Đo thực tế tiền điện, tiền nước của máy rửa bát trong 1 lần rửa: Hết tận hơn 1 nghìn VNĐ
Các nhà sản xuất máy rửa bát luôn bảo rằng, máy rửa bát rất tiết kiệm điện nước và thời gian, nhưng chả ai tin nhà sản xuất cả nên chúng tôi phải đo thực tế cho chắc ăn.
Trong bài trước, chúng ta đã được một ông chồng "thông minh" chia sẻ về hành trình mua máy rửa bát để giữ hạnh phúc gia đình. Dù vậy, nhiều người trước khi đi đến quyết định "xuống tiền" đều muốn biết: máy rửa bát có tốn điện nước hay không?
Nếu đem thắc mắc này hỏi người bán hàng (sale) thì câu trả lời các bạn nhận được chắc chắn sẽ là: Anh chị yên tâm, loại máy này tiết kiệm lắm. Tuy nhiên, con số áng chừng là bao nhiêu thì ít người đưa ra được cụ thể.
Hôm nay, chúng ta hãy cùng kiểm chứng thực tế xem: một lần rửa bát bằng máy tiêu tốn bao nhiêu điện nước!
Đầu tiên là phần lý thuyết: Điện năng tiêu thụ của máy rửa bát dùng cho những việc gì?
Như các bạn đã biết, máy rửa bát làm sạch đồ bằng cách phun các tia nước nóng dưới áp lực cao. Vì vậy, có 2 thứ ngốn điện nhất là:
1. Bơm: Tùy từng đời máy (model) mà bơm sẽ có công suất khác nhau, nhưng trung bình thì dao động trong khoảng 150-180W. Bơm này còn có công dụng là xả nước thải ra ngoài.
2. Bộ phận gia nhiệt: Giống với các loại ấm siêu tốc hay bình nóng lạnh, bộ phận làm nóng nước (thanh đốt) tiêu tốn khoảng 1500-2000W điện mỗi giờ.
Ngoài ra, các đèn LED trên bảng điều khiển của máy rửa bát cũng tiêu tốn một chút điện nhưng không đáng kể.
Như vậy, công suất của một chiếc máy rửa bát sẽ rơi vào trên dưới 2000W, tức là nếu chạy liên tục không nghỉ ở mức tối đa thì mỗi một tiếng đồng hồ sẽ tốn 2 số điện (hơn 3000 đồng).
Với trường hợp chiếc máy này, trong các thông số kỹ thuật được ghi trên cửa máy thì công suất dao động từ 2000 đến 2400 W.
Lượng nước dùng cho máy rửa bát:
Theo các nhà sản xuất, máy rửa bát tiêu thụ rất ít nước: chỉ khoảng 6-20 lít (phụ thuộc vào loại máy). Nếu so với việc rửa bằng tay (khoảng 30-40 lít nước mỗi lần) thì như vậy là máy rửa bát tiết kiệm được từ 2 đến 4 lần.
Kiểm tra thực tế
Về điện năng:
Tôi sử dụng một chiếc ổ cắm có chức năng đếm thời gian, hiển thị công suất tức thời, công suất tối thiểu/tối đa và đo tổng công suất tiêu thụ. Khi có tải tiêu thụ thì bắt đầu tính giờ, còn nếu lượng điện tiêu thụ quá thấp (dưới 1 W) thì đồng hồ sẽ ngưng.
Công suất dưới 1W thì đồng hồ sẽ ngưng đếm
Sau 30 giây thì công suất là 18,1 W
Về nước:
Ống xả của máy rửa bát được cắm vào một chiếc thùng sơn loại 20 lít. Nếu là loại thùng có vạch mức thì sẽ chính xác hơn nhưng tiếc là quanh tôi không có sẵn.
Quá trình lắp đặt máy rửa bát tại một căn chung cư
Tiến hành
Bát đũa, xoong nồi cả ngày được tôi dồn vào rửa một mẻ buổi tối và sử dụng chế độ Eco (tiết kiệm). Máy rửa bát này có vài chế độ rửa như rửa 70 độ, rửa nhanh 1h, rửa ly thủy tinh... nhưng trước nay tôi vẫn chỉ dùng chế độ Eco này bởi nó đơn giản, chỉ phải bấm có mỗi nút nguồn và nút Start.
Ở chế độ này, máy báo thời gian rửa là 3 giờ 15 phút (195 phút). Nhìn con số mà thấy kinh hãi – thế là hơn 6 số điện (18 nghìn đồng) cơ á? Liệu thực tế có nhiều như vậy không?
Sau 20 phút, nước thải mới có rất ít, chắc khoảng 1 chén (tách) trà.
Sau 1 giờ 03 phút, lượng nước thải không tăng thêm, tức là trong hơn 1 tiếng đồng hồ kể từ lúc bắt đầu chạy thì máy gần như không xả nước thải. Điều này cũng không có gì lạ vì máy rửa bát sử dụng bơm tuần hoàn.
Màu nước vẫn trong veo. Có lẽ nó sẽ xả nước khi quá bẩn, không sử dụng lại được nữa.
Sau 2 giờ 07 phút, nước xả đã có màu vàng đục và nóng. Nhìn có vẻ như chỗ này được khoảng 2-3 lít.
Sau 2 giờ 27 phút, nước thải dềnh lên khá nhiều và màu đậm hơn, đục hơn. Cầm thùng thấy khá nặng tay, tôi đoán chỗ đó được khoảng 1/3 thùng – tức loanh quanh 6 lít.
Khi máy báo chỉ còn 3 phút thì tôi kéo cao đầu vòi xả lên để dễ quan sát cảnh nước được bơm ra như thế nào.
Bên trong máy kêu ục ục, có lẽ là tiếng máy bơm đang đẩy nốt lượng nước cuối cùng ra. Thực tế thì lần xả cuối này không cho ra nhiều nước như tôi kỳ vọng, chắc chỉ tương đương một lần súc miệng.
Đo điện năng và nước tiêu thụ của máy rửa bát: quá tiết kiệm luôn!
Kết quả
Về điện:
Lúc máy chạy được 2 giờ 44 phút thì lượng điện tiêu thụ là 0,629 kW, và lúc kết thúc hoàn toàn ở 3 giờ 07 phút thì con số này là 0,630 kW – thấp hơn 1/3 so với thông số nhà sản xuất đưa ra là 0,93 kWh.
Trong 23 phút cuối lượng điện tiêu thụ chỉ là 0,001 kW, tức là 1/1000 số điện. Như vậy, trong quá trình hoạt động, lượng điện năng tiêu thụ có thay đổi chứ không cố định.
Máy báo 3 giờ 15 phút (195 phút) nhưng đồng hồ dừng đếm ở 3 giờ 07 phút – tức là "xong sớm" khoảng 8 phút. Sở dĩ có sự chênh lệch này theo tôi đoán thì có thể do mấy nguyên nhân:
1. Trong quá trình hoạt động có lúc lượng điện tiêu thụ của máy xuống rất thấp nên đồng hồ ngưng đếm.
2. Thời gian hiển thị ban đầu chỉ là ước lượng chứ không chính xác đến từng phút.
3. Thiết bị đo điện rởm nên sai số nhiều. Cái này thì chịu rồi!
Với giá điện sinh hoạt bậc 1 là 1.678 đồng/kWh, máy tiêu thụ 0,63 kWh tương đương khoảng 1.057 đồng (Một nghìn không trăm năm mươi bảy đồng).
Về nước:
Do không có dụng cụ đo đạc nên lượng nước tôi chỉ áng chừng là chưa đến nửa thùng. Có vẻ như mức nước tiêu thụ của chiếc máy rửa bát này khá khớp với thông số mà nhà sản xuất công bố là khoảng 9,5 lít/mẻ.
Nếu lấy con số 9,5 (0,0095 m3) và tính theo giá nước sinh hoạt ở khu tôi là 5,973 đồng/m3 thì số tiền nước cho 1 lần rửa là 56,73 đồng, xấp xỉ 57 đồng (năm mươi bảy đồng).
Cộng cả tiền điện và nước thì rửa 1 mẻ bát sẽ tốn khoảng 1,1 nghìn đồng, hay một nghìn một trăm đồng (1100 đồng).
Tổng kết
Như vậy, chỉ tính riêng điện thì mỗi tháng (30 ngày) nhà tôi sẽ tốn khoảng 19 số điện (tương đương khoảng gần 32 nghìn đồng), còn tiền nước tăng thêm không đáng kể (khoảng 1 nghìn 7 trăm đồng). Đổi lại, tôi có thêm rất nhiều thời gian rảnh rỗi và bát đũa thì lúc nào cũng sạch tinh tươm.
Cám ơn các bạn đã theo dõi!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4