Dựa vào smartphone của BQ, "đoán mò" được gì về smartphone Việt của Vingroup?
Đối tác mới ký thỏa thuận hợp tác cùng VinGroup để phát triển smartphone VSmart đã có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực sản xuất smartphone. Liệu Vsmart có thể học hỏi được điều gì?
Như vậy, chỉ 3 tuần sau khi công bố sản xuất smartphone thương hiệu Việt, VinSmart – công ty trực thuộc VinGroup – đã có bước tiến đầu tiên trên hành trình dài của mình. Ngày 5/7, VinSmart ký hợp đồng hợp tác toàn diện với thương hiệu BQ của Tây Ban Nha.
Với hợp đồng này, VinSmart sẽ nắm “bản quyền sở hữu trí tuệ” nhằm phát triển 2 dòng smartphone Vsmart, một cao cấp và một bình dân. Thông tin công bố cho biết VinSmart sẽ khai thác các thế mạnh của BQ ở hầu hết các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất các thiết bị điện tử thông minh từ thiết kế, nghiên cứu và phát triển sản phẩm đến sản xuất.
Thế mạnh của BQ
Cần phải chỉ ra rằng các điều khoản hợp đồng là quá “chung chung” để đưa ra dự đoán về Vsmart từ ngay bây giờ. Theo nhận định của chúng tôi, các chi tiết được công bố ở đây có thể được dùng để nói về mối quan hệ của rất nhiều các hãng smartphone với đối tác cung cấp dịch vụ/công nghệ hay đối tác lắp ráp, ví dụ như giữa Apple với Foxconn chẳng hạn.
Sản phẩm "đỉnh" nhất của BQ, mới ra mắt tháng 5 vừa qua.
Tuy vậy, trong tình huống VinSmart muốn khai thác tối đa thế mạnh truyền thống của BQ để tạo ra Vsmart, các mẫu smartphone Việt của tương lai sẽ có thiết kế như thế nào?
Hãy cùng nhìn qua một số dòng sản phẩm đình đám của BQ. Đầu tiên là 2 mẫu smartphone mới được BQ ra mắt trong tháng 5 vừa qua, Aquaris X2 và Aquaris X2 Pro. 2 sản phẩm này đều có mức giá tầm trung: 310 – 390 Euro, tức khoảng 10 triệu đồng (tuy con số này khá đắt nếu quy đổi ra Việt Nam nhưng cần phải nhớ rằng giá cả ở châu Âu luôn vô cùng đắt đỏ so với thế giới. Ví dụ, iPhone X bản mở khóa có giá 1150 Euro tại Đức).
Chip Snapdragon 660, camera kép, màn hình 2:1 và không có tai thỏ: không quá tệ cho một chiếc smartphone tầm trung của năm 2018.
Về mặt cấu hình, Aquaris X2 có Snapdragon 636, 2 tùy chọn 3GB RAM/32GB bộ nhớ và 4GB RAM/64GB. Phiên bản cao cấp hơn, X2 Pro, có Snapdragon 660 và 2 tùy chọn 4GB/64GB cùng 6GB/64GB. Cả 2 mẫu đều có màn hình 5.65 inch độ phân giải FHD (có cường lực Gorilla) và pin 3100 mAh.
BQ cũng có một sản phẩm giá rẻ hơn thuộc các dòng Aquarius V và U. Phiên bản mới nhất của các dòng giá rẻ này đều đang sử dụng chip Snapdragon 435 và màn hình 5.2 inch.
Sẽ tập trung vào tầm trung?
Dựa vào các thông tin chung về các sản phẩm BQ hiện tại, có thể thấy rằng hãng smartphone này tập trung nhiều hơn vào điện thoại giá rẻ và tầm trung. BQ có vẻ nắm bắt rất rõ tâm lý của người dùng các phân khúc này khi luôn trang bị màn hình lớn, vỏ kim loại, pin lớn và camera nhiều “chấm” cho các sản phẩm của mình. Nếu VinSmart muốn dùng thế mạnh sẵn có của BQ, chắc chắn thương hiệu smartphone của VinGroup sẽ tạo ra một đối thủ đáng gờm để đối chọi với OPPO và Samsung trên phân khúc giá dễ chịu tại Việt Nam.
Qua một nửa thập kỷ làm smartphone, BQ chắc chắn cũng đã xây dựng được nhiều mối quan hệ với các nhà cung ứng, trong đó chắc chắn có Qualcomm (BQ hiện tại chỉ dùng duy nhất chip Qualcomm). Đặc biệt, BQ đang là đối tác của Google. Nếu VinSmart có thể tận dụng được mối quan hệ "chéo" này, người dùng Việt hoàn toàn có thể chờ đợi một chiếc Vsmart cao cấp và một chiếc Vsmart tầm trung cùng chạy ROM "thuần" thay vì ROM "học hỏi" iOS như BPhone.
BQ là đối tác Android One từ 2016.
Tuy vậy, cần phải nhắc lại một lần nữa rằng các điều khoản rất rộng của thương vụ hợp tác giữa VinSmart và BQ không thể dùng để tạo ra một bức chân dung rõ nét về Vsmart, đặc biệt là khi vai trò của BQ chưa được làm rõ. Bên cạnh smartphone, BQ cũng có một số mảng kinh doanh khác có thể đóng vai trò quan trọng với các nỗ lực hi-tech của VinSmart như in 3D hoặc máy học (AI cũng là một trong những lĩnh vực được nhắc tới trong tuyên bố thành lập của VinSmart).
Tất cả những lĩnh vực thú vị này sẽ đóng góp ra sao vào Vsmart? BQ sẽ có vai trò chất xám đến đâu với smartphone đầu tay của VinGroup? Hãy cùng chờ xem.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"