"Kẻ thù của kẻ thù là bạn". Đây là câu nói thường gặp trên thương trường cũng như chiến trường. Intel là đối thủ của AMD, cũng đồng thời đang là "quân địch" trong mắt ARM. Với các động thái nhắm đến thị trường di động hiện nay của Intel, rõ ràng ARM đang cảm thấy rất "nóng". Và hãng có kiến trúc điện toán gần như độc tôn trên di động này đã quyết định liên kết với AMD lập ra HSA Foundation để đối phó với Intel. Ngược lại, AMD có động thái khác nhằm tận dụng "đồng minh" mới của mình.
Còn nhớ cách đây không lâu tại hội thảo tài chính FAD 2012 của AMD, hãng này đã "hấp háy" về thế hệ chip APU mới của họ, rằng bên cạnh nhân CPU (x86) và GPU Radeon vốn có, con chip tương lai sẽ kèm nhân xử lý đến từ một hãng khác (3rd IP). Nhân này là gì thì AMD không tiết lộ. Rồi đến sự kiện AFDS 2012 mới vài ngày trước, câu trả lời đã rõ: ARM.
Kiến trúc phần mềm của TrustZone.
Kiến trúc phần cứng.
Thực ra món mà AMD "mượn" của ARM không phải toàn bộ kiến trúc của hãng này. Thứ AMD dự định tích hợp lên con chip APU mới là công nghệ TrustZone của ARM. Công nghệ này về cơ bản sẽ cung cấp các tính năng bảo mật & an ninh, giúp nâng cao sự an toàn trong các giao dịch nhạy cảm của người dùng, đặc biệt là mảng thanh toán di động. Bước đi này của AMD tương tự việc mua lại hãng bảo mật McAfee hồi 2010 của Intel, cũng nhằm mục đích giảm thiểu các rủi ro nêu trên.
Tuy vậy TrustZone không phải một IP riêng rẽ. Nó là một phần nằm trong kiến trúc ARMv6 (ARM11, Cortex-M) hoặc v7 (Cortex-A, Cortex-M, Cortex-R). Nên lựa chọn của AMD là mua lại toàn bộ một nhân xử lý và cái nhân được chọn có tên Cortex-A5, phiên bản thấp nhất trong dòng chip Cortex-A. Song không rõ liệu ngoài việc tận dụng TrustZone thì AMD có ý dùng chiếc nhân A5 để xử lý các tác vụ thông thường khác hay không. Hiện vẫn có nhiều ứng dụng chạy trên Android nhưng chỉ hỗ trợ kiến trúc ARM. Theo một mạch logic nào đấy, việc tận dụng nhân A5 cho các ứng dụng này có thể sẽ tốt hơn khi chạy giả lập trên nhân x86.
TrustZone gồm 3 lớp bảo mật khác nhau.
Lộ trình trong năm sau của AMD.
Trong lộ trình APU cho 2013 của AMD, sẽ có 3 mẫu chip mới gồm Kaveri, Kabini và Temash. 2 chip Kaveri và Kabini đều có các tính năng HSA. Song chưa rõ liệu tính năng HSA có tương đương với việc kèm nhân ARM trong chúng hay không, mặc dù về lý thuyết thì 2 khái niệm này rất gần nhau. Riêng chip Temash sẽ là một thiết kế SoC (system on a chip) và AMD đã cho hay, việc tích hợp thêm nhân ARM sẽ dựa trên phương pháp SoC.
Tham khảo AMD.