(GenK.vn) - Dưới thời Tim Cook, "bức màn sắt" khét tiếng 1 thời của Apple dường như đang mất dần công hiệu khi các mẫu iPhone mới liên tục hở sườn.
Kín tiếng về sản phẩm mình đang phát triển luôn là một thành phần quan trọng trong chiến lược kinh doanh của Apple. Dưới thời Steve Jobs, Apple áp dụng những biện pháp gần như cực đoan để đảm bảo lần đầu tiên thế giới nhìn thấy các iDevices là khi chúng xuất hiện trên tay Steve Jobs trong lễ ra mắt.
Nhưng dường như sau khi Tim Cook lên nắm quyền ở Táo Khuyết, khả năng giữ bí mật của Apple không còn chặt chẽ như trước khi liên tục 2 thế hệ iPhone 5 và (có thể) là iPhone 6 đều bị lộ thông tin rất sớm trước ngày ra mắt. Đến thời điểm hiện tại, gần 3 tháng trước ngày iPhone 6 ra mắt, qua những gì bị lộ, có thể hầu như chắc chắn rằng sẽ có rất ít bất ngờ trong lễ ra mắt siêu phẩm mới của Apple.
Vậy điều gì khiến Apple mất đi khả năng giữ bí mật lẫy lừng 1 thời, thậm chí có thể ngang ngửa với cả các cơ quan tình báo hàng đầu?
Vì sao Apple muốn giữ bí mật sản phẩm của mình?
Hơn 1 thập niên vừa qua, Apple luôn đóng vai trò là đầu tầu sáng tạo của ngành công nghiệp điện tử, không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới. Các sản phẩm của Apple như iPod, iPhone, iPad, iMac, Macbook Air đều mở đầu cho xu hướng thời thượng của ngành công nghiệp. Đứng ở vai trò người sáng tạo ra xu hướng, với Apple, việc giữ bí mật sản phẩm của mình đến ngày ra mắt chính thức nắm giữ tính chất sống còn. Giữ bí mật sản phẩm khiến các đối thủ muốn sao chép ý tưởng của Táo Khuyết gặp nhiều khó khăn.
Apple có quá nhiều kẻ theo đuôi khiến giữ kín thông tin sản phẩm đang trong giai đoạn phát triển trở thành 1 đòi hỏi sống còn
Nhìn vào tính năng cảm biến vân tay trên iPhone 5s bạn sẽ hiểu hậu quả của việc không giữ được bí mật là như thế nào. Trước khi iPhone 5s ra mắt vài tháng đã có phong thanh thông tin về việc máy được trang bị cảm biến vân tay. Khoảng thời gian này không dài nhưng là đủ để các đối thủ của Apple chuẩn bị đón đầu iPhone 5s bằng cách trang bị cảm biến nhận dạng vân tay cho sản phẩm của mình. Kết quả là chỉ sau khi iPhone 5s ra mắt 1 tháng, HTC đã trình làng ngày chiếc HTC One Max với tính năng cảm biến vân tay được tích hợp rất vội vàng. Samsung chậm chân hơn 1 chút, không đem được cảm biến vân tay lên chiếc Note 3 ra mắt cùng thời điểm với iPhone 5s cũng vội "sửa sai" với Galaxy S5. Apple rõ ràng đã "vạ miệng" khi để lộ tính năng của sản phẩm quá sớm tạo điều kiện cho các đối thủ ăn theo.
Tính năng cảm biến vân tay được tích hợp 1 cách vội vàng và hoạt động thiếu ổn định phần nào tố cáo việc HTC "nhìn bài" của Apple khi cho ra mắt chiếc One Max.
Cảm giác bất ngờ, thích thú khi lần đầu tiên được thấy sản phẩm của Apple xuất hiện trên sân khấu trong tay Steve Jobs là một nhân tố quan trọng tạo đà cho sự bùng nổ doanh số của sản phẩm Táo Khuyết ngay sau ngày ra mắt. Ngay cả bây giờ khi xem lại những đoạn clip giới thiệu sản phẩm khi lần đầu tiên Steve Jobs biểu diễn dùng tính năng zoom ảnh bằng 2 ngón tay trên iPhone, hoặc rút trong cặp tài liệu ra chiếc Macbook Air mỏng dính tôi vẫn cảm thấy cực kỳ xúc động.
Một trong những giây phút ấn tượng nhất sự nghiệp thuyết trình của Steve Jobs. Đây cũng chính là giây phút khai sinh một dòng sản phẩm mới: Ultrabook.
Chính cảm xúc phấn khích và hồi hộp mong chờ ấy là 1 trong những công thức bí mật khiến cộng đồng fan hâm mộ của Táo Khuyết luôn cảm thấy mối liên hệ cá nhân, khăng khít với hãng cũng như khiến sản phẩm dán mác Apple luôn được chờ đợi và buổi ra mắt của các iDevices gần như trở thành 1 dịp lễ thiêng liêng của dân chơi công nghệ.
Nhưng rất đáng buồn là những buổi giới thiệu sản phẩm mới gần đây nhất khi ra mắt chiếc iPhone 5s tôi đã... trùm chăn đi ngủ vì biết rằng sẽ chẳng còn gì bất ngờ chờ đợi mình trong nữhng buổi lễ ra mắt đang mỗi ngày 1 cảm thấy dài lê thê hơn.
Mặt trái của văn hoá giữ bí mật
Nếu như bạn là nhân viên của Apple may mắn lọt vào mắt xanh của Steve Jobs và được giao nhiệm vụ trong 1 dự án tuyệt mật của hãng thì xin chia buồn, bạn sẽ phải nói lời chia tay với cuộc sống riêng tư vô lo vô nghĩ.
Những nhân viên làm việc trong các dự án đòi hỏi bảo mật cao như iPhone, iPad luôn bị giám sát 24/24, phòng làm việc của họ trở thành khu vực nội bất xuất ngoại bất nhập kể cả với người thân trong gia đình, một câu nói "hở sườn" rất vu vơ cũng khiến bạn đối mặt với không chỉ nguy cơ mất việc mà còn là hàng loạt vụ kiện tụng cực kỳ rắc rối từ phía Apple.
"Không hỏi, không nói" là luật bất thành văn giữa nhân viên của Táo Khuyết. Đôi khi những biện pháp bảo mật của Apple lại cắn trả chính sản phẩm của hãng. Năm 2007, 1 tháng trước khi iPhone đời đầu ra mắt, cả bộ phận thiết kế của Apple vò đầu bứt tai vì vô số lỗi phát sinh mà không có cách nào giải quyết. Tất cả đến từ 1 nguyên nhân duy nhất: Steve Jobs khăng khăng không cho bộ phận thiết kế và các hãng cung cấp linh kiện làm việc chung với nhau.
Một lỗi điển hình ở thời điểm đó là chiếc iPhone đời đầu liên tục gặp tình trạng rớt sóng và khởi động lại ngay giữa cuộc gọi. Lý do cho tình trạng này được phỏng đoán là do vi xử lý của Samsung không tương thích với chip nhận sóng điện thoại của 1 nhà sản xuất khác. Trong khi đội ngũ kỹ thuật của Apple còn rất bỡ ngỡ với các kỹ thuật viễn thông thì Steve Jobs nhất định không đồng ý phương án gửi 1 mẫu iPhone đang trong giai đoạn thiết kế cho Samsung và hãng sản xuất chip nhận sóng để các bên tìm cách giải quyết.
Cuối cùng Steve Jobs chấp nhận đem lên bục giới thiệu 1 chiếc iPhone vẫn đang gặp lỗi mất sóng khiến bộ phận thiết kế của Apple ngồi dưới nơm nớp lo ngại. Rất may cuộc gọi thử kéo dài 1 phút không xảy ra sự cố gì nhưng đó cũng chính là lý do vì sao Apple không cho phép báo chí tiếp cận chiếc iPhone ngay sau lễ ra mắt.
Để khắc phục tình trạng này, sau lễ ra mắt Apple "bê" nguyên cả đội kỹ thuật của 2 hãng cung cấp linh kiện về tổng hành dinh của mình ở Mỹ để xử lý sự cố. Trong suốt quá trình ấy, không một ai trong số hàng chục kỹ thuật viên của 2 hãng cung cấp linh kiện dám hé một lời nào về những gì mắt thấy tai nghe tại Apple.
1 miệng thì kín, 9 miệng thì hở
Câu hỏi đặt ra ở đây là nếu như dưới thời Steve Jobs, Apple có thể giữ bí mật tốt đến như vậy thì tại sao ở thời đại Tim Cook liên tục các sản phẩm quan trọng của Apple như iPhone 5, iPhone 6 bị "lộ hàng"?
Câu trả lời có lẽ nằm ở sự khác biệt trong cách điều hành của 2 CEO. Là 1 thiên tài nhưng đồng thời Steve Jobs cũng nổi tiếng là người khắc nghiệt. Nhân viên Apple và cả các đối tác cung cấp linh kiện cho hãng luôn "ngán" Steve Jobs vì tính cách quyết liệt, đôi khi là cực đoan của ông. Steve Jobs không chỉ sẵn sàng đuổi việc nhân viên, cắt hợp đồng với đối tác hoặc lôi những ai làm trái ý ông ra toà mà cố CEO của Apple còn khét tiếng với "tiểu sử" sẵn sàng xài... luật rừng với những ai chống đối mình.
Năm 2011 khi 1 bản mẫu chiếc iPhone 4 bị 1 nhân viên của Apple để quên ở quán bar và để lấy lại bản mẫu này, nhân viên Apple đã giả dạng cảnh sát để lục soát nhà của 1 người tình nghi nhặt được chiếc iPhone bị mất. Những sự việc như thế khiến tiếng nói của Steve Jobs càng có trọng lượng. Nếu Steve Jobs yêu cầu các nhà sản xuất linh kiện cho Apple giữ kín về đơn hàng của mình, chẳng có nhà sản xuất nào "dại mồm" đi thông báo cho giới truyền thông. Nhìn lại các tin đồn thời gian gần đây, thậm chí có những hãng cung cấp linh kiện cho Apple còn thông báo cả về số lượng hàng mà Táo Khuyết đặt lẫn chủng loại linh kiện một cách rất vô tư mà hầu như không gặp phải sự từng phạt nào từ phía Tim Cook. Rõ ràng Tim Cook không có được "bàn tay sắt" giống như người tiền nhiệm của mình là 1 nguyên nhân khiến Apple khó lòng kín tiếng hơn trước.
Nổi tiếng cứng rắn, Steve Jobs chính là nguyên nhân của "bức màn sắt" đằng trước các iDevices trong nhiều năm
Bên cạnh đó, các thế hệ iPhone dưới thời Steve Jobs thường ra mắt ở 1 số ít thị trường phát triển. Ví dụ như chiếc iPhone 3GS chỉ được bán ra ở Mỹ, Canada và 6 thị trường chủ lực ở Châu Âu trong đợt phát hành đầu tiên sau khi ra mắt, trong khi chiếc iPhone 5s được bán ra ở 25 thị trường ngày trong đợt đầu ra mắt. Với đầu óc của 1 nhà kinh doanh như Tim Cook, đây là bước đi để kích thích doanh số, tận dụng cơn sốt khi sản phẩm mới trình làng từ đó tối đa hoá lợi nhuận. Nhưng từ góc độ giữ bí mật, đây lại là một thảm hoạ. Thay vì sản xuất vài trăm ngàn máy tại 1,2 công xưởng được bảo mật kỹ càng để phục vụ nhu cầu của 1 số ít thị trường, giờ đây Apple phải có hàng chục triệu sản phẩm lưu kho để đảm bảo nguồn cung cho đợt bán ra đầu tiên. Số lượng nhà thầu phụ gia công cho Apple tại thời điểm cuối năm 2013 đã lên tới 123 công ty trên toàn thế giới và không phải nhà thầu nào cũng biết cách giữ công nhân của mình kín miệng. Đó cũng chính là lý do vì sao liên tục các linh kiện như vỏ, màn hình của thế hệ iPhone mới bị tuồn ra ngoài tạo cơ sở cho các hình dung về thiết kế của chúng.
Cuối cùng cũng không thể phủ nhận rằng mặc dù công tác bảo đảm bí mật cho iPhone không được tốt vì nói cho cùng, giữ bí mật cho 1 dây truyền sản xuất có công suất hàng triệu sản phẩm trong vài tháng trời khi luôn có hàng triệu con mắt soi mói là điều không tưởng, Tim Cook vẫn có thể tự hào rằng mình vẫn đang làm khá tốt việc giữ bí mật cho các sản phẩm khác. Hãy nghĩ về những sản phẩm như iWatch(?), Macbook Air Retina, mặc dù cũng tồn tại vô số đồn đoán nhưng tới thời điểm này vẫn chưa có một tin đồn nào có căn cứ đáng tin cậy. Không còn là Apple của 3 năm trước, nhưng Apple dưới thời Tim Cook vẫn là 1 trong những doanh nghiệp biết cách giữ mồm giữ miệng nhất trong làng công nghệ thế giới.
Thay cho lời kết
Là một người yêu công nghệ và từng sẵn sàng ngồi tua đi tua lại đoạn băng quay lễ ra mắt iPhone 2007 vài lần lúc rỗi rãi, tôi cảm thấy mỗi lần có 1 linh kiện của iPhone 6 bị lộ là một lần mất mát. Dù có thể Apple sẽ không bao giờ trở lại làm Apple dưới thời Steve Jobs, tôi vẫn mong được một lần lại có cảm giác bất ngờ, trầm trồ khi 1 iDevice mới xuất hiện trên sân khấu. Xin trích dẫn luôn lời của Steve Jobs thay cho lời kết: "Đôi khi cuộc đời sẽ choảng gạch vào đầu bạn. Nhưng đừng để mất niềm tin".
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"