Du mục công nghệ người Việt: Đi nhiều, chơi nhiều thì có, chưa thành triệu phú đô la nhưng cũng rủng rỉnh tiền triệu VNĐ
Các du mục công nghệ xứ người đã hình thành được khoảng 5 năm, nhưng ở Việt Nam thì sao? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã phỏng vấn 2 freelancer để tìm hiểu.
Ở nước ngoài, các du mục công nghệ đã hình thành một lối sống riêng và một bộ quy tắc để kiếm sống hợp pháp và thoải mái nhất. Còn ở Việt Nam, câu chuyện du mục công nghệ vẫn còn rất mới, và rất khó để được tiếp nhận.
Để tìm hiểu câu chuyện này, chúng tôi đã tìm đến 2 người bạn, blogger Lê Minh Đông, và bạn Mika, một freelancer có tên tuổi trong lĩnh vực Content Marketing.
- Chào Đông và Mika, 2 bạn có thể nói cho mình biết là bạn đang làm việc trong lĩnh vực gì?
Đông: Xin chào, mình là Minh Đông, mình chuyên hỗ trợ đặt vé máy bay trực tuyến. Gần đây, mình có mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực gói du lịch hoàn chỉnh từ vé máy bay đến khách sạn và ẩm thực với mức giá tốt.
Mika: Xin chào, mình là Mika. Công việc hàng ngày của mình là "đi khách" và quản lý một bè lũ Freelancer âu yếm mơn trớn chữ & hình. Cụ thể là mình làm Content Marketing, chủ yếu là PR/Social Content và Website Content. Nếu muốn biết rõ hơn về Content Marketing, có thể nhẹ nhàng hỏi bác Google chứ mình không thể diễn tả nghề này chỉ trong vài từ.
Mình là một Freelancer nên không ngồi làm cố định một chỗ, văn phòng của mình là mấy chục quán cà phê đẹp đẹp có Wifi mạnh ở Sài Gòn. Mình theo chủ nghĩa "xê dịch", ngồi yên bó buộc một nơi não mình sẽ bị đơ ngay.
- Hai bạn nghĩ sao về việc trở thành một du mục công nghệ, nhất là bạn Đông?
Đông: Dùng từ du mục không chuẩn lắm vì 26 năm nay mình vẫn ăn bám gia đình , vẫn ở nhà bố mẹ, thậm chí còn chưa bao giờ ở cách nhà 10 km quá ba tháng. Mình không phải dân công nghệ, do đặc thù công việc bán vé máy bay phải tiếp xúc với điện thoại máy tính gần như 24/24 thôi, và mình chả thích điều này cho lắm. Chốt lại, mình là dân ham chơi, thấy chỗ nào vui, ngon, bổ, rẻ thì đi chơi thôi, có sở thích xúi người khác đi trước mình để về chỉ mình đi, mình không phải mẫu người thích khám phá.
Mika: Mình thấy du mục công nghệ cũng như Freelancer thôi. Tính chất công việc như nhau, chỉ khác bên nào "xê dịch" nhiều hơn, đi du lịch đa chốn thì gọi là du mục công nghệ.
Mình không rõ các bạn du mục công nghệ tự làm cho mình (tự kinh doanh, tự nuôi kênh Youtube, v..v...) hay làm dịch vụ "hầu" khách hàng? Nhưng các bạn du mục công nghệ du lịch nhiều thì sẽ tiếp xúc nhiều nền văn hóa và có thể tự tạo nhiều cơ hội việc làm, kí nhiều hợp đồng ở những quốc gia khác nhau trên thế giới, vậy cũng hay ho và đáng ngưỡng mộ lắm. Freelancer kiểu thì chỉ quanh quẩn ở Sài Gòn, thi thoảng du lịch biển lấy cảm hứng, đi đâu quá xa mình hồi hộp lo lắng không biết ở nhà Team có "chơi lầy" không, khách hàng có còn sống không?
Lê Minh Đông (trái), một trong những blog về săn vé máy bay giá rẻ lớn nhất Việt Nam cách đây 2 năm
- Có vẻ như, bạn Đông là người có lối sống gần với du mục công nghệ nhất khi đi ra ngoài đường suốt ngày, luôn luôn được đi du lịch. Đặc biệt là các chuyến hành hương Ấn Độ, vậy bạn nghĩ gì về lối sống của mình?
Đông: Thật ra mình muốn ổn định, muốn một cuộc sống ổn định, được làm điều mình thích. Đối với mình, tiền bạc là vấn đề chưa biết bao nhiêu là đủ, vì chưa bao giờ có dư dả, và chưa bao giờ chịu cảnh túng thiếu. Chuyện đi hành hương Ấn Độ là vì mình thường làm Tour Du lịch Ấn Độ nên phải đi tìm hiểu nhiều. Mình không phải là người duy tâm, nhưng việc di chuyển nhiều sang Ấn Độ giúp mình hiểu thêm về các vấn đề duy tâm, và mình cũng tìm ra được chặng đường tâm linh của đời mình.
Trong tương lai, mình sẽ hạn chế di chuyển lại, do phải dành thời gian cho gia đình. Nếu xây dựng một gia đình nhỏ thì bắt buộc là không thể làm du mục như anh nói rồi (cười).
- Cũng câu hỏi này, dành cho bạn Mika: bạn nghĩ sao về lối sống du mục công nghệ?
Mika: Lý tưởng của du mục công nghệ là vừa làm việc vừa "hưởng thụ" cuộc sống vui vẻ. Lý tưởng này khá kén người, phải thuộc tuýp người "nhà anh không có gì ngoài điều kiện" mới có thể làm việc theo kiểu này được. Nếu mình có điều kiện, mình cũng không chọn cách sống của du mục công nghệ vì nó không hợp với tuýp người thực tế và có mục tiêu rõ ràng.
- Vậy mục tiêu của Mika là gì?
Mika: TIỀN! TIỀN & TIỀN. Vì rủi ro của du mục công nghệ rất lớn, trước khi thành một du mục công nghệ "triệu đô" thì phải đầu tư tiền bạc công sức khá nhiều, không thể vừa bắt đầu tập tành làm du mục công nghệ đã thành công.
- Giả sử 2 bạn thật sự chọn lối sống "nay đây mai đó" thì gia đình sẽ phản ứng như thế nào?
Đông: Đi nhiều như vậy thì dĩ nhiên là gia đình cũng nói chứ, nhưng riết rồi mình quen rồi. Còn chuyện tình cảm thì xin không tiết lộ, nhưng dĩ nhiên là rất ổn định.
Mika: Mình nghĩ gia đình chỉ yêu cầu mình tự chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình, "có sức chơi có sức chịu", đừng gây ảnh hưởng phiền hà đến gia đình là được. Dù gì hiện tại mình cũng đã là Freelancer, mình "tiến hóa" thành du mục công nghệ chắc gia đình cũng sẽ không có gì ngạc nhiên.
- Hỏi riêng Mika, nếu vậy bạn không sợ "ế" sao?
Mika: Nói thảo mai một chút thì mình chọn "ế" trong 2 năm nữa, để tiền nhiều đến mức không có chỗ chứa!
Mình vẫn tiếp tục củng cố Team, sẽ tuyển thêm người nếu số lượng dự án về nhiều hơn vào năm sau. Tạm thời mình chỉ có thể tiết lộ đến đây thôi, nói trước nhiều quá sẽ bước không qua. Nếu các bạn muốn biết thêm gì về cuộc sống của Freelancer "thuần chủng" thì có thể liên lạc với mình qua Facebook.
Mika, một freelancer có tên tuổi trong lĩnh vực Content Marketing
- Còn Đông, giả sử như là bạn, bạn có khuyến khích các bạn trẻ xem tính cách du mục của bạn là một hướng đi mới cho cuộc sống không? Chủ nghĩa xê dịch?
Đông: Mình không dám và không có quyền áp đặt cuộc sống của người khác, do công việc và thời gian mình phù hợp với việc đi chơi thì mình cứ đi thôi, các bạn trẻ nên thử liều, đừng ảnh hưởng nhiều quá đến mạng sống của mình và người khác là được, YOLO!
Một năm mình kiếm dc 1 vụ đủ để chi trả cho lúc túng thiếu, năm nào cũng thế đều như vắt chanh, làm nhiều phá nhiều, làm ít phá ít. tiêu tiền cũng rất có kiểm soát nên hiếm khi túng thiếu. Cho đến hiện tại, cuộc sống của mình có thể xem là hạnh phúc vì muốn gì được đó, nhưng kể từ lúc tin vào nhân quả, mình vẫn thấy mình còn thiếu hiểu biết. Và như đã nói ở trên, ở Việt Nam, chúng ta không dễ để có thể sống ngược lại những quy luật cuộc sống. Rồi cũng phải ổn định, lấy vợ, sinh con...
Cho đến bây giờ, lối sống này chưa tạo ra cho mình sai lầm gì nghiêm trọng, vì "vạn sự tùy duyên" mà! Nên có những sai lầm nhỏ để biết dừng lại và rẽ sang 1 hướng khác. Có điều là cha mẹ hay "chê" là suốt ngày lông bông, yêu thì toàn yêu xa, hơn tuổi, bạn bè lại toàn xăm trổ (cười lớn).
- Nói riêng với bạn Mika về vấn đề Freelancer, thay lời kết cho bài phỏng vấn thú vị này, tôi cũng từng là Freelancer, cũng từng du mục làm việc khắp mọi nơi, theo Mika, Freelancer thường sẽ phải chịu những áp lực gì?
Mới đầu gia đình cũng phản đối rất "căng", phụ huynh nào cũng muốn con cái vào làm công ty để nhận mức lương ổn định hàng tháng cả mà. Nhưng tính mình bướng và lì nên em quyết định bất chấp theo đuổi lựa chọn của mình.
Chắc em lì lợm quá, gia đình nói mãi không nghe nên cũng "bơ" em luôn, không can thiệp vào lựa chọn của em nữa. Ban đầu dự án về không đều, em cũng gặp nhiều khó khăn và áp lực. Nhưng bây giờ mọi thứ ổn hơn, dự án về đều nên việc duy trì hoạt động của Team cũng đã vào guồng.
Bạn bè thân thiết thì hiểu rõ tính cách em rồi nên không ai hó hé khuyên nhủ gì, còn động viên em nữa. Bạn bè không thân thiết chỉ xã giao thì em không quan tâm, muốn nói gì nói. Em đã đặt mục tiêu là em chỉ nhắm thắng mục tiêu thẳng tiến thôi, tâm em bất biến giữa dòng đời vạn biến.
- Xin cảm ơn các bạn!
Thúy Vy
Theo Trí Thức Trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI