Đột nhập nhà máy sản xuất Galaxy S8/S8+, nghe những câu chuyện chưa từng được kể về quá trình sản xuất điện thoại Samsung

    Dink,  

    Cú vấp 2016 lại trở thành đòn bẩy khiến Samsung bật lên cao hơn bao giờ hết.

    Trong một căn phòng rộng lớn, vang lên tiếng động rền rĩ tràn ngập không gian: dường như quanh đây, một đàn ong nào đó đang làm việc một cách chăm chỉ. Trải khắp phòng, 8 dãy dài những kệ đựng đồ đang chứa đầy những viên pin – cụ thể là 6.000 viên pin điện thoại sẽ được sử dụng cho sản phẩm mới của Samsung.

    Thì ra tiếng động ấy tới từ hệ thống quạt tản nhiệt (giống với những bộ quạt bạn thấy trong dàn máy tính để bàn). Chúng có nhiệm vụ làm mát cho những viên pin sẽ được lắp vào những thiết bị Samsung Galaxy S8 – món hàng then chốt của Samsung để lấy lại uy tín của hãng sau những sự cố đáng tiếc năm vừa rồi, khiến toàn bộ số Note7 bán ra bị thu hồi.

    Các bạn chắc hẳn không đoán được thiết bị gì đang giám sát từng giá để thiết bị, ghi lại những bài thử đó đâu. Đó chính là những chiếc máy Note7 cũ - chính là nguyên nhân của những khó khăn mà Samsung đã phải trải qua. Một hình ảnh có đôi chút sâu cay tới từ chính Samsung.

    Đầu tháng Năm vừa rồi, tạp chí Digital Trends đã đặt chân tới Seoul, Hàn Quốc để chứng kiến tận mắt cách thức Samsung thiết kế nên siêu phẩm mới của mình, và họ cố gắng tìm hiểu được nhiều hơn thế: làm sao mà Samsung có thể đảm bảo sự kiện Note7 không xảy ra lần nữa.

    Và đây là những gì họ đã thu thập được.

    Ý nghĩa nằm trong chính cái tên - một Giấc Mơ nằm trên chính những chiếc màn hình

    Những hãng sản xuất điện thoại thông minh đưa ra cho thị trường thấy sản phẩm mới liên tục, nhưng đâu phải ai cũng biết rằng một quá trình sản xuất sản phẩm dài nhiều năm đang nằm bên trong những sản phẩm ấy. Chiếc điện thoại Galaxy S8 với biệt danh Dream – Giấc Mơ đã được phát triển nhiều năm trời, theo lời phó chủ tịch đội ngũ chiến lược sản phẩm Gaeyoun Robert Kim.

    “Chúng tôi đã mơ tới Dự án Giấc mơ từ hơn ba năm trước. Nguyên mẫu cơ bản của chiếc S8 đã được thiết kế từ năm 2014”, ông Kim nói. “Khi chúng tôi hoàn thiện giai đoạn lên kế hoạch sản phẩm S6, chúng tôi đã mơ tới Giấc Mơ S8 ấy. Chúng tôi đã mất 3 năm để nhận ra khái niệm mình định thực hiện. Đó không hoàn toàn là kế hoạch 100 % - nó chỉ chứa đựng 90% mục tiêu mà chúng tôi hướng tới”.

    “Chúng tôi có một giấc mơ, đó là vượt qua Apple”, Kim khẳng định.

    Giấc Mơ nguyên bản là một màn hình linh hoạt không còn những nút bấm lằng nhằng và theo đúng nghĩa đen, “đẩy vượt ra khỏi giới hạn” khi loại bỏ toàn bộ những đường viền cổ điển. Giấc Mơ ấy không tới từ Kim mà là từ chính chủ tịch Samsung Mobile, ông DJ Koh. Ông lại không quan tâm nhiều tới việc phải “đả bại” Apple, mà quan tâm hơn tới việc hướng tới một sản phẩm tốt nhất có thể.

    Ông Koh nói rằng “tôi thậm chí còn học hỏi từ công ty tới từ Cupertino (ý chỉ Apple có trụ sở đặt tại thành phố này). Nếu có con đường có thể đem tới những sản phẩm sáng tạo có ý nghĩa hơn thì đó sẽ là con đường phát triển đúng đắn”.

    Lúc đó, những phóng viên của Digital Trends và nhóm phát triển của Samsung đang ngụ tại một phòng họp tại Digital City – Thành phố Kỹ thuật Số. Căn phòng ấy là một cơ sở phức hợp của “gã khổng lồ” này tại Suwon, Hàn Quốc – một thành phố cách thủ đô Seoul khoảng nửa tiếng đi xe. Digital City rộng 121 km vuông, gồm nhiều dãy nhà văn phòng và dãy nhà ở san sát.

    Nơi đây có đại lộ rộng, một cửa hàng pizza lớn mang tên Central Park, một khu mua sắm ngầm dưới lòng đất và một khu tổ hợp nhà ở gồm hai trung tâm thể dục thể thao, nhiều những khu nghỉ ngơi giải trí, một cửa hàng Samsung, một số hiệu thuốc và một chuỗi cửa hàng bán lẻ.

     Digital City.

    Digital City.

    Và họ ở đó để bàn về thứ vũ khí chủ lực mới của Samsung mang tên Galaxy S8, cũng như là “giấc mơ” những người Hàn Quốc đã nghĩ tới trên chặng đường tìm kiếm một sản phẩm tuyệt vời. Sản phẩm ấy được Samsung gọi là “màn hình vô cực – infinity screen” và chỉ một từ “choáng váng” có lẽ là không đủ để lột tả nó.

    Nó là một khái niệm màn hình mới mang một chiều sâu, một cách thức phối màu mạnh mẽ trải dài suốt mặt trước của sản phẩm. Nó tạo cho người chiêm ngưỡng một cảm giác rằng thứ công nghệ này là giới hạn cao nhất mà một quá trình sản xuất dài có thể đạt được. Đó là đỉnh cao mà mọi smartphone khác đang cố gắng vươn tới, có lẽ bởi đó chỉnh là điểm cao giới hạn.

    “Khi chúng tôi lên kế hoạch về chiếc S6 chúng tôi đã đẩy thiết kế kính/kim loại cũng như công nghệ OLED linh hoạt lên tới giới hạn. Chính nó đã trở thành công nghệ đòn bẩy để chúng tôi mơ giới một giấc mơ mới”, Kim giải thích. Thị trường điện thoại thông minh đang mờ nhạt dần từng ngày, khách hàng đang trở nên mệt mỏi theo từng sản phẩm. Cái thiết kế cơ bản (và nhàm chán) của smartphone hiện đại đã được thiết lập và vì thế, để thoát ra cái khuôn khổ gò bó thì ta cần một khuôn khổ mới.

    Để thực hiện điều đó, Samsung mở rộng giới hạn hiển thị của rìa màn hình, bẻ cong nó tới giới hạn của sự hoàn hảo, biến nó thành một tác phẩm phối kết mang hơi hướng hiện đại. Họ đẩy nút Home truyền thống xuống dưới bề mặt lớp kính bảo vệ Gorilla Glass. Nó ẩn mình xuống đó để nhường chỗ cho sự thanh thoát của màn hình S8, chờ đợi trong kiên nhẫn và vẫn thực hiện nhiệm vụ của mình một cách trọn vẹn.

    Việc thiết kế nên giao diện chiếc máy

    Không còn bị giới hạn bởi thể chất chiếc máy, S8 là một thiết bị mang lại một cái nhìn mới, một cảm giác mới và một cảm xúc mới. Và nó phải có một ý nghĩa riêng nằm ẩn giấu đằng sau vẻ ngoài của mình, đó mới là thứ đặc biệt dành cho người sử dụng. Ông Koh giải thích.

    “Với thiết kế của S8 và S8 , chúng tôi đã nghĩ tới việc vượt qua giới hạn – không chỉ là thay đổi thiết kế mà là thúc đẩy nó, bẻ vỡ giới hạn vốn có của smartphone. Chúng tôi thay đổi tất cả những khái niệm vốn có ... Đó mới chính là mục tiêu của chiếc Galaxy S8”.

    Và đúng vậy, một làn gió mới của sự thay đổi chính là cái cần thiết trong thời đại này. Ta, những khách hàng sử dụng smartphone hàng ngày đã quá mệt mỏi với hình ảnh của một cỗ máy vuông vắn, dù đa màu nhiều sắc nhưng vẫn muôn phần nhàm chán cùng một cái màn hình rộng và vài nút bấm trang trí. Samsung đã cho ta chính thứ mà ta cần, một thiết kế vật lý vượt lên trên chuẩn mực đặt ra của thiết kế nói chung - họ tạo ra một cỗ máy liền mạch, một mặt kính không tì vết, dường như vô tận để xứng đáng với cái tên “infinity”: họ tạo ra một giao diện sử dụng mới.

    “Làm sao để chúng tôi có thể viết ra một thứ ngôn ngữ hình ảnh, nói ngày với người dùng rằng họ có nhiều chỗ hơn để hoạt động, để quan sát thông tin và để trải nghiệm trọn vẹn được toàn bộ thiết bị?”, cô Hyun Lee, người phụ trách Nhóm Số Một – Group One tại Samsung và cũng là người đứng đầu mảng thiết kế hình ảnh và ngôn ngữ cho Galaxy S8 nói.

    Có một cách để làm điều đó, ấy là tạo ra một cảm giác “không giới hạn” ngay trên bề mặt sản phẩm, cho phép người dùng trải nghiệm một cảm giác “mở khóa” được những chân trời mới, thoát ra khỏi cái viền gò bò của những sản phẩm smartphone đại trà, thường thấy.

    Với những nhà thiết kế, cái đường viền nhỏ bé ấy lại có tầm ảnh hưởng rất lớn. Khi thực hiện bước chuyển mình từ S7 lên S8, đội ngũ thiết kế đã thêm một mảng màu mới cho cái màn hình khóa, một trạng thái màu sắc hòa mình một cách hoàn hảo với hình nền chiếc máy và ngay cái hình nền ấy đã có khả năng hòa mình làm một với toàn bộ thiết bị. Có lẽ, nó đã hoàn hảo tới mức vừa mắt người dùng khiến ta không thể nhận ra được điểm nhất ấy, hoặc đơn giản hơn là ta chẳng có con mắt của một nhà thiết kế để trải nghiệm nó một cách chi tiết.

    Để thiết kế lại được cái “ngôn ngữ hình ảnh” ấy, Lee và đội ngũ của cô đã tạo ra một khuôn mặt mới, một “thiên hà mới” đầy những biểu tượng mới – những icon vuông với cạnh tròn, tròn trịa hơn so với S7. Bộ chữ (typeface) hiển thị đã được tối giản hóa và cô đọng lại, trải ra trên chiều dài của màn hình. Dường như đó lại là một góc nhìn chỉ có thể tới từ con mắt của người thiết kế.

    “Trong việc thiết kế ngôn ngữ hình ảnh đó, chúng tôi xác định mục tiêu của mình là thế hệ trẻ và chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu kĩ càng những bảng màu cụ thể cũng như những hình dáng của chúng”, cô giải thích.

    Nhưng mục tiêu quan trọng nhất là phải tạo ra được một giao diện gọn ghẽ. Ví dụ như tổng cộng chỉ có 5 biểu tượng nằm tại khu vực “nóng” – đó là Điện thoại, Tin nhắn, Trình duyệt web, Cửa hàng Ứng dụng và Camera.

    Trợ lý ảo mang tên Bixby

    Đội ngũ hệ thống thông minh trợ giúp người sử dụng gồm Alexa, Cortana và Siri chào đón thành viên mới có tên Bixby. Samsung hứa hẹn rằng hệ thống trợ giúp nhân tạo này sẽ không “nhàm chán” với những tác vụ thường thấy như kể chuyện hài giết thời gian, đọc dự báo thời tiết hay lên lịch hẹn hò. Bixby sẽ là một người bạn thực sự, một thư ký tài năng kết nối người sử dụng với “đời sống kỹ thuật số” của mình. S8 sẽ không chỉ là chiếc điện thoại mà nó còn là máy giặt, điều khiển nhiệt độ phòng, máy hút bụi, ... Tóm lại là mọi thứ mà bạn có thể kết nối.

    Một khẳng định chắc nịch của Samsung dựa trên niềm tin mãnh liệt vào sản phẩm của mình.

    “Theo triết học mà nói, thì những gì chúng ta đang chứng kiến chính là sự cách mạng hóa giao diện”, anh Injong Rhee, trưởng Ban Nghiên cứu và Phát triển của nhóm Liên lạc Thương mại Điện thoại Samsung bày tỏ. Cuối cùng thì đã xác định được những tin đồn từ trước tới giờ ta nghe được là có thật, Bixby là một trợ lý có thật và sẽ được tích hợp vào S8 và S8 .

    Và đây sẽ có thể chỉ là bước khởi đầu của Bixby, khi Samsung mơ tới một tương lai đưa cô nàng (anh chàng?) này góp mặt trong các sản phẩm sau này của họ, không chỉ đơn thuần chỉ là cho dòng máy Galaxy. Có điều tương lai chưa bao giờ là điều chắc chắn, và họ vẫn đang tìm cách hiện thực hóa giấc mơ này.

    Và tới điều ai cũng quan tâm tới mức lo ngại, vấn đề an toàn về pin của Samsung

    Thảm họa tồi tệ nhất mà Samsung từng phải đối mặt, tương lai công ty bỗng chốc trở nên đen tối như chính làn khói mà những vụ nổ Note7 để lại. Đó là một trải nghiệm thực sự đáng sợ với ông Koh, người mới lên nắm quyền chủ tịch của Samsung Mobile vào ngày mùng 1 tháng 12 năm 2015. Một công việc trong mơ bỗng chống biến thành một cơn ác mộng.

    Họ xóa tan quá khứ đen tối ấy tại thành phố lắp ráp công nghiệp Gumi cũng nằm tại phía Nam Seoul, cách một đoạn đường dài 45 phút khi đi bằng trực thăng (và lên tới tận 3 tiếng nếu đi xe và gặp tắc đường). Xưởng sản xuất này nằm ngay cạnh khu tổ hợp khổng lồ của LG – sát vách người hàng xóm và cũng là một địch thủ trên thương trường.

    Bên trong Tòa nhà Số 6, những phóng viên của Digital Trends bước vào xưởng trước cảnh những lô hàng Galaxy S8 đầu tiên đã được lắp ráp hoàn thiện, chuẩn bị được đưa tới thị trường Bắc Mỹ cũng như một số đầu mối trong nước. Nhà máy Gumi này đây cũng chỉ là một trong số 9 nhà máy nằm trên 6 quốc gia khác nhau, với tổng sản lượng gần 3 tỷ thiết bị di động mỗi năm kể từ 1988 tới nay, cung cấp sản phẩm cho toàn thế giới.

    Và bên trong nhà máy tại Gumi này, dây chuyển tự động làm phần lớn những phần việc lắp ráp: nó chỉ mất tổng cộng 13 phút để 14 con robot có thể nối được mạch điện với nguồn pin, đưa nó xuống dưới lớp màn hình, gắn chặt toàn bộ hệ thống vào một khung kính và kim loại sáng bóng. Một chiếc điện thoại sẽ được hoàn thiện sau 30 phút lắp ráp, bao gồm cả thời gian cài đặt hệ hệ điều hành cho máy.

    Trong thời gian ấy, chỉ có duy nhất một hay hai người (thật) được chạm vào điện thoại. Toàn bộ dây chuyền gần như là một màn độc tấu của những cỗ máy: những cánh tay robot nhặt lấy từng bộ phận lắp rắp, một hệ thống “mũi ngửi” có nhiệm vụ phát hiện dấu vết của các hợp chất hữu cơ nhằm lần dấu những viên pin có khả năng hỏng hóc, một con robot đẩy xe chở linh kiện dọc hành lang phát ra những tiếng nhạc du dương, tiếng nhạc ngừng khi nó dừng trước những người phóng viên tò mò tới từ bên ngoài nhà máy.

    Mặc dù dây chuyền sản xuất ngày càng mang tính tự động hóa, điều đó không đồng nghĩa với việc con người bị loại bỏ hoàn toàn khỏi dây chuyền sản xuất. Phần lớn việc thử nghiệm pin vẫn cần có sự giám sát của những chuyên gia, và như chúng ta đã nhiều lần nói tới, Samsung cũng đã “thiết kế lại” cả quy trình giám định pin của mình. Tám bài thử mới cho những chiếc điện thoại hàng đầu kia: thử vòng đời, thử “phá máy”, thử cơ học, thử sạc,...

    Nghe đồn đã lâu, những người phóng viên cuối cùng cũng đã được đặt chân vào chính cái phòng thử pin nổi tiếng ấy để chứng kiến quá trình thử nghiệm. Đó là một bài thử áp lực đặt lên pin, với sức ép 13 kilo newton đặt lên trên cục pin nhỏ bé. Với 1 kilonewton bằng hơn 100 kg, hãy tưởng tượng một lực sĩ 100 kg đứng một chân đè lên viên pin, trên vai anh là 12 người nữa. Trước sự ngỡ ngàng của toàn bộ phóng viên Digital Trends, phiên pin ... tỏa khói nghi ngút, rồi bốc cháy dữ dội.

    Vậy là sao???

    Hóa ra là, Để cho phóng viên có thể thấy những viên pin “lì lợm” được tới mức nào, những chuyên gia đã đẩy bài thử lên tới mức kinh hoàng: Viên pin CHỈ bốc cháy khi chịu áp lực khổng lồ lên tới 20 kilo newton. Đó là chỉ số áp lực của 2 tấn đè lên một điểm bé xíu, là viên pin của S8.

    Một kết quả cực kì đáng ngạc nhiên và củng cố thêm niềm tin cho sản phẩm mới nhất của Samsung.

    Cuối cùng thì, tai nạn mang tên Note7 không phải chỉ đem tới những bất hạnh cho hãng. Nhờ có nó, họ đã nâng cấp công nghệ của mình lên tới mức cực điểm. Khi bạn cầm chiếc Galaxy S8 trên tay, cảm giác lo sợ một vụ nổ sẽ diễn ra sẽ không còn nữa. Thời điểm này, S8 có thể là chiếc điện thoại đẹp nhất trên thị trường và không dừng lại ở đó, Samsung còn đảm bảo với khách hàng rằng nó là chiếc điện thoại an toàn bậc nhất.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ