Bộ Quốc phòng Mỹ đạt thành tựu lớn trong việc phát triển cánh tay giả
(GenK.vn) - Cánh tay giả DEKA Arm của DARPA - cơ quan nghiên cứu cao cấp Bộ Quốc phòng Mỹ - có thể thực hiện nhiều chuyển động tự động hóa cùng lúc.
Cách đây gần 8 năm, cơ quan nghiên cứu cao cấp của Bộ Quốc phòng Mỹ DARPA, đã từng giới thiệu một giải pháp tiên tiến nhằm giúp đỡ những người khuyết tật nhằm thay thế cho các móc kim loại vẫn được sử dụng rộng rãi tới tận ngày nay.
Và mới đây, giải pháp của DARPA vừa được Cục Quản lý Thuốc và Dược phẩm của Mỹ (Food and Drug Administration - FDA), cấp phép cho một trong số các sản phẩm của giải pháp đó: Một loại tay chân nhân tạo điều khiển bằng ý nghĩ có tên gọi DEKA Arm. Hiện nay, một số nhà khoa học và kỹ sư trên thế giới cũng đang phát triển những thiết bị tương tự, tuy nhiên đây là lần đầu tiên FDA tiến hành cấp phép cho một dạng tay chân nhân tạo như thế. Thiết bị này được sản xuất bởi công ty do Dean Kamen - nhà sáng lập của hãng Segway, thành lập, và nó có kích thước cũng như trọng lượng tương đương với cánh tay của một người trưởng thành.
Cánh tay này được điều khiển bởi các electromyogram electrode (tạm dịch: Điện cực điện cơ đồ) được đặt trên phần tay lành. Các cảm biến sẽ có nhiệm vụ nhận tín hiệu điện từ các chuyển động cơ của phần trên cánh tay, trong khi đó 1 máy tính bên trong phần tay máy có thể nhận biết được người dùng muốn thực hiện loại vận động nào. Kết quả của những công nghệ trên là vô cùng ấn tượng: Như chúng ta có thể xem ở video bên dưới, những người khuyết tật trong thử nghiệm có thể dùng cánh tay robot để làm những việc mà trước đây các loại tay giả không thể làm được. Họ có thể thao tác với phecmơtuya, chìa khóa, hay nhặt trứng mà không làm vỡ chúng...
FDA gọi DEKA Arm là cánh tay giả được điều khiển bằng tín hiệu điện đầu tiên có thể thực hiện nhiều chuyển động tự động hóa (robotically) cùng lúc. Và để đạt được thành tựu như hôm nay, DARPA đã đầu tư 40 triệu USD vào dự án. Sản phẩm ngày hôm nay cũng mới chỉ là một phần của dự án "cách mạng hóa chân tay giả" (Revolutionizing Prosthetics) với số vốn đầu tư 100 triệu USD mà DARPA đang thực hiện.
Với việc được Cục Quản lý Thuốc và Dược phẩm của Mỹ cấp phép, DEKA có thể sẽ tìm ra được một nhà sản xuất và cuối cùng là đưa vào sử dụng thực tế. Như vậy, sau nhiều năm chờ đợi, tương lai những người khuyết tật có thể có được những chiếc chân tay giả có khả năng chuyển động gần như thật sẽ là không còn quá xa vời nữa.
Tham khảo: Theverge, Darpa
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?