Dự án biến nhựa thành đơn vị tiền tệ, vừa giải quyết được vấn nạn rác lại tạo ra nguồn sống cho vô số người nghèo

    Dink,  

    Ngân hàng Nhựa còn là một cách thức nữa để người nghèo tham gia vào hệ thống tài chính vốn không dành cho họ, những người không có tiền.

    Ấy là ngày rằm trên hòn đảo Bali thuộc Indonesia, bà Nyoman Dartini mang lễ vật lên đền thờ, cầu xin đấng ơn trên ban phước; việc thắp hương cầu khấn không xa lạ với người Châu Á chúng ta, nhưng toàn bộ đồ lễ dâng lên thánh thần đều được chi trả bằng nhựa. Nhưng đây không phải dịp duy nhất, bà Dartini định sẽ dùng thứ vật liệu khó phân hủy này để kiếm tiền mua đồ cúng dịp Galungan - ngày lễ Ấn Độ giáo đánh dấu mốc cái thiện chiến thắng cái ác. Nhờ có nhựa, thậm chí bà còn có thể đi chợ mua sắm mà không phải bóp trán lo nghĩ.

    “Nhựa” ở đây không phải tấm thẻ ngân hàng có thể quẹt muôn nơi, mà là những chai nhựa bà nhặt về trong lúc quét chợ ở Denpasar. Bà sẽ đưa chai nhựa về trung tâm thu thập rác thải có tên Ngân hàng Nhựa - Plastic Bank, họ nhận khoản “tiền” đặt cọc của bà rồi nhắn tin báo số tiền bà Dartini có trong tài khoản.

    Dự án biến nhựa thành đơn vị tiền tệ, vừa giải quyết được vấn nạn rác lại tạo ra nguồn sống cho vô số người nghèo - Ảnh 1.

    Lương tôi có đủ sống đâu”, người phụ nữ 60 tuổi nói, nhưng giọng vẫn hồ hởi khi có thể đều đặn nhận về khoảng 100.000 rupiah mỗi tháng, tương đương 165.000 VNĐ. Số tiền tuy nhỏ nhưng đỡ được một phần lớn cho gánh nặng tài chính mà gia đình nhỏ phải đối mặt mỗi tháng. “Nếu không có nó, có lẽ gia đình tôi đã phải đi vay thêm để chi trả chi phí sinh hoạt”.

    Dự án biến nhựa thành đơn vị tiền tệ, vừa giải quyết được vấn nạn rác lại tạo ra nguồn sống cho vô số người nghèo - Ảnh 2.

    Người Việt chúng ta không lạ gì với hành động “bán đồng nát” chai lọ cũ, để số rác này có thể tìm được đường tới các cơ sở tái chế một cách dễ dàng, thế nhưng hoạt động mới này tại Indonesia là một đột phá hoàn toàn mới trong vòng quay kinh tế chuyển động không ngừng. Những cá nhân chăm chỉ nhặt chai nhựa sẽ là các “khách hàng” chính của Ngân hàng Nhựa, và họ có thể ký gửi tiền tại ngân hàng đặc biệt này, không nhất tiền nhận tiền mặt về hàng ngày.

    Nghe qua cũng thấy những nhà bảo vệ môi trường sẽ mừng ra mặt. Phát kiến mới này chính là động cơ thúc đẩy người dân chăm nhặt rác nhựa hơn, bên cạnh đó đẩy mạnh hoạt động tái chế rác thải

    Những nỗ lực tương tự cũng đang xuất hiện quanh thế giới, xu hướng sử dụng nhựa như một thứ tiền tệ ngăn thứ rác khó nhằn này xuất hiện khắp các vùng nước mở, các khu đất trống, các bãi rác địa phương. Chính phủ Indonesia vận hành một mạng lưới ngân hàng rác rất đặc biệt - chúng là những trung tâm tái chế không chỉ trả tiền cho mỗi lượng rác nhận về, mà còn cho người dân vay tiền và sau này trả lại bằng rác.

    Dự án biến nhựa thành đơn vị tiền tệ, vừa giải quyết được vấn nạn rác lại tạo ra nguồn sống cho vô số người nghèo - Ảnh 3.

    Tại Surabaya, thành phố lớn thứ hai Indonesia, người dân có thể trả tiền vé xe bus bằng chai hoặc cốc nhựa; một chuyến xe bus dài 2 tiếng sẽ tương đương với 10 cốc nhựa hoặc 5 hoặc ít hơn chai nhựa, tùy vào kích cỡ của “tiền”. Bằng những hành động nhỏ, tái chế từng chút rác thải nhựa thành giá trị có ích, thị trưởng nữ đầu tiên của Surabaya, bà Tri Rismaharini tự tin đặt mục tiêu không có rác thải nhựa vào năm 2020.

    Người ta đã bắt đầu thấy máy nhận chai nhựa đổi vé xuất hiện tại một số ga tàu điện ngầm tại Bắc Kinh và Rome. Tại Ấn Độ, một số trường học nhận nhựa có thể tái chế thay cho tiền học. Tại hòn đảo Sardinia của Ý, công ty Miniwin Co. mở một cửa hàng bán đồ được làm từ nhựa tái chế, cách duy nhất để khách hàng mua đồ là đưa thêm đồ nhựa vào cỗ máy xử lý nhựa có tên Trashpresso.

    Dự án biến nhựa thành đơn vị tiền tệ, vừa giải quyết được vấn nạn rác lại tạo ra nguồn sống cho vô số người nghèo - Ảnh 4.

    Dự án Ngân hàng Nhựa không muốn dừng lại ở quy mô địa phương. Đứa con tinh thần của hai nhà đầu tư David Katz và Shaun Frankson lần đầu tiên xuất hiện tại Haiti năm 2016, rồi được mở tại Philippines và Indonesia, dự kiến Ai Cập sẽ là điểm đến tiếp theo của Plastic Bank. David Katz cũng mới tới thăm Vatican, bàn về một dự án mới: anh Katz nhờ Vatican hãy hối thúc các con chiên mang theo rác thải nhựa mỗi Chủ nhật, khi các họ tới nhà thờ. Theo lời David Katz, dự án này đang bắt đầu được triển khai tại Brazil.

    Mỗi khi xuất hiện tại một nước mới, Ngân hàng Nhựa sẽ móc nối với các cơ sở tái chế rác thải, xin nguồn vốn đầu tư từ một công ty quốc tế lớn nào đó. Tại Indonesia, công ty S.C. Johnson & Son, một công ty sản xuất chất tẩy rửa dùng trong hộ gia đình (và cũng là nơi tạo ra nguồn rác thải nhựa khổng lồ), cấp quỹ để chín Ngân hàng Nhựa hoạt động tại Bali suốt năm 2019.

    Dự án biến nhựa thành đơn vị tiền tệ, vừa giải quyết được vấn nạn rác lại tạo ra nguồn sống cho vô số người nghèo - Ảnh 5.

    Công ty này cũng công bố một kế hoạch mới, bắt đầu sử dụng chai nhựa thu được từ Indonesia và Philippines để làm chai đựng nước lau kính Windex. “Chúng tôi muốn tồn tại dưới danh nghĩa, nếu không phải là doanh nghiệp dẫn đầu thì ít nhất cũng là người tiên phong”, đại diện của S.C. Johnson & Son nói.

    Ngân hàng Nhựa còn mở ra một cơ hội đầu tư cho những người chưa bao giờ nghĩ tới chuyện gửi tiền ngân hàng. “Đa số ngân hàng không muốn giao thương với người nghèo, bởi người nghèo thì làm gì có tiền để gửi”, Shaun Frankson nói, “vậy nên tái chế nhựa chính là cách để họ có cơ hội mở tài khoản ngân hàng đầu tiên”. Trong số 3.200 tài khoản ngân hàng có tại Bali, khoảng 1.200 người có số tiền dương trong tài khoản Ngân hàng Nhựa. Điều này đồng nghĩa với việc họ đã có thể vay vốn từ nhiều nguồn khác

    Muhammad Abdullah Sajad, hiện đang sống cùng vợ và con thơ trong một lán nhỏ tại trung tâm trợ cấp của Ngân hàng Nhựa, đã từng vất vả lắm mà không tiết kiệm được đồng nào. “Lúc nào cũng phải tiêu tiền, mua đồ cho cả vợ và con tốn kém lắm”, anh nói. Sau khi đăng ký gom rác nhựa cho Ngân hàng Nhựa, anh đã mở được tài khoản ngân hàng nhà nước đầu tiên. Số tiền tiết kiệm của anh đã được hơn 50 USD, và Muhammad Abdullah Sajad bắt đầu mơ tới căn nhà gạch thay thế cho cái lán tre xập xệ, để vợ con không còn lo lắng mỗi khi nắng mưa.

    “Trước đây, những người gom rác nhựa này đều phải đi vay ngoài để chi trả cho cuộc sống”, cô Susyati nói. Cô là người điều hành trung tâm tái chế của Ngân hàng Nhựa tại Denpasar, cũng là người điều hành ứng dụng nhắn tin báo tiến độ công việc và số dư tài khoản cho 8 người gom chai nhựa trong khu vực, trong số đó có cả anh Sajad. “Giờ đã có khoản tiền thêm mỗi tháng, họ đã tự chủ được tài chính và không phải đi vay ngoài nữa”, cô Susyati nói tiếp. Theo lời cô, những người thu gom chai nhựa trong khu vực đã làm việc chăm chỉ hơn trước, “lượng chai tôi thu được từ 3 người đã bằng với lượng thu được từ 8 người trước đây”.

    Dự án biến nhựa thành đơn vị tiền tệ, vừa giải quyết được vấn nạn rác lại tạo ra nguồn sống cho vô số người nghèo - Ảnh 6.

    Gusi Made Astri, một công nhân dọn rác bờ biển Sanur năm nay đã 54 tuổi, bắt đầu làm việc từ sáng sớm và nhận tới hai ca dọn dẹp một ngày, đã có thu nhập khoảng 127 USD mỗi tháng. Cô bán chai nhựa thu được cho các ngân hàng rác, cô tiêu một phần tiền vào thuốc thang, loại thuốc làm dịu cơn đau đầu của người làm việc quần quật dưới ánh nắng gay gắt, thứ xa xỉ phẩm trước đây cô Astri không dám mơ tới. Nếu chăm chỉ, có khi cô còn mua được cái váy mới để diện lễ Galungan đang đến gần.

    Nhưng tin tức về những chai nhựa bán được giá đã lan xa, cô Astri chỉ còn chất đầy được hai làn rác nhựa trong mỗi ca làm việc, chứ không còn được hai bao tải đầy như trước kia. “Giờ ai cũng biết tới giá trị của rác nhựa rồi, cạnh tranh đã khó hơn xưa”.

    Tham khảo Bloomberg

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ