Đừng để nỗi sợ khiến chúng ta chùn bước trong nhiếp ảnh
"Có điều gì buồn hơn là tác phẩm mình còn dang dở? Có đấy, đó là khi tác phẩm của bạn còn chưa có sự bắt đầu." - Christina Rossetti.
*Bài viết chia sẻ quan điểm của nhiếp ảnh gia nổi tiếng Anthony Epes, các tác phẩm của anh từng được giới thiệu ở BBC, tạp chí French Photo Magazine, Atlas Obscura và CNN.
Cách đây vài năm, tôi từng xách máy đi dạo khu Đông Luân Đôn từ lúc bình minh để chụp cho sách của mình. Và khi bước ngang qua 1 tiệm bán thịt, tôi đã phải thốt lên trong lòng "Tuyệt vời!". Chụp ảnh con người vào lúc bình minh thường khá là khó bởi đây là thời điểm vắng vẻ cũng như có thể đối tượng lúc đó cũng chẳng có hoạt động nào đủ gây ấn tượng.
Tuy nhiên khung cảnh mà tôi bắt gặp hôm ấy khá tốt. Cá nhân tôi thích sắc xanh vào buổi sớm hắt lên các tòa nhà, kèm theo đó là ánh đèn vàng trong cửa tiệm lại khiến cho khung cảnh lúc ấy có độ tương phản rất hay. "Đây quả thật là sự kết hợp tuyệt vời", tôi tự nhủ.
Giơ máy lên, chụp ngay một bức, tuy nhiên tôi lại không mấy hài lòng do vị trí đứng lúc này không đẹp cho lắm.
Chẳng lâu sau, tôi chợt bất ngờ khi thấy người bán thịt đã phát hiện ra mình. Đoán xem lúc đấy tôi đã làm gì? Tôi đã đi tiếp các bạn ạ! Lúc đấy thân thể tôi hoàn toàn bị nỗi sợ chiếm lấy và buộc phải rời khỏi khu vực mà mình vừa có ý định chụp cách đó vài phút.
"Chúng ta phải trả giá đắt vì sợ thất bại. Đây là một trở ngại cực lớn khiến mọi thứ bị trì trệ. Chính sự sợ hãi sẽ khiến chúng ta tự thu hẹp bản thân, không muốn thám hiểm và trải nghiệm nữa" - John W Gardner.
Thành thật mà nói, tôi rất ngạc nhiên với việc vì sao tôi lại sợ hãi đến vậy. Tôi đã có nhiều năm chụp ảnh người lạ, nhưng đôi khi nỗi sợ ấy lại xuất hiện và lại có khi bạn không thể vượt qua được. Tất nhiên, cả những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp cũng không nằm ngoại lệ.
Nhưng bạn biết không, chuyện đấy rất bình thường. Với tôi cách tốt nhất là phải chấp nhận nỗi sợ ấy, cứ như thể những đám mây xuất hiện trên bầu trời Luân Đôn, bay đến, tạo mưa rồi lại biến mất. Điều tồi tệ có thể xảy đến là nó khiến tôi không dám chụp ảnh - hoặc trong trường hợp kể trên, nó làm tôi không muốn quay lại chỗ đó và chụp ảnh.
Nỗi sợ hãi là một khái niệm (concept) thú vị. Tôi thích xem nó như là một khái niệm bởi tôi càng đẩy cảm xúc của mình tránh xa khỏi nó, thì tỉ lệ nó chiếm lấy tôi càng thấp. Một chút sợ sệt và một chút lo lắng lại có thể trở thành chất xúc tác để bạn làm nên việc.
Sợ hãi có thể giúp bạn có thêm động lực, đồng thời cũng cảnh giác hơn và tránh gặp phải những xử lý theo kiểu quán tính - vốn là thứ có thể giết chết tính sáng tạo của bạn. Tuy nhiên, nếu nỗi sợ trở nên quá lớn, nó sẽ triệt tiêu sự sáng tạo và trường hợp này tôi thấy thường xuyên trong các buổi workshop mà tôi tổ chức.
Là con người thích sáng tạo, chúng ta thường tìm kiếm mọi cách để tác phẩm của mình luôn được tốt hơn. Tôi tin rằng nỗi sợ hãi (vốn có nhiều kiểu khác nhau) luôn là rào cản chính khiến con đường phát triển trong nhiếp ảnh của mỗi chúng ta bị trì trệ. Nó không chỉ làm bạn ngại ngùng không dám chụp người lạ, mà bên cạnh đó còn ngăn cản bạn thúc đẩy tính sáng tạo đi xa. Và nếu tệ hơn, bạn sẽ chẳng thể hình dung mình có thể làm gì được trong nhiếp ảnh.
Tôi thấy nỗi sợ hãi bên trong học trò của tôi khá nhiều và họ thường bất ngờ khi tôi nói rằng đa phần con người đều trải qua nỗi sợ khi họ đang chụp ảnh. Với học trò của tôi, nỗi sợ hãi thường có những kiểu như sau:
- Không quanh quẩn khu vực muốn chụp đủ lâu.
- Cảm thấy e dè, bồn chồn khi chụp người lạ. Thế nên thay vì xuất hiện và ghi lại đúng khoảnh khắc, "tâm" của bạn lúc này lại "động" quá nhiều và lăn tăn liệu những con người xung quanh nghĩ gì khi bạn chụp họ hoặc thậm chí bị những yếu tố bên ngoài khung ảnh làm phân tâm.
- Không chụp những bức ảnh mà bạn thực sự muốn chụp vì nỗi sợ đã bao trùm lấy bạn.
- Đúng nhân vật, đúng khoảnh khắc thì lại không chụp.
"Câu hỏi thật sự được đặt ra, không phải tính sáng tạo có khiến nỗi sợ hãi xuất hiện hay không, mà là chúng ta cần phải làm gì khi nó xuất hiện..." - Oliver Burkeman.
Và đây là cách tôi khống chế được sự sợ hãi của mình:
Hãy kiên nhẫn. Sợ hãi chỉ là cảm giác mà thôi. Đừng cố chống đối lại nó. Hãy để nó "trồi lên", đến thật tự nhiên rồi nó sẽ rời đi. Đừng cố làm mọi thứ tồi tệ hơn khi bạn bắt đầu nhồi nhét nhưng suy nghĩ về nỗi sợ bên trong mình. Lúc này mà suy nghĩ lung tung về nó thì chẳng khác nào thêm dầu vào lửa, hãy để ngọn lửa ấy tự cháy và rồi tự tàn.
Chấp nhận nó là một phần của sự sáng tạo. Đặt chính mình ra giữa thế giới, cầm chiếc máy ảnh và loay hoay với các hoạt động/con người xung quanh cả ngày đôi khi sẽ khiến bạn cảm thấy không thoải mái cho lắm. Tuy nhiên, nếu bạn thấy mình không thoải mái, thực ra là đã đi đúng đường rồi đấy, đó là dấu hiệu cho thấy bạn đã bước ra khỏi vùng an toàn, bạn đang bước vào cánh cửa mới và hoàn toàn khác lạ.
"Không có gì là sai nếu bạn sợ hãi; lỗi lầm duy nhất là bạn để nó cản đường bạn đến thành công. Trong trận đấu, một cầu thủ bóng rổ khi được một quả ném phạt, anh ta hay có thói quen chạm tay vào vớ, vào quần, nhận trái bóng, nhồi nó đúng 3 lần và sau đó sẵn sàng giơ lên rồi ném - đây là thứ anh ta đã làm hàng trăm lần mỗi ngày trong lúc tập. Bằng cách tạo ra những chuỗi hành vi tự động, anh ta đã khiến cho sự nghi ngờ và nỗi sợ "nép" sang một bên, thay vào đó là sự thoải mái và thói quen xuất hiện." - Twyla Tharp.
Hãy chấp nhận rằng tâm muốn "tĩnh" hoàn toàn là điều bất khả thi. Những ý nghĩ trong đầu đến rồi đi, đó là thứ sẽ xảy ra dù bạn có muốn hay không. Thế nên lựa chọn duy nhất bạn cần làm lúc ấy là phớt lờ những ý nghĩ, tập trung vào những gì bạn thấy trước mắt để chụp mà thôi.
- Không gấp gáp.
- Đừng suy nghĩ quá nhiều.
- Đừng thắc mắc bạn đang đi đến đâu.
Thay vào đó, hãy:
- Lắng nghe âm thanh quanh bạn.
- Tìm ánh sáng.
- Bỏ thêm thời gian gấp 3 lần so với trước đây bạn đã từng, khoan hãy di chuyển sang khu vực khác vội.
- Hãy tưởng tượng bạn đang trôi theo dòng xoáy xung quanh, giống như một đứa trẻ đang nhìn thế giới với con mắt hồn nhiên, chăm chăm vào những sự vật mà nó thích và cảm thụ những sự vật ấy hoàn toàn cho đến khi bạn sẵn sàng chuyển hóa nó sang một cấp độ cao hơn - ghi lại hình ảnh bằng chiếc máy của mình.
- Cố gắng nhìn bao quát toàn cảnh.
- Đừng nghĩ đến chuyện chụp thế nào, mà hãy nghĩ về việc bạn nhìn mọi thứ thế nào.
- Nếu đang ngờ vực bản thân, hãy bình tĩnh và chững lại.
- Và có lẽ, thứ quan trọng nhất chính là hãy vui vẻ (nên nhớ rằng bạn yêu thích bộ môn nhiếp ảnh đến nhường nào mà, đúng không?)
Nhiếp ảnh, với tôi nó không phải là danh sách dài dằng dặc các kỹ năng chụp ảnh hay một loạt thiết bị mà chúng ta cần phải trang bị. Nó cũng chẳng đòi hỏi ta phải tới những nơi quá cầu kỳ để chụp ảnh. Càng gỡ bớt những sợi dây rối rắm che mờ tầm mắt, bạn càng thấy được những thứ đơn sơ, nguyên thủy nhưng không kém phần ấn tượng khiến người khác phải "WOW!".
Và lời cuối dành cho bạn: nếu bạn đang vật vã với cơn sợ hãi, và bạn không biết mình có nên vượt qua nó hay không, vậy thì tôi muốn nhắc bạn nhớ điều này:
"Có điều gì buồn hơn là tác phẩm mình còn dang dở? Có đấy, đó là khi tác phẩm của bạn còn chưa có sự bắt đầu." - Christina Rossetti.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI