Đứa trẻ có ba bố mẹ, trong đó có 2 người vô sinh đầu tiên trên thế giới ra đời

    Lê Tuấn Anh,  

    Các bác sĩ ở Ukraine đã công bố đứa trẻ có ba bố mẹ đầu tiên trên thế giới, được sinh từ một cặp vợ chồng hiếm muộn.

    Đứa trẻ chào đời ngày 5 tháng 1 vừa qua. Đây là kết quả của kỹ thuật y tế mới cho phép thụ thai với nguồn DNA từ ba người. Mặc dù quá trình này vẫn còn gây tranh cãi nhưng được chấp nhận ở Anh như một cách để tránh các bệnh di truyền. Đây là lần đầu tiên kỹ thuật này được sử dụng trong điều trị vô sinh.

    Một nhóm nghiên cứu do nhà nghiên cứu Valery Zukin dẫn đầu, tại Viện Nadiya (Kiev) đã giúp cha mẹ của em bé thụ thai bằng một kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm (IVF) đặc biệt gọi là “pronuclear transfer”. Người mẹ đã cố gắng thụ thai suốt 10 năm, và đã trải qua bốn lần IVF thông thường thất bại. Trong những lần thất bại đó, phôi đã thụ tinh thành công nhưng ngừng phát triển trước khi chúng được đưa vào tử cung người mẹ.

    Để giải quyết vấn đề này, Zukin và nhóm của mình đã thụ tinh trứng của người mẹ với tinh trùng của người bố, sau đó chuyển phần nhân này vào tế bào chất từ trứng của một người nữ khác. Sau đó phôi này được cấy vào tử cung của người mẹ. Kết quả là đứa trẻ mang đặc tính di truyền của cả cha lẫn mẹ, cùng với DNA ti thể (một bào quan trong tế bào) từ người nữ cho phôi. Zukin cho biết: "Điều đó như việc mở ra một kỷ nguyên mới".

    Kỹ thuật thụ tinh nhân tạo đem niềm vui làm cha mẹ đến nhiều người trên thế giới
    Kỹ thuật thụ tinh nhân tạo đem niềm vui làm cha mẹ đến nhiều người trên thế giới

    Việc hiến tặng ti thể, trong đó bao gồm kỹ thuật “pronuclear transfer”, đã được hợp pháp hóa tại Anh vào năm 2015. Kỹ thuật này có thể sử dụng khi DNA ty thể của người mẹ không bình thường và có thể dẫn đến đứa con mắc các bệnh di truyền.

    Vào năm ngoái, kỹ thuật này đã được sử dụng lần đầu tiên để tạo ra một đứa bé có ba ba mẹ ở Mexico. Trong trường hợp đó, người mẹ mắc bệnh Leigh, một rối loạn di truyền ảnh hưởng đến hệ thần kinh, và cô di truyền bệnh cho con qua DNA ty thể của chính mình.

    Nhưng việc sử dụng kỹ thuật này trong điều trị vô sinh còn gây tranh cãi, với các vấn đề về an toàn, khả năng được thực hiện “chui” và phòng khám không được kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên cả Ukraine, cũng như Mexico hiện không có quy định cấm đối với kỹ thuật này.

    Hiện tại, nhóm của Zukin đang tiến hành các xét nghiệm di truyền trên các em bé sinh ra (bằng kỹ thuật IVF) tại Kiev, và chúng hoàn toàn bình thường. Zukin cũng đang chờ đón sự ra đời của một đứa trẻ có ba bố mẹ, sẽ chào đời vào khoảng tháng ba, từ một bệnh nhân nữ vô sinh bảy năm.

    Trong khi kỹ thuật “pronuclear transfer” có thể đem lại hy vọng cho hàng triệu người muốn trở thành cha mẹ trên toàn thế giới, các nhà khoa học vẫn còn nhiều hoài nghi. Chủ tịch của British Fertility Society, Adam Balen cho biết: "Chúng tôi sẽ rất thận trọng về việc áp dụng phương pháp pronuclear transfer để cải thiện kết quả thụ tinh ống nghiệm."

    Theo Science Alert

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ