Đọc cuối tuần: "Lõi quỷ", trái tim đầy nguyền rủa của quả bom nguyên tử thứ ba thả xuống Nhật Bản
Sức mạnh của "lõi quỷ"có thể mở ra một cổng địa ngục rộng hàng cây số vuông, phá nát cả thành phố và hút xuống đó một phần ba dân số.
Ngày 13/8/1945, tại Phòng thí nghiệm Los Alamos ở New Mexico, "lõi quỷ" đã sẵn sàng. Đó là cái tên mà các nhà khoa học đặt cho một quả cầu chứa plutonium tinh chế đang được giữ ở đây.
Đúng một tuần trước, không quân Mỹ đã thả "Little Boy" xuống Hiroshima, theo sau đó là "Fat Man" ở Nagasaki. Hai quả bom đã xóa sổ ít nhất 160.000 người, tương đương một phần ba dân số, ngay tại thời điểm nó phát nổ.
Thời gian và hậu quả từ việc nhiễm phóng xạ sẽ còn đưa con số nạn nhân lên tới hàng triệu, nhưng Nhật Bản vẫn chưa chịu đầu hàng.
Tại Mỹ, một tổ hợp "Fat Man" thứ hai đang chờ được nạp "lõi quỷ". Khối vật chất phóng xạ nặng 6,2 kg này chính là trái tim đem lại sức công phá hủy diệt cho nó.
Với sức mạnh được nén lại trong quả cầu có đường kính chưa tới 9 cm, "lõi quỷ" lẽ ra đã đánh thức một cổng địa ngục rộng hàng cây số vuông ngay trên Hoàng cung Tokyo, phá nát cả thành phố và hút xuống đó ít nhất một phần ba dân số.
Nhưng lịch sử cuối cùng đã rẽ theo một nhánh khác. Ngày 15/8/1945, đài phát thanh Nhật Bản phát đi bản ghi âm của Thiên hoàng Hirohito, tuyên bố chấp nhận đầu hàng quân Đồng Minh vô điều kiện.
"Lõi quỷ" được giữ lại Phòng thí nghiệm Los Alamos để tiếp tục phục vụ một dự án có tên gọi ngắn gọn là Y. Chính trong khoảng thời gian này, những tai nạn liên tiếp xảy ra với khối plutonium đã xóa nhòa mã hiệu "Rufus" ban đầu mà người ta gọi nó.
Từ đây, Rufus biến thành "lõi quỷ".
Vụ tai nạn đầu tiên xảy ra chưa đầy một tuần sau ngày Nhật Bản đầu hàng, chỉ hai ngày sau khi nhiệm vụ đánh bom nguyên tử thứ ba được hủy bỏ. Mặc dù không được thả xuống Nhật Bản, khối năng lượng bị mắc kẹt lại Los Alamos vẫn tìm thấy cơ hội để giết người.
Nạn nhân đầu tiên của nó là Harry Daghlian, một nhà vật lý học trẻ mới 24 tuổi. Daghlian đã tham gia vào các thử nghiệm chế tạo bom nguyên tử từ năm 1943, khi anh còn là một sinh viên theo học tại Đại học Purdue.
Cùng với các nhà khoa học khác trong dự án Manhattan, Daghlian biết cả hai quả bom nước Mỹ đã thả xuống Hiroshima và Nagasaki đều chưa phát huy được hết khả năng vốn có của chúng. Chỉ một phần nhỏ trong lõi bom phát nổ, để phí toàn bộ phần nhiên liệu hạt nhân còn lại.
Tại thời điểm bấy giờ, Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới phát triển thành công bom hạt nhân. Nhưng họ cũng biết rằng vị trí độc tôn này sẽ không duy trì được lâu dài, khi Liên Xô cũng đang thúc đẩy mạnh các chương trình hạt nhân của riêng mình.
Để có thể tiếp tục giữ lợi thế, các nhà khoa học trong Dự án Manhattan phải làm cho những quả bom của mình trở nên hiệu quả hơn.
Và họ đã chế tạo ra "lõi quỷ" để thử nghiệm điều đó, một khối cầu plutonium và gallium tinh chế ở ngưỡng "- 5 cents", thấp hơn 5% so với khối lượng tới hạn - khối lượng nhỏ nhất của vật liệu phân hạch cần thiết để duy trì phản ứng dây chuyền hạt nhân ổn định.
Nhiệm vụ của Daghlian và các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Los Alamos là cố gắng tiến đến gần nhất trạng thái siêu tới hạn của "lõi quỷ" – khi neuron phóng ra từ một hạt nhân có thể kích hoạt các neuron phóng ra từ hạt nhân khác, tạo nên một phản ứng dây chuyền dẫn tới vụ nổ.
Để minh họa cho sự nguy hiểm của loại hình thí nghiệm này, họ đã đặt biệt danh cho nó là "cù đuôi rồng". Bạn cứ thử tưởng tượng có một con rồng đang ngủ, nhiệm vụ của bạn là đến từ đằng sau nó, cù vào đuôi nhiều lần để xác định ngưỡng chịu đựng của con rồng trước khi nó thức giấc.
Dù bạn đã tính toán để biết cù bao nhiêu cái là đủ, nếu chẳng may quá tay, con rồng sẽ tỉnh lại và ngay lập tức thiêu cháy bạn thành tro bụi. Đó chính xác là điều không may đã xảy ra với Harry Daghlian.
Vào đêm ngày 21/8/1945, Daghlian trở lại phòng thí nghiệm sau bữa tối để tự mình làm thử nghiệm. Không có một nhà khoa học nào khác giám sát anh ấy ngoài một nhân viên bảo vệ. Điều này rõ ràng đã vi phạm các giao thức an toàn tại Los Alamos.
Để có thể "cù đuôi rồng" và đưa "lõi quỷ" tiến gần trạng thái tới hạn, Daghlian đã xếp các viên gạch làm bằng cacbua vonfram xung quanh nó. Bởi khối vật chất vonfram có mật độ rất lớn, nó có thể phản xạ lại các neutron phát ra từ "lõi quỷ" quay trở lại chính nó.
Điều này sẽ khiến tỷ lệ neutron va đập vào nguyên tử và tỷ lệ nguyên tử phân tách trong lõi tăng lên, phá vỡ mức an toàn mong manh "- 5 cents" đang ngăn phản ứng dây chuyền xảy ra dẫn đến vụ nổ.
Đó là một hành động hết sức nguy hiểm, nên để biết khi nào nên dừng lại, Daghlian đã bật một máy đếm xạ trong khi xếp từng viên gạch vonfram xung quanh "lõi quỷ".
Khi bức tường cao hơn 25 cm, máy đếm quay dữ dội và ngấp nghé mức không thể kiểm soát. Daghlian biết rằng mình cần giật nhanh một viên vonfram ra ngoài. Nhưng một khoảnh khắc luống cuống đã khiến anh đánh rơi nó ngay trên đỉnh "lõi quỷ".
Một tia lửa màu xanh lóe lên cùng một làn sóng nhiệt phát ra cùng vụ nổ phóng xạ. Chiếc máy đếm rít lên từng hồi. Daghlian hoảng sợ chộp lấy viên vonfram trên đỉnh "lõi quỷ", nhưng tay anh nóng ran và một lần nữa đánh rơi nó.
Cố gắng lật úp cả bàn thí nghiệm nhưng quá nặng, cuối cùng, Daghlian đành một mình chống chọi giữa dòng chảy phóng xạ, dùng tay nhặt từng viên vonfram quanh khối plutonium ra ngoài.
Phản ứng dây chuyền cuối cùng cũng ngừng, máy đếm phóng xạ im lặng. Thật không may, mọi thứ đã quá muộn. Một phút là khoảng thời gian đủ để Daghlian tiếp xúc với liều phóng xạ chết người. Bàn tay anh dùng để nhặt những viên vonfram bị bỏng xạ và phồng rộp lên.
Trong vòng vài giờ, Daghlian bắt đầu cảm thấy những triệu chứng đầu tiên của việc nhiễm xạ, anh buồn nôn và được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Trải qua 3 tuần đầy đau đớn, Daghlian rơi vào trạng thái hôn mê và chết ở ngày thứ 25 sau tai nạn với "lõi quỷ".
Nhân viên bảo vệ làm nhiệm vụ trong ngày hôm đó với Daghlian cũng bị phơi nhiễm phóng xạ nhưng may mắn thoát chết. Mặc dù vậy, tác hại của phóng xạ đủ để khiến anh ta phát triển bệnh bạch cầu tủy cấp, một dạng ung thư máu và qua đời 33 năm sau đó.
"Lõi quỷ" đã giết chết hai người đàn ông, một trong số đó chính là người đã tạo ra nó. Nhưng họ vẫn chưa phải những vật hiến tế cuối cùng.
Sau tai nạn dẫn đến cái chết của Daghlian, Phòng thí nghiệm Los Alamos đã siết chặt các quy định an toàn hạt nhân. Nhưng sự thay đổi này vẫn không đủ để ngăn chặn một tai nạn tương tự xảy ra 9 tháng sau đó.
Vào ngày 21 tháng 5 năm 1946, nhà vật lý Louis Slotin - một trong những đồng nghiệp của Daghlian đang cố gắng lặp lại thí nghiệm "cù đuôi rồng". Không sử dụng các viên gạch vonfram, lần này Slotin muốn tạo ra dòng neutron phản xạ bằng cách đậy một vòm beryllium ngay trên "lõi quỷ".
Beryllium cũng là một vật liệu phản xạ được neutron, và để tránh lặp lại sai lầm của Daghlian khi đẩy lõi plutonium đến mức tới hạn, Slotin đã kê một chiếc tuốc nơ vít dưới vòm beryllium. Chiếc tuốc nơ vít làm nhiệm vụ duy trì một khe nhỏ, hoạt động như một van xả an toàn cho phép neutron có đường thoát ra ngoài.
Trước đó, Slotin đã làm thí nghiệm này nhiều lần, cho đến ngày định mệnh hôm đó, chiếc tua vít trượt ra ngoài và vòm beryllium rơi sập xuống.
Raemer Schreiber, một nhà khoa học đứng cùng Slotin trong phòng để chứng kiến thí nghiệm mô tả lại khoảnh khắc ấy. Ngay sau khi nghe thấy tiếng vòm beryllium sập lại, anh cảm thấy một luồng khí nóng tạt vào mình và nhìn thấy một luồng ánh sáng xanh lóe lên.
"Ánh sáng chớp lóe màu xanh có thể nhìn thấy rất rõ trong phòng, mặc dù nó tràn ngập ánh sáng chiếu vào từ các cửa sổ và đèn trần", Schreiber viết trong báo cáo sau khi may mắn sống sót từ tai nạn. "Tổng thời lượng của ánh chớp không vượt quá một phần mười giây. Slotin đã phản ứng rất nhanh để lật tuốc nơ vít ra".
Nhưng "lõi quỷ" vẫn kịp đạt tới trạng thái siêu tới hạn lần thứ hai trong vòng 1 năm. Tai nạn lần này nghiêm trọng hơn nhiều so với vụ nổ trước đó, bởi ngoài Slotin, có tới 7 người khác trong phòng cùng chứng kiến thí nghiệm.
Sáu nhà khoa học, một nhiếp ảnh gia và một nhân viên bảo vệ đã bị nhiễm phóng xạ. Slotin là người bị nặng nhất, với liều gây chết người lớn hơn cả Daghlian. Ngay thời điểm bước ra khỏi phòng thí nghiệm, anh ấy bắt đầu buồn nôn và đau đầu.
Slotin được đưa vào bệnh viện được điều trị phục hồi. Tuy nhiên, tình hình nhanh chóng trở nên xấu đi và anh ấy giảm cân nặng vài ngày sau đó. Sự đau đớn đã giày vò Slotin suốt 9 ngày trước khi anh có dấu hiệu loạn thần và chết.
Không lâu sau, người đứng gần nhất với Slotin trong căn phòng ở Los Alamos, nhà vật lý Alvin Graves cũng phải nhập viện. Dù đã được Slotin che chắn, lượng bức xạ vẫn khiến cho Graves gặp các vấn đề sức khỏe kéo dài như mất thị lực và chết 18 năm sau vì các biến chứng liên quan tới phóng xạ.
Marion Edward Cieslicki, một nhà vật lý khác có mặt khi thí nghiệm diễn ra cũng tử vong ở tuổi 42 do bệnh bạch cầu tủy cấp tính, ở thời điểm 19 năm sau vụ tai nạn. Nhiếp ảnh gia Dwight Smith Young chết sau 29 năm, vì bệnh thiếu máu bất sản cũng liên quan đến bức xạ.
Hai vụ tai nạn chết người với plutonium cách nhau chỉ vài tháng cuối cùng đã đẩy Phòng thí nghiệm Los Alamos tới chỗ phải thiết lập lại toàn bộ quy trình làm việc với phóng xạ. Các thử nghiệm thủ công với plutonium được yêu cầu chấm dứt hoàn toàn.
Thay vào đó, các nhà khoa học lúc này buộc phải sử dụng máy móc điều khiển từ xa, và chỉ được phép thao tác gián tiếp tới lõi phóng xạ ở khoảng cách hàng trăm mét. Họ cũng ngừng gọi lõi plutonium là 'Rufus'. Từ đó trở đi, nó chỉ được gọi với cái tên "lõi quỷ".
Sau vụ tai nạn của Slotin khiến mức bức xạ của "lõi quỷ" tăng lên, các nhà khoa học nghĩ rằng họ không nên động đến nó nữa. Kế hoạch đưa "lõi quỷ" này vào một quả bom hạt nhân và thử nghiệm nó ở Đảo san hô Bikini cũng bị hoãn lại.
Thay vào đó, plutonium đã được nấu chảy và đưa vào kho dự trữ hạt nhân của Mỹ, để đúc lại các lõi khác khi cần thiết. Lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng, nó bị từ chối phát nổ.
Trong khi cái chết của hai nhà khoa học không thể so sánh với nỗi kinh hoàng nếu "lõi quỷ" được sử dụng để tấn công hạt nhân Nhật Bản lần thứ ba, cũng dễ hiểu tại sao các nhà khoa học đặt cho nó cái tên mê tín đến như vậy.
Theo sau là nhiều chi tiết kỳ lạ và trùng hợp về những cái chết xung quanh nó. Cả Daghlian và Slotin đều bị "lõi quỷ" giết chết vào thứ ba ngày 21 của tháng. Họ thậm chí đã qua đời trong cùng một phòng bệnh viện.
Tất nhiên, đó chỉ đơn thuần là một sự trùng hợp. "Lõi quỷ" không thực sự mang lời nguyền của quỷ. Nếu có, đó chỉ là lời nguyền do chính con người tạo ra trong khi vội vã chế tạo một loại vũ khí mang sức hủy diệt khủng khiếp.
Và nỗi kinh hoàng thực sự - bên cạnh những tác động khủng khiếp của ngộ độc phóng xạ - là việc các nhà khoa học của thế kỷ 20 không thể tự bảo vệ mình khỏi những nguy hiểm thường trực trong những thí nghiệm cứ như đùa giỡn.
Mặc dù với kiến thức và những bài học kinh nghiệm của mình và đồng nghiệp, họ biết đầy đủ về những rủi ro có thể gặp phải. Vậy mà rồi Stolin vẫn có thể thản nhiên chọc một lõi plutonium bằng tuốc nơ vít.
Schreiber đã ở đó trong ngày định mệnh, để nghe những từ đầu tiên mà Slotin thốt ra sau khi đánh tuột chiếc tuốc nơ vít của mình: "Chà, thật khó có thể chịu đựng được nhỉ". Đó dường như những gì mà Slotin muốn nói với người đồng nghiệp của mình, Daghlian.
Anh ấy biết điều gì sẽ xảy ra sau đó. Và anh ấy thản nhiên chấp nhận.
Tham khảo Sciencealert, Wikipedia, Theatlantic
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời