Từ trước tới nay, khái niệm “đĩa lậu, ăn cắp bản quyền” vốn luôn mang nghĩa xấu đối với tất cả những nhà phát triển game cũng như các cơ quan chức năng quản lý vấn đề này. Thế nhưng, thống kê thú vị mới đây tại Anh lại cho thấy chỉ có 10% các nhà phát triển game coi vấn đề ăn cắp bản quyền thực sự là một mối nguy hại cho nghề nghiệp của họ.
Trong khi đó có tới 60% cho rằng đây chỉ là vấn đề nhỏ nhặt và 30% còn lại đồng ý rằng đĩa lậu có ảnh hưởng không tốt đến việc kinh doanh game. Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu đĩa lậu và nạn ăn cắp bản quyền có thực sự xấu xa như người ta vẫn thường lên án?
Đĩa lậu còn được bày bán hết sức công khai tại nhiều nước.
Một thực tế không thể phủ nhận rằng số lượng đĩa lậu, đầu game không dán mác “bản quyền” trên thị trường hiện nay không hề có dấu hiệu thuyên giảm. Theo ước tính, mỗi năm số lượng đầu game không bản quyền đã “tàn phá” nền công nghiệp game khoảng 3 tỷ USD và con số này ngày một tăng lên với tốc độ đáng bàn. Phải chăng kinh tế của game thủ hiện giờ không đủ để chi trả cho tiền phí chơi game một cách “chính thống”?
Thưc tế không phải vậy vì xét về mặt bằng chung, việc mua được một tựa game có bản quyền không phải là một vấn đề lớn đối với giới game thủ ngày nay. Chỉ có điều, đa phần người chơi game cho rằng số lượng đầu game hay hiện nay là rất nhiều, họ không thể bỏ tiền ra cho toàn bộ lượng game đó mà phải tính toán kỹ khi bỏ tiền ra cho một đầu game có bản quyền.
Nạn đĩa lậu của ngành phim ảnh cũng đã đến lúc chào thua ngành game.
Họ không thể bỏ một số tiền không ít chỉ để mua một tựa game không mấy tên tuổi và rồi ngậm ngùi xóa nó đi sau khi chơi vài tiếng. Do đó, game lậu được đưa ra như một giải pháp nhằm cứu vãn tình cảnh “muôn trùng món ăn, chẳng biết ngon hay dở”. Sau khi thưởng thức tựa game nào đó thông qua đĩa lậu, họ hoàn toàn có thể xem xét và bỏ tiền ra mua bản chính thức.
Chủ tịch Liên minh PC Gaming, ngài Randy Stude thậm chí còn thừa nhận nạn ăn cắp bản quyền, nếu chỉ tồn tại trong thời gian ngắn ban đầu thì còn thực sự cứu giúp cả nền công nghiệp game hiện nay. Lý giải của ngài Stude cũng xoay quanh những vấn đề của game thủ đã được nêu ra ở trên.
Tích hợp công cụ quản lý kỹ thuật số DRM vào game như Spore sẽ là "ác mộng" với game thủ.
Tuy nhiên, không thể lấy lời của ngài Stude làm lời “ngụy biện” dành cho các game thủ chỉ biết có đĩa lậu. Khi quá nhiều game thủ đã “lậm” vào con đường ăn cắp bản quyền, nó đồng nghĩa với việc các nhà phát hành cũng sẽ không thể sống chung với đĩa lậu mãi được. Mới đây, chủ tịch hãng Crytek, ngài Cevat Yerli cho biết hãng sẽ không bao giờ sản xuất một tựa game độc quyền cho PC nào nữa, nhằm “hủy diệt nạn đĩa lậu”.
Chưa dừng ở đó, Peter Moore, chủ tịch EA Sports khẳng định tương lai của Madden NFL, tựa game số 1 của EA Sports hiện tại sẽ không còn nằm trên PC. Hơn bao giờ hết, chính các nhà phát hành hiểu rằng họ có thể “dung thứ” cho nạn ăn cắp bản quyền với số lượng ít và không quá bùng phát nhưng nếu mọi việc đi quá tầm kiểm soát của họ, những biện pháp mạnh sẽ được đưa ra.
Có thể xem như đây là một lời cảnh tỉnh cho giới game thủ chuyên xài “đồ chùa” bất chấp những sự bảo vệ đến từ chính những nhà phát hành đã nêu ở trên.