Cảnh báo: Dùng cáp sạc USB Type-C không cẩn thận có thể làm hỏng laptop của bạn

    Neo,  

    Chiếc laptop của bạn có thể bị phá hủy bởi một lỗi trên các dây cáp USB giá rẻ, đây không còn là lời dọa dẫm, nó đã trở thành sự thực.

    Trong năm vừa qua, chủ đề được bàn tán nhiều nhất lại là một chủ đề rất nhỏ: cổng USB. Cụ thể, chuẩn USB Type-C và cổng mới hứa hẹn cho phép chúng ta kết nối tất cả các thiết bị từ màn hình tới điện thoại, máy tính hoặc bất cứ thứ gì mà chúng ta mơ ước.

    USB-C được sự hỗ trợ bởi các công ty lớn trong làng công nghệ. Apple và Google đã ra mắt các mẫu laptop đầu tiên sử dụng chuẩn USB này và hiện tại nó xuất hiện trên máy tính, tablet, smartphone trên khắp toàn cầu. USB-C có thể đảo ngược và cung cấp điện năng cũng như dữ liệu ở tốc độ cao. Quan trọng hơn, nó có thể tương thích ngược với những chuẩn USB cũ. Hiện tại USB-C trở thành một tiêu chuẩn phổ quát.

    Tuy nhiên, USB-C gặp một chút rắc rối. Nếu không cẩn thận, một chiếc cáp USB-C có thể biến chiếc laptop của bạn thành cục gạch trong nháy mắt. Sự cố này sẽ xảy ra nếu bạn sử dụng cáp USB rởm.

    Ngay cả kỹ sư của Google, Benson Leung, cũng gặp sự cố này trong quá trình thử nghiệm một chiếc cáp USB-C. Kết quả là laptop Chromebook Pixel đắt đỏ của anh đã bị phá hủy. Sự cố này gần như xảy ra ngay lập tức. Chiếc MacBook Air của Dieter Bohn, biên tập viên trang The Verge, cũng bị hủy diệt theo cách này. Bohn sử dụng một cáp USB-C rẻ tiền anh mua trên Amazon để sạc smartphone Nexus 6P từ cổng USB trên MacBook Air.

    Chiếc cáp đã hút quá nhiều điện năng của laptop. Khi phát hiện ra điều bất thường, chiếc MacBook tự khóa tạm thời các cổng, đây là tính năng tuyệt vời của sản phẩm Apple. Nhưng khi các cổng USB được mở trở lại chúng hoạt động hết sức chập chờn.

    Vấn đề là khi bạn cắm thiết bị USB vào, nó ngay lập tức kéo điện từ laptop để sạc cho thiết bị. Nếu nó kéo quá nhiều điện, thiết bị cung cấp sẽ bị đốt cháy. Chiếc Nexus không phải là kẻ giết chết chiếc MacBook, nó chỉ làm việc của mình là yêu cầu càng nhiều điện mà nó cần càng tốt. Lỗi cũng không nằm ở phía chiếc MacBook bởi các cổng của nó không được thiết kế để truyền tải lượng điện quá lớn. Đó là lỗi của chiếc cáp bởi nó không làm tròn chức năng của nó là bảo vệ cả hai thiết bị ở hai đầu cáp bằng cách điều chỉnh lượng điện với điện trở và dòng điện thích hợp. Sự cố này có thể xảy ra với bất kỳ loại cáp nào tuy nhiên chuẩn USB cũ không thể kéo lượng điện nhiều như thế.

    Giải pháp cho vấn đề này cực kỳ đơn giản: đừng mua những chiếc cáp giá rẻ. Tuy nhiên, chỉ mua những chiếc cáp đắt tiền cũng không thể đảm bảo an toàn cho các thiết bị của bạn bởi ngay cả những chiếc cáp chính hãng đi kèm theo thiết bị cũng không an toàn 100%. Dieter Bohn hài hước viết bạn phải trải qua 5 bước sau:

    1. Biết đấy là vấn đề

    2. Biết rằng có một ông kỹ sư Google chuyên kiểm tra và đánh giá cáp USB-C

    3. Đi tìm các bài đánh giá của Leung trên Amazon

    4. Mua cáp

    5. Cầu nguyện

    Cần có một giải pháp cho vấn đề này và tất cả mọi bên tham gia sản xuất cáp USB-C đều phải có trách nhiệm tìm ra cách khắc phục. Apple và Google đã thiết kế thông số kỹ thuật nhưng một nhóm ít được nhắc tới có tên USB Implementers Forum (USB-IF) lại chịu trách nhiệm duy trì và quảng bá nó. Nhóm này có một quy trình cấp phép đạt chuẩn cho các loại cáp. Khi được hỏi về vấn đề này, USB-IF chia sẻ rằng cho tới nay họ đã cung cấp chứng nhận cho 61 cáp USB-C và liên tục liên hệ với các hãng bán lẻ lớn ở Bắc Mỹ để nói về tầm quan trọng của việc tuân thủ và cấp giấy xác nhận. Những chiếc cáp có logo của USB-IF là cáp chuẩn, đã được chứng nhận.

     Logo của USB-IF

    Logo của USB-IF

    Nhưng vấn đề không phải là cái logo trông lỗi thời này. Nghiêm trọng hơn, bạn chẳng thể tìm được logo này trên các mẫu cáp được niêm yết trên Amazon, nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới.

    Khi sự cố nổ hoverboard bắt đầu bùng phát, ngành công nghiệp đã có những phản ứng. Amazon đã loại bỏ mặt hàng này, các nhà sản xuất đã tăng cường các tiêu chuẩn và tổ chức UL đã bắt đầu chứng nhận an toàn cho các mẫu hoverboard. Sự cố USB không gây nguy hiểm tới tính mạng con người nhưng cần xử lý nó theo cách mà chúng ta đã làm với hoverboard.

    Với các sản phẩm của Apple thì quá đơn giản bởi hãng này sử dụng cáp Lightning độc quyền. Ngoài ra, hãng còn có một chương trình cấp phép "Made for iPhone" cho các phụ kiện của bên thứ ba nhằm loại bỏ những mối nguy hiểm tiềm tàng.

    Với USB-C, Amazon cần loại bỏ những mẫu cáp kém chất lượng khỏi trang bán hàng và yêu cầu các nhà bán lẻ trình giấy chứng nhận cáp USB-C đạt chuẩn. USB-IF cần hợp tác với Apple và Google để gây sức ép khiến các hãng khác ngừng sản xuất những sản phẩm nguy hiểm. Nhóm này cũng cần thay đổi logo của mình để khách hàng dễ nhận biết hơn.

    Nếu vấn đề trên không được khắc phục, người dùng sẽ không tin tưởng vào USB-C khiến chuẩn USB tiên tiến, đột phá này khó trở nên phổ biến hơn.

    Tham khảo TheVerge

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày