Windows Mobile - Vận đen của các đại gia di động?

    PV, Tròn Xoay 

    Trong lịch sử 10 năm, HĐH Windows Mobile gắn liền với khá nhiều đại gia và hầu hết trong số đó ngày nay hoặc ngắc ngoải, hoặc đã biến mất khỏi thị trường. Liệu có phải "vía" của WinMo quá nặng?

    O2
     

    Thời oanh liệt của O2 nay còn đâu?
     
    Nhắc đến Windows Mobile, giới chơi di động không thể không nhắc tới những dòng XDA, MDA nổi tiếng của nhà mạng này, tiên phong trong trào lưu PDA phone. O2 đã có những khoảnh khắc đẹp từ năm 2002 tới 2007, tức là tới cái ngày "định mệnh" iPhone ra đời. Diễn đàn XDA-Developers lừng danh hiện nay vốn cũng lấy cảm hứng từ series XDA của thương hiệu này.

    Về cơ bản, dòng XDA O2 là sản phẩm ra đời từ sự hợp tác của nhà mạng O2 (Anh Quốc) với các hãng sản xuất như HTC, Quanta, Erima... Sự biến mất của dòng XDA O2 ngoài lý do bởi sự xuất hiện của iPhone thì một phần cũng nằm ở mối liên hệ khó lường của nhà mạng này với HTC. Trước đó, HTC chỉ là một sân sau của nhà mạng này, phụ trách các sản phẩm OEM mang thương hiệu O2, Qtek, hoặc T-Mobile thời đó.


    Năm 2006, HTC chính thức ra mắt với thương hiệu riêng và kể từ đó O2 mất dần vị thế trên cuộc đua smartphone. O2 sau đó còn loay hoay chuyển hướng sang một bộ phận kinh doanh mới với thương hiệu MWg tại châu Á nhưng cuối cùng cũng chính thức rút lui trong cuộc đua vào năm 2008 với sản phẩm cuối cùng là O2 XDA Serra chạy nền HĐH Windows Mobile. Hiện giờ nhà mạng này "an phận" với việc cung cấp dịch vụ điện thoại và phân phối iPhone chính thức ở Anh Quốc mà không tham gia sản xuất phần cứng cho riêng mình.


    HP
     

    HP là thương hiệu PDA đột phá nhưng gặp thất bại liên tiếp.

    Hãy khoan nhắc đến những bê bối gần đây liên quan đến bộ phận di động của nhà sản xuất hàng đầu thế giới này mà hãy cùng ôn lại kỷ niệm cũ của HP thời còn mặn nồng với Microsoft và Windows Mobile.


    Ngày ấy, cái thưở các PDA còn thống lĩnh thị trường thì việc sở hữu một chiếc PDA thương hiệu iPAQ 1900 series hay 4700 series thật là một điều đáng mơ ước. Tiếp đó, năm 2004 những chiếc iPAQ rw/hw 6000 series bắt đầu được xuất xưởng với HĐH Windows Mobile tối ưu, cấu hình mạnh mẽ và hỗ trợ đủ các kết nối từ GPS, WiFi cho tới EDGE, đủ làm xiêu lòng bất cứ ai mê công nghệ.


    Dù rất cố gắng trong việc cải tiến mẫu mã, nâng cấp cấu hình và đa dạng hóa các sản phẩm nhưng rốt cuộc HP đã chuốc lấy bài học cay đắng khi các sản phẩm iPAQ đem lại những khoản lỗ khổng lồ với doanh số bán ra yếu kém. 2 năm sau kể từ khi chia tay Windows Mobile, HP vẫn tiếp tục gặp vận đen trên thị trường di động và hậu quả là phải giã từ cuộc chơi, bỏ của chạy lấy người ngay khi vừa bén duyên webOS.


    Motorola
     
    Motorola ơi, còn đâu...

    Nếu HP đã "đen" thì Motorola còn đen hơn gấp vài lần. Đường đường là đại gia top đầu ngành viễn thông di động, tiên phong trong mọi lĩnh vực và dĩ nhiên là cả smartphone, thế mà giờ đây số phận Motorola ra sao ai cũng biết.


    Những model Q của Motorola với bàn phím QWERTY cùng màn hình cảm ứng những tưởng sẽ là chiếc điện thoại tuyệt vời cho giới doanh nhân thì rốt cuộc nó trở thành những thất bại nặng nề. Motorola thất bại liên tục và chỉ đến khi được khai sáng bởi Android, vận đen mới vơi bớt nhưng "di chứng" của "duyên tiền kiếp" khá nặng nề và giờ đây Motorola Mobility hoành tráng một thời chỉ còn là một phần của Google.


    Và một số thương hiệu khác
     

    Toshiba TG-01 - cái chết của con thiên nga.
     
    Năm 2009, Toshiba ra mắt TG-01 hoành tráng với cấu hình cao chót vót và chạy nền Windows Mobile 6.5. Thời điểm đó, mọi cặp mắt đều đổ dồn vào siêu di động này với hy vọng nó sẽ là sản phẩm đầu tiên được Microsoft nâng cấp lên HĐH mới. Vậy nhưng, nếu HTC HD2 còn "sống mãi với thời gian" nhờ những bản mod ROM sang Android thì Toshiba TG-01 với cấu hình tương đương chỉ còn là giai thoại khi sớm dừng cuộc chơi cùng Windows Mobile. Thậm chí sau đó, người tiền nhiệm TG-02 cũng sớm biến mất khỏi thị trường không kèn không trống.
     
     

    Thương hiệu i-mate còn tồn tại chỉ nhằm bảo hành cho 810-F.
     
    Cùng cuộc chơi trong canh bạc Windows Mobile, i-mate là một cái tên đã từng có lúc nổi đình nổi đám. Các sản phẩm của i-mate và O2 đều do HTC sản xuất nhưng kể từ sau thời điểm HTC tách thành thương hiệu riêng, i-mate cũng bắt đầu cuộc chơi của mình cùng sự kết hợp với nhà sản xuất Gigabyte. Và rồi cũng chỉ 1 năm sau, tức năm 2008, i-mate chính thức rời cuộc chơi và giờ đây nếu gõ tìm kiếm trên Google, bạn vẫn có thể tìm thấy website của thương hiệu này với sản phẩm "nồi đồng cối đá" 810-F chạy Windows Mobile mà hãng cam kết bảo hành trọn đời, như một cách giữ chữ tín với người dùng.
     
    Hào nhoáng là thế nhưng Asus Mobile dường như đã hoàn toàn thất trận.
     
    Thương hiệu Asus hiện nay đang nổi đình nổi đám với những chiếc máy tính bảng Asus Transformer, nhưng có lẽ ít ai còn nhớ nguyên một bộ phận mobile của thương hiệu này đã tan nát cùng Windows Mobile. Thời hoàng kim của những smartphone Windows Mobile P series của Asus đã chấm dứt từ năm 2009 và kể từ đó tới nay, Asus chẳng thành công được chút nào trên lĩnh vực smartphone mặc dù cũng đã thử lấn sân sang Android bằng thương hiệu Garmin-Asus.
     
     
    Palm Treo 500v - đứa con rơi dẫn đến sự phá sản của Palm?
     
    Trong số các thương hiệu kể trên thì không một hãng nào lại có lịch sử tréo nghoe và bi tráng như Palm. Sau thời gian dài tạo được phong cách và thị phần riêng với những PDA phone Palm OS, một ngày đẹp trời của năm 2007, bỗng dưng Palm "bén duyên" Microsoft và kết quả là "bé" Palm Treo 500v ra đời, chạy nền Windows Mobile. Sau vụ "ngoại tình" ấy, Palm liên tục thất bại và ngay cả khi webOS được đánh giá cao thì cuối cùng vẫn bị HP mua lại và rủi thay, đến ngày hôm nay nó hoàn toàn tan nát.
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ