Dùng app ghi chép chi tiêu tiền xăng với xe đạp: "Đong lọ nước mắm đếm củ dưa hành" hay biểu hiện của lý trí?
Ghi chép chi tiêu tiền xăng với xe đạp: "đong lọ nước mắm đếm củ dưa hành" hay biểu hiện của lý trí?
Nhiều người thường hay lầm lẫn giữa "tiết kiệm" và "hà tiện" nên rất dị ứng với việc ai đó hay để ý chặt chẽ đến vấn đề chi tiêu.
Sau bài viết về so sánh tiền xăng tiết kiệm được với tiền mua xe đạp, chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến về hành động ghi chép chi tiêu tỉ mỉ từng lần đổ xăng trong hơn 3 năm trời như một hiện tượng lạ, hiếm gặp.
Có người chỉ trích rằng như vậy là quá chi li, sẽ làm khổ vợ con, là "đong lọ nước mắm đếm củ dưa hành", trong khi người khác lại nhận thấy dường như đây là biểu hiện của tư duy và cách làm logic trong chi tiêu. Vậy người trong cuộc lý giải như thế nào?
Thực tế sử dụng ứng dụng quản lý chi tiêu
2 vợ chồng tôi độc lập về kinh tế, tức là tiền của ai thì người đó tiêu: vợ không bao giờ hỏi thu nhập của chồng và ngược lại, chồng cũng không kiểm soát chi tiêu của vợ. Bình thường thì chồng sẽ trả các phí sinh hoạt, điện nước, đóng học phí cho con, mua sắm các đồ dùng để sửa chữa nhà cửa... Trong khi đó, vợ mua quần áo cho cả nhà, lo chuyện thức ăn bếp núc, sách vở, đồ chơi cho con... Tất nhiên là không phải phân định rạch ròi một cách cứng nhắc, bởi nhiều khi đi chơi, đi siêu thị mua sắm, tạt té đi chợ mua mớ rau, cân thịt theo lời dặn… ai tiện thì người đó sẽ trả.
Mỗi người đều có khoản tích cóp (tiết kiệm) riêng, đến khi cần sử dụng món gì lớn thì sẽ đem ra dùng chung. Chúng tôi kết hôn sắp được 9 năm, và trong suốt thời gian này cả hai đều cảm thấy thoải mái với cách sống như vậy.
Kể dài dòng là để các bạn hình dung được rằng: phần chi tiêu mà tôi kiểm soát và quản lý là chỉ của riêng tôi mà thôi - hoàn toàn không liên quan gì đến người còn lại.
Lấy ví dụ tháng 7 này – mới được 1 tuần trôi qua nhưng các bạn có nhớ mình đã chi bao nhiêu, mua những thứ gì không? Về phần tôi, với trí nhớ không lấy gì làm xuất sắc của mình (khi ngay cả bữa tối qua ăn gì còn chẳng thể nhớ nổi) thì làm sao tôi có thể giải trình đã tiêu pha những gì mà hết tận hơn 5 triệu?
Ấy vậy mà, nhờ tập được thói quen sử dụng ứng dụng ghi chép, tôi có thể kiểm tra lại xem mình đã mua cái gì, khi nào và xem ra mục nào cũng đều hợp lý cả!
Cũng có những khi tôi chưa kịp ghi lại khoản chi, đến một vài hôm sau thì lại chẳng còn nhớ nữa. Bên cạnh đó, tôi lại không tận dụng được hết các tính năng của ứng dụng quản lý chi tiêu, bởi tôi chỉ ghi lại theo thói quen và để tiện tra cứu, thống kê chứ chẳng bao giờ mở ra xem lại rồi suy nghĩ xem mình cần phải giảm chỗ này, bớt chỗ kia cả.
Tại sao lại sinh ra những ứng dụng "đong lọ nước mắm đếm củ dưa hành" này?
Chỉ cần gõ từ khóa "money saver app" là ra cả núi kết quả cùng những gợi ý tìm kiếm tương tự như "ứng dụng quản lý chi tiêu nào tốt nhất", "làm sao để nhanh chóng tiết kiệm được tiền"… Trên thế giới, các ứng dụng quản lý chi tiêu không phải là mới, bởi với không ít người (đặc biệt là giới trẻ) thì việc quản lý chi tiêu thực sự là một điều rất khó khăn.
Việc vung tay quá trán khiến họ thường xuyên rơi vào tình trạng "viêm màng túi", và dù có cố gắng cày cuốc nhưng vẫn không có được khoản tài chính tích lũy nào đáng kể. Thậm chí, nhiều người còn không biết tiền của mình đã chi tiêu vào việc gì? Đâu là khoản chi cần thiết và đâu là khoản chi vô bổ?
Do đó, các ứng dụng quản lý chi tiêu đã ra đời để giải quyết vấn đề này. Nhiều người cho rằng, nhờ sử dụng các ứng dụng quản lý chi tiêu mà họ nhận ra vì sao mình làm việc quanh năm suốt tháng nhưng vẫn không dôi dư được đồng nào.
Một ứng dụng quản lý chi tiêu sẽ giúp bạn thống kê các khoản chi tiêu từ nhỏ đến lớn, từ đó có cái nhìn toàn cảnh về cách dùng tiền của mình để điều chỉnh và cơ cấu lại chi phí hàng tháng sao cho hợp lý. Nhiều ứng dụng còn cho phép người dùng cài đặt cảnh báo khi sắp chạm ngưỡng "lạm chi" hoặc có tính năng chia hóa đơn – rất tiện lợi khi các bạn đi chơi nhóm và cần phải chia tiền.
Nếu như ngày xưa chúng ta phải mang theo một cuốn sổ nhỏ bên mình để ghi chép lại những món mua sắm thì bây giờ các ứng dụng này được cài đặt trên điện thoại, từ đó chúng ta có thể dễ dàng cập nhật thông tin ở mọi nơi, mọi lúc.
Chỉ cần vượt qua được ngưỡng "hay quên, lười ghi" lúc ban đầu thì sau một thời gian sử dụng ứng dụng quản lý thu chi, chắc chắn các bạn sẽ rèn được thói quen chi tiêu khoa học.
Tổng kết
Nhiều người thường hay lầm lẫn giữa "tiết kiệm" và "hà tiện" nên rất dị ứng với việc ai đó hay để ý chặt chẽ đến vấn đề chi tiêu, trong khi đúng ra thì mỗi đồng tiền làm ra đều là từ mồ hôi nước mắt, và việc quản lý chúng chặt chẽ cũng như lập kế hoạch sử dụng hợp lý là điều nên làm và cần làm.
Cá nhân tôi cho rằng: tiết kiệm không phải là xấu, chỉ khi nào hà tiện quá mức để gây ảnh hưởng tới người thân thì mới là đáng trách. Mục đích của các ứng dụng quản lý chi tiêu giúp chúng ta cân đối tài chính và chi tiêu thông minh, còn ứng dụng nó như thế nào là tùy vào người dùng.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI