“Chúng ta đang nói về một sự sụp đổ kinh tế rất lớn”.
Nhiều người lựa chọn ăn chay vì những lí do khác nhau. Một số làm điều đó vì lòng nhân từ của họ với động vật. Một số khác chỉ muốn theo đuổi một lối sống lành mạnh. Những nhà vận động vì môi trường muốn thông qua việc ăn chay của họ góp phần vào giảm thiểu khí thải nhà kính.
Rõ ràng chúng ta có thể nhận thấy việc ăn chay đem đến nhiều lợi ích. Nhưng liệu khi ngày càng có nhiều người chuyển sang ăn chay, tiến đến một quy mô toàn cầu, sẽ có những mặt trái nào được bộc lộ?
“Ở các nước phát triển, ăn chay sẽ mang lại cả lợi ích môi trường lẫn sức khỏe. Nhưng ở các nước đang phát triển sẽ có những tác động tiêu cực về đói nghèo”, Andrew Jarvis đến từu Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế cho biết.
Nếu tất cả mọi người đều ăn chay, cuộc sống của hàng triệu, nếu không muốn nói là hàng tỷ người sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thế giới sẽ ra sao khi tất cả mọi người đều ăn chay?
Jarvis và các chuyên gia khác đã cùng nhau xây dựng lên một kịch bản thế giới sẽ như thế nào, khi đột nhiên qua một đêm chẳng một ai ăn thịt nữa.
Đầu tiên, họ xem xét đến sự biến đổi khí hậu. Sản xuất lương thực đang phải chịu trách nhiệm cho khoảng 30% lượng khí thải nhà kính do con người thải ra. Phần lớn trong số đó được đổ lỗi cho hoạt động chăn nuôi công nghiệp.
Mặc dù vậy, việc chúng ta lựa chọn gì trên thực đơn trước nay chưa nhận được những đánh giá đúng mực trong những buổi thảo luận về biến đổi khí hậu. Ví dụ tại Mỹ, một gia đình 4 người trung bình sẽ ăn nhiều thịt đến nỗi lượng khí nhà kính để sản xuất và chế biến chúng còn nhiều hơn cả 2 chiếc ô tô họ đi.
Nhưng bạn có thể thấy điều gì xuất hiện trong những buổi thảo luận về sự nóng lên toàn cầu? Đó là ô tô chứ không phải những món thịt.
“Hầu hết mọi người không nghĩ về những gì thực phẩm có thể gây ra cho vấn đề biến đổi khí hậu”, Tim Benton, một chuyên gia về An ninh lương thực từ Đại học Leeds cho biết. “Chỉ cần ăn ít thịt đi một chút, ngay bây giờ, có thể làm cho mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn ở thế hệ con cháu chúng ta”.
Marco Springmann, một nhà nghiên cứu trong chương trình Thực phẩm tương lai của Đại học Oxford đã cố gắng định lượng xem mức độ tốt đẹp đó sẽ như thế nào. Ông và các đồng nghiệp của mình đã xây dựng một mô hình máy tính dự đoán những gì sẽ xảy ra khi mà mọi người đều ăn chay vào năm 2050.
Kết quả cho thấy rằng khí thải từ thực phẩm sẽ giảm tới 60%, nếu mọi người cắt bỏ toàn bộ thịt đỏ. Còn nếu ăn chay hoàn toàn, lượng khí thải sẽ giảm khoảng 70%.
“Khi nhìn vào những gì tương đương với sự nguy hiểm của biến đổi khí hậu, chúng tôi nhận thấy rằng bạn chỉ có thể ổn định tỷ lệ phát thải liên quan đến thực phẩm tới tổng lượng khí thải, nếu tất cả mọi người cùng áp dụng một chế độ ăn không thịt”, Springmann nói. “Đó là một kịch bản không thực tế cho lắm. Nhưng nó đã làm nổi bật tầm quan trọng rằng khí thải liên quan đến thực phẩm sẽ đóng một vai trò lớn trong tương lai”.
Hoạt động chăn nuôi công nghiệp phải chịu trách nhiệm cho một lượng lớn khí thải
Thực phẩm, đặc biệt là ngành chăn nuôi, cũng đóng góp gián tiếp vào lượng khí thải nhà kính thông qua sự biến đổi môi trường đất và sự suy giảm đa dạng sinh học. Trong khoảng 5 tỷ hec-ta đất nông nghiệp của thế giới, 68% được sử dụng để chăn nuôi gia súc.
Vậy có nên không chúng ta nên ăn chay? Nếu lý tưởng thì chúng ta sẽ giành khoảng 80% số đồng cỏ chăn nuôi để biến chúng trở lại thành đồng cỏ tự nhiên hoặc rừng. Carbon sẽ bị bắt giữ trở lại và biến đổi khí hậu được giảm nhẹ.
Biến đồng cỏ chăn nuôi thành đồng cỏ tự nhiên cũng là một cách để gia tăng đa dạng sinh học. Trâu rừng và các loài động vật ăn cỏ to lớn sẽ thay thế những con gia súc yếu đuối. Động vật ăn thịt cũng có thể trở lại, ví dụ như chó sói, loài vật đã bị con người tàn sát mỗi khi bén mảng đến khu vực nông trại và đe dọa gia súc của họ.
Không ăn thịt, chúng ta có thể đem sự đa dạng sinh học trở lại
Hết 80% đất đồng cỏ, chúng ta sẽ giành từ 10-20% còn lại để phát triển các loại cây trồng, bù lấp khoảng trống lương thực mà việc không ăn thịt để lại. Chúng ta chỉ cần bổ sung một lượng nhỏ đất trồng trọt. Bởi vì không chăn nuôi đồng nghĩa với việc chúng ta giải phóng được thêm một phần ba diện tích đất đang chỉ được sử dụng để trồng thức ăn cho gia súc.
Mặc dù vậy, những ý định phục hồi lại môi trường và chuyển đổi đất nông nghiệp đều đòi hỏi một kết hoạch cụ thể và nguồn đầu tư. Tuy nhiên, thế sẽ còn tốt hơn là để tự đồng cỏ chăn nuôi ngày càng suy thoái. “Bạn không thể chỉ đuổi bò ra khỏi đó và hy vọng nó trở lại thành một khu rừng”, Jarvis nói.
Vấn đề lao động
Ngay cả những kế hoạch tốt nhất cũng sẽ không thể chuyển đổi kế sinh nhai cho tất cả nông dân
Những người đang làm việc trong ngành công nghiệp chăn nuôi sẽ cần hỗ trợ để chuyến đổi nghề nghiệp. Họ có thể vẫn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với những công việc như trồng lại rừng hoặc sản xuất năng lượng sinh học từ phụ phẩm cây trồng, những thứ mà trước đây được làm thức ăn cho chăn nuôi.
Một số nông dân cũng có thể được trả tiền cho hoạt động chăn nuôi gia súc với mục đích môi trường. “Tôi đang ngồi ở Scotland, nơi mà môi trường cao nguyên được con người cải tạo rất tốt và chủ yếu dựa vào việc căn thả cừu”, Peter Alexander, một nhà nghiên cứu Mô hình hệ thống sinh thái xã hội, Đại học Edinburgh cho biết. “Nếu chúng ta đuổi hết lũ cừu đi, khủng cảnh rồi sẽ rất khác, có một tác động tiêu cực tiềm năng lên sự đa dạng sinh học”.
Nhưng một kịch bản xấu, liệu chúng ta có thất bại trong việc chuyển đổi nghề nghiệp và trợ cấp cho những người nông dân đang hoạt động trong ngành chăn nuôi? Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp. Đi theo đó là những biến động xã hội, đặc biệt là trong các cộng đồng nông thôn, những nơi có quan hệ chặt chẽ mà mọi thứ gắn chặt với ngành chăn nuôi công nghiệp.
“Có khoảng 3,5 tỷ động vật nhai lại trên thế giới, hàng chục tỷ con gà bị giết mỗi năm để cung cấp thực phẩm”, Ben Phalan đến từ Đại học Cambridge cho biết. Ông đang nghiên cứu về cân bằng nhu cầu lương thực và đa dạng sinh học. “Chúng ta đang nói về một sự sụp đổ kinh tế rất lớn”.
Ngay cả những kế hoạch tốt nhất cũng sẽ không thể cung cấp kế sinh nhai cho tất cả mọi người. Khoảng một phần 3 đất nông nghiệp trên thế giới nằm trong diện khô hạn mà chỉ có thể dùng trong hoạt động chăn nuôi.
Trong quá khứ, khi mà chúng ta cố gắng chuyển đổi một dải rộng lớn phía trên sa mạc Sahara từ đồng cỏ chăn nuôi thành đất canh tác, tình trạng sa mạc hóa và mất năng suất đã xảy ra sau đó. “Nếu không có gia súc, sống trong những môi trường như vậy có thể là điều bất khả đối với người dân”, Phalan nói.
Thịt đã đi sâu vào văn hóa và truyền thống của các quốc gia
Một vấn đề nữa, hãy nhìn lại những nhóm người du mục như Mông Cổ hoặc Berber. Từ khi từ bỏ hoạt động chăn nuôi và sống tập trung lại thành các thành phố, bản sắc văn hóa của họ cũng đã mất dần.
Tính đến cả những người có cuộc sống không phụ thuộc vào chăn nuôi, họ cũng sẽ bị tác động. Thịt đã sống cùng chúng ta và trở thành một điều quan trọng trong lịch sử. Nó đã đi vào truyền thống và bản sắc văn hóa.
Nhiều dân tộc trên thế giới có tục lệ liên quan đến thịt. Chúng ta dùng thịt trong sính lễ đám cưới, Giáng sinh không thể thiếu gà tây hoặc thịt bò nướng. Mỗi vùng miền, mỗi dân tộc có một biểu tượng và đặc sản của riêng mình. “Tác động văn hóa của việc không ăn thịt sẽ rất lớn. Đó là lý do tại sao những nỗ lực để giảm tiêu thụ thịt thường không đi tới đâu”, Phalan nói.
Nói đến vấn đề sức khỏe, sự ảnh hưởng cũng rất phức tạp. Mô hình trên máy tính của Springmann cho thấy rằng nếu tất cả mọi người chuyển sang ăn chay vào năm 2050, chúng ta sẽ chứng kiến sự sụt giảm trong tỷ lệ tử vong tới 610%. Đó là kết quả của việc giảm được bệnh tim mạch, tiểu đường, đột quỵ và một số loại ung thư liên quan đến tiêu thụ thịt.
Một nửa những lợi ích đến từ việc loại bỏ thịt đỏ, trong khi một nửa còn lại đến từ việc giảm calo và tăng lượng trái cây, rau quả trong chế độ ăn. Một chế độ ăn chay trên toàn thế giới sẽ tiếp tục khuyếch đại nhiều lợi ích. Khoảng 7 triệu ca tử vong sẽ được ngăn chặn mỗi năm. Ngày càng có ít người mắc bệnh mãn tính liên quan đến thực phẩm. Chi phí y tế giảm, từ 2-3% tổng sản phẩm toàn cầu sẽ được tiết kiệm.
Nhưng bên cạnh những lợi ích này, chúng ta cũng phải tìm cách thay thế thịt bằng những sản phẩm có vai trò dinh dưỡng tương tự. Tính trên hàm lượng calo, sản phẩm động vật chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn so với những sản phẩm thay thế chủ lực như gạo, ngũ cốc.
Việc lựa chọn được thứ gì có thể thay thế thịt là rất quan trọng. Nếu không, 2 tỷ người trên thế giới sẽ bị suy dinh dưỡng. “Ăn chay toàn cầu có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng y tế tại các nước đang phát triển. Bởi vì họ sẽ phải hỏi rằng lúc này chất dinh dưỡng sẽ đến từ đâu?”, Benton nói.
Ăn ít thịt đi
Ăn thịt một cách điều độ, chúng ta có thể đạt được lợi ích tương tự
May mắn thay, toàn bộ thế giới không cần phải ăn chay để gặt hái được những lợi ích tương tự và tránh những kịch bản xấu xảy ra. Chúng ta chỉ cần giảm tần số và ăn thịt một cách điều độ.
Một nghiên cứu cho thấy chỉ cần thực hiện theo đúng chế độ dinh dưỡng khuyến cáo bởi Tổ chức Y tế thế giới, lượng khí thải nhà kính của Anh sẽ giảm 17%. “Đây là những thay đổi trong chế độ ăn mà mọi người tiêu dùng sẽ khó chú ý, giống như các miếng thịt chỉ được làm nhỏ đi một chút”, Jarvis nói.
Một số thay đổi trên hệ thống thực phẩm cũng sẽ khuyến khích tất cả chúng ta quyết định ăn một chế độ thân thiện và lành mạnh hơn với môi trường, Springmann nói. Ví dụ, chính sách có thể khiến cho giá thịt đắt hơn và giá rau củ quả rẻ hơn.
Chúng ta cũng phải đề cập đến sự thiếu hiệu quả trong hệ thống sản xuất và tiêu thụ thịt. Bởi những bữa ăn và thực phẩm thừa, đối lập với đó là nhiều người tiêu thụ thịt vượt mức, chúng ta đang vận hành một hệ thống sản xuất và tiêu thụ, nơi mà chưa đến 50% lượng calo sản xuất ra được sử dụng một cách thực sự hiệu quả.
Trong thực tế, có rất nhiều giải pháp để làm giảm được lượng khí thải nhà kính từ ngành chăn nuôi. Điều mà chúng ta còn thiếu chỉ là một ý chí dám thay đổi.
Tham khảo BBC
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"