Khi chọn mua các thiết bị di động, chắc hẳn chúng ta đã quen với những thông số như 802.11 a/b/g, 802.11 n, … Đó chính là các chuẩn kết nối Wi-Fi qua các băng tần 2,4, 3,6 và 5 GHz, được sử dụng rộng rãi trên laptop, smartphone hay tablet trong những năm gần đây. Tuy nhiên, thế giới công nghệ thay đổi từng ngày, và những chuẩn kết nối trên đang dần trở nên chậm chạp và lạc hậu. Bài viết dưới đây xin giới thiệu về WiGig, một chuẩn kết nối không dây rất hứa hẹn đang trong quá trình nghiên cứu và phát triển.
WiGig là một kiểu kết nối HDMI không dây
Vùng phủ sóng của WiGig hẹp hơn Wi-Fi rất nhiều – không quá 10 mét và không truyền qua tường được. WiGig được thiết kế để sử dụng kết hợp với mạng Wi-Fi truyền thống: Wi-Fi cung cấp kết nối băng thông rộng, còn WiGig có nhiệm vụ kết nối các thiết bị cầm tay như PC, laptop và tablet với nhau. Ngoài ra, WiGig cũng có thể kết nối những thiết bị trên với hệ thống giải trí trong xe hơi hay các màn hình TV lớn. Nói ngắn gọn, có thể ví nó như một kết nối HDMI không dây vậy.
WiGig rất nhanh và hiệu quả
So sánh tốc độ WiGig với các chuẩn Wi-Fi.
WiGig sử dụng băng tần 60 GHz, cho tốc độ truyền tải tối đa lên đến 7 Gb/giây (gấp 10 lần Wi-Fi chuẩn N). Tuy nhiên, theo một số thử nghiệm, tốc độ trên chỉ đạt được khi bộ phát sóng có đầy đủ ăng ten và khoảng cách giữa các thiết bị là không quá 3 mét.
WiGig cũng là một công nghệ thân thiện với môi trường. WiGig được tích hợp công nghệ “Beamforming”, cho phép bắn các chùm tia Radio đến đúng mục tiêu với hiệu suất tốt nhất, giảm thiểu lãng phí trong quá trình truyền tải. Nhờ vậy, WiGig sử dụng năng lượng hiệu quả gấp 5 lần kết nối Wi-Fi truyền thống. WiGig Alliance, liên minh các hãng công nghệ tạo ra WiGig, tuyên bố rằng “Beamforming” sẽ là nền tảng để phương thức kết nối này vượt qua phạm vi 10 mét trong tương lai.
WiGig có tính tương thích cao và được sử dụng cho nhiều mục đích
Các tính năng WiGig cung cấp.
WiGig có thể hoạt động như một phương thức kết nối thay thế cho USB, DisplayPort, PCIe và cả HDMI. Thêm vào đó, nó tương thích ngược với hầu hết các thiết bị sử dụng chuẩn kết nối 802.11 trên các băng tần 2,4 và 5 GHz.
Chức năng chính của WiGig là kết nối các thiết bị giải trí gia đình với nhau - máy tính bảng, smartphone, PC, TV và hơn thế nữa. Nếu được cài đặt đúng cách, WiGig sẽ giúp người dùng sở hữu một chiếc dock không dây – hãy tưởng tượng khi vừa đặt lưng xuống ghế sofa, chiếc smartphone của bạn đã kết nối thành công và nhanh chóng truyền dữ liệu lên dàn HDTV trước mắt.
WiGig không phải là một công nghệ độc quyền
Các hãng công nghệ trong liên minh tạo ra WiGig.
WiGig được phát triển bởi Wireless Gigabit Alliance (Liên minh kết nối không dây Gigabit) – bao gồm nhiều hãng công nghệ lớn như Broadcom, Cisco, Intel, Microsoft, Dell, Nokia, Toshiba, Qualcomm, NEC hay Panasonic. Vì vậy, sau khi ra mắt chính thức, WiGig sẽ nhận được hỗ trợ rộng rãi và nhanh chóng trở nên phổ biến.
Tuy nhiên, WiGig sẽ phải cạnh tranh với nhiều phương thức kết nối tiềm năng khác, bao gồm WHDI, WiDi và Wireless HD. Phải nói thêm rằng, thật khó hiểu khi một số phương thức nêu trên được phát triển bởi chính các công ty nằm trong liên minh tạo ra WiGig.
WiGig sẽ trở thành tiêu chuẩn kết nối chính thức trên dải tần 60 GHz
Hiện nay, chuẩn kết nối IEEE chính thức trên dải tần 60GHz là chuẩn 802.11ad; và liên minh WGA đang thống nhất với IEEE để tiêu chuẩn hóa các chuẩn kết nối trên dải tần này. Vì vậy, trong tương lai WiGig có thể sẽ được biết đến với cái tên 802.11ad và ngược lại.
Lời kết
WiGig chưa được ấn định ngày ra mắt, nhưng có thể khẳng định các thiết bị tương thích với công nghệ trên sẽ không được sản xuất đại trà cho đến cuối năm 2012 hoặc đầu năm 2013. Dù vậy, WiGig hứa hẹn sẽ mang đến một luồng gió mới trên thị trường công nghệ kết nối không dây, với mức chi phí hợp lý và tính năng đa dạng của mình.