Ổ cắm Xiaomi Power Strip xuất hiện hàng Fake, đây là cách phân biệt
Những sản phẩm được cộng đồng đánh giá cao sẽ dễ dàng bị làm nhái và bán lẫn với những sản phẩm có chất lượng cao.
Cách đây không lâu chúng tôi đã từng giới thiệu tới các bạn một sản phẩm không phải đồ công nghệ cao đến từ nhà xản xuất điện thoại nổi tiếng Xiaomi, đó chính là chiếc ổ cắm điện Power Strip.
Điểm mạnh của chiếc ổ cắm điện gia dụng này đó chính là thiết kế cao cấp từ trong ra ngoài, thêm vào đó là 3 cổng sạc USB với mạch sạc tương đối tốt và công suất cao giúp giảm tải cho ổ điện khỏi hàng tá cục sạc to nhỏ khác nhau.
Vấn đề hiện nay đó là thị trường ngày càng xuất hiện nhiều sản phẩm nhái theo Xiaomi Power Strip được bán lẫn với ổ chính hãng với giá ngang ngửa, những chiếc ổ này có vẻ ngoài gần như giống hoàn toàn với ổ thật từ vỏ hộp cho tới sản phẩm, nếu là người chưa từng tiếp xúc với ổ cắm Xiaomi chính hãng thì sẽ rất khó lòng nhận ra được sự khác nhau giữa 2 sản phẩm này.
Chúng tôi đã có trong tay cả 2 loại ổ cắm Xiaomi Power Strip chính hãng và hàng nhái để giúp các bạn có thể phân biệt được 2 loại ổ cắm này.
Ở vỏ hộp, nếu có điều kiện để so sánh thì chúng ta có thể dễ dàng thấy được, màu mực ở chữ MI trên vỏ hộp fake sẽ đậm hơn so với ổ thật.
Không chỉ mặt trước, kể cả những thông số ở mặt sau, màu mực cũng khác nhau khá rõ.
Khi lấy ổ cắm ra nếu nhìn kỹ các bạn có thể thấy tone màu trên ổ nhái hơi ngà vàng và chất liệu nhựa có vẻ trong hơn 1 chút so với ổ chính hãng, tuy nhiên nếu không có điều kiện đặt 2 ổ cạnh nhau thì rất khó phân biệt.
Một điểm khác biệt có thể nhìn thấy ngay đó là ở cuống dây của ổ cắm, ổ chính hãng sẽ không có những đường cắt để tháo cuống dây ra khỏi ổ, còn ổ nhái thì có thể nhìn rõ những đường cắt này.
Lật mặt dưới, khi cậy 4 nút cao su ở dưới chân, chúng ta thấy rõ ngay nút cao su của ổ thật rất dày và không dùng keo, còn nút của ổ nhái mỏng và được giữ bằng 1 lớp băng dính 2 mặt.
Bên dưới lớp cao su là 4 con vít nhỏ, đồ thật dùng vít tam giác đặc biệt, còn ổ nhái là vít 4 cạnh thông thường.
Tiếp tục cạy mở hẳn lớp vỏ ngoài chúng ta tiếp tục thấy rõ sự khác nhau giữa ổ thật và ổ nhái.
Trong khi ở ổ thật, tất cả mạch dây đồng được úp vào phần thân của ổ thì ở ổ nhái, tất cả mạch lại nằm trên tấm nhựa đáy.
Nhìn vào mạch của ổ nhái các bạn sẽ thấy rõ các đoạn dây đồng chạy trong ổ được rút gọn tối đa, thậm chí ở những lỗ cắm dây nối đất chiếc ổ này lại sử dụng sắt mạ đồng (màu sắc thay đổi) để hạ giá thành.
Mạch ổ nhái thiết kế rất đơn giản, các mối nối được hàn đính chứ không dùng kẹp như ổ thật.
Thêm vào đó, để tiết kiệm giá thành, ổ nhái cũng dùng cả loại kim loại rẻ tiền hơn (màu vàng nhạt) rồi mạ đồng để dùng thay cho đồng đỏ.
Mạch sạc của bộ 3 cổng USB trên ổ cũng thiếu thốn linh kiện hơn và tụ lọc đầu ra chỉ còn là 2 tụ hóa "vô danh" trong khi ổ thật linh kiện tương đối dày và tụ lọc đầu ra là 2 tụ nhôm cao cấp.
Kết luận
Nếu như ổ cắm nhái Xiaomi được bản với giá rẻ bằng một nửa thì câu chuyện không phải vấn đề lớn, tuy nhiên hiện nay nhiều thương gia tại Việt Nam lại trộn 2 loại ổ cắm này và bán với giá tương đương nhau để thu lợi. Điều này khiến nhiều người lầm tưởng mình đang sử dụng một chiếc ổ cắm có chất lượng cao nhưng thực chất lại là ổ cắm chất lượng rất thấp.
Phần mạch sạc USB nói trên nếu mang ra đo đạc chắc chắn sẽ tồn tại rất nhiều nhiễu gây ảnh hưởng tới điện thoại sạc trên các cổng này. Và hiện tượng loạn cảm ứng sẽ xảy ra khi vừa sạc vừa sử dụng.
Nếu các bạn đang sử dụng 1 chiếc ổ cắm Xiaomi, hãy nhanh chóng kiểm tra lại những dấu hiệu nói trên để biết rằng mình đang dùng sản phẩm chính hãng hay hàng giả.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android