"Muốn khởi nghiệp công nghệ thì làm ở nước ngoài đi, đừng về". Ý kiến của bạn?
Câu hỏi của hầu hết các du học sinh đã, đang và chuẩn bị khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Nên đi, hay về? Câu hỏi trên phần nào được giải đáp qua bài viết chia sẻ của Roy Nguyễn gửi đến Blog Khởi nghiệp, ý kiến cá nhân của anh được đăng tải trọn vẹn.
"Ở hay về không quan trọng"
Gần đây, tôi được dịp làm người điều phối một cuộc thảo luận về chủ đề Khởi Nghiệp (Startup) tại hội nghị VietAbroader Career 2014 và tham dự lễ kỉ niệm 10 năm thành lập tổ chức VietAbroader. Rất thú vị khi có dịp gặp gỡ nhiều du học sinh năng động và tài năng, và thú vị hơn nữa khi các câu hỏi tôi thường gặp nhất từ các bạn xoay quanh chủ đề "Khởi nghiệp Công nghệ", như "Tech Startup ở Việt Nam ra sao" "Tụi em nên làm startup ở nước ngoài hay về nước khởi nghiệp"...
Tôi đã "nhẫn tâm" dập tắt háo hức của các em chỉ bằng câu trả lời ngắn gọn: "Muốn khởi nghiệp công nghệ thì làm ở nước ngoài đi, đừng về".
Vì sao? Vì khởi nghiệp công nghệ ở nước ta vẫn ở mức độ hoà nhập tuy đã hình thành hơn 10 năm. Chúng ta không có nhiều những vườn ươm ý tưởng khởi nghiệp (Incubations), bệ phóng doanh nghiệp (Business Accelerators), nhà đầu tư thiên thần (Angel Investors), quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Capitals).
Hãy quên đi những câu chuyện huyền thoại về "Thung lũng Silicon" (Silicon Valley), về thủ phủ công nghệ Seattle, trung tâm tài chính New York City (dành cho các startup về công nghệ). Sẵn tiện, cần xoá luôn những hi vọng tìm thấy sự giúp đỡ từ các mô hình tương tự như Y-Combinator - vườn ươm doanh nghiệp công nghệ lớn nhất thế giới hiện nay nơi đào tạo ra những tên tuổi như Dropbox, Airbnb, Quora...với tổng định giá trên 30 tỉ đô la Mỹ.
Và cuối cùng, vì không có những câu chuyện về khởi nghiệp công nghệ được Google, Facebook, Yahoo mua lại với định giá trăm triệu đô, chúng ta sẽ không có phiên bản Việt của Kevin Systrom (Instagram), Jack Dorsey (Twitter), Jan Koum (Whatsapp), David Karp (Tumblr).
Nếu ở lại nước ngoài mà có thể đưa Việt Nam vào bản đồ công nghệ của Silicon Valley như Bình Trần (Co-Founder, CTO, Klout.com, bán được 70 triệu USD), Trí Trần (Co-Founder, Munchery.com, gọi vốn thành công lên đến 40 triệu USD), Lê Diệp Kiều Trang (Misfit Wearables), hay gần nhất là Uber lựa chọn CTO là người gốc Việt. Vậy nhé em, đừng về!
"Làm việc chăm chỉ, tận hưởng cuộc sống, viết nên lịch sử" - Jeff Bezos (CEO Amazon)
Viết đến đây rồi thì chắc các bạn sẽ hỏi vậy tại sao nhiều anh chị du học sinh tài giỏi khác lại quyết định về khởi nghiệp ở quê nhà. Cũng đúng nhỉ! Bao nhiêu anh chị em du học sinh đã và đang miệt mài gầy dựng nền công nghệ nước nhà. Những tên tuổi như Trần Thái Sơn (Tiki.vn), Ngô Thuỳ Ngọc Tú (Học viện Yola), Phạm Kim Hùng (TechElite)...
Theo mình, họ về vì:
- Họ muốn dùng công nghệ để đáp lại nỗi nhức nhối khi hàng trăm ngàn sinh viên ra trường mỗi năm lại trầy trật để kiếm được việc làm. Chọn sai ngành học, yếu về kĩ năng chuyên môn, thiếu về kĩ năng sống... Hãy để công nghệ giải quyết.
- Họ muốn dùng công nghệ để truyền cảm hứng và kiến thức cho hàng triệu bạn trẻ chuẩn bị bước vào sự kiện quan trọng nhất của cuộc đời: Cánh cửa Đại học, Cao Đẳng, hay Du học.
- Họ muốn dùng công nghệ để giải quyết nạn kẹt xe hàng giờ, khói bụi ô nhiễm, nước ngập ngay trong lòng đô thị.
- Họ muốn dùng công nghệ để nâng cao đời sống của bà con nông dân. Họ không thể đứng nhìn cảnh nông sản và trái cây Việt phải tiêu huỷ chỉ vì nông dân thiếu thông tin để đầu tư hợp lí.
- Họ muốn dùng công nghệ để kết nối, hỗ trợ tài chính cho những ý tưởng kinh doanh độc đáo, những ước mơ vươn lên trong cuộc sống.
- Họ muốn dùng công nghệ để giới thiệu những di sản văn hoá, những phong tục ngàn đời, những nét đẹp "tiềm ẩn" của biển đảo nước Việt.
- Họ muốn dùng công nghệ để nói với mọi người rằng: "Ta về ta tắm ao ta, Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn".
Ra vậy! Khởi nghiệp ở nước ngoài hay trong nước thật sự không quan trọng. Chỉ cần trong mỗi hành động, lời nói, dự án, chúng ta luôn nhớ rằng: "Việt Nam là quê hương, là ngôi nhà trong trái tim ta". Có lẽ không gì hạnh phúc bằng áp dụng được những công nghệ tiên tiến để đóng góp và làm đẹp nơi mình sinh ra và lớn lên em nhỉ!
Mình tạm dừng ở đây vì vừa nghe nói món đặc sản Cá kho Làng Vũ đại Trần Luận vừa được đưa lên bán online rồi. Vậy là cá kho đã được "thương mại điện tử", mình sẽ dùng "công nghệ" đặt mua cá kho thử xem sao.
Bài viết chia sẻ từ Roy Nguyễn là Sáng lập LoanVi.com, công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực tài chính cá nhân. Anh cũng là đồng sáng lập StartUp.vn cùng với Minh Đỗ, một tên tuổi trong cộng đồng khởi nghiệp Việt.
Vừa qua, Roy và Minh được trao tặng giải thưởng Federal Assisstance từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho những hoạt động hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp ở Việt Nam. Cả hai đồng thời là thành viên của Nhóm kiến tạo Lãnh đạo Toàn cầu Global Shapers TP.HCM (một sáng kiến của Diễn Đàn Kinh tế Thế giới, World Economic Forum).
Theo Tuoitre
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Điện thoại Xiaomi có thể phát hiện camera ẩn
Điện thoại Xiaomi sau khi cập nhật lên HyperOS 2.0 có thêm tính năng phát hiện camera giấu kín giúp bảo vệ quyền riêng tư.
Facebook 'ép' người dùng phải xem thêm nhiều nội dung từ người mình không hề 'kết bạn'