Đưa giắc cắm tai nghe 3,5 mm trở lại, Google có phải đang muốn giương cao ngọn cờ chống lại Apple?

    Bảo Nam,  

    Tại sự kiện Google I/O 2019, Google đã công bố Pixel 3a và Pixel 3a XL được tích hợp giắc cắm tai nghe 3,5 mm, động thái thể hiện quyết tâm muốn "lội ngược dòng" với xu hướng tai nghe không dây của ngành công nghiệp smartphone.

    Với nhiều người dùng, sự trở lại (dù chỉ một phần) của giắc cắm tai nghe đến muộn hơn mong đợi. Tuy nhiên, so với quyết định chạy theo trào lưu tai nghe không dây đầy vội vàng của các hãng điện thoại, những công ty như Google và Huawei vẫn rất xứng đáng được khen ngợi và tuyên dương.

    Bởi việc đưa đặc điểm kỹ thuật này quay trở lại có ý nghĩa quan trọng đối với cả ngành công nghiệp sản xuất smartphone.

    Tại sao các công ty sản xuất điện thoại lại loại bỏ giắc cắm tai nghe?

    Đưa giắc cắm tai nghe 3,5 mm trở lại, Google có phải đang muốn giương cao ngọn cờ chống lại Apple? - Ảnh 1.

    Google đưa giắc cắm tai nghe 3,5 mm trở lại trên cặp đôi Pixel 3a

    Để trả lời câu hỏi này, nhiều nhà sản xuất điện thoại thông minh đã đưa ra một loạt các lý do. Phổ biến nhất trong số đó là tiết giảm kích thước và trọng lượng của sản phẩm. Tuy nhiên, nếu so sánh kỹ thông số kỹ thuật của các smartphone trước và sau khi bỏ giắc cắm tai nghe, sự chênh lệch là không hề lớn. Ví dụ như Pixel 3a mới ra mắt khi so với Pixel 3, phiên bản 3a chỉ dày hơn 0,3 mm và thậm chí còn nhẹ hơn 1g.

    Những câu trả lời khác cũng chỉ mang tính chất tượng trưng, bởi chúng được đưa ra chỉ để che dấu một sự thật là tất cả các hãng đang chạy theo trào lưu do Apple tạo ra . Mà kẻ hưởng lợi sau cùng, rốt cuộc cũng chỉ có Apple, với doanh số bán AirPods tăng vọt. Chiếc tai nghe không dây của Apple thậm chí đang là tâm điểm của văn hóa nhạc Pop đương đại.

    Các đối thủ cạnh tranh của Apple vẫn mù quáng cho rằng việc bỏ giắc cắm tai nghe là cách nhanh nhất để thành công. Trên thực tế, làm như vậy chỉ giúp ích cho Apple.

    Việc bỏ giắc cắm tai nghe 3,5 mm mang lại những ảnh hưởng gì?

    Đưa giắc cắm tai nghe 3,5 mm trở lại, Google có phải đang muốn giương cao ngọn cờ chống lại Apple? - Ảnh 2.

    Ngoài việc làm cho vấn đề âm thanh trên điện thoại thông minh trở thành một chủ đề hấp dẫn đáng để bàn luận, việc loại bỏ giắc cắm tai nghe cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành công nghiệp sản xuất smartphone. Đầu tiên là việc biến những chiếc tai nghe có dây trở thành một thứ phụ kiện không hợp thời.

    Muốn sử dụng tai nghe có dây trên những smartphone không có giắc cắm 3,5 mm, người dùng phải sử dụng Dongle. Đây là một phụ kiện kết nối rườm rà và có xu hướng lọc các tín hiệu có độ phân giải cao, làm giảm chất lượng âm thanh. Do đó, nó vô tình đánh mất ưu điểm chính của tai nghe có dây. Về mặt chức năng, nó chỉ là một trong các phụ kiện khác mà người tiêu dùng phải trang bị thêm trong thời hoàng kim của kết nối USB-C.

    Bên cạnh đó, một trong những kết quả đáng mỉa mai nhất của việc các nhà sản xuất điện thoại Android bỏ đi giắc cắm tai nghe lại là cách nó mang lại lợi ích lớn cho Apple. Theo báo cáo tài chính quý 2/2019 của Apple, danh mục thiết bị đeo của hãng đã tăng từ khoảng 3,9 tỷ USD lên 5,1 tỷ USD trong 12 tháng qua. Quỹ đạo tăng trưởng lợi nhuận này sẽ tiếp tục được củng cố với sự ra mắt của AirPods hỗ trợ sạc không dây. Nếu thiết kế mới của AirPods được công bố trong thời gian tới, điều đó sẽ càng bảo đảm thêm sự chắc chắn cho thành trì của đế chế AirPods.

    Đưa giắc cắm tai nghe 3,5 mm trở lại, Google có phải đang muốn giương cao ngọn cờ chống lại Apple? - Ảnh 3.

    Khi người tiêu dùng nói chung bị buộc phải mua tai nghe không dây, phần lớn họ sẽ bị Apple AirPods thu hút. Một nghiên cứu được thực hiện bởi Counterpoint Research cho thấy AirPods nắm giữ 60% thị trường tai nghe không dây. Jabra theo sau ở vị trí thứ hai và Samsung ở vị trí thứ ba. Huawei FreeBuds là thiết bị phổ biến thứ tám. Nên nhớ, Huawei là công ty duy nhất ngoài Apple, đã loại bỏ giắc cắm tai nghe. Không có sự xuất hiện của Google Pixel Buds hay OnePlus Bullets Wireless trong danh sách này. Số liệu trên đã đủ để nói rằng, cuộc chơi đã hoàn toàn nằm trong tay Apple.

    Jack 3,5 mm sẽ tồn tại bao lâu?

    Những người lạc quan tin rằng sự trở lại của giắc cắm tai nghe là một điều tốt. Còn trong mắt của những người bi quan, có rất nhiều lý do để họ có thể dựa vào để phản biện quan điểm trên.

    Tại sao giắc 3,5 mm vẫn có thể tồn tại?

    Đưa giắc cắm tai nghe 3,5 mm trở lại, Google có phải đang muốn giương cao ngọn cờ chống lại Apple? - Ảnh 4.

    Giắc cắm 3,5mm cho phép người dùng chọn cách để thưởng thức âm nhạc theo sở thích và những luồng dư luận yêu cầu loại bỏ nó ngược lại chỉ củng cố quan niệm rằng nên giữ lại đặc điểm mang tính tiêu chuẩn này. Cách đây vài năm, những nhà sản xuất smartphone đã loại bỏ nó trên thiết bị của mình đã không nhận được "trái ngọt" gì. Thay vào đó, nó lại thổi bùng lên ngọn lửa sinh lời cho bộ phận thiết bị đeo của Apple. Do đó có thể các nhà sản xuất smartphone sẽ đưa tính năng này quay trở lại.

    Ngoài ra, tai nghe nhét tai có dây đòi hỏi chi phí nghiên cứu và phát triển ít tốn kém hơn so với các tai nghe không dây. Điều này dẫn đến việc các sản phẩm này có giá cả phải chăng hơn cho người tiêu dùng, cũng như có thể mang lại số lượng bán ra lớn hơn. Nếu so sánh, chắc chắn giá trị bán lẻ của tai nghe nhét tai có dây so với không dây nhỏ hơn, nhưng tỷ suất lợi nhuận mang lại có thể không quá chênh lệch. Từ góc độ kinh doanh, đây có vẻ như là sự kết hợp của nhiều ưu điểm: nhiều đơn vị bán ra hơn, giá rẻ hơn và khách hàng hạnh phúc hơn.

    Tại sao giắc 3,5 mm có thể biến mất một lần nữa?

    Đưa giắc cắm tai nghe 3,5 mm trở lại, Google có phải đang muốn giương cao ngọn cờ chống lại Apple? - Ảnh 5.

    Thẳng thắn mà nói, việc chạy theo một công ty sáng tạo dễ dàng hơn nhiều so với việc trở thành một công ty sáng tạo. Nếu Apple tiếp tục thành công trong mảng âm thanh di động, các công ty khác có thể sẽ trở nên tuyệt vọng. Các CEO của những công ty này có thể cảm thấy cách duy nhất để sống chung với Apple là đi theo sau Apple. Tuy nhiên, rõ ràng nhiều người đã nhận ra rằng mọi thứ không vận hành theo cách đó. Nếu có, những số liệu nghiên cứu của Counterpoint Research đã kể một câu chuyện khác.

    Bên cạnh đó, các nhà sản xuất smartphone Android có thể sẽ tìm cách thỏa hiệp thông qua một công cụ như Adapter Accessory Mode. Đây là một giao thức cho phép cổng USB-C truyền tín hiệu analog audio trực tiếp đến thiết bị phụ kiện giống như giắc 3,5mm. Tuy nhiên hiên tại, việc thiếu tiêu chuẩn chung xung quanh Adapter Accessory Mode đang gây ra các vấn đề khó khăn trong việc tương thích. Nhưng một khi nó được khắc phục, việc loại bỏ giắc cắm tai nghe có vẻ sẽ hợp lý hơn đối với người nghe.

    Trên thực tế, chỉ có thời gian mới có thể trả lời cho câu hỏi liệu giắc cắm tai nghe có thể tồn tại trên smartphone được hay không. Còn bây giờ, nó vẫn rất đáng để người dùng thưởng thức. Bởi ít nhất, điều đó vẫn tốt cho các trải nghiệm âm thanh cũng như ví tiền của bạn.

    Tham khảo Android Authority

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ