Doanh nghiệp làm việc tốt, nên giấu hay nên khoe?

    Kim Ngân,  

    Doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xã hội luôn là những hành động đem lại giá trị cho xã hội và xứng đáng được tôn vinh, tuy nhiên, nó phải bắt nguồn từ góc độ phát triển bền vững.


      Doanh nghiệp làm việc tốt, nên giấu hay nên khoe? - Ảnh 1.

      “Đã là doanh nghiệp, kinh doanh và làm giàu nhờ người tiêu dùng thì việc trả ơn và cống hiến cho xã hội là điều hiển nhiên. Tôi cảm thấy các hoạt động xã hội của mình không cần thiết phải kể với ai” – Chủ tịch HĐQT của một Tập đoàn lớn ngay lập tức từ chối khi được hỏi về những hoạt động đem lại lợi ích cho cộng đồng mà họ đã thực hiện nhiều năm nay.

      Có không ít doanh nhân cùng chung suy nghĩ như vậy. Một Tập đoàn khác hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng rất tích cực với các chương trình hỗ trợ trẻ mồ côi, xây dựng trường học, trạm y tế tại địa phương mà họ đặt nhà máy, đồng thời là nhà tài trợ phẫu thuật tim cho 400 trẻ em nghèo từ năm 2015 đến nay nhưng quan điểm không truyền thông rộng rãi.

      Đại diện truyền thông của một doanh nghiệp bán lẻ rất lớn không ngại chia sẻ riêng về quỹ từ thiện của công ty mình, hoạt động theo cách thức nuôi dưỡng các trẻ em nghèo đến khi trưởng thành, có việc làm và quay lại “trả” nghĩa cho quỹ để tiếp tục nuôi dưỡng những hoàn cảnh khó khăn khác. Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT của công ty cũng yêu cầu không truyền thông về dự án vì cho rằng đó là việc tất yếu phải làm của một doanh nghiệp.

      Doanh nghiệp làm việc tốt, nên giấu hay nên khoe? - Ảnh 2.

      “Bạn sẽ thường thấy một số bạn bè trên Facebook của mình chia sẻ các hình ảnh mà họ đi làm từ thiện. Lại có những người đã làm rất nhiều dự án cộng đồng nhưng khiêm tốn và không bao giờ kể ra. Nhiều người khó chịu, nói rằng: Đi từ thiện mà khoe khoang, còn gì là làm phước? Nhưng không phải, hãy nhìn ở góc độ rằng họ muốn lan tỏa thông tin, dự án đó tới nhiều người hơn, để có thể chung tay tạo ra các giá trị lớn hơn” - Ông Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc phát triển doanh nghiệp của Dragon Capital nói.

      Việc “khoe” hay không, đó đơn thuần là phong cách sống, suy nghĩ của cá nhân mỗi người. Tương tự như vậy, mỗi doanh nghiệp có một văn hoá riêng, việc chia sẻ những hoạt động xã hội của mình một cách rộng rãi trên báo chí hay không tuỳ thuộc vào văn hoá doanh nghiệp đó.

      Doanh nghiệp làm việc tốt, nên giấu hay nên khoe? - Ảnh 3.

      Bà Nguyễn Thanh Hoa - Giám đốc truyền thông của Tập đoàn Bảo Việt cho biết, Bảo Việt là một trong những đơn vị đầu tiên theo đuổi chiến lược phát triển bền vững và triển khai các báo cáo phát triển bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế từ khi khái niệm này còn xa lạ ở Việt Nam. Bảo Việt cũng rất tích cực chia sẻ thông tin một cách rộng rãi.

      Điều này không chỉ đem lại lợi ích cho bản thân doanh nghiệp, nó còn trực tiếp truyền thông cho các doanh nghiệp khác biết đến con đường này. Sau đó, với những cá nhân, tổ chức muốn học hỏi kinh nghiệm trong phát triển bền vững và thực hiện báo cáo phát triển bền vững, Bảo Việt có thể trở thành một casestudy để tham khảo.

      “Tôi tán thành rằng khi làm được việc tốt thì nên chia sẻ cho người khác biết vì đôi khi người ta muốn làm những điều có ích cho cộng đồng nhưng không biết địa chỉ, không biết phương thức. Vậy thì những đơn vị đi trước có thể giúp họ thực hiện được mong muốn ấy, từ đó tạo ra các giá trị lớn hơn, ở quy mô rộng hơn” - Bà Hoa chia sẻ.

      Tương tự, có thể tìm thấy nhiều doanh nghiệp với các hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội đã đem đến bài học kinh nghiệm và truyền cảm hứng cho các đơn vị khác như Vietnam Airlines, Vinamilk, Unilever, Home Credit…

      Doanh nghiệp làm việc tốt, nên giấu hay nên khoe? - Ảnh 4.

      Với Home Credit, họ gây tiếng vang với Dự án Home For Life - Đồng hành cùng phụ nữ làm chủ cuộc sống. Đây là chương trình mở rộng và chuẩn hóa của hoạt động hỗ trợ phụ nữ thường niên trong nhiều năm qua của Home Credit thông qua các gói vay 0% lãi suất phục vụ phát triển sinh kế và các lớp đào tạo kỹ năng quản lý tài chính cá nhân - hộ gia đình. Dự án Triển khai trong suốt 10 năm với số vốn lên tới 3 tỷ đồng.

      Sau 5 tháng đầu triển khai tại tỉnh Yên Bái (tháng 11/2022 - tháng 5/2023), kết quả là 100% số người được hỗ trợ biết cách xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp; 90% số người tham gia khóa học biết cách tính toán, dự báo doanh thu, chi phí và lãi lỗ cho mô hình của mình; 51% số người được hỗ trợ ghi nhận thu nhập tăng và có tiền tiết kiệm.

      Theo ông Phạm Nguyễn Vinh, doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xã hội luôn là những hành động đem lại giá trị cho xã hội và xứng đáng được tôn vinh, tuy nhiên, nó phải bắt nguồn từ góc độ phát triển bền vững.

      Một doanh nghiệp - trong chuỗi sản xuất của mình - sẽ phải trải qua rất nhiều công đoạn. Trong quá trình đó, doanh nghiệp cần bám sát các giá trị phát triển bền vững để tạo ra nhiều tác động tích cực, giảm thiểu các tác động tiêu cực nhất có thể và bảo vệ nền tảng tương lai cho các thế hệ mai sau.

      “Lấy ví dụ với một công ty sản xuất nước giải khát. Hãy nhìn vào chuỗi sản xuất, họ mua đường, nước màu, các loại nguyên liệu… ở đâu, có kiểm soát chất lượng chặt chẽ? Có dùng chất bảo quản gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng hay không? Nếu một DN chưa thực hiện tốt những vấn đề này, vẫn tạo ra lợi nhuận rồi dùng lợi nhuận đó đi từ thiện thì hoạt động từ thiện đó có còn ý nghĩa?” - Chuyên gia nêu ý kiến.

      Điều này cũng dẫn đến một thực tế khiến nhiều doanh nghiệp ngại chia sẻ về các dự án cộng đồng của mình. Tính minh bạch của các giải thưởng cũng như tính minh bạch trong vận hành dự án - nếu không được đảm bảo - luôn có thể trở thành “lưỡi dao” quay lại gây tổn thương cho doanh nghiệp và cộng đồng.

      Trong quá khứ, từng có doanh nghiệp nhận được nhiều bằng khen, giải thưởng cho các chương trình từ thiện, nhưng cuối cùng lại là thủ phạm giết chết một dòng sông do xả chất thải lỏng nguy hại suốt hơn 1 thập kỷ. Đó là một ví dụ đau đớn cho việc dùng lợi nhuận “bất chính” để đi hoạt động xã hội mà không được các cơ quan trao giải kiểm tra, thẩm định chặt chẽ. Đồng thời, củng cố cho những nghi ngờ của dư luận về độ tin cậy của các giải thưởng được trao.

      Tuy nhiên hiện nay đã có nhiều bộ tiêu chuẩn quốc tế được xây dựng để đánh giá tính phát triển bền vững của doanh nghiệp, qua đó những người quan tâm có cơ sở và có thể tiếp cận dữ liệu khoa học để tin tưởng.

      Ở góc độ những người có mong muốn đóng góp cho một dự án xã hội nào đó, họ cũng gặp trở ngại trong niềm tin về tính minh bạch đối với việc sử dụng quỹ quyên góp. Đưa ra một giải pháp để giải quyết trở ngại này, ngân hàng MBBank đã cho ra mắt nền tảng Thiện Nguyện bao gồm 2 cấu phần là Ứng dụng Thiện nguyện và Tài khoản thanh toán minh bạch. Ứng dụng Thiện Nguyện cung cấp các tiện ích cho tổ chức, cá nhân gây quỹ và các nhà hảo tâm. Tài khoản thiện nguyện minh bạch là tài khoản thanh toán tại ngân hàng MB, chỉ có 4 chữ số và tự động công khai sao kê giúp cộng đồng tham gia giám sát và đồng hành.

      Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT của MBBank chia sẻ về mục đích khi ra mắt nền tảng Thiện nguyện: “Chúng tôi mong muốn tác động được đến từng người yếu thế, đồng hành, chứng kiến sự đổi thay từng ngày họ có được từ sự ủng hộ của cộng đồng”.

      Tin cùng chuyên mục
      Xem theo ngày

      NỔI BẬT TRANG CHỦ