Dù cán mốc nghìn tỷ đô, Apple không thể ngồi trên cao mãi mãi

    Du Lam, Theo ICTnews 

    Nhìn những "tấm gương" như Nokia hay BlackBerry, Apple nên biết lo cho tương lai dù có trở thành công ty nghìn tỷ đô đầu tiên đi chăng nữa.

    Tháng 5/2017, Apple trở thành công ty Mỹ đầu tiên có giá trị vượt quá 800 tỷ USD xét theo vốn hóa thị trường. Người ta nhanh chóng dự đoán “táo khuyết” sẽ sớm trở thành doanh nghiệp nghìn tỷ đô đầu tiên nhờ iPhone 8. Giữa muôn vàn đối thủ cạnh tranh, iPhone vẫn duy trì doanh số mạnh mẽ, là hình ảnh biểu trưng đáng ghen tỵ và sở hữu lượng người dùng trung thành khổng lồ.

    Song, “núi này cao có núi khác cao hơn”, mạnh mẽ như Apple rồi cũng có ngày bị kẻ khác qua mặt. Nhà sản xuất iPhone đơn giản hóa mạng lưới người dùng “khủng” của mình bằng phần mềm và iOS, song phần mềm đó lại chỉ chạy trên sản phẩm Apple. Điều đó khiến Apple giống như một gã khổng lồ của thế kỷ 20 hơn là những người chơi của thế kỷ 21. Giá trị nghìn tỷ đô không thể bảo đảm cho sức mạnh vĩnh viễn của Apple.

    Tất nhiên, sẽ có những tranh cãi: Apple đang là một trong những thương hiệu hàng đầu thế giới, hơn 700 triệu người đang dùng iPhone, chưa kể hàng trăm triệu đang sử dụng máy tính, tablet Apple. Song, hãy nhìn vào danh sách Fortune 500 năm 1995 và ngày nay. Cho đến năm 2016, chỉ 12% trong danh sách những công ty lớn nhất năm ấy còn có mặt trong danh sách hiện tại. Trong số top 20 ngày ấy và bây giờ, GM, Exxon và GE đều có quy mô và lợi nhuận lớn, còn US Steel bị suy giảm nghiêm trọng, trong khi Armour không còn nữa. Chrysler và GM vẫn là những công ty lớn nhưng đang trên đà phá sản và thanh lý; GE và IBM phải chuyển đổi nhiều lần, họ tiếp tục tồn tại đến na là bởi không còn nhiều liên hệ với những gì họ đã là và đã bán 50 năm trước. Apple sẽ “lột xác” như thế nào trong các năm tới? Công ty chưa đưa ra được một viễn cảnh rõ ràng.

    Một bài học được rút ra là thời gian ngồi trên đỉnh cao thường không kéo dài. Quy mô và thị phần với các công ty không bảo đảm cho quy mô và thị phần tương lai dù cho sản phẩm hay dịch vụ cung cấp mạnh đến đâu.

    Người dùng Apple nổi tiếng “chịu chơi” hơn người dùng Android. Họ sẵn lòng trả cho cả phần cứng lẫn dịch vụ liên kết với phần mềm Apple đang cung cấp. Nhưng thế giới đang tiến nhanh đến tương lai kỹ thuật số nơi thiết bị trở nên thông dụng hóa. Có lẽ chỉ trong vòng một thập kỷ, thiết bị ngày càng dễ thay đổi, rẻ hơn, mạnh mẽ hơn. Chúng trở thành đường dây để phần mềm và dịch vụ sinh lợi. Ngay lúc này, hệ sinh thái độc quyền của Apple đã bớt khép kín hơn trước kia. Vài năm trước, nếu gia đình của bạn có iPhone, Mac, iPad, chuyển đổi sang Windows hay Android vô cùng khó khăn do không có tương thích. Khi công ty lớn mạnh hơn, họ chuyển sang cởi mở hơn theo yêu cầu của khách hàng. Nhiều ứng dụng và dữ liệu được lưu trong đám mây và nhiều người dùng nhiều loại thiết bị cho cuộc sống số của mình.

    Không rõ làm cách nào để Apple củng cố bản thân, chống lại các xu hướng này hay tìm được động lực để làm điều đó. Nó đang là một công ty có lợi nhuận điên rồ, kiếm hàng tỷ tiền mặt mỗi tuần. Hiếm có công ty nào làm tốt lại thực hiện những thay đổi cơ bản. Alphabet/Google quyết tâm tìm ra nguồn doanh thu tỷ đô tiếp theo để giảm phụ thuộc vào tìm kiếm; Microsoft làm điều tương tự để tránh áp lực cho Windows. Dù hai hãng chưa tìm được cái cần tìm nhưng lại có lợi thế trong thế giới kỹ thuật số, không như Apple.

    Không ai ngồi trên cao mãi mãi

    Những công ty sống sót qua hàng thập kỷ đều có kết cục như nhau: hoặc bị chính quá khứ áp đảo hoặc bị các công ty khác áp đảo. IBM quyết định chuyển từ nhà sản xuất máy tính, máy đánh chữ sang bán dịch vụ và giải pháp công nghệ cao nhưng vẫn đang gặp rắc rối khi đi tìm làn sóng mới. GE tuy không còn nguy cơ sụp đổ nhưng vẫn đang vấp phải cạnh tranh khốc liệt. Kế hoạch dài hạn của Apple là gì trong thế giới rõ ràng không đi theo mô hình của họ?

    Trong tương lai gần, Apple có xu hướng tăng trưởng và thống trị như Nokia đã làm được trong những năm 1990 và những năm đầu thế kỷ này. Ví dụ của Nokia không thể xem nhẹ. Vào thời kỳ đỉnh cao năm 2007, Nokia nắm tới 41% thị phần thiết bị không dây. Chưa đầy một thập kỷ sau, Microsoft đã mua lại mảng di động của công ty Phần Lan với giá 7 tỷ USD và sau đó phải bút toán giảm một cách cay đắng. BlackBerry, ngày nay còn gần như 0%, từng đạt đỉnh năm 2009 với 20% thị phần. Thị phần hiện tại của Apple chưa được như vậy, đồng nghĩa vẫn có tiềm năng để mở rộng. “Táo khuyết” cũng có hệ sinh thái ổn định hơn hai cái tên còn lại.

    Apple đang được điều hành bởi nhiều lãnh đạo nhiệt huyết nhưng chưa đưa ra được tầm nhìn tương lai như cố Tổng Giám đốc Steve Jobs từng làm. Dù đã chỉ hàng tỷ USD cho nghiên cứu phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, họ không cung cấp lộ trình phía trước, phần lớn vì lo sợ đối thủ sẽ “học lỏm”. Apple dưới thời Tim Cook muốn hướng đến tương lai của cộng đồng và trí tuệ nhân tạo như mọi người chơi lớn nhỏ khác của Silicon Valley. Nó không phải lộ trình mà dường như là chia sẻ chung của toàn thể.

    Dù tương lai có thế nào, Apple vẫn là một trong những đại diện xuất sắc nhất của thế giới. Máy tính cá nhân đã khởi đầu làn sóng cách mạng công nghệ đầu tiên những năm 1990 và iPhone khởi động giai đoạn tiếp theo. Smartphone là nền tảng đã mở ra thế giới kỹ thuật số, Apple sẽ mãi mãi được gắn liền với cuộc cách mạng ấy. Tuy nhiên, nó cũng không đồng nghĩa công ty giữ được vị trí này hàng thập kỷ hay thậm chí trong 10 năm sau. Nếu tin rằng Apple sẽ thống trị đại cục trong nhiều năm tới chỉ đơn giản vì vị thế của họ ngày nay chính là đã bỏ qua thế giới đang thay đổi chóng mặt như thế nào và tương lai luôn luôn bất định như nó vốn có.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ