Đôi bạn thân con nhà giàu, ăn chơi khét tiếng Stanford nhưng dắt tay nhau trở thành tỷ phú đô la tuổi 25 nhờ ‘quá điên’
Với cấu trúc cổ phần hiện tại, vị trí lãnh đạo của cả Spiegel và Murphy trong tương lai ở Snapchat vẫn không thay đổi. Điều thay đổi duy nhất có lẽ là khối tài sản của họ. Cả 2 sẽ cùng trở thành tỷ phú đôla!
Những ngày gần đây cộng đồng thung lũng Silicon và phố Wall đang cực kỳ phấn khích với thông tin Snap - Công ty chủ quản của ứng dụng Snapchat chính thức nộp hồ sơ IPO với kỳ vọng có thể được định giá lên tới 25 tỷ USD - tức là bằng mức mà Alibaba đạt được trong thương vụ IPO vào năm 2014.
Đôi bạn Evan Spiegel và Bobby Murphy
Điều đáng quan tâm lúc này là nếu thương vụ IPO diễn ra thành công, các nhà sáng lập của công ty gồm Evan Spiegel và Bobby Murphy cùng các nhà đầu tư cũng như những nhân viên đầu tiên của họ sẽ kiếm được một khoản tiền không hề nhỏ.
Hiện 2 nhà sáng lập công ty gồm Evan Spiegel cùng Bobby Murphy là những người sở hữu nhiều cổ phiếu nhất. Theo đó, mỗi người nắm 21,8% cổ phiếu loại A cùng một lượng cổ phiếu loại B và C.
Hiện tại Spiegel đang nắm vị trí CEO của công ty còn Murphy là Giám đốc công nghệ. Nhìn chung, với cấu trúc cổ phần hiện tại, vị trí lãnh đạo của cả Spigel và Murphy trong tương lai, sau IPO vẫn không thay đổi. Điều thay đổi duy nhất có lẽ là khối tài sản của họ. Cả 2 sẽ cùng trở thành tỷ phú đôla!
Cặp bạn thân con nhà giàu, ăn chơi khét tiếng ở Stanford
Evan Spiegel (27 tuổi) sinh ra và lớn lên trong khu vực sang trọng Pacific Palisades của Los Angeles, và cha mẹ của anh đều là luật sư nổi tiếng tốt nghiệp trường Ivy League. Ngay từ nhỏ anh đã được hưởng một cuộc sống thoải mái, xa hoa với những chiếc xe hơi đắt tiền, các kỳ nghỉ dài ngày cùng khoản tiền tiêu vặt khổng lồ hàng tháng.
Sau khi tốt nghiệp từ Crossroads, một trường trung học tư nhân ở Santa Monica – California, Spiegel theo học tại Stanford - trường cũ của cha anh – với chuyên ngành thiết kế sản phẩm.
"Tôi là một chàng trai trẻ rất rất rất may mắn" - Spiegel đã từng nói về hoàn cảnh gia đình mình tại hội nghị kinh doanh của Stanford như vậy.
Về phần Bobby Murphy (28 tuổi), là con của 2 vợ chồng người Philippines nhập cư vào Mỹ. Cha mẹ anh hiện làm việc cho chính quyền bang California.
Murphy và Spigel gặp nhau khi theo học ở Đại học danh tiếng Stanford. Trong khi Spiegel theo học chuyên ngành thiết kế sản phẩm thì Murphy học Khoa học máy tính và toán học. Cả hai cùng tham gia vào Kappa Sigma - hội ăn chơi do 1 nhóm sinh viên nam tại Stanford lập nên. Tuy nhiên, 2010 hội này đã bị dẹp bỏ do tổ chức một buổi tiệc tùng với rượu vào thời điểm giới nghiêm.
Riêng Spigel còn dính vào không ít tai tiếng về thói hư tật xấu bao gồm cả tình dục, kỳ thị hôn nhân đồng tính và trọng nam khinh nữ. Những bằng chứng quá rõ ràng tới mức sau này Spigel phải gửi thư xin lỗi công khai.
“Điên” cùng nhau
Giống như Facebook , ý tưởng về Snapchat được Spiegel nảy ra khi đang bàn về những cô nàng nóng bỏng với các "anh em" gồm Frank Reginald Brown và Bobby Murphy trong ký túc xá trường Stanford.
Ý tưởng kỳ dị về một ứng dụng nhắn tin... tự động xóa tin nhắn sau khi người đọc đã xem là điều không ai nghĩ tới lúc bấy giờ, thậm chí bị coi là "điên".
Suy nghĩ của nhóm Spiegel là người ta chẳng nên cố gắng xây dựng một "bức tường thông tin" của họ trên mạng xã hội làm gì, họ chỉ nên chia sẻ với nhau những khoảnh khắc, những cảm xúc tại thời điểm nói chuyện với nhau. (Frank Brown sau này đã được trả hơn 100 triệu USD sau khi kiện về việc anh này có liên quan tới việc khai sinh ra Snapchat).
Có ý tưởng trong tay, Spigel khi đó chỉ còn phải hoàn thiện vài môn học nữa là tốt nghiệp Stanford đã quyết định bỏ học để thành lập nên công ty cùng Murphy. 2 năm sau khi Snapchat xuất hiện và rất được ưa chuộng, ông chủ Facebook là Mark Zuckerberg thật sự lo ngại và phải gửi lời mời gặp gỡ với 2 nhà sáng lập.
Cuộc gặp diễn ra ở một nơi bí mật và mang bầu không khí căng thẳng. Mark chẳng nói gì nhiều với 2 "gã trai trẻ" ngoài việc giới thiệu cho họ Poke, một ứng dụng mới của Facebook với tính năng gần như y hệt Snapchat. Ngụ ý của Mark khá rõ ràng: "Các bạn nên biết thân phận đi vì chúng tôi sẽ vùi dập Snapchat".
Đáp lại lời tuyên chiến đó, Spiegel lẳng lặng quay về phòng làm việc và đặt 6 cuốn sách The Art of War (Binh Pháp Tôn Tử) cho 6 nhân viên lúc đó của Snapchat, mỗi người một cuốn.
Ngay khi Poke được trình làng vào cuối năm 2012, Mark gửi tiếp một lời mời sử dụng Poke cho Spiegel và hy vọng anh sẽ thích ứng dụng mới này. Gần như ngay lập tức, Spiegel và Murphy đã... khóa tài khoản Facebook của họ. Điều đáng nói là chỉ trong 3 ngày, từ một ứng dụng cực kì "hot" ở thời điểm ra mắt thì Poke nhanh chóng lụi tàn và bị chính Snapchat đá bay khỏi vị trí top 1 trên App Store. Và đó là lúc Spiegel và Murphy mỉm cười.
Đỉnh điểm của sự căng thẳng, năm 2013, Mark Zuckerberg đã tuyên bố muốn mua lại ứng dụng này với giá 3 tỷ USD - mức giá được cho là “điên rồ” với 1 ứng dụng 2 năm tuổi. Thế nhưng còn "điên" hơn cả quyết định của Mark, Spiegel cùng Murphy đã đáp trả đơn giản: “Không".
Và đến thời điểm hiện tại, họ đã chứng minh quyết định đó của mình là đúng. Theo tính toán của Forbes, với mức định giá 20 tỷ USD hiện tại của Snap cùng lượng cổ phiếu nắm giữ, cả 2 sẽ có khối tài sản mỗi người lên tới 4 tỷ USD, trở thành những tỷ phú dưới 30 tuổi giàu có bậc nhất thế giới.
Cùng thành lập quỹ từ thiện
Điều cuối cùng đáng trân trọng ở 2 tỷ phú trẻ tuổi tài cao của Snapchat là tấm lòng của họ. Ngày mùng 2/2 vừa qua, Evan và Bobby đã công bố cam kết hiến tặng 13 triệu cổ phiếu loại A (tương đương 300 triệu USD ở mức định giá 25 tỷ USD) của Snap trong vòng 15 - 20 năm tới cho các tổ chức từ thiện nhằm cải thiện giáo dục và giúp đỡ người trẻ trên toàn thế giới.
Bước đi này được cho là theo chân những đàn anh của trong giới công nghệ như Mark Zuckerberg hay Bill Gates.
Nói chung với tham vọng cùng tài năng ở độ tuổi còn quá trẻ, cả 2 nhà sáng lập của Snapchat sẽ còn tiến xa hơn nữa, đạt được những thành công rực rỡ hơn nữa trong tương lai.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI