Dự án dọn sạch Thái Bình Dương của cậu thanh niên Boyan Slat 22 tuổi có thiết kế thiết bị thu gom rác mới, một năm nữa là chính thức khởi động
Tuổi trẻ chính là tương lại của nhân loại, hãy xem họ làm được gì để cứu lấy Trái Đất này.
Chàng trai người Hà Lan Boyan Slat nổi tiếng với kế hoạch thu gom rác thải trên biển đang thay đổi thiết kế của mình – một thay đổi thiết kế lớn. Mới đây, cậu mới trả lời tờ báo Business Insider rằng hệ thống gom rác trên biển của mình sẽ chính thức đi vào hoạt động sớm hơn dự kiến.
“Thay vì cuối năm 2020, dự án dọn biển sẽ bắt đầu trong chỉ 12 tháng nữa, và nhiều phần của dự án đã đang được sản xuất rồi”, Slat nói.
Dự án phi lợi nhuận The Ocene Cleanup dự tính cài đặt những tấm lưới lớn trên biển nhằm thu gom lượng rác nhựa trôi nổi ngoài Thái Bình Dương. Những hệ thống này được thiết kế để nổi trên mặt biển như những vòng phao quanh khu vực ô nhiễm, kéo về những rác thải nổi – chủ yếu là nhựa về bờ để xử lý.
Trong nguyên bản, thiết kế của Slat gồm một vòng lưới rộng thu gom nhựa, sâu xuống nước được 4,5 km – một kế hoạch vừa khiến nhiều người hoài nghi về độ khả thi mà vừa khiến nhiều nhà khoa học lo lắng. Slat nói rằng nhóm làm việc của mình hiện đang lắp đặt một hệ thống “mỏ neo” cho một tấm lưới dưới nước nhỏ hơn trước, sâu chỉ 600m so với mực nước biển. Trên lý thuyết, mỏ neo này sẽ kéo hệ thống thu gom rác xuống, cho nó đứng tại vị trí có thể gom rác thải hiệu quả nhất.
Trong buổi họp báo diễn ra vào ngày 11/5 vừa qua, đội ngũ thiết kế đã cho công chúng chiêm ngưỡng những mỏ neo nói trên.
“Hệ thống này sẽ tự động trôi trên biển hoặc được điều khiển để gom rác tại những điểm có nhiều nhựa trôi nổi trên mặt biển”, Slat nói. “Thay vì dọn được 42% Mảng Rác Lớn Thái Bình Dương (the Great Pacific Garbage Patch) trong vòng 10 năm, chúng tôi sẽ dọn được 50% mảng trong vòng 5 năm”.
Slat nói rằng mẫu mới này hiệu quả hơn trước, mặc dù nó chưa được thử nghiệm trên điều kiện biển. Nhưng Slat nói rằng thông số của thiết kế này đã đủ tốt để một nhóm các nhà quyên góp đã đưa vào dự án này thêm 21,7 triệu USD, nâng tổng mức quỹ gây được từ năm 2013 cho tới này là 31,5 triệu USD. Những nhà quyên góp mới gồm có nhà từ thiện Marc và Lynne Benioff, một nhà quyên góp giấu tên, Peter Thiel và một số người khác nữa.
Nhưng liệu hệ thống này có thực sự hiệu quả không?
Những vòng xoáy nước chứa rác khổng lồ
Dự án Dọn sạch Đại dương này muốn xử lý một vấn đề vốn rất nan giải và phức tạp, điều đó lý giải tại sao nhiều người lo lắng và nghi ngờ đến thế. Rác thải nhựa trôi khắp nơi trên các đại dương, các vùng biển được dòng biển đưa về 5 khu vực lớn được gọi là các vòng xoáy rác – một điểm tập hợp rác thải tự nhiên.
5 khu vực xoáy rác lớn trên thế giới, với Mảng rác thải Thái Bình Dương lớn nhất, gồm hai nửa bờ Đông và bờ Tây.
Những mảng rác thải này không tạo thành những đảo rác nhựa thơ mộng trên biển đâu, người ta vẫn có thể đưa thuyền qua những “biển rác” này, thậm chí không phải chỗ nào cũng thấy rác – chúng cứ trôi rải rác khắp một vùng biển rộng. Thứ rác này vừa hại môi trường mà cũng ảnh hưởng rất lớn tới hệ sinh thái biển. Những động vật như rùa, hải cẩu, chim sẽ ăn phải những thứ rác này và ngộ độc. Những mảnh vỡ hiển vi của nhựa có trong cơ thể của những con vật xấu số ấy sẽ có thể đi vào được cơ thể con người thông qua đường ăn uống.
Khi lần đầu tiên Slat nêu lên ý tưởng một hệ thống hình chữ V nổi trên nước để thu gom những thứ rác trôi nổi trên biển, cậu và dự án này thu hút được rất nhiều chú ý của dư luận. Bài TED Talk của cậu năm 2012 vô cùng ấn tượng, nhưng nhiều người, trong đó các nhà hải dương học nghi ngờ về tính khả thi của “cấu trúc ngoài đại dương lớn nhất từng được xây dựng”.
Hệ thống gom rác mà đội ngũ của Slat mới phát triển mới chỉ được thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và thông qua giả lập trên máy tính, vì thế nó vẫn chỉ đạt mức “lý thuyết” mà thôi. Nhưng những lợi thế mà hệ thống mới nhỏ hơn (chỉ dài khoảng 1km) mang lại, theo như lời của đội ngũ phát triển nói, sẽ giải quyết được một số vấn đề nan giải.
Nhỏ hơn đồng nghĩa với việc dễ dàng sửa chữa hơn, dễ dàng lắp đặt cũng như tháo dỡ hơn, và cũng dễ cải tiến hơn nữa. Họ sẽ hoàn thiện việc xây dựng và khởi động toàn bộ dự án một khi có đủ quỹ. Slat khẳng định rằng hệ thống nhỏ hơn này sẽ hiệu quả hơn, “tốt hơn, nhanh hơn và rẻ hơn”.
Những lý do khiến ta nghi ngờ dự án này
Việc những hệ thống này chưa được thử nghiệm trong môi trường thực tế làm rất nhiều các nhà khoa học hải sinh cũng như các nhà hải dương học lo lắng, nghi ngờ. Sức mạnh của biển cả là khó đo đếm được, không ai rõ rằng hệ thống này liệu có đứng vững trước những cơn bão hay những điều kiện thời tiết khắc nghiệt khác. Nếu như chúng vỡ tan tành ra thì cái mảng rác lớn đại dương kia lại có thêm những thành viên mới.
Họ cũng lo lắng rằng chính hệ thống này sẽ thu hút những loài sinh vật biển khác tới gần và ăn chính những chỗ rác mà hệ thống thu gom được. Bên cạnh đó, chưa rõ bao nhiêu phần trăm rác thải mang về bờ có thể tái chế được, và dưới sâu sẽ còn nhiều loại rác khác nữa mà dự án The Ocean Cleanup hiện không thể với tới.
Nhưng ít ra, theo lời của Giám đốc Chương trình Rác thải Đại dương của Ủy ban Đại dương và Khí hậu Quốc gia Hoa Kỳ, Nancy Wallace cho rằng dự án này đã thành công lớn ở một điểm: làm người ta chú ý nhiều hơn tới vấn đề vô cùng nhức nhối này. “Càng nhiều người biết, người ta sẽ càng lo lắng cho vấn đề này”, Wallace nói. “Mong muốn của tôi là người ta sẽ đặt ra câu hỏi ‘ta có thể làm gì để ngăn chặn nó?’, lúc đó là biện pháp ngăn chặn sẽ được phát huy tối đa sức mạnh”.
Có thể có những biện pháp khác hiệu quả hơn để đạt được những mục tiêu mà The Ocean Cleanup hướng tới. Một trong những nhà phê bình đánh giá dự án, nhà hải dương học Kim Martini cho rằng thiết bị thu rác trên nên đặt tại bờ biển, bởi đó mới là những nơi rác bắt đầu phát tán ra ngoài đại dương.
Nhiều nhóm khác cũng đã có nhiều dự án thu rác thải tại bờ như vậy. Ocean Conservancy đã thu về được hơn 90.000 tấn rác nhựa từ bờ biển, khu vực Baltimore với bánh xe nước thu rác đã gom dược gần 700.000 tấn nhựa , kể từ khi đi vào hoạt động hồi tháng Năm năm 2014.
Đúng là những dự án gom rác tại bờ trên không thể với tới được những thứ rác đã trôi xa ngoài biển. Vì thế, nếu như The Ocean Cleanup có thể hoàn thành tốt công việc của mình như người ta kì vọng, điều đó sẽ vô cùng có ý nghĩa. Vậy là ngay năm sau thôi, ta đã có thể xem kế hoạch táo bạo và tham vọng của Boyan Slat sẽ đi tới đâu.
Tham khảo BusinessInsider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín