Công nghệ màn hình Mirasol mới của Qualcomm có gì hấp dẫn?
Mirasol - công nghệ màn hình phản chiếu, dùng nguồn sáng ngoài để chiếu sáng - có gì hot?
Tại IFA 2013 đang diễn ra ở Đức, nhà sản xuất chip di động Qualcomm bất ngờ ra mắt một sản phẩm đồng hồ thông minh của riêng mình có tên Toq. Điểm đặc biệt của chiếc smartwatch này không nằm ở tính năng mà là ở công nghệ màn hình mà Qualcomm sử dụng: Mirasol.
Mirasol là công nghệ đã được Qualcomm để ý phát triển từ lâu và lần đầu ra mắt năm 2010. Khi đó, nó nhận được rất nhiều sự quan tâm của giới công nghệ nhờ những ưu điểm rất hứa hẹn. Vậy nhưng sau đó, Mirasol không còn được quá quan tâm phát triển nữa. Qualcomm đã thông báo ngừng phát triển Mirasol hồi tháng Bảy năm ngoái và họ chỉ còn cấp phép sản xuất cho những đối tác còn hứng thú với công nghệ này. Vậy Mirasol có gì đặc biệt và vì sao nó lại không quá được ưa chuộng?
Đồng hồ thông minh Toq dùng màn hình Mirasol của Qualcomm.
Mirasol là gì?
Mirasol là công nghệ màn hình dùng bộ điều biến giao thoa (IMOD - interferometric modulator display) do Qualcomm phát triển (Mirasol là tên thương mại). Loại màn hình IMOD này có công suất tiêu thụ điện năng thấp nhờ sử dụng nguồn sáng bên ngoài để chiếu sáng thay vì dùng đèn nền như LCD. Qualcomm cho biết Mirasol chỉ tiêu tốn điện năng bằng 1/3 so với màm hình LCD thông thường với cùng kích thước. Với Mirasol, hình ảnh do thiết bị (sách điện tử, smartphone...) tạo ra sẽ được hiển thị lên màn hình nhờ phản chiếu với ánh sáng môi trường xung quanh. Vì vậy, ở những nơi có ánh sáng mạnh thì độ phản chiếu sẽ lớn và màn hình hiển thị sắc nét hơn.
* Video mô tả cơ chế hoạt động của Mirasol:
Về cấu tạo, mỗi điểm ảnh Mirasol được tạo thành từ 3 điểm ảnh phụ: Đỏ, xanh lá cây, và xanh dương. Mỗi điểm ảnh phụ này là một cấu trúc đơn giản làm từ 2 lớp phim được tách biệt nhau nhờ khe hở. Khi khe này mở, điểm ảnh phụ sẽ phản xạ ánh sáng ở 1 bước sóng cụ thể. Khi có điện thế đi qua 2 tấm phim, chúng sẽ chụm lại cùng nhau và khe hở được đóng lại, tạo thành điểm ảnh không phản xạ (màu đen).
Mặc dù giống với E-ink, tức cùng phụ thuộc vào nguồn sáng ngoài để chiếu sáng, nhưng nếu E-Ink chỉ là màn hình đơn sắc thì Mirasol có khả năng hiển thị màu sắc. Ngoài ra, điểm mạnh của Mirasol so với E-Ink còn ở chỗ nó cho phép chuyển đổi qua lại giữa 2 trạng thái "đóng", "mở" rất nhanh chóng ở tốc độ mico giây, nói cách khác tỷ lệ làm tươi của Mirasol nhanh hơn rất nhiều so với E-Ink, nhờ đó, nó cho phép các máy đọc sách còn có thể phát video, điều mà các màn hình E-Ink không làm được.
Với ưu thế đó, Mirasol từng được xem sẽ là sự thay thế hoàn hảo cho màn hình E-Ink vốn là sự lựa chọn duy nhất dùng trên các máy đọc sách điện tử từ trước tới nay. Không những thế, Qualcomm còn có ý định phát triển công nghệ màn hình này để sử dụng trên cả điện thoại, máy tính bảng, vốn dùng màn LCD truyền thống. Tuy nhiên, muốn là một chuyện còn thành công hay không lại là một chuyện hoàn toàn khác. Những điểm yếu mà Mirasol còn gặp phải đã khiến nó không thành công như mong đợi.
Điểm yếu
Như đã nói, với khả năng tiết kiệm điện như màn E-Ink nhưng lại có thể hiển thị màu sắc, Mirasol tưởng chừng sẽ là công nghệ có thể xóa nhòa đi ranh giới giữa màn hình E-Ink và màn LCD truyền thống, gộp tất cả điểm mạnh của 2 công nghệ màn hình trên vào làm một. Tuy nhiên, bản thân công nghệ cũng còn tồn tại những điểm yếu và điểm yếu đó cũng là nguyên nhân khiến Mirasol không được nhân rộng như những gì Qualcomm mong đợi. Dù không dùng đèn nền như LCD nhưng Mirasol phụ thuộc vào nguồn sáng ngoài để chiếu sáng các hình ảnh chuyển động. Do đó, việc sử dụng Mirasol chỉ lý tưởng trong điều kiện ánh sáng mạnh. Trong điều kiện tối trời, việc theo dõi các nội dung sẽ gặp khó khăn.
Trước đây Qualcomm đã từng đưa ra giải pháp tích hợp thêm đèn LED phía mặt trước màn hình để Mirasol có thể tự chiếu sáng. Đây có lẽ là một giải pháp khá lý tưởng, tuy nhiên, với việc tích hợp thêm đèn LED như vậy, vô tình Mirasol đã đánh mất ưu điểm vốn có của nó.
Qualcomm từng giới thiệu giải pháp trang bị đèn LED ở mặt trước cho Mirasol để việc sử dụng trong điều kiện ánh sáng yếu dễ dàng hơn.
Một điểm yếu nữa là vấn đề chi phí vẫn còn quá cao nên công nghệ Mirasol vẫn không được các nhà sản xuất quan tâm. Chỉ một số ít sản phẩm trên thị trường sử dụng màn Mirasol của Qualcomm và giá của chúng cũng không hề rẻ. Điển hình như chiếc máy đọc sách Kyobo với màn hình Mirasol 1024 x 768 pixel và chip Snapdron S2 1 GHz được bán với giá lên tới 300 USD, đắt hơn khá nhiều so với các máy đọc sách dùng E-Ink.
Tương lai
Dù đã tuyên bố với các nhà đầu tư rằng sẽ đóng cửa nhà máy sản xuất màn hình Mirasol vào tháng Bảy năm ngoái, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Qualcomm ngừng phát triển công nghệ này. Bằng chứng là hồi tháng 5 vừa qua, hãng đã giới thiệu mẫu màn hình Mirasol thế hệ mới với kích thước 5,1 inch độ phân giải "khủng" 2560 x 1440, đồng thời tuyên bố rằng sẽ tiếp tục cấp giấy phép để các đối tác có thể sản xuất các thiết bị sử dụng công nghệ màn hình này.
2 tấm nền màn hình Mirasol thế hệ mới của Qualcomm.
Việc ra mắt chiếc smartwatch Toq vừa qua tiếp tục là minh chứng cho tham vọng phát triển công nghệ Mirasol của nhà sản xuất chip di động này. Dưới form factor là một chiếc đồng hồ thông minh đeo tay, Mirasol sẽ có tiềm năng phát triển tốt hơn bởi rõ ràng đồng hồ là vật được sử dụng ở điều kiện ngoài trời rất nhiều. So với các màn hình AMOLED như trên Galaxy Gear thì Mirasol sẽ là giải pháp tốt hơn nhờ khả năng tiết kiệm năng lượng và hiển thị tốt hơn dưới ánh sáng mạnh. Qualcomm cho biết về cơ bản họ cũng sẽ không trực tiếp sản xuất smartwatch này mà sẽ cấp giấy phép cho các nhà sản xuất khác nếu họ muốn sử dụng màn hình Mirasol. Với một dạng thiết bị luôn đòi hỏi thời lượng pin phải rất tốt như smartwatch, rõ ràng đây vẫn là một lựa chọn tiềm năng và cơ hội để Qualcomm kiếm tiền từ Mirasol là vẫn còn dù con đường đó sẽ không hề dễ dàng.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?