Doanh thu kỷ lục 25 tỷ USD trong 1 ngày của Alibaba đạt được nhờ công rất lớn của trí thông minh nhân tạo FashionAI
AI dần làm mờ ranh giới giữa bán hàng trực tuyến và offline, trở thành yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng trong ngành thương mại điện tử.
Tuần trước tại tầng ba của trung tâm mua sắm Thượng Hải, một phụ nữ khoảng ngoài 50 đã có dịp trải nghiệm hình thức bán hàng mới trong hệ thống của Alibaba. Xiaolan He rất bất ngờ khi thấy tấm màn hình lớn trên tường phòng thay đồ. Thiết bị này bắt tín hiệu từ bộ cảm biến gắn trên chiếc áo màu xanh ôliu mà cô mang tới định thử, rồi gợi ý hàng loạt bộ đồ có thể phối cùng. Tất cả là nhờ công nghệ FashionAI được tích hợp trên hệ thống.
FashionAI đã phục vụ lượng khách hàng lớn trong ngày lễ mua sắm Single Day hôm thứ Bảy tại Trung Quốc do Alibaba tổ chức từ năm 2009. Sự kiện đã mang về doanh thu kỷ lục trị giá 25 tỷ USD cho gã khổng lồ thương mại điện tử đất nước tỷ dân. Công ty hy vọng sẽ thay đổi ngành bán lẻ thông qua trí thông minh nhân tạo.
Xiaolan He quyết định chọn thêm chiếc quần đen để phối cùng áo khoác màu xanh ôliu. Cô chỉ việc nhấn nút da cam ở góc dưới bên phải màn hình là nhân viên sẽ mang quần đến tận nơi. Dù cuối cùng không mua cái nào, Xiaolan He vẫn tỏ ra thích thú với chương trình máy tính gợi ý chuyên nghiệp. “Đôi lúc tôi bước vào cửa hàng mà chẳng biết nên mua bộ quần áo nào. Với hình thức gợi ý như vậy rõ ràng rất hiệu quả để tôi dễ chọn hơn”, Xiaolan He hào hứng chia sẻ.
FashionAI do nhóm nghiên cứu bán hàng mới tại Alibaba phát triển. Đó là điển hình cho xu hướng áp dụng công nghệ mạnh mẽ vào đời sống, đặc biệt là ngành công nghiệp di động.
Hệ thống sử dụng công nghệ học sâu với việc tiếp nhận hàng trăm triệu mặt hàng quần áo cũng như phong cách các nhà thiết kế, sở thích của người dùng trên các trang mua sắm của Alibaba. Hiện công ty đã tích hợp công nghệ này tại 13 cửa hàng trên toàn Trung Quốc. Đó như một động lực mạnh mẽ kích thích mọi người năng tới các cửa hàng bán lẻ vốn có xu hướng giảm sút trong những năm qua tại Trung Quốc và Mỹ.
Chưa hết, CEO Danie Zhang còn tiết lộ Alibaba đang tiến hành số hóa các điểm bán hàng offline. Như trong đợt giảm giá 11/11, công ty còn bố trí máy chơi game AR tại một số nhà hàng, cửa hàng để người dùng có thể kiếm mã giảm giá thông qua trò chơi.
Jianzhen Peng, Tổng thư ký Hiệp hội Nhượng quyền Thương mại và chuỗi Cửa hàng Trung Quốc (EFF) giải thích lý do Alibaba muốn tạo bước đột phá cho kênh bán lẻ offline bởi “người tiêu dùng không phân biệt giữa ngoại tuyến và trực tuyến, miễn sao nó đáp ứng nhu cầu của họ”.
Một cái tên khách là JD.Com cũng đang dự định triển khai loạt cửa hàng bán lẻ có tên 7Fresh hỗ trợ giao hàng nhanh như kiểu online. Về tổng quan, Bộ Thương mại Trung Quốc còn đưa ra kế hoạch thúc đẩy việc tích hợp công nghệ AI và điện toán đám mây vào ngành bán lẻ.
Năm 2016, Alibaba đóng góp cho ngân sách nhà nước 100 triệu nhân dân tệ (15 triệu USD) mỗi ngày. Bởi vậy, chính phủ Trung Quốc hy vọng các công nghệ mới sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo thêm nhiều việc làm.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming