3Doodler: Bút vẽ được đồ vật thật gây sốt làng công nghệ

    MT,  

    (GenK.vn) - 3Doodler là một chiếc bút vẽ 3D do WobbleWorks phát triển có thể giúp vẽ các đồ vật thật trong không khí giống như các máy in 3D.

    Hẳn rằng tất cả chúng ta khi còn bé đều đã từng cầm chiếc bút để vẽ lên những đồ vật mà mình yêu thích. Chỉ có điều những tác phẩm đó mãi vẫn chỉ nằm trên giấy bởi đơn giản chúng ta không có cách nào làm cho những hình vẽ đó bước ra ngoài đời thực được. Tuy nhiên, giờ đây, cùng với sự phát triển của công nghệ, trong tương lai bạn đã có thể lấy đồ vậy từ trên giấy kia và đưa nó ra ngoài, nhờ chiếc bút thần kì có tên 3Doodler.

    Được phát triển bởi hãng WobbleWorks, 3Doodler về cơ bản là một chiếc bút vẽ 3D có thể giúp bạn vẽ ra những đồ vật thật: cầm, nắm, sờ được tận tay, tương tự như máy in 3D. Nói bút vẽ 3D cũng không sai nhưng đúng hơn và cụ thể hơn thì 3Doodler là thiết bị kiểu "khẩu súng" dùng keo nóng để làm chảy nhựa, từ đó giúp bạn có thể viết được trong không khí.

    Bút có thiết kế theo dạng thuôn như bạn có thể thấy từ ảnh chụp. Bên ngoài nó được bao bọc bởi lớp vỏ nhựa đen cứng. Trọng lượng của bút cũng đủ nhẹ để bạn cầm nắm thoải mái. Ở gần phía đầu bút chúng ta có 2 nút cao su hình mũi tên. Chúng sẽ giúp bạn kiểm soát tốc độ đẩy ra của nhựa từ bên trong. Ngay trên 2 nút này là đèn LED nhỏ giúp cho bạn biết thời điểm 3Doodler đang tạo nhiệt (đèn led báo màu đỏ) và khi nào bút đạt đến nhiệt độ đủ để in chất liệu nhựa ABS và PLA bên trong. Chúng ta cũng có thể thấy từ hình ảnh đó là một chiếc quạt tản nhiệt lớn ở đầu đối diện ngòi bút. Quạt tản nhiệt gần như là yêu cầu bắt buộc khi mà 3Doodler tạo ra mức nhiệt lên tới 240 độ C cho quá trình in.

    Lật ngửa bút lên, bạn sẽ thấy phía sau là lỗ cắm dây nguồn. Đây là điều dễ hiểu bởi ở thế hệ sản phẩm đầu tiên, WobbleWorks phải sử dụng dây nguồn cố định chứ không dùng pin, bởi việc trang bị pin cho bút sẽ khiến trọng lượng tăng thêm đáng kể, không thích hợp cho việc cầm nắm.

    Phía bên trái cổng nguồn là nơi chúng ta tìm thấy bộ chuyển mạch (power switch) với 3 thiết lập: tắt (Off), PLA và  ABS. Bạn điều chỉnh ở đây để thông báo cho 3Doodler biết được mức nhiệt mà nó cần để in loại nhựa mà bạn đã nạp vào. Phía bên trái là cổng điều khiển 3-pin cho phép bạn kết nối 3Doodler với máy CNC.

    Ở phía cuối của thiết bị là đầu bút kim loại. Không cần phải nói, đầu bút này sẽ cực kì nóng trong quá trình in. Đầu bút sẽ nóng giống như chảy nhựa vậy, do đó bạn phải cần hết sức đề phòng và tránh chạm vào ngòi bút trong quá trình sử dụng. Ở phiên bản thương mại sau này, có thể nhà sản xuất sẽ trang bị cho đầu bút một nắp cao su bảo vệ. Tuy nhiên, ngay cả khi có nắp cao su này thì đầu bút vẫn sẽ có một chút tiếp xúc lồi ra, do đó bạn vẫn phải biết để đề phòng, đặc biệt là nếu xung quanh có trẻ em.

    Thiết lập

    Bước đầu tiên để sử dụng 3Dooder là bạn cắm dây nguồn vào. Dây nguồn đi kèm có chiều dài khoảng 1,8m, do dó nếu bạn phải cắm điện ở khoảng cách xa hơn thì bạn sẽ phải mua thêm dây nguồn mở rộng.

    Sau khi cắm dây nguồn, bước tiếp theo đó là kích hoạt chế độ in cho bút ở power switch như đã nói trên. 3Dooder tương thích với nhựa ABS hoặc PLA – 2 loại nhựa khá phổ biến hiện nay trên các máy in 3D thương mại. Khi mua sản phẩm này, bạn sẽ phải xác định xem mình cần tới loại chất liệu nào. ABS sẽ là lựa chọn tốt hơn nếu bạn có nhu cầu viết trong không trung, trong khi đó PLA phù hợp hơn khi vẽ trên bề mặt, đồng thời thân thiện với môi trường hơn 1 chút. Loại nhựa này cũng tạo ra ít mùi khó chịu hơn khi bị nấu chảy.

    Để in nhựa ABS, bạn đốt nóng thiết bị lên mức 230 độ C. Công đoạn này chỉ mất chưa đầy 1 phút - chính xác là 55 giây. Bạn để yên 3Doodler 1 lúc và bút sẽ tự động nguội trở lại. Tuy nhiên bạn cũng có thể “đốt” nóng chiếc bút bất kì khi nào mình muốn bằng cách bật tắt ở bộ chuyển mạch. Khi đèn LED hiện màu xanh da trời hoặc xanh lá cây (tùy vào vật liệu), bạn cắm nhựa in vào phần khe ở phía sau bút, rồi đẩy nhựa sâu vào trong hết mức có thể. Sẽ mất khoảng 5 giây để nhựa phun ra ở đầu bút và bạn đã có thể bắt đầu công việc sáng tạo tác phẩm của mình.

    Sử dụng

    Một điều bạn cần lưu ý rằng việc vẽ các đồ vật 3D không phải là điều dễ dàng và đòi hỏi phải có kỹ năng. Trong khi đó vẽ trên mặt phẳng lại đơn giản hơn khá nhiều. Và nếu chưa quen, thì tốt nhất bạn nên tập đồ lại một vật nào đó trước khi vận dụng các kĩ năng khác. Để đồ 1 ảnh mẫu nào đó, bạn đặt 1 miếng giấy mỏng để lên trên ảnh và bắt đầu đồ. Như bạn có thể thấy ở ảnh dưới, sản phẩm tạo ra bằng cách này sẽ tránh được những nét nguệch ngoạc mà nếu không có mẫu bạn sẽ dễ gặp phải.

    Việc vẽ trong không khí sẽ khiến bạn gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ phải có trí tưởng tượng, mà do nhựa khô rất nhanh nên bạn cũng sẽ phải cực kì “lành nghề”. Một cái nhấc bút không đúng thời điểm cũng có thể khiến tác phẩm dễ dàng xấu đi. Như bạn có thể tưởng tưởng, để tay trên không và thực hiện thao tác vẽ là một việc không hề dễ tí nào.

    Bản thân bút không quá nóng khi hoạt động, mặc dù quạt làm mát thổi ra không ít không khí ấm vào tay bạn. Tuy nhiên lượng khí này cũng sẽ làm bạn khó chịu, nhất là vào những ngày nắng nóng. Khi mảnh nhựa đã chảy hết, bạn lại tiếp tục đút mảnh khác vào phía sau như đã làm lúc đầu và công việc lại có thể tiếp tục. Thử nghiệm cho thấy nhựa sẽ hết rất nhanh, do đó bạn sẽ cần phải có 1 lượng nguyên liệu khá nhiều cho tác phẩm của mình.

    3Dooder đang là một trong những dự án thành công nhất trên cộng đồng Kicstarter với số tiền góp vốn lên tới 2,3 triệu USD, vượt rất xa mục tiêu ban đầu của nhà sản xuất (30.00 USD). Với giá bán chỉ 100 USD, cho dù bạn không phải là một họa sĩ, nhà thiết kế chuyên nghiệp, thì những gì mà 3Dooder mang lại cũng là rất tuyệt vời. Điều đó lý giải vì sao đang có rất nhiều người nóng lòng chờ đợi sản phẩm lên kệ trong một thời điểm ngay trong 2014 năm nay. 

    3Doodler
     
    An example of a drawing done in thin-air on the 3Doodler video.
     

    Tham khảo: Engadget

    NỔI BẬT TRANG CHỦ