Doanh nghiệp taxi đừng đòi "chặn" Uber

    PV,  

    Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục TMĐT & CNTT, Bộ Công Thương rất tâm đắc với bình luận cho rằng doanh nghiệp taxi nên cải tiến phương thức kinh doanh thay vì yêu cầu "chặn" Uber, Grabtaxi.

    Tại Lễ phát động Ngày mua sắm trực tuyến 2014 diễn ra chiều 1/12/2014, ông Trần Hữu Linh cho biết:

    "Mấy tháng gần đây đang có xu hướng mới liên quan đến sự phát triển các ứng dụng trên điện thoại di động, cụ thể là hai phần mềm ứng dụng bắt taxi qua di động có tên Uber và GrabTaxi.

    Tôi theo dõi rất kỹ vấn đề này vì việc người mua – người bán có doanh thu nhờ các phương tiện điện tử có liên quan đến thương mại điện tử.

    Hiện nay, rất nhiều tài xế taxi, công ty taxi ở Việt Nam và nước ngoài đang yêu cầu các cơ quan Nhà nước phải chặn, cấm hai dịch vụ Uber, GrabTaxi. Tuy nhiên, tôi rất tâm đắc với một bình luận mà tôi mới được đọc được, đó là trước khi các công ty, doanh nghiệp taxi trông chờ sự siết chặt quản lý, cấm phát triển dịch vụ mới trên Internet từ các cơ quan quản lý, thì tốt nhất là nên tìm cách đổi mới, cải tiến phương thức kinh doanh của mình.

    Vì người tiêu dùng thấy Uber, GrabTaxi thuận tiện thì người ta mới dùng. Các doanh nghiệp nên đổi mới triệt để trong bối cảnh Internet cũng như các công cụ truyền thông, CNTT rất phát triển như hiện nay.

    Phải xem xét, cải tiến cách thức kinh doanh của mình để có thể cạnh tranh, tồn tại trong môi trường mà các công cụ kinh doanh dựa trên nền tảng Internet rất phát triển".

    Rất nhiều người sử dụng đánh giá cao sự tiện lợi của các ứng dụng bắt taxi hiện đại như Uber, Grab Taxi. Ảnh: Internet.

    Rất nhiều người sử dụng đánh giá cao sự tiện lợi của các ứng dụng bắt taxi hiện đại như Uber, Grab Taxi. Ảnh: Internet.

    Theo tìm hiểu của Infonet, hơn một năm qua, tại Việt Nam bắt đầu xuất hiện các dịch vụ bắt taxi qua phần mềm ứng dụng cài trên điện thoại di động như Uber, Grab Taxi, Easy Taxi. Hành khách chỉ cần một vài thao tác đơn giản trên điện thoại là có thể kết nối được với tài xế taxi gần nhất, giảm thiểu thời gian chờ đợi, đồng thời cũng tránh cho các tài xế lâm vào cảnh nhiều xe cùng lao vào đón một khách. Phản hồi chung của những người sử dụng dịch vụ là đánh giá cao sự tiện lợi của các ứng dụng bắt taxi hiện đại này.

    Tuy nhiên mới đây, một số phương tiện truyền thông đại chúng đã đăng tải ý kiến phản đối việc cho phép Uber hoạt động tại Việt Nam với lý do loại hình kinh doanh này tiềm ẩn nhiều rủi ro; những xe tham gia sử dụng Uber đang hoạt động như "xe dù" vì không có phù hiệu taxi, không logo, đồng hồ tính tiền cước như những xe taxi khác.

    Đơn cử ý kiến của ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải cho rằng mối quan hệ giữa người lái xe và người điều hành Uber là thông qua mạng, họ có thể không biết nhau và không chịu trách nhiệm về hành động của nhau. Mặt khác, đang có sự bất bình đẳng giữa Uber với các doanh nghiệp đăng ký hoạt động với cơ quan quản lý Nhà nước. Các đơn vị kinh doanh vận tải taxi đã đăng ký hoạt động thì có nghĩa vụ đóng thuế và chấp hành các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải như phải có người điều hành vận tải, phải thực hiện các chế độ đối với người lao động và lái xe... trong khi dịch vụ Uber lại không đăng ký và tuân thủ các quy định trên.

    Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị Bộ Công an tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý đối với lái xe chở người có thu tiền nhưng không thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cũng như các quy định khác của pháp luật Việt Nam, đồng thời có biện pháp ngăn chặn việc vi phạm pháp luật (nếu có) của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phần mềm Uber để kinh doanh. Mặt khác, đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra nội dung liên quan đến việc thực hiện quy định về thuế và việc thanh toán tiền của người đi xe với tổ chức, cá nhân sử dụng phần mềm Uber, và đề nghị Bộ TT&TT kiểm tra tính hợp pháp của hoạt động phần mềm Uber tại Việt Nam.

    Nhìn ra thế giới, các dịch vụ gọi taxi qua ứng dụng di động như Uber hay GrabTaxi đang phát triển rất nhanh và được người tham gia giao thông ủng hộ, nhưng cũng bị phản đối mạnh từ các lái xe và các hãng lái taxi truyền thống. Lái xe taxi ở nhiều thành phố lớn như ở Anh, Đức, Mỹ đã nhiều lần tập trung trên các tuyến đường chính để phản đối dịch vụ Uber, Grab Taxi. Một số quốc gia như Indonesia, Malaysia, Singapore, Pháp đang xem xét dừng hoặc siết chặt hoạt động của dịch vụ vận tải hành khách sử dụng phần mềm này. Thậm chí một số quốc gia khác đã cấm dịch vụ Uber như Thái Lan, Hàn Quốc, Đức.

    Tuy nhiên, ở một góc độ khác, nhiều ý kiến cho rằng câu chuyện đòi "chặn" Uber, Grab Taxi thật ra xuất phát từ sự lo ngại của các hãng taxi về nguy cơ bị sụt giảm thị phần và doanh thu khi ngày càng nhiều người thích sử dụng dịch vụ Uber, Grab Taxi... Nên chăng các cơ quan quản lý khuyến nghị các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mới như Uber, Grab Taxi phải đăng ký hoạt động theo pháp luật Việt Nam, rồi tạo hành lang pháp lý để loại hình này hoạt động, qua đó đa dạng hóa các dịch vụ vận tải, đem lại lợi ích cho người dân.

    Theo infonet

    >> Bộ trưởng Thăng: Sao không hợp pháp hóa cho Uber?

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày