Điều khiển cử chỉ trên điện thoại sẽ khiến mọi thứ khó khăn hơn, không phải dễ dàng hơn
Một trào lưu mới đang xuất hiện trong thế giới smartphone, và không ngạc nhiên mấy khi một lần nữa, Apple lại là kẻ khởi xướng.
Ngày nay, khi mà màn hình smartphone đã tràn ra các cạnh viền của máy, chiếm trọn mặt trước và không để lại không gian trống nào cho các nút bấm, các hãng sản xuất điện thoại bắt đầu "tái giới thiệu" một giải pháp mới nhưng không hẳn là mới: điều khiển cử chỉ. Dù vẫn chưa chắc Google có thực sự mang tính năng này lên Android P hay không, nhưng một số OEM như OnePlus đã đi trước đón đầu. Và dù điều khiển cử chỉ có thể khiến giao diện người dùng trông mê hoặc hơn, chúng thực ra lại làm điện thoại của chúng ta trở nên vướng víu hơn khi sử dụng trong một thời gian dài.
Đó là thế giới của Apple
Giống như Face ID, cử chỉ vuốt lên để hiển thị giao diện đa nhiệm là cách mà Apple đưa ra để giải quyết một vấn đề mà chỉ Apple mới có: iOS không hề có thanh điều hướng, do đó cách duy nhất để người dùng có thể chuyển đổi giữa các ứng dụng là thông qua nút Home. Tuy nhiên, iPhone X cũng... không có nút Home, và việc biến nút Home trợ năng (assistive touch) thành một phần thiết yếu của giao diện người dùng là điều Apple chẳng bao giờ muốn làm. Vậy là thao tác cử chỉ xuất hiện.
Android không gặp phải vấn đề này. Ngay cả khi các nút bấm cảm ứng sắp "tuyệt chủng", hệ điều hành này vẫn có thanh điều hướng chuẩn để thay thế. Không cần bất kỳ nút bấm vật lý nào, các điện thoại Android vẫn dễ sử dụng và không gây khó chịu cho người dùng bởi thanh điều hướng này từ lâu đã là một thành phần không thể thiếu trong giao diện người dùng. Do đó, khi các OEM, và có lẽ sắp tới là Google, bắt đầu chuyển sang sử dụng thao tác cử chỉ, họ đang áp dụng một giải pháp cho một vấn đề không hề tồn tại!
Deja vu
Điều hướng bằng cử chỉ không phải là một thứ hoàn toàn mới. Trước khi màn hình tràn viền xuất hiện, startup Phần Lan Jolla đã thấy trước tương lai nơi điện thoại không có bất kỳ nút bấm nào. Toàn bộ chiếc điện thoại sẽ được sử dụng thông qua các cử chỉ. Hấp dẫn hơn nữa, bạn có thể sử dụng các cử chỉ này chỉ với một tay mà thôi. Hệ điều hành Sailfish của Jolla có lợi thế là nó "một mình một đường", giống iOS. Nhưng không như iOS hay Android, nó không phải ngay lập tức đối mặt với vấn đề tương thích với các ứng dụng hiện tại và các thao tác cử chỉ của riêng chúng. Nó còn tồn tại một số vấn đề tương tự có thể xảy ra nếu các OEM đi theo hướng này.
Tại sao chỉ nên có một cử chỉ duy nhất?
iPhone X chỉ có duy nhất 1 cử chỉ vuốt lên mà thôi. Và từ hình ảnh mà Google "lỡ tay" đăng lên hôm qua, Android P có lẽ cũng sẽ chỉ có một cử chỉ, trong khi nút Back vẫn được giữ nguyên, khiến thanh điều hướng có một thiết kế bất đối xứng khá khó hiểu.
Vấn đề ở đây là các OEM lúc nào cũng thích làm theo ý mình khi ứng dụng các tính năng mới. Bạn có nhớ có bao nhiêu loại "tai thỏ" đã từng xuất hiện trên các điện thoại Android không? Và có bao nhiêu phiên bản của tính năng "ẩn tai thỏ" đã được các OEM viết ra? Rồi sẽ có bao nhiêu cử chỉ? Với viền màn hình gần như biến mất, việc sử dụng cử chỉ viền là điều người ta sẽ nghĩ ngay đến. Tận dụng tối đa chức năng của viền máy và giúp màn hình đỡ rối rắm hơn. Vấn đề duy nhất là thay vì làm rối màn hình, nay chúng ta sẽ bị rối não!
Tập thể dục cho tay và não
Thanh điều hướng có một lợi thế là tính nhất quán. Nó chỉ có 3 nút bấm mà thôi, và ngoại trừ nút Back, các nút bấm ảo này nhất quán từ đầu đến cuối. iOS vì muốn loại bỏ các nút bấm vật lý khác nên đã dồn khá nhiều chức năng vào nút Home. Với thao tác cử chỉ cũng vậy, bạn phải nhớ cử chỉ này làm gì, cử chỉ kia làm gì. Cộng với cử chỉ viền, số lượng cử chỉ cần nhớ tăng lên rất nhiều.
Bên cạnh việc tập thể dục...não, cử chỉ còn đòi hỏi phải tập thể dục...ngón tay. Chúng thường yêu cầu các chuyển động ngón tay chính xác hơn và đều hơn, thay vì chỉ chạm vào nút bấm. Người trẻ tuổi sẽ chẳng gặp khó khăn gì. Nhưng những người có tuổi lại là một chuyện hoàn toàn khác.
Phân mảnh
Nếu một nhà sản xuất ứng dụng thao tác điều hướng cử chỉ, các nhà sản xuất khác cũng sẽ đua đòi theo. Và họ sẽ làm mọi thứ khác nhau để tạo điểm nhấn cho riêng mình. Sẽ rất đơn giản nếu họ cứ copy duy nhất một cử chỉ của nhau, và tất cả đều copy từ cách làm của Apple. Nhưng đời lại không đơn giản như vậy. Phải đến tận gần đây, Samsung mới cho phép người dùng sử dụng thanh điều hướng với các nút bấm đặt theo thứ tự tương tự Android gốc. Vậy mà sắp đến, khi thao tác cử chỉ bắt đầu phổ biến, cả đám Android sẽ lại chạy quáng quàng như lũ gà mất đầu!
Kết luận
Không thể phủ nhận rằng giao diện người dùng hiện tại cũng như phương thức điều hướng trên smartphone chưa hoàn hảo. Nhưng chuyển sang một hệ thống điều hướng mới chỉ vì nó trông, và có lẽ là thực sự hoạt động tốt trên iPhone, lại sẽ gây ra những sự hỗn loạn và nhiều vấn đề về mặt lâu dài. Có lẽ đây là lúc các nhà sản xuất Android nên tập đi vào một khuôn khổ chúng. Có lẽ đã đến lúc Google nên ràng buộc họ và đưa ra một tiêu chuẩn chung trước khi sự việc ra khỏi tầm với, như những gì đã xảy ra với "tai thỏ". Hoặc có lẽ họ sẽ quyết định rằng chi phí bảo trì quá cao so với việc giữ nguyên hiện trạng, và sẽ không đi theo hướng điên rồ này. Chúng ta chỉ có thể hi vọng mà thôi.
Tham khảo: SlashGear
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Nửa đêm, Facebook sập trên toàn cầu, Instagram, Threads cũng không thể truy cập