Điều ít ai biết về ứng dụng tin nhắn bí ẩn nhất thế giới Telegram: Founder tự bỏ tiền túi mỗi tháng 1 triệu USD để duy trì hoạt động
Với số tiền gần 300 triệu USD thu được từ startup trước đó, nhà sáng lập Telegram đến nay vẫn đang duy trì ứng dụng của mình bằng tiền túi của mình.
Tháng 3/2016, Pavel Durov - nhà sáng lập ứng dụng tin nhắn Telegram đã phát biểu dõng dạc tại một hội nghị công nghệ rằng ứng dụng của họ đã thu hút 100 triệu người dùng mỗi tháng và thu hút khoảng 350.000 người theo dõi mới mỗi ngày.
Đây quả thực là một con số cực kỳ ấn tượng, tuy nhiên càng ấn tượng hơn khi biết rằng Telegram không hề kêu gọi vốn như thông thường mà nhà sáng lập muốn xây dựng theo phương thức hoạt động giống Wikipedia, nghĩa là kêu gọi cộng đồng ủng hộ tiền để duy trì dịch vụ.
Hai anh em sáng lập là "thiên tài code"
Ngay từ giai đoạn tuổi thơ, Pavel Duvov đã có chút liên đới tới nhà chức trách. Thời còn đi học, Pavel đã sử dụng khả năng code thiên tài được trời phú của mình để hack mạng máy tính của trường. Anh đã thay đổi màn hình chào ban đầu thành: "Must Die" (Phải chết) bên cạnh một bức ảnh người giáo viên mà anh ghét nhất trường. Trường học đã trả đũa bằng việc ngừng cho anh truy cập mạng lưới nội bộ. Tuy nhiên Pavel đã luôn hack và lấy được mật khẩu mới.
Pavel nói với bạn cùng lớp của mình rằng anh muốn trở thành "biểu tượng Internet", Nikolai Konovov nói trong cuốn sách về code mang tên The Durov Code. Nikolai chính là anh trai của Pavel - người đã giúp anh nhận ra tham vọng đó.
Bản thân Nikolai cũng là một thiên tài khi còn rất nhỏ tuổi. Anh đã đọc rất nhiều sách và giành hai chiến thắng liên tiếp trong 2 mùa cuộc thi lập trình quốc tế. "Anh ta là một thiên tài máy tính", theo Anton Nossik – một doanh nhân Internet – người đã biết anh trai Durov trong nhiều năm. Trong các bài phỏng vấn, Pavel thường nhắc tới anh trai mình như hình mẫu chủ đạo và là cố vấn về lập trình.
Pavel đã sáng lập ra Vkontakte khi vừa tốt nghiệp Đại học St. Petersburg vào năm 2006, ban đầu được thiết kế như một nền tảng mạng xã hội cho sinh viên.
Nikolai ban đầu tư vấn cho em trai mình thông qua điện thoại vì khi ấy anh sống tại Đức. Tuy nhiên, khi VK giành được chỗ đứng, anh quay lại St. Petersburg và nắm giữ vị trí Giám đốc công nghệ của công ty. Đây trở thành mạng xã hội đối trọng của Facebook ở Nga và thậm chí hoạt động nhanh hơn đối thủ.
Tuy nhiên, VK sau này gặp phải một vài rắc rối với chính phủ khiến Pavel bị buộc bán hết số cổ phần, sa thải khởi công ty và rời quê hương. Anh quyết tâm lập nên một ứng dụng tin nhắn siêu bảo mật nhằm "trả đũa" chính phủ Nga. Và thế là Telegram ra đời.
Mỗi tháng tự bỏ tiền túi ra 1 triệu USD để duy trì hoạt động Telegram
Theo chia sẻ của Pavel thì anh kiếm được khoảng 260 triệu USD từ VK và với khoản tiền đó trong một ngân hàng ở Đan Mạch, Durov cùng anh trai Nikolai đã bắt đầu gây dựng lại sự nghiệp. Họ mua hộ chiếu công dân đảo St. Kitts ở Caribbean sau đó, cả hai dốc sức cho công ty mới mang tên Telegram.
Dự án lấy ý tưởng từ hệ thống bảo mật mã hóa tin nhắn mà Durov và anh trai dùng để liên lạc tránh bị theo dõi. Bằng cách đóng gói mọi thứ thành một ứng dụng, Durov đã mang tới cho thế giới phương thức nhắn tin bảo mật hàng đầu. Telegram được phát hành tháng 8/2013 mà không có thông báo chính thức.
Do gặp rắc rối với nhà chức trách nước Nga nên cách chỉ đạo của Pavel có phần "lén lút" để tránh bị theo dõi. Anh dùng tới 3 số điện thoại khác nhau, nhưng rất ít khi trao đổi công việc qua điện thoại. Telegram được xây dựng tại một văn phòng nhỏ ở Berlin. Nhưng giờ, nhân viên công ty lại làm việc tại nhiều nơi khác nhau, chủ yếu họ đặt phòng qua Airbnb.com và thay đổi vị trí liên tục.
Lý giải cho việc này, Durov nói rằng làm như vậy sẽ giúp công ty tránh bị lôi cuốn vào chính trị hay kinh tế của bất kỳ quốc gia nào.
Telegram cũng không phải để bán hay là nơi cho các nhà đầu tư. Durov cho biết nhiều công ty đầu tư mạo hiểm nổi tiếng từ Thung lũng Silicon đã tiếp cận anh và đưa ra vô số lời đề nghị hấp dẫn. Nhưng Pavel cho biết chỉ muốn xây dựng một nhóm cộng sự nhỏ thân thiết.
Ngoài ra theo thông tin của tờ BI thì ỗi tháng, Telegram "ngốn" của Durov 1 triệu USD và nó chưa tạo ra bất kỳ khoản thu nhập nào cho anh, nhưng đây là khoản mà theo Pavel là "vẫn trong tầm kiểm soát". Dĩ nhiên Pavel cho biết việc này sẽ không thể kéo dài mãi mãi.
Anh cho biết đang tìm hướng phát triển để có thể mang về thu nhập cho công ty bằng cách cho các nhà phát triển xây dựng dịch vụ trên nền tảng của Telegram rồi trích hoa hồng lợi nhuận.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"