Dừng phát hành SIM tại đại lý từ 10/9: Nỗ lực chấm dứt tình trạng SIM không chính chủ?
Từ ngày 10/9, quy định dừng phát hành SIM tại các đại lý uỷ quyền chính thức có hiệu lực.
Ngày 10/9, quy định dừng phát hành SIM tại các đại lý uỷ quyền chính thức có hiệu lực. Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện đối soát lại với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, lọc ra 19,6 triệu thuê bao có thông tin không trùng khớp và yêu cầu 7,15 triệu thuê bao phải tiến hành chuẩn hoá thông tin. Quy định chuẩn hoá thông tin đã giúp loại bỏ 12,5 triệu thuê bao không chính chủ trên hệ thống, bước đầu chấm dứt tình trạng "SIM rác".
Nhằm xử lý dứt điểm tình trạng SIM không chính chủ, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục đưa ra phương án dừng phát hành thẻ SIM tại đại lý và hiện đã có hiệu lực kể từ hôm nay (10/9).
Được biết, thống kê từ các nhà mạng cho biết, trong 1,5 triệu SIM phát hành gần đây, có tới 80% số lượng SIM phát hành thông qua kênh đại lý uỷ quyền của nhà mạng, chỉ 10% bán trực tiếp từ nhà mạng qua các cửa hàng giao dịch và 10% qua các chuỗi gồm các hệ thống bán lẻ điện thoại lớn.
Sau khi thực hiện quy định nêu trên, các nhà mạng sẽ chuyển sang phân phối thuê bao di động thông qua chuỗi bán lẻ hoặc kênh phân phối của chính doanh nghiệp nhà mạng, thay vì uỷ quyền cho đơn vị thứ 3 để dẫn tới tình trạng SIM rác tràn lan. Giờ đây người dùng sẽ bắt buộc phải đăng ký thuê bao với thông tin CCCD chính chủ, xác thực khuôn mặt và chữ ký trước khi thực hiện hoà mạng.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc cấm phát hành SIM tại các đại lý uỷ quyền chỉ ảnh hưởng tới các loại SIM kích hoạt sẵn. Hiện tại, đa số các cừa hàng uỷ quyền nếu có kinh doanh các dịch vụ viễn thông đều sẽ yêu cầu người mua xuất trình thông tin để đăng ký chính chủ. Các cửa hàng này có tài khoản để kích hoạt SIM dựa theo giấy tờ khách hàng xuất trình, tương tự cửa hàng của nhà mạng.
Hiện nay, tình trạng SIM rác bày bán tràn lan trên thị trường phần lớn do các bên đại lý uỷ quyền sử dụng thông tin của người dân để đăng ký SIM, sau đó bán lại cho người khác, dẫn tới tình trạng SIM không chính chủ trên hệ thống.
Theo quy định, mỗi người dùng được đứng tên sở hữu không quá 3 SIM mỗi nhà mạng. Nếu khách hàng sử dụng từ số thuê bao thứ tư trở lên đối với một nhà mạng thì cần thực hiện ký bổ sung hợp đồng với nhà mạng. Tình trạng SIM rác xuất phát từ đây khi nhiều người không biết mình đã "đứng tên hộ" SIM cho một người dùng khác.
Để có thể xử lý dứt điểm tình trạng SIM rác, trong thời gian tới, bên cạnh siết chặt việc bán SIM di động, dừng bán qua các đại lý ủy quyền của nhà mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục tuyền truyền đến người dân, nâng cao trách nhiệm, không tiếp tay cho hoạt động mua bán SIM không chính chủ.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI