Đố bạn biết: dù đang tổ chức TI7 nhưng Valve có thực sự sở hữu DOTA 2 không?

    Samurice Spiderum,  

    Defense of the Ancients hay còn được biết đến với cái tên DOTA được sinh ra từ một mod của Warcraft III và nay đang là con gà đẻ trứng vàng cho Valve. Tuy nhiên, bản quyền của game MOBA đình đám này đã bị lung lay khi 2 nhà phát triển trẻ đứng ra và tạo nên những game mang tên DOTA của riêng mình.

    Hai nhà phát triển game này là uCool và Lilith, họ là những người đứng sau hai mobile game có tên và sử dụng các sản phẩm thuộc về thế giới DOTA mang tên "DOTA Legends" và "Heroes Charge".

    Mặc dù nhanh chóng trở thành hai tựa game bán chạy nhất trên nền tảng mobile, sự phát triển của 2 game này ngay lập tức bị Blizzard và Valve can thiệp. Rồi sau đó, chuyện gì đến cũng phải đến, hai ông trùm điện tử này đã kiện uCool và Lilith vì vi phạm bản quyền sản phẩm của họ.

     Giao diện của DOTA Legends.

    Giao diện của DOTA Legends.

    Tuy nhiên, mọi thứ không đơn giản như vậy. Đứng trước tòa án liên bang của California, uCool cho rằng sản phẩm của anh hoàn toàn chính thống và không vi phạm bản quyền của ai vì “DOTA All-stars là một sản phẩm cộng hưởng” (theo lời uCool), nghĩa là nó được tạo ra dành cho nhiều người và được xây dựng bởi cộng đồng, vì vậy không ai thực sự sở hữu bản quyền về DOTA hay bất cứ sản phẩm nào nằm trong game. Theo luận điểm này, DOTA không thuộc về ai và hoàn toàn miễn phí cho bất cứ nhà phát triển nào, kể cả Valve.

    Vậy Valve có thực sự sở hữu DOTA không? Để trả lời câu hỏi này, trước hết ta cần nhìn lại lịch sử phát triển của DOTA từ ngày đầu tiên, khi nó còn là một bản chỉnh sửa từ War Craft III.

    Lịch sử phát triển của DOTA

    DOTA được sinh ra vào một ngày đẹp trời năm 2002 khi một game thủ có tên Kyle Sommer quyết định tạo ra một mod cho War Craft III dành riêng cho mình. Anh đã tạo ra một hệ sinh thái bao gồm “hệ thống game”, “anh hùng”, “luật lệ”, và các “danh tính”. Kyle hay còn được biết đến với cái tên quen thuộc hơn là Eul nhanh chóng được cộng đồng ủng hộ và giúp đỡ và mod của anh được đặt tên là “Defendes of the Ancients”, gọi tắt là DOTA.

     Eul xuất hiện trong sự kiện The International.

    Eul xuất hiện trong sự kiện The International.

    Đến 2003, các modder khác bắt đầu lấy những nhân vật hay nhất trong những phiên bản khác nhau của DOTA ra để tạo thành một bản mở rộng lớn hơn có tên: DOTA All-stars. Và đây là lúc một huyền thoại xuất hiện đảm nhiệm dự án này, anh ta tên là Stephen Feak nhưng những người tín đồ của DOTA thì biết anh với cái tên Guinsoo. Khi nhận dự án, Guinsoo chủ động kêu gọi và nhận các feedback từ những người chơi kèm theo đó là các mảng phát triển từ các modder khác dành cho game. Đây chính là điều khiến DOTA có vấn đề bản quyền khi Eul chỉ xây dựng game một mình còn Guinsoo thì dựng nó cùng với cả cộng đồng.

     DOTA những ngày đầu tiên với sự xây dựng từ Eul và Guinsoo.

    DOTA những ngày đầu tiên với sự xây dựng từ Eul và Guinsoo.

    Và đến 2005, Guinsoo chuyển vị trí chủ nhiệm phát triển DOTA All-stars cho Abdul Ismail, hay còn được game thủ toàn cầu biết đến với cái tên Ice Frog. Sau một thời gian làm việc cùng S2 Games để xây dựng một tựa game giống DOTA có tên là Heroes of Neweth, Ice Frog được Gabe Newell, ông trùm tập đoàn game khổng lồ - Valve, liên lạc và mời về để xây dựng một tựa game mới.

    Đến 2009, Ice Frog chính thức về với Valve và vào năm 2010 anh đã bán bản quyền DOTA cho Valve. Cùng lúc, Valve cũng liên lạc với Eul và mời anh về làm việc cùng Ice Frog trong dự án game mới, đồng thời nhận luôn chữ kí bản quyền DOTA của anh.

    Cũng trong 2009, Riot thuê Guinsoo xây dựng tựa game giống với những gì anh từng làm với DOTA có tên là League of Legends. Riot cũng lấy luôn chữ kí bản quyền DOTA từ phía Guinsoo và bán lại cho Blizzard. Để tránh gặp rắc rối bản quyền với cái tên DOTA, Blizzard cùng Valve đã ra tòa và xem xét lại vấn đề vào năm 2012. Valve sau đó đã giữ hoàn toàn bản quyền của tựa game này và các sản phẩm khác có tên DOTA trong khi đó Blizzard quay sang xây dựng dự án riêng của họ trên dòng game này (nay đã có tên là MOBA) và đặt nó là Blizzard DOTA và sau đó chuyển tên thành Heroes of the Storms.

    Vậy suy luận của uCool và Lilith là đúng?

    Mặc dù đúng là DOTA được cả cộng đồng góp sức tạo nên, những gì được cho vào game không phải là tất cả những gì họ tạo ra. Theo lời của thẩm phán Breyer, người đứng ra phân xử vụ kiện này, Eul, Guinsoo và Ice Frog là những người quyết định yếu tố nào sẽ vào game và yếu tố nào bị loại bỏ vì vậy cộng đồng có thể coi là các diễn viên và các huyền thoại kia là những đạo diễn đứng sau bộ phim. Vì thế nên bản quyền thực sự phải thuộc về những “đạo diễn” chứ không phải diễn viên.

    DOTA không phải là sản phẩm cộng hưởng và suy luận này của uCool hoàn toàn sai. Tuy nhiên anh ta đưa ra một dẫn chứng khác:

    Năm 2004, Eul đã công bố trên forum của DOTA rằng: “Từ đây trở đi, DOTA sẽ là một công trình mở...Ai muốn xây dựng và đưa ra phiên bản DOTA nào cũng được miễn là hãy cho tên tôi vào phần credit”.

    Tuy nhiên Breyer phản bác, thẩm phán cho rằng: “Lời của anh Eul có thể có nghĩa là anh ta cho phép các modder xây dựng phiên bản DOTA của mình trên các nền tảng khác và bán sản phẩm đó dựa trên tên bản quyền của Eul”. Nhưng đồng thời nó cũng có thể được hiểu theo nghĩa hoàn toàn khác. Theo Breyer, hành động này chỉ là Eul cho các modder “quyền ngắn hạn” để dựng lên các bản mod khác chứ không phải là một sản phẩm hoàn toàn khác biệt trên nền tảng khác có tên DOTA.

    Cuối cùng, Breyer đưa ra luận điểm cho rằng vì Eul công bố câu nói đó trên forum của DOTA nên đối tượng anh ta hướng tới các các modder của cộng đồng DOTA chứ không phải là công ty có vốn lớn và có khả năng tạo ra một sản phẩm khổng lồ mang tên DOTA. Và với luận điểm này, uCool đã hoàn toàn thất bại trong việc bảo vệ bản quyền cho mobile game của mình.

    Qua vụ kiện này, ta có thể thấy chúng ta, những người chơi game thật may mắn làm sao khi Valve là người duy nhất sở hữu cái tên DOTA. Nếu điều đó không xảy ra, chúng ta đã có thể nhìn thấy hàng trăm sản phẩm nhái khác với cái tên DOTA và điều đó sẽ chả vui vẻ gì khi mặt của Dondo-sama bị gắn linh tinh ở khắp nơi và trên mọi thứ chỉ bởi vì anh là một game thủ DOTA nổi tiếng.

     MMR không có ý nghĩa gì cả - Dondo Sama

    "MMR không có ý nghĩa gì cả" - Dondo Sama

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ