Đột phá: Các nhà khoa học tuyên bố đã chữa được Ebola

    zknight,  

    REGN-EB3, một loại thuốc giúp giảm tỷ lệ tử vong do Ebola xuống chỉ còn 6%.

    Ebola bây giờ đã không còn là một căn bệnh vô phương cứu chữa, các nhà khoa học tuyên bố sau khi hai trong số bốn loại thuốc được thử nghiệm ở Cộng hòa Dân chủ Congo đã phát huy tác dụng, làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong trong đợt bùng phát dịch lớn ở nước này hồi năm ngoái.

    Trước đây để điều trị Ebola, các bác sĩ sẽ sử dụng hai loại thuốc có tên là Zmapp và Remdesivir. Zmapp đã từng được sử dụng trong đại dịch Ebola ở Sierra Leone, Liberia và Guinea. Nó cho hiệu quả điều trị thấp, với tỷ lệ tử vong vẫn ở ngưỡng cao là 49%. Hiệu quả của Remdesivir thậm chí còn thấp hơn với con số tử vong lên tới 53%.

    Nhưng bây giờ, thử nghiệm hai loại thuốc tạo kháng thể đơn dòng mới có tên là REGN-B3 và mAb114 đã cho kết quả khả quan hơn hẳn. Điều trị Ebola ở giai đoạn sớm đã giúp làm giảm tỷ lệ tử vong xuống chỉ còn 6-14%, theo báo cáo xác nhận bởi Tổ chức Y tế Thế giới và Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ.

    "Từ giờ trở đi, chúng ta sẽ không còn phải nói rằng Ebola là căn bệnh không thể cứu chữa", Giáo sư Jean-Jacques Muyembe, tổng giám đốc Viện nghiên cứu Quốc gia Recherche Biomédicale tại Cộng hòa Dân chủ Congo, đơn vị giám sát thử nghiệm cho biết. "Những tiến bộ này sẽ giúp cứu sống hàng ngàn sinh mạng".

    Đột phá: Các nhà khoa học tuyên bố đã chữa được Ebola - Ảnh 1.

    Đột phá: Các nhà khoa học tuyên bố đã chữa được Ebola

    Đợt dịch bùng phát lớn hồi tháng 11 ở Cộng hòa Dân chủ Congo là đợt dịch lớn thứ hai kể từ khi Eboloa bùng phát ở Châu Phi. Nó kéo dài suốt 1 năm, lây nhiễm cho hơn 2.800 người. 

    Một trong những trở ngại lớn nhất mà Congo phải đối mặt là sự điều trị miễn cưỡng cho những bệnh nhân mắc Ebola. Điều trị miễn cưỡng nghĩa là điều trị trong vô vọng dù biết hiệu quả không cao. 

    Ngay cả khi đã điều trị, bệnh nhân Ebola cũng có tỷ lệ sống sót thấp. Có tới 70% bệnh nhân ở Congo tử vong sau khi nhiễm virus. Giáo sư Muyembe cho biết nhiều người tận mắt chứng kiến các thành viên trong gia đình nhập viện để điều trị Ebola, nhưng rồi họ vẫn chết.

    "Bây giờ thì khác, tới 90% bệnh nhân tới trung tâm điều trị sẽ được chữa khỏi hoàn toàn, họ bắt đầu tin vào tỷ lệ thành công ấy và tạo dựng được niềm tin cho cả cộng đồng và xã hội", ông nói.

    Anthony Fauci, giám đốc của Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ cho biết trước đây, khi các bệnh nhân được điều trị bằng thuốc ZMapp và Remdesivir, tỷ lệ tử vong lần lượt vẫn còn ở mức cao, 49-53%.

    Tiến đến là một loại thuốc kháng thể đơn dòng do Ridoltack Biotherapeutics sản xuất có tên là mAb114 đã giảm được con số xuống mức 34%. Tuyệt vời nhất là REGN-EB3, một kháng thể đơn dòng khác được sản xuất bởi Regeneron có tỷ lệ tử vong sau điều trị chỉ khoảng 29%.

    Cả 4 loại thuốc nếu được sử dụng để điều trị cho những bệnh nhân mới mắc bệnh sẽ cho hiệu quả lớn hơn nữa – với tỷ lệ tử vong của Zmapp giảm xuống 24%, Remdesivir 33%, mAb114 11% và REGN-EB3 chỉ còn 6%.

    Mặc dù vậy bác sĩ Michael Ryan đến từ Tổ chức Y tế Thế giới cho biết những bệnh nhân nhiễm Ebola thường chỉ đến bệnh viện hoặc trung tâm điều trị sau 4 ngày phát bệnh. Điều này làm giảm cơ hội sống sót của chính họ đồng thời thúc đẩy virus lây truyền qua các thành viên khác trong gia đình khi tiếp xúc với dịch cơ thể.

    Đột phá: Các nhà khoa học tuyên bố đã chữa được Ebola - Ảnh 2.

    Nếu được điều trị sớm, tỷ lệ tử vong do Ebola sau khi dùng thuốc Zmapp giảm xuống chỉ còn 24%, Remdesivir 33%, mAb114 11% và REGN-EB3 là 6%.

    "Những con số có thể thay đổi", Fauci nói. Cùng với các loại thuốc cho điều trị hiệu quả hơn đang được sử dụng tại tất cả các trung tâm điều trị Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo, người dân đang được khuyến khích điều trị sớm nhất có thể nếu chẳng may nhiễm bệnh. Cơ hội sống sót đang ở mức cao hơn bao giờ hết.

    Kể từ khi dịch bệnh Ebola bùng phát vào năm 2014, nó đã giết chết ít nhất 11.000 người trong giai đoạn cao điểm 2014-2016. Tỷ lệ tử vong trung bình khi đó là khoảng 50%. Đến năm 2018, một đợt bùng phát trở lại ở Cộng hòa Dân chủ Congo đã lây nhiễm 2.800 người và giết chết ít nhất 1.800 người trong số họ.

    Tỷ lệ tử vong thậm chí đã gia tăng, do các bệnh nhân không được điều trị và điều trị không có hiệu quả, Mike Ryan, giám đốc điều hành Chương trình Cấp cứu Sức khỏe của Tổ chức Y tế thế giới cho biết. Các triệu chứng của nhiễm virus Ebola bao gồm nôn mửa, tiêu chảy, giảm tiểu cầu hoặc mất máu không kiểm soát.

    Bắt đầu từ tháng 10 năm 2014, các nhóm các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đã lao vào một cuộc đua tiếp sức khoa học để tìm ra một loại thuốc điều trị Ebola.

    Hàng ngàn hợp chất tiềm năng đã được xác định trước khi Regeneron thu hẹp chúng xuống chỉ còn 3 kháng thể hoạt động có hiệu quả bao gồm REGN-EB3, loại thuốc giúp giảm mạnh nhất tỷ lệ tử vong do Ebola tại thời điểm này.

    Đột phá: Các nhà khoa học tuyên bố đã chữa được Ebola - Ảnh 3.

    REGN-EB3, một loại thuốc giúp giảm tỷ lệ tử vong do Ebola xuống chỉ còn 6%

    Trong giai đoạn nghiên cứu tiếp theo, các nhà khoa học sẽ còn thử nghiệm các loại kháng thể trong nhiều điều kiện thực tế khác nhau bao gồm cả tiêm phòng.

    Ebola từ một căn bệnh đáng sợ không có thuốc chữa, bây giờ, đã được biến trở thành một căn bệnh có thể điều trị, và trong tương lai có thể phòng ngừa được.

    Mặc dù chúng ta chưa thể xóa sổ ngay căn bệnh nguy hiểm này, nhưng ít nhất với các loại thuốc hiện tại, hi vọng dập tắt dịch bệnh và ngăn chặn không cho nó tái phát thành đại dịch là hoàn toàn khả thi.

    Sẽ có hàng ngàn sinh mạng sẽ được cứu nếu chúng ta giám sát, phòng ngừa và điều trị tốt Ebola, dưới sự giúp đỡ của những loại thuốc mới.

    Tham khảo Sciencealert, Theguadian, Wired

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày