Thư gửi fan và antifan của Samsung

    Minh Lết,  

    (GenK.vn) - Vài dòng tâm sự của 1 BTV về văn hoá hâm mộ ở GenK.vn

    Độc giả thân mến,

    Sau hơn 2 năm không tham gia viết về mảng công nghệ và cũng ít có thời gian theo dõi cộng đồng công nghệ trong nước, khi trở lại viết cho GenK tôi không khỏi choáng ngợp về số lượng gạch đá mà Samsung đang phải hứng chịu từ phía cộng đồng độc giả GenK nói riêng và cộng đồng công nghệ Việt Nam nói chung.

    Trong 2 năm qua, vốn thường đọc tin ở các trang tin nước ngoài nhiều hơn, tôi không hề cảm thấy bầu không khí anti-Samsung quyết liệt và sôi sục như tại cộng đồng công nghệ Việt Nam. Đồng ý rằng tại cả những trang tin nổi tiếng với cộng đồng độc giả "già" và có kiến thức như The Verge, Business Insider tại các bài viết liên quan tới Apple vs Samsung thường xuyên nổ ra tranh cãi, đôi khi gần như đấu khẩu bằng cả lý lẽ và lý sự, nhưng tôi không cảm thấy không khí hằn học, ăn miếng trả miếng như tại trang tin trong nước giữa fan và antifan của Samsung. Đôi khi tại những chủ đề chẳng chút liên quan gì tới các hãng nói trên cũng có thể tràn ngập bình luận ném đá lạc đề.

    Thư gửi fan và antifan của Samsung

    Bài viết dưới đây là những trải lòng của tôi dưới góc nhìn 1 BTV công nghệ đồng thời là 1 Samfan tự nhận. Mong rằng bạn đọc, cả fan và antifan của Samsung đọc bài viết này có thể tự phản chiếu mình trong đó và giữ một thái độ trung lập hơn trong việc bình luận, chia sẻ quan điểm tại GenK.vn để giữ cho trang tin của chúng ta 1 môi trường thông tin lành mạnh, đa chiều và khách quan. 

    Tôi thành Samfan như thế nào?

    Duyên nợ của tôi với Samsung khá đặc biệt, chiếc điện thoại đầu tiên của tôi là Samsung D500. Kỳ thực khi nhận tháng lương đầu tiên tôi hứng khởi định rước ngay 1 chiếc N73 cho bõ công cày cuốc nhưng sau đó theo đúng phương châm "tăng xin giảm mua" tôi thừa hưởng lại chiếc D500 đã thay cáp màn hình 3 lần của đứa bạn.

    D500, chiếc điện thoại đầu tiên và tôi từng tự nhủ cũng sẽ là chiếc điện thoại cuối cùng đóng mác Samsung của mình.

    D500, chiếc điện thoại đầu tiên và tôi từng tự nhủ cũng sẽ là chiếc điện thoại cuối cùng đóng mác Samsung của mình.

    Sau gần nửa năm sử dụng và thêm 2 lần thay cáp nữa tôi cho chiếc D500 khốn khổ về hưu non. Người ta bảo con người thường trung thành với những cái gắn bó lần đầu tiên: hãng điện thoại đầu tiên, hãng xe đầu tiên, người yêu đầu tiên v...v.... Tôi cho rằng thuyết ấy rất vớ vẩn vì sau khi chia tay D500, ấn tượng trong tôi về Samsung là ghét cay ghét đắng. Ký ức về chiếc D500 với thiết kế èo uột, nữ tính, chất lượng phập phù tệ đến mức mãi về sau này tôi luôn xếp sản phẩm của Samsung ở cuối danh sách cân nhắc khi chọn mua điện thoại mới và thề kiếp này sẽ không bao giờ quay lại với Samsung. 

    Nhưng đời người không ai đoán được chữ ngờ, 6 năm sau ngày chia tay D500, tôi "gương vỡ lại lành" với Samsung sau khi tôi viết đánh giá chiếc Galaxy Note đời đầu trên GenK. Đến tận giờ tôi cũng không thể cắt nghĩa được điều gì làm tôi "phải lòng" Samsung. Có thể đó là do ấn tượng choáng ngợp khi lần đầu tiên nhìn thấy màn hình 5.3 inch rực rỡ, rộng "bao la" trên chiếc Note đời đầu, hoặc là tôi đã quá chán ngán chiếc HTC Desire HD cứ khăng khăng lăn ra hết pin giữa lúc 4h chiều.

    Nhưng có 1 điều tôi biết chắc: thời điểm đó, đang là fan của HTC với hơn 4 năm sử dụng qua 4,5 đời máy, thiết kế vỏ nhựa ọp ẹp của Samsung khiến tôi bật cười ngay lần đầu cầm chiếc Note 1 trên tay. Và cho đến tận giờ cảm giác rẻ tiền, viền máy bong tróc lớp mạ chỉ sau vài tháng sử dụng hay mặt lưng nhựa bị kẹt mỗi lần đóng nắp hoặc giao diện loè loẹt vẫn là những điều làm tôi vò đầu bứt tóc khi nói về Samsung. Những yếu điểm đó, tôi cho rằng ngay cả những Samfan "cuồng" và dễ tính nhất cũng khó lòng nhắm mắt bỏ qua. 3 năm gắn bó với Note series, tôi phải học cách làm quen với những cái khó chịu  ấy.

    Galaxy Note là chiếc điện thoại Samsung thứ 2 của tôi và phải nói thật là nhìn lại tôi không khỏi kinh ngạc vì sự thay đổi chóng mặt của hãng sản xuất Nam Hàn.

    Galaxy Note là chiếc điện thoại đã thay đổi hoàn toàn ấn tượng của tôi về Samsung và phải nói thật là nhìn lại tôi không khỏi kinh ngạc vì sự thay đổi chóng mặt của hãng sản xuất Nam Hàn.

    Và khi đã tìm được cách thoả hiệp với chất lượng gia công "tàng tàng" hoặc thiết kế có phần... hai lúa của các sản phẩm của Samsung, phải thừa nhận rằng ông lớn Hàn Quốc cũng có khá nhiều điểm đáng để yêu. Mà quan trọng nhất trong số đó là sử dụng sản phẩm của Samsung có thể tạm yên tâm rằng chiếc máy mình mới mua tháng trước sẽ không đứng trước lo lắng lạc hậu quá xa về 1 mảng tính năng nào đó, ít nhất là cho tới mùa nâng cấp năm sau.

    Một trong những chuyện gây khó chịu nhất cho người chơi công nghệ là vừa mua đồ xong lên mạng đọc đánh giá đã bị... chê ỏng chê eo. Đây cũng chính là lý do khiến những người đánh giá trót dại đem sản phẩm của các hãng ra chê bai thường hay hứng chịu gạch đá. Dù biết rằng đánh giá sản phẩm phải có khen có chê, nhưng không ai thích sản phẩm mình vừa mua bị "dìm hàng", dù đúng dù sai. Hãy thử nhìn lại và bạn sẽ thấy khi đem dăm ba sản phẩm ra so sánh, Samsung ít khi đứng cuối bảng xếp hạng ở 1 tính năng nào. Màn hình? Tạm ổn. Camera? Đủ dùng. Pin? Chấp nhận được. Các tính năng phụ trợ? Nhiều đến mức không buồn đụng đến. Cứ như vậy, Samsung trở thành 1 sự lựa chọn tương đối an toàn và cân bằng với điều kiện bạn có thể sống chung với những lời chê bai về mặt thiết kế.

    Bạn đọc hãy thứ lỗi cho thói quen nói năng dài dòng của tôi. Nhưng nói nhiều thế cũng chỉ để rút ra 1 bài học đạo đức rằng nếu bạn cứ khư khư giữ lấy định kiến của mình về bất kỳ 1 hãng sản xuất nào, bạn không thể biết được mình đã bỏ lỡ những gì. Nhìn lại quyết định nối lại tình xưa với Samsung 3 năm về trước, tôi cho rằng mình đã làm đúng và hoàn toàn thoải mái với lựa chọn ấy. 

    Samsung và những tội danh cần bào chữa

    Đúng 3 năm trước tôi có 1 bài viết trên GenK với thắc mắc: "Sao Apple quá lắm Fan cuồng?" Ở thời điểm đó, Samsung chưa nổi lên thành 1 thế lực thống trị ngay cả trong cộng đồng Android. Ngay lúc đó tôi cũng không nghĩ rằng sẽ có ngày mình lại đặt bút viết 1 bài với nội dung tương tự, nhưng là về Samsung. 

    Thư gửi fan và antifan của Samsung

    Bây giờ nhìn lại tôi cho rằng lý do chính khiến Apple và Samsung phải "đứng mũi chịu sào" trước dư luận là do đến thời điểm hiện tại, đây là 2 hãng duy nhất thành công trong cuộc chơi di động. "Cây to chịu gió cả", Samsung không thể nào vươn lên vị trí đầu ngành công nghiệp mà không tạo cho mình vài kẻ thù. Cũng không thể phủ nhận rằng biện pháp cạnh tranh của Samsung như thuê seeder, mua đánh giá v...v... đều là những thứ đáng lên án vì nó ảnh hưởng tới tính lành mạnh của môi trường thông tin. Nhưng có chăng các antifan của Samsung đang quá nhạy cảm khi thường vội vàng cáo buộc tất cả các nội dung có xu hướng chê bai các hãng khác hoặc khen Samsung là seeder, bồi bút?

    Là người "trong nghề" vài năm, chứng kiến chuyện nghề không ít, tôi cho rằng anh em làm nghề viết lách trong mảng công nghệ ở Việt Nam đều có 1 sự tự trọng nghề nghiệp rất lớn. Làm nghề cầm bút, danh dự nghề nghiệp và trọng lượng của sự tín nhiệm của bạn đọc cao hơn rất nhiều so với vấn đề tiền bạc, ngay cả khi không ai trong số chúng tôi giàu được từ nghề báo. Lấy tư cách cá nhân tôi xin cam đoan với bạn đọc rằng tại GenK, lợi ích độc giả và sự trung lập của thông tin luôn là ưu tiên số 1 và cũng là ưu tiên duy nhất.

    Thư gửi fan và antifan của Samsung

    Bên cạnh đó, những chỉ trích về việc Samsung copy ý tưởng của Apple và từ đó phủ nhận những nỗ lực tự thân của hãng sản xuất Nam Hàn cũng rất phổ biến trong cộng đồng antifan. Đứng từ góc độ người tiêu dùng mà nói, Samsung sao chép ý tưởng của Apple không phải là điều xấu.

    Điều tồi tệ nhất với người tiêu dùng là việc 1 hãng sản xuất cố gắng trói người dùng vào hệ sinh thái khép kín của mình, tạo ra độc quyền và giới hạn sự lựa chọn. Đây chính là những gì Apple đã và đang cố thực hiện kể từ khi chiếc iPhone đầu tiên ra mắt. Đồng ý rằng ngay cả Samsung cũng đang cố gắng làm điều tương tự, nhưng hãy nhìn rộng ra bạn sẽ thấy, sự trỗi dậy của Samsung và Android đang khiến chúng ta có nhiều sự lựa chọn hơn thay vì bị trói buộc vào 1 nền tảng duy nhất. Thử tưởng tượng xem nếu như Android không vay mượn giao diện của iOS và Samsung không chuyển hướng sang sản xuất những sản phẩm "theo đuôi" iPhone để chắp cánh cho Android thì có lẽ tới thời điểm này chúng ta chỉ có duy nhất 1 sự lựa chọn khi đi mua smartphone là những chiếc iPhone giá 17 triệu rưỡi. 

    Không chỉ có thế, sự cạnh tranh từ Android và Samsung không những mang lại lợi ích cho người dùng Android mà còn làm lợi cho chính người dùng đồ của Apple. từ iOS 5 trở đi Apple không ngừng vay mượn các tính năng của Android, Notification Center, Widget, update OTA... Nếu không có thử nghiệm tablet 7-8 inch của Samsung có lẽ đến giờ người dùng Apple cũng không biết mặt mũi iPad Mini ra sao hoặc chiếc iPhone 6 sắp ra mắt với tin đồn 2 cỡ màn hình 4.5 inch, 5.5 inch đều có 1 nguyên nhân duy nhất: Cạnh tranh. 

    iOS cũng vay mượn không ít từ Android.

    iOS cũng vay mượn không ít từ Android.

    Nếu như Apple có thể vay mượn tính năng từ Android, điều gì khiến bạn nghĩ rằng việc Samsung "tham khảo" thiết kế của Apple lại là 1 tội ác không thể dung thứ? Tôi hiểu rằng chúng ta đều muốn tất cả các công ty đều sáng tạo như Apple 7 năm về trước, đưa ra những sản phẩm không trùng lặp. Nhưng đó không phải là cách mà xã hội con người tiến hoá, những bước nhảy vọt như iPhone đời đầu sẽ chỉ diễn ra 1 lần trong hàng chục năm, sau đó sẽ là 1 quãng thời gian dài thử nghiệm, mò mẫm, gọt giũa những ý tưởng khác nhau để thúc đẩy cuộc cách mạng từng bước 1. Về mặt này, những thử nghiệm của Samsung như Phablet, bút cảm ứng, ứng dụng và cảm biến theo dõi sức khoẻ, đồng hồ thông minh... đều là những thử nghiệm rất đáng khen, góp phần đáng kể vào việc định hình thế giới di động như chúng ta đang thấy ngày hôm nay.

    Nếu không có Android và Samsung, không biết bao giờ Apple mới chịu cho ra mắt iPad mini?

    Nếu không có Android và Samsung, không biết bao giờ Apple mới chịu cho ra mắt iPad mini?

    Đằng sau những khoản bồi thường từ vụ kiện bản quyền của Apple với Samsung thực chất Apple nhắm tới 1 thông điệp "Apple mới là chính chủ, Samsung là đồ ăn cắp". Và cho đến giờ, dường như chiêu bài này của Táo Khuyết đang chứng minh diệu dụng của mình. Nhưng hãy nhớ rằng, những gì Apple đang làm chỉ có 1 mục đích sau cùng: Thủ tiêu cạnh tranh. Dù dùng bao nhiêu mỹ từ để bào chữa thì mục đích ấy của Apple cũng không thay đổi. 

    Hãy để mâu thuẫn giữa các hãng lại cho toà án. Samsung sẽ phải trả giá cho hành động cạnh tranh không lành mạnh của mình. Nhưng từ phía người tiêu dùng, hành động copy của Samsung lại có lợi, dù bạn là ai.

    Thay cho lời kết

    Sự tồn tại và phát triển của Samsung cũng như Android đánh dấu cho thời kỳ bùng nổ của cuộc cách mạng công nghệ. Smartphone rẻ hơn, đa dạng hơn, dễ tiếp cận hơn, gián tiếp và trực tiếp đều phần nào có công sức của Samsung. Phủ nhận vai trò của Samsung trong cuộc cách mạng công nghệ cũng giống như phủ nhận vai trò của Apple trong việc bắt đầu cuộc cách mạng ấy. Vì vậy AntiFan của Samsung nên chăng nhìn hãng với 1 con mắt cởi mở hơn, và biết đâu bạn sẽ nhìn thấy điều gì tốt đẹp ngay cả từ trong 1 cái tên... đáng ghét?

    Đúng sai trong cuộc tranh cãi ai copy ai xin hãy để cho toà án. Người dùng được hưởng lợi từ sự cạnh tranh này nên xin hãy toạ sơn quan hổ đấu.

    Đúng sai trong cuộc tranh cãi ai copy ai xin hãy để cho toà án. Người dùng được hưởng lợi từ sự cạnh tranh này nên xin hãy "toạ sơn quan hổ đấu".

    Fan và AntiFan là 2 mặt song hành tồn tại của bất kỳ nền văn hoá thần tượng nào và thật lòng mà nói, nếu không tồn tại fan hay antifan mà tất cả chỉ là những lý lẽ khô khốc thì thực sự chúng ta cũng chẳng có gì nhiều để nói với nhau. Được xem bạn đọc tranh luận chính là lý do vì sao tôi muốn trở lại viết lách sau 1 thời gian dài gác bút.

    Nhưng với tư cách là người viết, đôi khi tôi cảm thấy hơi mất tinh thần khi có những bạn đọc ném đá một cách mù quáng, vô lý. Mỗi bài viết như 1 đứa con tinh thần của chúng tôi, đứng nhìn bài viết của mình bị bóp méo, dị dạng rồi cuốn vào những cuộc tranh cãi vô bổ, không hồi kết giữa fan và antifan là điều không dễ chịu gì.

    Vì thế chỉ mong sau bài viết này, bạn đọc của GenK, cả fan và antifan có thể tự phản chiếu mình trong đó, và giữ được 1 cái đầu lạnh khi tranh luận. Vì nói cho cùng, đôi khi hâm mộ hay dè bỉu bất kỳ 1 hãng sản xuất nào quá đà, chúng ta tự nhiên biến mình thành những seeder rất năng nổ mà lại không được ăn lương. 

    Minh Lết, Hà Nội 07/2014

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ