Card đồ họa rời và tích hợp, chọn cái nào?
Cả AMD và Intel đều đã có những cải tiến đáng chú ý về công nghệ card đồ họa tích hợp trong những CPU mới nhất của mình.
Card đồ họa - GPU tích hợp (hay gọi là card on-board) và GPU rời (còn gọi là card rời) luôn là vấn đề được tranh luận mỗi khi bạn quyết định chọn mua máy tính xách tay (laptop) hay ráp một chiếc máy tính để bàn (desktop). Đa số ý kiến cho rằng "xài văn phòng thì card on-board đủ rồi, chơi game thì hãy card rời".
Tuy nhiên, để đánh giá chính xác hơn thì chúng ta hãy cùng phân tích và so sánh hiệu năng của card rời và card tích hợp. Qua kết quả benchmark thì chúng ta sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về 2 loại GPU này cũng như có thể đưa ra quyết định mua/ráp máy chính xác hơn.
Cả AMD và Intel đều đã có những cải tiến đáng chú ý về công nghệ đồ họa tích hợp trong những CPU mới nhất của mình. AMD với APU lớp Kaveri tích hợp kiến trúc Graphics Core Next (GCN) lấy từ dòng card rời Radeon mạnh mẽ nhất của hãng. Trong khi đó, Intel tiếp tục cập nhật tính năng và hiệu năng của engine đồ họa HD Graphics trên dòng CPU Core i.
Intel HD Graphics giờ đây đã hỗ trợ Microsoft DirectX 11.1 API - giao diện chương trình ứng dụng được phát triển cho game trên Windows, hỗ trợ trình xuất đa màn hình với độ phân giải đến 4K và tương thích với rất nhiều tựa game. Để xác định sự khác biệt giữa card rời và card tích hợp, các tester tại PCWorld đã ráp 2 chiếc máy tính dùng 2 loại CPU sau:
Máy 1: CPU AMD A8-7600 lớp Kaveri, tích hợp vi xử lý đồ họa Radeon R7-series.
Máy 2: CPU Intel Core i5-4670 thế hệ Haswell, tích hợp vi xử lý đồ họa Intel HD 4600.
2 chiếc máy được thử nghiệm benchmark với các tính huống CÓ SỬ DỤNG và KHÔNG SỬ DỤNG card đồ họa . Trước tiên đến phần benchmark thì chúng ta hãy cùng điểm qua những lý do chọn card tích hợp và ngược lại chọn card rời.
Vì sao chọn card rời? Lý do đầu tiên và cũng là lợi ích của card rời chính là: HIỆU NĂNG. Chiếc card rời dù là dòng thấp nhất vẫn sẽ có hiệu năng xử lý đồ họa tốt hơn so với card tích hợp. Thêm nữa, card đồ họa rời sẽ cung cấp sức mạnh GPU với bộ nhớ riêng tốc độ cao. Một GPU tích hợp ngược lại phải chia sẻ bộ nhớ hệ thống và bus dữ liệu.
Ngoài ra, card đồ họa rời còn có nhiều lợi ích khác. Chẳng hạn như thế hệ card hiện tại của Nvidia cho phép người dùng khai thác các tính năng độc quyền như ShadowPlay và PhysX. ShadowPlay hỗ trợ cho engine mã hóa video tích hợp trong các GPU của Nvidia để ghi hình và stream quá trình chơi game trực tuyến theo thời gian thực mà không ảnh hưởng nhiều đến tỉ lệ khung hình. Đây cũng là một tính năng cốt yếu của chiếc máy chơi game cầm tay Nvidia Shield.
Trong khi đó, PhysX là một công nghệ mô phỏng vật lý độc quyền của Nvidia, cho phép các vật thể trong game vận động giống như những gì xảy ra trên thực tế, chẳng hạn như tấm vải bay phất phơ trong gió, nước chảy, nhỏ giọt, các tòa nhà phát nổ thành mảnh vụn, v.v… PhysX không được hỗ trợ trên tất cả các loại GPU nhưng tính năng này có thể mang lại hiệu quả thị giác không nhỏ khi chơi game.
Không chỉ trò chơi mà còn nhiều ứng dụng khác khai thác được sức mạnh của GPU rời. Các GPU của AMD và Nvidia đều chứa hàng nghìn vi xử lý có thể thực hiện nhiều tác vụ cùng lúc. Những ứng dụng có thể khai thác năng lực xử lý song song của GPU sẽ là những ứng dụng chỉnh sửa hình ảnh như Photoshop, phần mềm mã hóa dữ liệu…
Vì sao không chọn card rời? Trước những lời đề nghị hấp dẫn nói trên về card rời thì chúng ta cũng có nhiều lý do để nghĩ lại trước khi đưa ra quyết định mua 1 chiếc laptop có card rời hay lắp card rời cho desktop. Lý do đầu tiên là chi phí, nếu mua một chiếc card rời lắp cho máy tính để bàn thì chi phí cộng thêm sẽ vào khoảng từ 50 USD đến 1000 USD hay hơn tùy theo loại card từ bình dân đến cao cấp.
Người dùng quan tâm về giá có thể chọn GPU tích hợp bởi hầu hết các CPU đời mới của AMD và Intel (ngoại trừ dòng AMD FX và Intel Ivy Bridge E) đều tích hợp sẵn GPU và các bo mạch chủ (motherboard) hiện nay đều trang bị sẵn nhiều cổng xuất ra màn hình.
Một lý do khác là việc sử dụng card rời sẽ khiến hệ thống trở nên phức tạp hơn. Chẳng hạn như card rời đòi hỏi bo mạch chủ cần phải có khe PCIe x16 để gắn hay kích thước to lớn của card rời có thể khiến thùng máy trở nên chật chội và thậm chí là gắn không vừa thùng máy.
Thêm vào đó, người dùng cũng cần phải nâng cấp bộ nguồn PSU trong trường hợp không đủ điện cấp cho card. Card đồ họa cũng khiến hệ thống tiêu thụ nhiều điện năng hơn và sinh nhiệt nhiều hơn. Để đảm bảo hoạt động hệ thống thì người dùng phải gắn thêm quạt hoặc các giải pháp tản nhiệt khác như tản nhiệt nước và điều này tiếp tục tăng độ phức tạp và độ ồn khi hoạt động.
Với máy tính laptop, card rời có thể khiến máy hoạt động nóng hơn, tiêu thụ nhiều điện năng hơn, thiết kế máy cũng dày hơn làm giảm tính di động. Do đó, người dùng buộc phải đánh đổi sự gọn nhẹ, thời lượng pin lâu lấy sức mạnh đồ họa. Dưới đây là bảng so sánh điện năng tiêu thụ giữa 2 hệ thống dùng card rời và card tích hợp:
Giờ là phần benchmark so sánh hiệu năng. Chúng ta có 2 hệ thống tham chiếu: Máy 1: AMD A8-7600 APU tích hợp GPU Radeon R7, bo mạch chủ ASUS A88X-Pro, RAM 16 GB, SSD Samsung 840 Pro, nguồn Silverstone 1000 Watt, chạy Windows 8.1 Pro x64. Máy 2: Intel Core i5-4670 tích hợp GPU Intel HD 4600, bo mạch chủ Gigabyte Z87X-UD5 TH, RAM 16 GB, SSD Samsung 840 Pro, nguồn Silverstone 1000 Watt, chạy Windows 8.1 Pro x64.
Card đồ họa rời được dùng để so sánh hiệu năng trên 2 máy là AMD Radeon R9 280X. Đây là dòng card sử dụng kiến trúc GCN quy trình 28 nm, 2048 SPU, hỗ trợ các API DirectX 12, Mantle, OpenGL 4.3, Open CL. Xung nhịp GPU tối đa 1000 MHz, bộ nhớ 3 GB GDDR5, băng thông tối đa 288 GB/s.
Trong bảng so sánh trên, chúng ta có thể thấy hiệu năng hệ thống được cải thiện như thế nào khi gắn thêm card đồ họa rời. Với công cụ test là PCMark 8, 2 gói test Home và Work nhưng chọn chế độ OpenCL để khai thác tất cả tài nguyên xử lý của hệ thống gồm cả CPU lẫn GPU thì hệ thống với card rời cho thấy điểm số cao hơn, hiệu năng được cải thiện từ 3 đến 19%. Cần lưu ý là 2 gói Home và Work của PCMark 8 nhằm đánh giá hiệu năng hệ thống khi làm việc và sử dụng cơ bản.
Với bài test Cinebench OpenGL, card rời cho thấy tác động khác nhau giữa 2 hệ thống. Cụ thể, card rời tăng 42% hiệu năng hệ thống dùng CPU AMD và 79% hiệu năng cho hệ thống dùng CPU Intel.
Nếu thường chơi những game đơn giản như Farmville hay Angry Birds thì card đồ họa rời không mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, card rời lại cho thấy sự cải thiện đáng kể về hiệu năng khi cho chạy thử bài test HTML5 Fishbowl của Microsoft. Bài test này được chạy trên trình duyệt nhằm đo tỉ lệ khung hình (cao nhất 60 khung/giây) trong 2 trường hợp, 1 bể chứa 750 con cá và 1 bể chứa 2000 con cá. Khi dùng card rời, tỉ lệ khung hình luôn duy trì ở mức cao từ 50 đến trên 60 fps. Nếu bạn thường chơi những game nền HTML5 thì nên xem xét.
Cuối cùng là thử nghiệm với trò chơi BioShock Infinite ở độ phân giải 1920 x 1080 pixel. Hai hệ thống khi dùng card đồ họa rời cho thấy tỉ lệ khung hình luôn trên 60 fps. Trong khi đó nếu chỉ dùng card tích hợp thì game rất giật và ở khung hình 21 hay 12 fps thì chúng ta hầu như không thể chơi được game. Tuy nhiên, card rời không ảnh hưởng nhiều đến một tác vụ thường được chúng ta quan tâm là "video playback" hay xem video trên máy tính.
Kết quả thử nghiệm cho thấy việc xem video trên YouTube (HTML5) và mở một video mã hóa H.264 trong định dạng MKV không khác biệt gì giữa card rời và card tích hợp. Qua bài test trên, chúng ta ít nhiều có thể thấy được lợi ích của card đồ họa rời trên máy tính.
Không chỉ phục vụ cho mục đích chơi game, card đồ họa rời cũng giúp nâng cao đáng kể hiệu quả xử lý các tác vụ phục vụ cho công việc. Vì vậy, tùy theo nhu cầu công việc, những tác vụ thường sử dụng có đòi hỏi nhu cầu xử lý đồ họa cao hay không mà bạn có thể đưa ra quyết định chọn mua máy laptop cũng như ráp máy bàn có card đồ họa rời hay không.
Tham khảo: tinhte
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"