Asus GTX 950 Strix: Đắt nhưng xắt ra miếng
Tất cả mọi yếu tố đều xứng đáng chấm điểm 10: Thiết kế đẹp mắt, linh kiện tuyệt vời, ép xung mạnh mẽ, hoạt động mát mẻ và im lặng 100%.
“Strix” - trong tiếng La Mã và Hy Lạp cổ - có nghĩa là “con cú”. Cú là loài chim hoạt động về đêm với bản năng săn mồi cực mạnh. Con mồi của chúng thường là những động vật nhỏ như chuột, sóc… Chúng đều là nạn nhân của đôi mắt xuyên đêm tinh tường, đôi tai cực thính, sự kiên nhẫn rình rập, phản xạ cực nhanh và những cú bổ nhào không tiếng động.
Lấy cảm hứng từ loài vật có rất nhiều đặc điểm của… game thủ, Asus đã cho ra đời dòng sản phẩm chơi game Strix với độ phủ rất rộng từ phần cứng máy tính cho tới Gaming Gear: card đồ họa, chuột, bàn phím, tai nghe và bàn di chuột.
Nằm trong brand Strix, sản phẩm hôm nay tôi muốn giới thiệu là Asus GTX 950 Strix. Đây là phiên bản GTX 950 có giá cao nhất tại Việt Nam hiện nay: Gần 5 triệu đồng, nghĩa là gần bằng với các phiên bản giá rẻ của GTX 960. Điều gì khiến Asus có thể tự tin đặt giá ngất ngưởng như vậy? Và liệu Asus GTX 950 Strix có xứng đáng với số tiền game thủ phải bỏ ra?
Asus GTX 950 Strix
Vỏ hộp có kích thước trung bình, hình con cú to tổ chảng đập ngay vào mắt.
Mặt sau vỏ hộp là các công nghệ ứng dụng trên sản phẩm, bao gồm tản nhiệt DirectCU II, quạt con cú độ ồn 0 dB, linh kiện chuẩn Super Alloy Power II và công cụ ép xung GPU Tweak II.
Tản nhiệt 0 dB không đặc biệt lắm vì hãng nào cũng làm. Tôi chú ý đến chuẩn linh kiện ngon và phần mềm ép xung hơn.
Phụ kiện đi kèm ít ỏi, chỉ có đĩa driver và sách hướng dẫn.
Thiết kế đúng hệt như cái tên Strix, đậm mùi cú vọ. Tất cả các card đồ họa thuộc dòng Strix đều mang hình dáng như thế này. Có rất nhiều ý kiến trái chiều về tản nhiệt cú vọ này của Asus, có người khen đẹp, có người lại chê xấu. Bản thân tôi ban đầu cũng cảm thấy không thích lắm, nhưng càng nhìn lâu lại càng thấy hay hay.
Bo mạch màu đen nam tính, thời thượng.
Nước sơn đen của mặt nạ vừa bóng lại vừa lì, nhìn trong ảnh thế nào thì ngoài đời y hệt như vậy.
Asus khá chú ý đến tiểu tiết, thể hiện qua các chi tiết nhỏ như chữ Asus và Strix khắc chìm trên tản nhiệt, giúp chiếc card có thêm đường nét, không bị đơn điệu.
GTX 950 hỗ trợ SLI 2 card đồ họa, hiệu năng tăng thêm khoảng 85% so với chạy 1 card.
Chiếc card có tới 4 cổng xuất hình: 2 cổng DVI, 1 cổng HDMI và 1 cổng DisplayPort. Đồng thời, Asus GTX 950 Strix cũng hỗ trợ tới 4 màn hình cùng lúc.
Ưu điểm đáng kể nhất của dòng Strix nằm ở quạt tản nhiệt cực kỳ êm ái, ngay cả khi quay với tốc độ cao.
Tản nhiệt trang bị 2 ống đồng đường kính lớn, được mạ niken chống oxy hóa.
Lưng card có 1 thanh đỡ board để chống cong bởi chính sức nặng của tản nhiệt.
GTX 950 Strix yêu cầu 1 nguồn phụ 6 pin, bộ nguồn công suất thực 450W.
Linh kiện và tản nhiệt
Các phiên bản Strix của Asus từ trước đến giờ luôn ăn đứt đa số sản phẩm của hãng khác, GTX 950 Strix cũng không phải ngoại lệ.
Có tới 4 phase cấp điện cho GPU. Mỗi phase đều có dung tích cao hơn so với phase điện thường, được điều khiển bằng 3 mosfet.
Phase VRM cũng được trang bị linh kiện tương tự.
Trên board mạch có 4 chip nhớ cao cấp của Samsung, mỗi chip có dung lượng 512 GB tạo thành bộ nhớ 2 GB GDDR5.
Tản nhiệt sử dụng công nghệ Direct Touch, các ống dẫn nhiệt tiếp xúc trực tiếp với GPU.
Chất lượng gia công của tản nhiệt không thể chê ở điểm nào, các lá nhôm sáng bóng, thẳng đều tăm tắp.
Thông số - Ép xung
GTX 950 Strix được Asus ép xung sẵn xung nhân lên rất cao, tới 1165 MHz (hơn 14% so với mặc định), xung boost thực tế là 1430 MHz. Tuy nhiên họ không ép xung nhớ mà giữ nguyên 1653 MHz như Nvidia đưa ra. Ép xung nhân cao như thế này mà ko ép luôn cả xung nhớ thì thật đáng tiếc, bởi bề rộng nhớ của GTX 950 chỉ là 128 bit, khiến băng thông không được cao.
Xung nhịp cao nhất mà tôi đạt được là 1280/2000 MHz, boost lên 1558 MHz khi chơi game. Kết quả ép xung này là cực kỳ ngon.
Cấu hình thử nghiệm
Bo mạch chủ: ASRock Z77 Extreme4
Bộ xử lý: Intel Core i5-3570K @4.5 GHz
Bộ nhớ trong: 2 x 4 GB Kingston HyperX 1866
Ổ cứng: SSD Kingston HyperX 240 GB
Nguồn: 550W
Card đồ họa:
- Asus GTX 950 Strix (1165/1653 MHz)
- Nvidia GTX 970 (1051/1753 MHz)
- Nvidia GTX 960 (1127/1753 MHz)
- Nvidia GTX 750 Ti (1020/1350 MHz)
- AMD R7 370 (975/1400 MHz)
Phần mềm và game thử nghiệm
- Nvidia Driver 355.98 International
- AMD Driver 17.7.1 International
- 3DMark Vantage
- 3DMark 11
- 3DMark 2013
- Batman: Origins (DX 11)
- BioShock Infinite (DX 11)
- Crysis 3 (DX 11)
- Dirt 3 (DX 11)
- Hitman Absolution (DX 11)
- Metro: Last Light (DX 11)
- Total War Rome 2 (DX 11)
- Sleeping Dogs (DX 11)
- Sniper Elite V2 (DX 11)
- Tomb Raider (DX 11)
Kết quả thử nghiệm
Nhiệt độ - Độ ồn
Vào thời điểm test, nhiệt độ phòng đang là 30 độ C. Nhiệt độ hoạt động của Asus GTX 950 Strix trên benchtable:
- Idle: 42 độ C, quạt không quay.
- Game: 69 độ C, quạt 50% ~ 1660 vòng/phút.
- Game (@1280/2000 MHz): 71 độ C, quạt 55% ~ 1830 vòng/phút.
Nhiệt độ hoạt động và độ ồn luôn là điểm mạnh của các card đồ họa Strix. Tuy nhiệt độ phòng là 30 độ C, nhiệt độ hoạt động còn xa mới chạm tới ngưỡng hạ xung 80 độ C mà Nvidia đặt ra. Bên cạnh đó, card hoạt động im lặng hoàn toàn, dù benchtable của tôi nằm ngay bên cạnh người nhưng cũng không nghe thấy bất kỳ âm thanh nhỏ nào phát ra cả.
Kết luận
Biểu đồ tổng kết hiệu năng:
Trên thực tế, giá gần 5 triệu đồng là hơi cao cho một chiếc GTX 950 vì các phiên bản thấp của GTX 960 cũng chỉ hơn 5 triệu một chút mà thôi. Dù vậy, cái gì cũng có giá của nó, tôi vẫn đánh giá cao chiến binh cú vọ này. Tất cả mọi yếu tố đều xứng đáng chấm điểm 10: Thiết kế đẹp mắt, linh kiện tuyệt vời, ép xung mạnh mẽ, hoạt động mát mẻ và im lặng 100%. Có điều chi phí sẽ là một trở ngại không nhỏ để Asus GTX 950 Strix có thể tiếp cận người dùng, đặc biệt khi p/p lại là tiêu chí coi trọng hàng đầu của game thủ Việt.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?