Sau sự nở rộ của các thiết bị theo dõi sức khỏe đeo người, những ngày qua chúng ta liên tục nhận được các thông tin mới về Google Glass hay
iWatch. Dù rằng hiện nay vẫn thiếu đi một cú huých mạnh mẽ để thị trường mới này có thể thực sự phát triển - như cái cách mà iphone của Apple đã thay đổi giới công nghệ vài năm về trước - nhưng không có lý do gì mà chúng ta lại không hi vọng vào một màn ra mắt hoành tráng của Google Glass và iWatch. Vài ngày trước, genk đã giới thiệu đến bạn đọc bài
ký sự của phóng viên TheVerge về những trải nghiệm đầu tiên trên Google Glass – còn hôm nay chúng ta hãy cùng xem các chuyên viên
CNET nói gì về những đặc điểm cần thiết để làm nên thành công của iWatch nói riêng, cũng như thế hệ Smartwatch của tương lai nói chung.
Kết nối âm nhạc
Nhiều người trong đó có tôi đã từng mơ về việc điều khiển âm nhạc qua đồng hồ đeo tay, hiện đại nhưng hi vọng là đừng ... hại điện!
Khi đeo một thiết bị điện tử thông minh trên cổ tay, ứng dụng đầu tiên bạn nghĩ ra cho nó là gì? Chắc hẳn cứ 10 người được hỏi thì ít nhất 5-7 người sẽ nghĩ đến âm nhạc. Quả thực việc thao tác với âm lượng, album nhạc qua chiếc đồng hồ đeo trên cổ tay nghe cực kỳ tiện lợi và sẽ thu hút vô số tín đồ âm nhạc.
Vấn đề là người dùng đã có quá đủ dạng thiết bị cần được đồng bộ nội dung số, từ PC, laptop đến smartphone, tablet, mp3. Để đảm bảo tính tiện lợi của mình, các mẫu imartwatch sẽ cần có khả năng kết nối với các dịch vụ trực tuyến, cùng như khả năng liên kết, điều khiển các trình media player và stream nội dung từ các sản phẩm truyền thống. Nói cách khác, thay vì chỉ gói gọn trong vai trò một giải pháp nghe nhạc gọn nhẹ trên cổ tay, các mẫu smartwatch nên đảm nhiệm tốt khả năng làm cầu nối quản lý và điều khiển nội dung multimedia từ các thư viên sẵn có của người dùng. Xét cho cùng, ta vẫn thường thấy các tín đồ hardcore ưa chuộng combo máy nghe nhạc và amply của riêng họ hơn là tận dụng sự đa năng của smartphone. Những lúc như vậy với kích thước tí hon và vị trí ngay trên cổ tay người dùng của mình, smartwatch sẽ phù hợp hơn trong vai trò một trợ lý kết nối. Dĩ nhiên, tốt hơn hết là mọi thứ nên hoạt động…không dây, chúng ta đã có quá đủ dây kết nối trong nhà và cả trên người rồi. Các tùy chọn kết nối qua jack truyền thống hoặc kết nối qua bluetooth với headphone cũng là rất cần thiết.
Nhắc nhở và hiển thị thông báo
Màn hình thông báo cuộc gọi nghèo nàn của smartwatch Martian Passport.
Một ứng dụng khác mà nhiều người hẳn sẽ nghĩ đến khi nói về smartwatch là khả năng hiển thị các nhắc nhở cho người dùng về các cuộc hẹn, cuộc gọi hay tin nhắn. Về cơ bản, chúng cần giúp chúng ta biết được chuyện gì vừa xảy ra với số điện thoại hay các tài khoản trực truyến của mình chỉ bằng một cái lắc cổ tay và liếc mắt.
Cũng tương tự cách mà Google Glass giúp người dùng đọc tin mới mà không phải dừng lại bên lề đường và móc điện thoại ra
như Joshua đã mô tả, một smartwatch lý tưởng là một chiếc đồng hồ mà với chỉ một cái phẩy tay như khi xem giờ – người dùng cần nhận được đầy đủ thông tin cần thiết để có thể nhanh chóng quay lại với công việc mình đang làm. Có lẽ lý tưởng nhất, kèm theo đó nên là khả năng đàm thoại khi kết nối không dây với headset.
Khả năng mở rộng
Một chiếc đồng hồ sẽ chỉ là "smart"watch nếu được cung cấp khả năng "học" tính năng mới.
Bạn đã bao giờ tự hỏi các nền tảng như iOS hay Android khác gì các nền tảng khác so Samsung hay Nokia nắm giữ? Về mặt chi tiết kỹ thuật thì có rất nhiều điều để nói, nhưng một trong những yếu tố quan trọng nhất là việc chúng thu hút được nhiều nhà phát triển ứng dụng. Một công ty duy nhất khó mà tạo ra được một số lượng ứng dụng đủ phong phú và chất lượng để thỏa mãn người dùng, cho dù đó là những người khổng lồ như Apple, Google, Microsoft đi chăng nữa.
Với smartphone, chúng ta có thể làm được vô số việc thông qua các ứng dụng mình tự cài thêm – hay thậm chí có thể thay thế các phần mềm yếu kém được cung cấp kèm với máy. Còn với feature phone trong đa số trường hợp người dùng sẽ phải chấp nhận những gì được hãng sản xuất cung cấp. Khi “lên đời” smartwatch, câu chuyện cũng tương tự. Một nền tảng mạnh mẽ cho phép các nhà phát triển viết ứng dụng trên đó, cung cấp cho người dùng khả năng bổ sung các chức năng mà mình muốn (theo dõi radio, thời tiết, bản đồ.v.v.) sẽ khiến sức cuốn hút của những chiếc đồng hồ này lớn hơn rất nhiều, thể hiện đúng ý nghĩa của cái tên “smart”watch.
Dĩ nhiên, không phải tất cả mọi người đều cần khả năng mở rộng này trong tất cả các tình huống. Nhưng thử nghĩ mà xem, nếu đủ khả năng tài chính, bạn thích một chiếc smartphone cao cấp để có thể thoải mái tùy biến, nâng cấp hay một chiếc feature phone hơn?
Theo dõi sức khỏe
Vòng theo dõi sức khỏe của Fitbit chỉ mới xuất hiện nhưng đã được rất nhiều người săn đón.
Với thành công đã đạt mức tương đối hiện tại của các thiết bị theo dõi sức khỏe đeo người như Martian Passport hay iPod Nano Nike (vốn đã xuất hiện khá lâu trước Google Glass và iWatch), việc nhóm chức năng này vắng mặt trên các smartwatch đời mới sẽ là bất hợp lý. Chúng ta không cần đòi hỏi quá nhiều các chức năng y tế chuyên môn, chỉ một số thông số cơ bản như thông tin chuyển động, huyết áp hay nhịp tim đã là hết sức hữu dụng trong đa số trường hợp. Và công nghệ theo dõi các chỉ số này thông qua thiết bị đeo tay hoàn toàn không phải là thách thức gì mới mẻ. Đây cũng sẽ là một trong những tính năng chủ chốt giúp nhóm sản phẩm smartwatch tách biệt với các smartphone hay thiết bị di động truyền thống khác.
Vẻ ngoài đẹp
Hãy thử tưởng tượng ánh mắt của mọi người khi bạn đeo thứ này ra đường...
Thiết bị điện tử đeo người, dù là nằm trên mắt như Google Glass hay trên cổ tay như iWatch cũng sẽ có tác động không nhỏ đến bề ngoài của người đeo chúng, vì vậy phần thiết kế của là cực kỳ quan trọng. Xét cho cùng nếu thiết kế của chúng khiến người dùng cảm thấy ngại ngần khi đeo các sản phẩm này ra đường thì mọi công nghệ cao cấp tích hợp bên trong sẽ chỉ là vô nghĩa. Với các thông tin gần đây, có vẻ Google đã ý thức được điều này và đang làm việc cật lực trên thiết kế của Glass. Còn iWatch? Đừng lo, Jonathan Ive và đội ngũ của anh vẫn đang làm việc ở Apple đấy thôi.
Chống mồ hôi
Rất nhiều người trong chúng ta thích nghe nhạc khi tập thể thao.
Hiện nay trên các loại đồng hồ, dù là cơ hay điện tử, chức năng chống nước không phải là chuyện quá mới mẻ. Vấn đề là với các ứng dụng mà chúng có thể đem lại, hầu như chắc chắn các mẫu smartwatch sẽ được người dùng đeo đi mọi lúc mọi nơi, kể cả khi vui chơi giải trí lẫn khi tập luyện thể thao. Và một khi đã được tích hợp khả năng theo dõi sức khỏe giúp người dùng theo dõi tình trạng của mình khi tập luyện hay khả năng phát nhạc khi chơi thể thao, chẳng có lý do nào có thể biện minh cho việc một chiếc smartwatch không có khả năng chống chọi các tác động xấu đến từ mồ hôi của chúng ta.
Giá
Dù ít dù nhiều, hàng trăm đô chúng ta bỏ ra sẽ có một phần dành cho tính năng, chứ không chỉ đơn thuần phục vụ nhu cầu "trang sức" nữa.
Thực sự thì trong giai đoạn này, sẽ là vô lý khi trông đợi smartwatch thay thế được vai trò của smartphone, hay đi kèm với các thông số cấu hình khủng bố,vi xử lý siêu nhanh, màn hình siêu nét. Vì vậy nhiều người trông đợi smartwatch sẽ có giá thân thiện hơn cho túi tiền của khách hàng, ít nhất là trong thời kỳ đầu. Xuất phát từ giá hiện nay của Martian Passport là 299$ và mức khởi điểm 149$ của Pebble tại CES vừa rồi, các BTV CNET cho rằng mức giá khoảng 200-300$ sẽ là phù hợp để thế hệ smartwatch sắp tới dễ dàng thâm nhập vào đời sống của người dùng. Nhưng dù sao cũng chẳng ai cấm cản chúng ta tưởng tượng về những bất ngờ lớn cả về công nghệ lẫn về...giá mà những thương hiệu như Apple có thể mang lại.
Hiện nay, các sản phẩm như Pebble Smartwatch(xuất hiện tại CES), Martian Passport hay thậm chí iPod Nano Nike vẫn đòi hỏi kha khá công sức cài đặt, làm quen. Có vẻ như việc khiến cho người dùng dễ dàng tiếp cận và trở nên quen thuộc với một thế hệ thiết bị mới như cách iPhone đã làm ngày trước vẫn còn là một công việc đầy chông gai, đặc biệt là với màn hình tí hon của những chiếc đồng hồ. Bất kể là vậy, nếu cái thứ đeo ngay trên cổ tay lại đòi hỏi nhiều thao tác phức tạp, dài dòng, chẳng tội người dùng lại không thò tay vào túi móc smartphone ra. Đây là một bài toán mà các hãng bắt buộc phải giải được nếu muốn smartwatch được đông đảo công chúng tiếp nhận.
Thời lượng…. Vâng, liệu bạn đã nhìn thấy một danh sách nào thuộc dạng này mà không có sự có mặt của "nó" chưa?Pin, nguồn sống của các thiết bị điện tử di động, kẻ tội đồ của thế giới công nghệ, đứa con chậm lớn của các nhà nghiên cứu. Bất chấp những tiến triển của công nghệ lưu trữ, xử lý, truyền dẫn…. và những lời có cánh từ một số dự án “có thể sẽ tăng thời lượng pin lên đến 10 lần” cứ đôi ba tháng lại xuất hiện một lần, cho đến giờ phút này chúng ta chưa được chứng kiến một bước nhảy vọt thực sự nào cho công nghệ lưu trữ năng lượng này cả. Chuyện đó thì có liên quan gì đến Smartwatch? Liên quan rất nhiều.
Chúng ta có thể chỉ móc điện thoại ra đôi ba lần trong ngày để nghe điện, tra cứu, cập nhật tin tức. Nhưng nếu tất cả những điều kể trên trở thành hiện thực trên smartwatch, nhất là nhóm chức năng về nghe nhạc, theo dõi sức khỏe, thông báo tin tức và chỉ đường, những cỗ máy tính nằm trên cổ tay này sẽ phải hoạt động thường xuyên hơn khá nhiều so với các thiết bị di động thế hệ trước, dù rằng với cường độ có thể nhẹ hơn.
Người dùng có thể chấp nhận việc cắm sạc chiếc điện thoại, chiếc máy nghe nhạc của mình vài tiếng, hay thậm chí bỏ Google Glass ra khi ngồi nghỉ ngơi cũng không phải chuyện gì quá khó khăn. Nhưng thử hỏi có mấy ai muốn ngồi sạc đồng hồ hàng ngày? Vấn đề này sẽ càng đặc biệt nghiêm trọng khi mà các tác vụ trên smartwatch đã trở thành thói quen. Ít nhất, các hãng sẽ phải xoay sở để thế hệ smartwatch tiếp theo trụ được khoảng một tuần trước nhu cầu bình thường của người dùng, nếu không dù các chức năng khác có cao cấp đến mấy – chúng vẫn khó được đông đảo người dùng chấp thuận.
Trong tình hình hiện nay khi mà chúng ta chưa thể trông chờ gì mấy vào một cuộc cách mạng lớn trong mảng lưu trữ năng lượng cho các thiết bị di động, mọi gánh nặng cho việc tăng thời lượng sử dụng sẽ lại dồn hết sang cho các đơn vị thiết kế vi xử lý và phần mềm để tối ưu hiệu suất sử dụng năng lượng của các thành phần này. Dĩ nhiên là với những thiết bị được đeo ra ngoài nhiều như smartwatch, các công nghệ nạp năng lượng từ nguồn không dây hay mặt trời cũng sẽ là các giải pháp đáng để trông đợi, nhưng hiệu quả đến đâu thì chỉ thời gian mới có thể trả lời.