Sony “ngang tàng” đang nỗ lực tìm lại thời hoàng kim

    PV,  

    ICTnews – Tiến những bước chậm mà chắc song phảng phất chút ngang tàng, tự tin, Sony muốn lấy lại vị trí dẫn đầu của những ngày hoàng kim từ tay Apple.

    Trong suốt những năm 1990, Sony từng là thương hiệu công nghệ cao cấp nhất, thống trị toàn thế giới bằng thiết kế sáng tạo và sản phẩm đỉnh cao. Tuy nhiên, thập kỷ vừa qua không hề đáng nhớ với hãng điện tử Nhật Bản.

    Tập đoàn Nhật Bản đánh mất ngôi vương về tay Apple sau một loạt quyết định và chiến lược lạ lùng thay vì cấp tiến. Vì thế, khi ông Kazuo Hirai nắm quyền điều hành năm 2012, việc ông bắt tay làm đầu tiên là ổn định lại con tàu. Hai năm sau, Kaz vẫn đang từng bước lấp lỗ hổng và sẵn sàng trở lại tốp đầu.

    Dưới triều đại Hirai, Sony đi những bước chậm mà chắc. Một Sony Ericsson trúc trắc đã biến thành một Sony Mobile Communications nổi tiếng và có lãi. Máy ảnh không gương lật giúp Sony có vị trí dẫn đầu ngành ảnh, ngày càng nhiều người chơi ảnh chuyển sang dòng Alpha (NEX) thay vì máy ảnh ống rời DSLR mà Canon, Nikon từng thống trị. Gần nhất, hệ máy chơi game PlayStation 4 qua mặt đối thủ Xbox One của Microsoft về doanh số.

    PlayStation Now và truyền hình đám mây

     

    Tại Triển lãm Điện tử tiêu dùng CES 2014, Hirai cùng Sony cũng về nếp cũ: dẫn đầu thay vì theo đuôi hãng khác, tiến về phía trước thay vì chắp vá mọi thứ. Thông báo lớn nhất của Sony tại đây chính là PlayStation Now, cuộc cách mạng phương thức chơi game và thống nhất danh mục sản phẩm rộng lớn của hãng về một mối. PlayStation Now cho phép phát các trò chơi trực tiếp đến tivi, máy tính bảng, smartphone và máy chơi game. Như vậy, người dùng có thể tiếp cận trò chơi từ bất kỳ nơi nào trên thế giới, bất kể là thiết bị nào. Nó trở nên vô cùng giá trị khi muốn mở rộng vòng đời của máy chơi game PlayStation Vista hay biến thư viện trò chơi thành điểm thu hút cho hệ thiết bị Xperia.

    Sony thể hiện đầy đủ tham vọng với PlayStation Now song còn cả con đường gập ghềnh phía trước để mở rộng dịch vụ. Trong ngắn hạn, PlayStation Now chỉ dành riêng cho thị trường Mỹ và Sony đang đi những bước cẩn trọng để đưa dịch vụ lên mạng. Có thể, đây là sự khác biệt rõ nhất giữa Sony của Hirai và công ty của cựu Tổng Giám đốc Howard Stringer: một Sony cũ luôn thúc đẩy mọi thứ quá nhanh, trong khi Sony mới muốn cân bằng mọi thứ.

    Không chỉ phát trò chơi đến mọi thiết bị, Sony còn muốn cung cấp dịch vụ truyền hình đám mây toàn diện dựa trên nền dịch vụ Entertainment Network sẵn có. Tuy nhiên, dịch vụ này còn nhiều câu hỏi cần giải đáp hơn PlayStation Now. Nếu Sony có thể tìm ra cách thống nhất mọi tài sản giải trí dưới một dịch vụ duy nhất, chắc chắn sẽ có hiệu quả.

    Xperia Z1 Compact

    Nói về nỗ lực của Hirai về thương hiệu “One Sony”, phải nhắc đến dòng sản phẩm Xperia. Ngôn ngữ thiết kế từng thay đổi thất thường trong quá khứ đã trở nên vững chắc hơn và phổ biến trên mọi thiết bị, kể cả trong dòng phụ kiện. Tầm quan trọng của Z1 Compact dễ bị xem nhẹ song thiết bị 4.3 inch này một lần nữa cho thấy Sony đang đi theo con đường ngược lại với số đông. Mọi nhà sản xuất Android khác đều chế tạo sản phẩm cao cấp kích thước lớn tầm 5 inch, còn Sony lại đối đầu trực diện với iPhone.

    Z1 Compact vừa là một thành tựu về mặt công nghệ, vừa thể hiện sự tự tin của Sony khi không cần phải lớn hơn hay lòe loẹt hơn iPhone mà vẫn cung cấp được điện thoại tốt hơn. Việc nâng cấp màn hình lên IPS cũng chứng tỏ Sony nhận thức rõ điểm yếu của mình là gì và khắc phục nó.

    Life Space UX

     

    Ngoài ra, sự tồn tại của mô hình không gian sống thông minh Life Space UX càng khắc họa rõ nét khía cạnh lan truyền cảm hứng của Sony. Hòa trộn công nghệ tiêu dùng và không gian sống gia đình làm một thực thể khó tách rời, đó là tầm nhìn tương lai mà chúng ta từng nghe thấy và nhìn thấy trước đó. Những bức tường, cửa kính trở thành màn hình, đồ nội thất chuyển hóa thành thiết bị có tính tương tác. Điều khác biệt ở Life Space chính là Sony sẵn sàng đưa mọi thứ thành hiện thức bằng máy chiếu Ultra Short Throw Projector vào mùa hè 2014.

    Ngoài loạt thông báo đáng chú ý tại CES, Sony tiếp tục xúc tiến nỗ lực khác. Công ty muốn trở thành người tiên phong trong lĩnh vực video 4K và hiện có hơn 140 tựa chương trình độ nét cao; hợp tác nội dung cùng YouTube, Netflix; hay máy quay phim cầm tay 4K. Nỗ lực máy ảnh của Sony có bước tiến mới vào cuối năm 2013 với dòng máy ảnh không gương lật Alpha 7 và 7R cũng như A5000 tại CES, tiếp tục xu hướng giản hóa yêu cầu vật lý để có kết quả hình ảnh đẹp mắt.

    “Công thức” cho cuộc hồi sinh của Sony pha trộn giữa sự thận trọng và nét ngang tàng. Không thể phủ nhận lòng dũng cảm và tham vọng ở những sản phẩm, dịch vụ của công ty song chúng đều nằm trong kế hoạch dài hơi và kiên nhẫn. Có thể quá sớm để nói rằng Sony của thời hoàng kim đang quay trở lại, tuy nhiên hãng công nghệ Nhật chắc chắn đã làm được quá nhiều điều khiến chúng ta một lần nữa “phải lòng”.

    Theo: ICT News/Theverge