Dùng thiết bị tối tân để thăm dò, chiến dịch săn quái vật Loch Ness thu được âm thanh 'lạ' nhưng không ghi âm lại
Các thiết bị này bao gồm máy bay không người lái trang bị camera hồng ngoại và đầu thu sóng địa chấn đã được sử dụng trong chiến dịch tìm kiếm.
Hàng trăm tình nguyện viên đã tham gia cuộc săn lùng quái vật hồ Loch Ness huyền thoại của Scotland vào hôm thứ Bảy và Chủ nhật vừa qua, trong sự kiện được mô tả là cuộc tìm kiếm "Nessie" (biệt danh của quái vật hồ Loch Ness) lớn nhất trong hơn 50 năm qua.
Được biết, chiến dịch tìm kiếm sinh vật bí ẩn hồ Loch Ness đã sử dụng hàng loạt thiết bị khảo sát tối tân chưa từng được sử dụng trong các chiến dịch tìm kiếm trước đây, góp phần khám phá bí mật của vùng nước bí ẩn.
Các thiết bị này bao gồm máy bay không người lái trang bị camera hồng ngoại có thể thu được ảnh nhiệt dưới nước từ trên cao, từ đó phát hiện được bất kỳ hoạt động dị thường nào ở hồ. Trong khi đó đầu thu sóng địa chấn trong nước cũng sẽ được sử dụng để phát hiện các tín hiệu âm thanh dưới nước, lắng nghe bất kỳ âm thanh nào có thể được 'quái vật hồ Loch Ness' phát ra.
Các tình nguyện viên từ khắp nơi trên thế giới đã được phân bổ các địa điểm xung quanh hồ dài 23 dặm (37 km) để theo dõi mọi dấu hiệu của Nessie, trong khi những người khác sử dụng thuyền tìm kiếm trên mặt nước. Đáng chú ý, trong quá trình tìm kiếm, các tình nguyện viên đã phát hiện được một số âm thanh đặc biệt.
"Chúng tôi đã nghe thấy gì đó. Chúng tôi phát hiện 4 âm thanh 'tõm' đặc biệt, Alan McKenna, trường nhóm tìm kiếm, nói.
"Chúng tôi đều cảm thấy phấn khích, liền chạy đến để kiểm tra máy ghi âm đang hoạt động, nhưng hóa ra nó chưa được cắm điện". Theo nhóm nghiên cứu, không loại trừ đây là tiếng động được tạo ra bởi một đàn vịt trên hồ.
Tuy nhiên, chiến dịch tìm kiếm kéo dài 2 ngày đã kết thúc mà không thu được bất kỳ hình ảnh hay video có thể coi là bằng chứng về sự tồn tại của quái vật hồ Loch Ness.
Bản thân nhóm tìm kiếm cũng tuyên bố đã nhận được nhiều video và thông tin về dấu vết lạ từ những người theo dõi hình ảnh trực tiếp. Tuy nhiên, nhóm khẳng định sẽ cần thêm thời gian để xem xét dữ liệu nhằm tránh những suy luận "viển vông".
Loch Ness, nằm ở Cao nguyên Scotland, là hồ có thể tích lớn nhất Vương quốc Anh, dài 23 dặm (36 km) và có độ sâu tối đa 788 feet (240 mét). Truyền thuyết về một con quái vật dưới nước xuất hiện sớm nhất vào năm 565 sau Công nguyên, khi tu sĩ người Ireland Saint Columba viết một câu chuyện về sinh vật này tấn công một người đang bơi ở hồ.
Năm 1934, tờ Daily Mail của Anh đã đăng một bức ảnh được cho là chụp Quái vật hồ Loch Ness. ", cho thấy một sinh vật giống khủng long ở dưới nước. Một số người cho rằng, Nessie có thể là là một sinh vật hiếm hoi còn sót lại của loài plesiosaur, vốn đã tuyệt chủng cách đây 65 triệu năm.
Bức ảnh này sau đó được tiết lộ là một trò lừa bịp nhưng đã giúp phổ biến hình ảnh của sinh vật này trên toàn thế giới.
Vào năm 1987, một đội thuyền trang bị phao thủy âm đã được gửi tới hồ Loch Ness để quét những hình dạng kỳ lạ ở vùng nước bên dưới, như một phần của cuộc khảo sát có tên là Chiến dịch Quét sâu. Tuy nhiên, chiến dịch tìm kiếm này cũng không thu được kết quả.
Vào năm 2019, các nhà khoa học từ New Zealand cho biết, Quái vật hồ Loch Ness có thể là một con lươn khổng lồ, vì một lượng đáng kể AND của lươn đã được tìm thấy ở hồ nước này. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết cần phải điều tra thêm để chứng minh giả thuyết này.
Tham khảo BBC/Reuters
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?