Wifi Sense - tính năng tự động chia sẻ mật khẩu Wi-Fi trên Windows 10 với bạn bè
Liệu tính năng này sẽ đem đến sự tiện dụng cho người dùng hay trở thành mối nguy hiểm về bảo mật?
Chỉ còn một thời gian ngắn nữa thôi Windows 10 sẽ được phát hành chính thức, các tính năng mới và nổi bật của hệ điều hành này bắt đầu được nhiều người chú tâm hơn. Một trong số đó chính là tính năng Wi-Fi Sense được vay mượn từ Windows Phone 8.1 và lần đầu tiên xuất hiện trên phiên bản máy tính.
Được biết, tính năng này sẽ tự động kết nối người dùng vào các nguồn phát Wi-Fi, sau đó lưu giữ các thông tin về mạng và có thể tự động chia sẻ mật khẩu Wi-Fi ở khu vực đó cho những ai có trong danh bạ Facebook, Skype và Outlook của người này. Tất nhiên tính năng này sẽ yêu cầu được phép đồng bộ với Outlook, Skype và Facebook của người dùng, bạn bè trong danh sách của họ (và sử dụng Windows 10) cũng có thể thu thập thông tin và chia sẻ ngược lại mật khẩu Wi-Fi cho chính người dùng này nếu họ bật tính năng này lên.
Microsoft tuyên bố tính năng này sẽ giúp bảo mật tốt hơn cũng như giảm bớt các tình trạng "gõ sai pass". Giờ đây, thay vì phải đọc lại mật khẩu để khách hoặc bạn bè có thể đăng nhập vào Wi-Fi, mọi người có thể tự động có được thông tin mật khẩu trên máy, miễn là đang trong vùng phủ sóng của mạng trong nhà bạn.
Microsoft cũng cho biết: "Khi ban muốn chia sẻ mật khẩu Wi-Fi của mình cho bạn bè trên Facebook, Outlook hoặc Skype, họ sẽ được kết nối vào mạng Wi-Fi đó một cách tự động miễn là trong vùng phủ sóng và họ đang dùng Wi-Fi Sense. Ngược lại, bạn cũng sẽ được kết nối vào các mạng Wi-Fi mà bạn bè mình đã chia sẻ trước đó. Lưu ý rằng, bạn sẽ không thể thấy được mật khẩu Wi-Fi khi được chia sẻ, và họ cũng vậy."
Bên cạnh đó, Microsoft cũng lưu ý rằng một khi người dùng lựa chọn chia sẻ thông tin này, nó sẽ được mã hóa và chuyển lên máy chủ của Microsoft. Ngoài ra, người dùng không thể chọn lọc danh sách bạn nhất định để chia sẻ, thay vào đó, Wi-Fi Sense khi được kích hoạt sẽ chuyển thông tin mạng Wi-Fi cho tất cả bạn bè trên Facebook của người dùng. Điều này có vẻ khá bất tiện vì không hẳn lúc nào chúng ta cũng luôn sẵn sàng chia sẻ mọi thứ, đặc biệt là khi với những ai không quen biết thật sự trên mạng xã hội này.
Tính riêng tư và bảo mật có nguy cơ bị tấn công
Nguy cơ để lộ thông tin kết nối mạng cho kẻ xấu trên Facebook và Outlook chỉ là tỉ lệ nhỏ, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta được bảo mật 100%. Thực tế an ninh internet hiện nay đang bị đe dọa rất nhiều, rất nhiều người được khuyên phải tạo mật khẩu cực kỳ phức tạp để tránh bị đánh cắp, tuy nhiên hacker vẫn có thể tìm cách phá vỡ được.
Cũng giống như dịch vụ bảo mật LastPass, hứa hẹn đem lại sự bảo mật tối đa cho tài khoản người dùng, nhưng vừa qua cũng trở thành nạn nhân trong vụ tấn công của hacker. Cho dù đó là bất kì công ty nào, một khi đã bị tấn công thì dữ liệu của người dùng sẽ nằm trong vùng nguy hiểm.
Theo một cái nhìn thực tế, mức nguy cơ để lộ thông tin trên Wi-Fi Sense là khá nhỏ, nhưng đứng trên phương diện bảo mật, đây có lẽ vẫn chưa phải là ý tưởng hay.
Tham khảo: Extreme Tech.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cùng nhận tiền của NASA để sản xuất tàu vũ trụ, SpaceX thành công lớn còn Boeing lỗ nặng
Boeing đứng trước những sóng gió lớn nếu không hoàn thành dự án Starliner của mình.
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương