phím QWERTY vật lý. Bên cạnh đó, máy cũng tập trung khai thác các tính năng mạng xã hội khá toàn diện. Nhưng có lẽ hạn chế lớn đối với người dùng là thiếu kết nối mạng 3G nên tốc độ truy cập sẽ không được nhanh như mong đợi. Bên cạnh đó, nếu đã quen sử dụng các dòng Asha với màn hình cảm ứng trước đó, bạn sẽ hơi mất kiên nhẫn khi quay lại kiểu thao tác điều hướng bằng phím cứng trên Asha 210. Dự kiến, điện thoại Nokia Asha 210 sẽ chính thức lên kệ trong quý II năm nay.