Liệu khe cắm thẻ nhớ microSD có trở thành một trào lưu mới cho smartphone flagship 2018, khi mà dung lượng bộ nhớ trong cơ bản đã không còn đủ để thỏa mãn các tính năng mới?
*Dựa trên trải nghiệm của biên tập viên Vlad Savov của tờ TheVerge
Thời điểm bộ đôi Galaxy S9/S9 ra mắt đang đến rất gần, và chúng ta lại đến "mùa smartphone" – chính là lúc mà các nhà sản xuất luôn cố gắng thuyết phục người dùng rằng thiết bị của họ đã lỗi thời, "Phải nâng cấp lên đi!". Năm nay, phần cứng của điện thoại thông minh thế hệ mới hứa hẹn sẽ là một bước đột phá hơn bao giờ hết, tuy nhiên có cải tiến, nâng cấp mà đối với cá nhân tôi là đáng giá hơn cả: đó là dung lượng.
Không thể phủ nhận rằng các vi xử lý đầu bảng trên những flagship 2018 sẽ rất hấp dẫn: Snapdragon 845 của Qualcomm vừa được gia tăng hiệu năng, lại tiết kiệm điện và chưa kể đến khả năng quay phim 4K HDR ở 60fps; còn Exynos 9 của Samsung tỏ ra vượt trội hơn nữa khi quay được video 4K ở 120fps. Chắc chắn đây sẽ là một năm nở rộ cho trào lưu quay phim, chụp ảnh trên "dế cưng". Nhưng vấn đề mà tôi lo ngại, lại là việc làm sao để lưu trữ hết chúng.
Về phần mình, tôi tự nhận thấy càng ngày tôi "đốt" dung lượng máy càng nhiều hơn. Mỗi năm, số lượng ảnh chụp trong smartphone của tôi cứ tăng dần, cộng thêm việc thời gian gần đây tôi cũng rất đam mê quay phim trên điện thoại nữa chứ. Thế nhưng dường như 64GB ROM trên chiếc Pixel 2 XL của tôi và những thước phim 4K không phải là "một cặp bài trùng" rồi.
Một video 4K có độ dài chỉ vỏn vẹn 54 giây mà đã ngốn tới 270MB, tức mỗi giây tiêu tốn hết 5MB. Điều này đồng nghĩa với trung bình bạn sẽ cần tới 6GB để chứa được một đoạn phim 20 phút. Nếu tin đồn về việc Galaxy S9 sở hữu khả năng quay 120fps ở 4K nhờ Exynos 9 là thành hiện thực, thì sẽ cần tới 24GB cơ. Ta phải công nhận rằng chất lượng hình ảnh từ camera của smartphone giờ đây đã rất cao, thế nhưng nó cũng đi kèm với việc dung lượng lưu trữ cũng sẽ "bốc hơi" vô cùng nhanh.
Tính sơ qua, hệ điều hành Android OS đã chiếm 9,7GB, tổng các ứng dụng khác giành mất 5,7GB, mấy tựa game giải trí ăn mất 2GB, và bộ sưu tập nhạc MP3 cũ kỹ nặng tới 24GB của tôi nữa thì "đi tong" 2/3 bộ nhớ của Pixel 2 XL rồi còn đâu. Chắc chắn không ít người sẽ bảo tôi rằng thời buổi nào rồi mà còn lưu nhạc vào máy nữa, dùng các app stream nhạc có phải tiện hơn không? Thế nhưng có phải lúc nào tôi cũng kết nối được với internet đâu. Việc down nhạc offline từ ứng dụng nghe nhạc thì cũng chẳng khác gì tôi tải về bộ sưu tập ở máy cả.
Cả Google và Apple đều đưa ra những dịch vụ lưu trữ đám mây để thiết bị của bạn đỡ "nặng nhọc" hơn, và nếu tậu một chiếc Pixel thì các dịch vụ này hoàn toàn miễn phí. Điều này là một điểm cộng rất lớn, bù trừ cho việc bạn không thể mở rộng bộ nhớ máy. Dẫu vậy, tôi vẫn muốn có ảnh và video trong máy hơn. Một là vì khi di chuyển trên phương tiện công cộng như tàu điện ngầm, máy bay hay xe bus mà muốn khoe ảnh với bạn bè thì sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Hai là nó đóng vai trò như một bản sao backup nếu như tài khoản iCloud hay Google Photos của tôi bị mất.
Chưa hết, những con mọt phim Netflix hay nghiện podcast chắc chắn cũng gặp phải những rắc rối tương tự trên các máy 64GB mà ta từng coi là đủ dùng "thoải con gà mái". Ngoài camera đẹp, giờ đây ta cũng nắm trong tay rất nhiều nội dung chất lượng cao. Các con chip mới, mạnh mẽ hơn sẽ mang đến sự tiến bộ vượt bậc cho các ứng dụng thực tế ảo AR và VR và tài nguyên cần thiết để phục vụ cho chúng sẽ không hề ít ỏi. Nếu bạn muốn sắm chiếc điện thoại mới nhất, xịn nhất, với vi xử lý khủng nhất thì chắc chắn bạn cần phải chọn dung lượng 128GB (hoặc thậm chí là cao hơn) để tận dụng tối ưu khả năng của máy. Thừa bao giờ cũng hơn thiếu mà.
Xu hướng của các flagship hằng năm đó là tích hợp sức mạnh cấu hình và sau đó mới là thêm thắt các tính năng có thể tận dụng được nguồn lực ấy. Dung lượng bộ nhớ trong khác so với các thông số khác của máy: Nó là thứ duy nhất khách hàng được tùy chọn (với cái giá cắt cổ nếu như bạn mua một chiếc iPhone), nhưng nó lại không được chăm chút, nâng cấp nhiều qua các năm.
Các hãng điện thoại đường như luôn muốn lôi kéo người dùng bằng những con số to tát, nhưng có lẽ năm 2018 thì thứ mà tôi để tâm nhiều hơn cả, sẽ là dung lượng bộ nhớ. Có thể nó không phải là phần đột phá, mới lạ nhất nhưng nó là thứ khiến cuộc sống của bạn đơn giản hơn rất nhiều: không phải mở hầu bao chi cho tài khoản đám mây, không cần đồng bộ, không phải có internet mới xem được nội dung yêu thích, không lo đang chụp ảnh, quay phim thì hết dung lượng, …
Samsung, LG và HTC là 3 cái tên rất đáng khen ngợi khi luôn luôn cho phép mở rộng bộ nhớ bằng thẻ microSD, và biết đâu có lẽ đây sẽ là trào lưu nóng hổi của năm 2018 thì sao? Biết đâu khe hỗ trợ thẻ microSD sẽ tái xuất khi ta nhận ra rằng 64GB là không đủ?
Theo TheVerge
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming