Tai nghe Campfire Jupiter: Chàng cao bồi dạn dày, đa tài

    Yến Thanh,  

    Chỉ thiếu một chút nữa thôi là Jupiter có thể trở thành chiếc tai nghe hoàn hảo và đáng mua nhất trong khoảng giá từ 15 đến 20 triệu đồng.

    Khi thị trường đồ âm thanh cá nhân tại Việt Nam bùng nổ khoảng 3 4 năm về trước, hầu hết sự lựa chọn đa dạng đều được các hãng cũng như những nhà sản xuất thiết bị âm thanh góp mặt tại thị trường Việt Nam đều đánh vào thị trường tầm thấp, với những chiếc tai nghe in ear với giá dưới 1 triệu đồng nhưng được quảng cáo "nghe chi tiết và hay hơn tai nghe iPhone".

    Cá nhân tôi thật sự không phủ nhận chiêu marketing này của các hãng, nhất là khi người sử dụng Việt Nam đã quá quen với iPhone, và đúng là tai nghe iPhone dở theo nghĩa đen của tính từ này, xét tới chất lượng âm thanh đáng ra người sử dụng phải nhận được. Lần lượt các nhà sản xuất âm thanh đến từ khắp nơi trên thế giới cùng xuất hiện tại thị trường tai nghe Việt Nam, tạo ra một cuộc đua nóng hơn bao giờ hết, đặc biệt là ở phân khúc thị trường tai nghe in ear nói chung.

    Và rồi khi tai nghe in ear hoặc dùng cho điện thoại nào cũng “tốt hơn tai iPhone” rồi, thì các nhà sản xuất biết dùng chiêu markeing nào để bán được đồ bây giờ? Khái niệm p/p được đưa ra, nhưng lại được hiểu theo một nghĩa cực kỳ lệch lạc, ít nhất là trong khoảng 2 năm về trước.

    Khái niệm này bị một vài nhà sản xuất thiết bị âm thanh gây hiểu lầm cho khách hàng, tạo ra tư tưởng một số tai nghe tầm thấp có khả năng hoạt động, có chi tiết và chất âm tốt hơn một số sản phẩm cao cấp có giá đắt hơn nhiều lần. Thực tế là như sau, bạn có thể bỏ tiền mua những mẫu tai nghe cao cấp, high end nhưng chất âm không xứng đáng với số tiền bỏ ra, so sánh với những chiếc tai nghe khác trong cùng tầm giá.

    Thế nhưng, đừng bao giờ, xin được nhắc lại cho rõ ràng là đừng bao giờ kỳ vọng một cặp in ear sở hữu p/p cũng như chất âm tốt nhất trong khoảng giá dưới 1 triệu lại có khả năng đánh bại những cái tên ở chiếu trên, ví như khoảng giá dưới 10 triệu Đồng chẳng hạn. Ấy là chưa kể tới cuộc chơi High End, với những thương hiệu được đông đảo cộng đồng mê mẩn âm thanh nước ta yêu thích như Shure, Beyerdynamic hay “sang chảnh” hơn nữa là Noble hoặc FitEar…

    Và ở thời điểm cuối năm 2015 này, làng âm thanh Việt, hay nói cách khác là thị trường in ear cao cấp tại nước ta lại đón nhận một thành viên mới, mang tên Campfire Audio, thương hiệu đến từ thành phố Portland, Oregon, Mỹ và được phân phối chính hãng bởi 3K Shop tại Việt Nam. Ở thời điểm hiện tại, Campfire mới có ba sản phẩm tai nghe in ear, Orion, Lyra và cao cấp nhất là Jupiter. Đây cũng là món đồ mà tôi sẽ chia sẻ trải nghiệm sử dụng với các bạn trong bài viết này.

    Với cái giá niêm yết 20,5 triệu Đồng tại thị trường Việt Nam, chẳng có lý do gì lại không đặt Jupiter vào danh sách những sản phẩm ở tầm giá high end cả, dù rằng ở phía trên có những cái tên còn kinh khủng hơn như Noble Kaiser 10 (30 triệu Đồng) hay Sennheiser IE800… Ở cái giá nơi bạn có thể mua được một bộ đôi máy nghe nhạc cùng một cặp in ear hay thậm chí là cả một hệ thống amp DAC cùng tai full size ở mức chấp nhận được để nghe nhạc trên máy tính như thế này, thiết nghĩ chúng ta cũng nên khắt khe một chút với những anh chàng đến từ nước Mỹ.

    Thông số kỹ thuật (dù rằng đôi khi không quan trọng lắm đối với người yêu nhạc):

    - Tần số đáp ứng: 10Hz - 28kHz

    - Trở kháng @1K: 35 ohm

    - Độ nhạy @ 1K: 114dB SPL/mW

    - Số driver: 4 driver mỗi bên

    Nếu bạn là một người mê những món đồ vintage, hoặc có người yêu thích những thứ hơi cổ lỗ (cổ lỗ chứ không phải cổ điển) những năm 70 80, thì xin hãy chiêm ngưỡng ngay chiếc hộp của Jupiter. Miếng giấy dán niêm phong hộp tai nghe cùng gam màu xanh xỉn điểm chấm nhũ bạc (không khác gì một bịch giấy đựng đầy những bao diêm Thống Nhất xưa kia) dường như là hai thái cực quá đỗi hợp gu với nhau.

    Ngay từ cái hộp đã thôi thúc những tâm hồn yêu cái đẹp nhanh chóng bóc seal để nghe thử tai rồi. Đây là một trong số những bao bì tai nghe hiếm có trên thị trường hiện nay, tuy không cầu kỳ như nhiều cái tên khác, với tầng tầng lớp lớp vỏ bọc và giấy lót, nhưng lại đem lại hiệu ứng rất tốt, mời gọi được người nghe dù không thử nhưng cũng phải cầm lên xem cặp tai nghe méo tròn ra sao.

    Mà phàm đã là một người mê âm thanh, thì chẳng có lý do gì chúng ta lại không tiếp tục khám phá chiếc tai nghe cao cấp này cả. Bất ngờ nối tiếp bất ngờ, chiếc hộp da đựng tai nghe màu vàng nâu giống hệt như chiếc áo jacket đã đọng màu thời gian của những chàng cao bồi hào sảng. Nếu như hộp ngoài đẹp, thì hộp đựng tai nghe của Jupiter có thể đánh giá là một trong số những chiếc hộp đẹp mắt và có vẻ bền bỉ nhất tôi từng được chiêm ngưỡng và "sờ thử", bên cạnh "chiếc ví da" độc đáo có số serial và dòng chữ: Made in Germany của Sennheiser IE800.

    Bên trong lớp bông lót là cặp đôi "oanh vàng" (mà kỳ thực tai nghe cũng có màu vàng ánh đồng thật) cùng hai bộ dây cho phép thay đổi linh hoạt, một cặp jack unbalanced chuẩn 3.5 để sử dụng với điện thoại và các thiết bị khác, và một cặp dây balanced 2.5 dành riêng cho những chiếc máy nghe nhạc của Astell & Kern. Từ trước tới nay ALO Audio luôn chiều chuộng và nể nang những sản phẩm đến từ thương hiệu cao cấp của iRiver nói trên, nên việc một cặp dây balanced hiện diện âu cũng không phải điều quá khó hiểu. Một điểm cộng cho Jupiter là khác. Một người mua tai nghe in ear về cắm chay với AK240 chắc chắn sẽ phải nghĩ ngợi nếu cái giá hơn 20 triệu Đồng lại không đi kèm với cáp balanced.

    Cùng với đó là rất nhiều cặp tip Comply, tip silicone, ortofon cũng như tip bọt biển thông thường để người sử dụng chọn lựa. Kỳ thực giữa tip bọt biển và silicone cũng tạo ra hai chiều hướng âm thanh hoàn toàn khác biệt cho Jupiter, và tôi sẽ nói cụ thể hơn trong phần đánh giá chất âm ngay dưới đây.

    Thiết bị và phần mềm thử nghiệm cùng Campfire Jupiter:

    - Nguồn phát: iPhone 6 xuất cổng 3.5 iBasso D14 xuất cổng lightning, AK 120 II xuất cổng balanced, PC xuất tín hiệu USB

    - DAC: JDS Element (xuất RCA => Crack), iBasso D14 (xuất Lineout => RCA của Crack)

    - Amplifier: iBasso D14 (cắm chay), Crack Modified

    - Phần mềm: Foobar2000 plugin DSD/SACD player Monkey Audio File plugin

    Sau khi nhìn vào chiếc hộp, bản nhạc đầu tiên mà ngay lập tức tôi muốn bật lên để nghe thử với Jupiter chính là Vincent của nam danh ca David A. Roth, nằm trong album Hongkong AV Show 2004. Ấn tượng đầu tiên của Jupiter đem lại chính là âm trường đạt ngưỡng gần như hoàn hảo dù rằng chỉ là một chiếc in ear monitor nhỏ bé. Tiếng guitar acoustic cùng bộ khí tạo ra không gian trên cả tuyệt vời. Thậm chí ấn tượng về soundstage của Jupiter còn khủng khiếp hơn ở bản nhạc kế tiếp trong cùng album: When I Dream của Carol Kidd. Hiệu ứng vọng mà những người mix nên bản nhạc này kết hợp cùng âm trường thoáng đạt của Jupiter tạo ra ấn tượng như khi bạn ngồi giữa một nhà hát, nơi chỉ có những tiếng động trên sân khấu xuất hiện.

    Với cặp tip silicone của Ortofon, chỉ cần đặt nhẹ vào lỗ tai là bạn có thể thưởng thức âm nhạc một cách thoải mái, khi âm thanh bên ngoài được triệt tiêu vô cùng hiệu quả. Nhưng nếu là một người mê mẩn thứ âm dày dặn của Fitear Togo 334 hay Parterre hoặc Shure SE535, thì hãy dùng tai nghe với tip Comply.

    Sau khi lắp tip bọt biển của Comply cho Jupiter, âm bass của Jupiter trở nên khác lạ một cách hoàn toàn: Dày dặn, có lực và đầy biến ảo. Bass của Jupiter với tip comply ở mức tương đối nhiều, nhưng đồng thời, không giống những tai nghe khác, âm trầm của chiếc tai nghe này vẫn đầy chi tiết và ấn tượng, chẳng hề kém cạnh những cái tên người Việt vốn ưa thích nhờ sự ấm áp và tình cảm. Ở phép thử này, chẳng có lý do gì ngăn cản tôi bật… Về đâu mái tóc người thương của Quang Lê ra nghe thử đoạn mở đầu hay đến nao lòng cả.

    Vui một chút, khi ngồi cùng bạn bè, đặc biệt là những người cùng mê âm thanh, họ khá cực đoan trong việc chọn nhạc nghe test tai, vì đối với họ, ở một số tầm giá khác biệt, họ cũng cần những bản nhạc với đẳng cấp khác so với những bản nhạc thị trường để thưởng thức. Điều này tôi vẫn tôn trọng mà thôi, nhưng tôi nghĩ khác. Chiếc tai nghe phục vụ bạn, phục vụ chính nhu cầu sử dụng của bạn, người bỏ tiền ra mua sản phẩm, vì thế chẳng ai ngăn được bạn lấy tai vài chục triệu ra nghe “Vợ người ta” cả. Mà kỳ thực tôi cũng từng thử làm vậy rồi, rất đã đời.

    Với cặp tip bọt biển, dù hơi có chút khó khăn lúc đeo vì hơi cấn tai, nhưng với những fan nhạc vàng và những người mê mẩn thứ âm thanh ngọt lịm như mía và ấm áp như ôm chăn 37 độ vẫn sẽ mê tít chiếc tai nghe này. Tiếc một nỗi, bản thân tôi lại không có gu với những chiếc tai nghe tiếng nồng ấm và đầy đặn. Bản thân tôi luôn tìm những món lạ, với thứ âm thanh tinh tế và nhẹ nhàng hơn đôi chút. Đó cũng là lý do Noble Savant, chiếc tai nghe mới ra mắt hồi giữa năm 2015 được tôi liệt vào danh sách một trong số những chiếc in ear hay nhất đối với gu của bản thân mình.

    Và với tư tưởng như vậy, sau nghi nghe chán chê nhạc vàng và vocal nam, thứ Jupiter trình diễn quá tốt, tôi chuyển về tip Ortofon, cặp tip silicone trắng ngà mềm mại. Và rồi lại thêm một lần bất ngờ nữa khi chất âm của Jupiter thay đổi theo chiều hướng hiếm thấy ở một cặp in ear. Giọng ca của họa mi xứ sương mù Adele trong bản ballad When We Were Young trở nên ấn tượng một cách khủng khiếp khi âm trường thậm chí còn rộng hơn hẳn khi dùng tip bọt biển, và chất âm bắt đầu thiên sáng hơn.

    Dải mid trở nên gai góc, vô tình tạo ra một giọng ca Adele có phần hơi khô cứng nhưng vẫn không kém cuốn hút người nghe. Đó là nhờ vào dải cao trở nên thoáng đãng và cao vút, dựa trên âm thanh của bộ gõ trong nhiều bản ballad đầy ưu tư và cảm xúc. Quay trở lại với hai mẫu tip đi kèm tai nghe, nếu tip bọt biển hợp vocal nữ khi làm mid hiền đi chút ít, thì tip silicone lại khiến các bản nhạc của những nam danh ca như Allan Taylor hay Christian Willisohn và Zed Mitchell, hoặc thậm chí là Tuấn Ngọc có sức sống hơn bao giờ hết. Giọng hát của họ không hề thụ động giữa những món nhạc cụ đa sắc màu và cảm xúc, mà trở nên sống động, ấn tượng hơn hẳn.

    Tuy nhiên một vấn đề duy nhất của Jupiter khi sử dụng với tip Ortofon chính là dải bass. Từ một dải âm mượt mà, đầy nhạc tính, chỉ thay đổi chiếc ear tip, âm bass đầy chi tiết của Jupiter trở nên hiền lành, có đôi phần nhút nhát trong nhiều bản nhạc. Tuy rằng mid bass vẫn giữ được phần nào khả năng với chi tiết tốt, độ rền khó lòng chê vào đâu được với một đôi tai mê chất âm sáng, thì sub bass lại tỏ ra hụt hơi trong nhiều bản thu âm jazz ví như album Jazz At The Pawnshop chẳng hạn.

    Một điều cần ghi nhớ, Jupiter nhạy, rất nhạy. Chỉ cần nghe bằng iPhone ở mức volume 2/3 đã đủ to để thưởng thức âm nhạc rồi. Chính vì thế khi lựa chọn amplifier, đừng cố tham những món đồ chuyên dùng để kéo tai nghe trở kháng to, điều này dễ khiến cho Jupiter gặp sự cố khi nguồn quá lớn. Mà kỳ thực, bản thân Jupiter cắm chay với AK 120 II và iPhone 6 đã rất tuyệt vời rồi.

    Tổng kết lại, chỉ thiếu một chút nữa thôi là Jupiter đã có thể trở thành chiếc tai nghe hoàn hảo và đáng mua nhất trong khoảng giá từ 15 đến 20 triệu đồng, theo cảm nhận và gu thưởng thức cá nhân của tôi. Hơi tiếc chút xíu vì trong nhiều bài test, Jupiter đã chứng tỏ được Campfire Audio tuy non trẻ nhưng lại là một đối thủ cạnh tranh đáng gờm của nhiều thương hiệu mạnh trên thế giới. Chỉ cần rẻ đi một chút thôi là nó đã có thể trở thành một ông hoàng mới nổi, ai ai cũng phải tìm nghe rồi.

    Dù sao đi chăng nữa, với những gì đã và đang thể hiện, Campfire Jupiter vẫn được coi là một tai nghe in ear rất tốt trong tầm giá, và là một món đồ chơi lạ hiếm khi giới audiophile tại Việt Nam được thử nghiệm. Cùng với đó là hình thức build chắc chắn, phụ kiện hào phòng cùng dáng vẻ xứng đáng là một trong những tai nghe cao cấp độc đáo nhất tại Việt Nam hiện tại.

     

     

    Xin chân thành cám ơn 3K Shop đã hỗ trợ chúng tôi hoàn thành bài viết đánh giá này!

    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ